Note, tháng Mười một 2020

Giấc mơ 1 tháng Mười một 2020

+ mơ lại kinh nghiệm ngồi xe to đi tham quan

+ còn mơ thấy nhà bà ngoại đi chơi đâu đó, tôi chạy đi đâu đó, hôm sau quay lại thì nghe tin bác trai bác gái nguy kịch vì bệnh gì ấy

1 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 2 tháng Mười một 2020

Mơ mình bị đánh hội đồng. Bọn trong lớp quyết xử tôi. Tôi phải tìm cách thoát.

2 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 3 tháng Mười một 2020

T ngồi trên thành bồn rửa bát, tôi thì ngủ gục trên bàn ăn. Lúc tôi dậy thì Tr. bảo là sắp đi xem tử vi, dặn tôi mang bóng tenis sang hàng bên cạnh đổi lấy một đồ dùng nào đó. Rồi Tr. ra gần cửa, mở cửa thì thấy bố. Tr. xấu hổ quá, chạy lên gác.

3 tháng Mười một 2020

 

Cần cân bằng

vì đầu óc tôi tư biện nên cần dùng các dữ liệu cụ thể, thực tiễn để cân bằng, nếu không thì chỉ chơi được với các mô hình trong óc

3 tháng Mười một 2020

 

Không hài lòng

Hôm qua tôi viết xong một bài trình bày con đường học tập của tôi [“Những đứt đoạn“], bắt đầu từ băn khoăn về cảm nhận thời gian của con người. Người bình thường đọc triết có thể hài lòng với kết quả của nó; có một số người không hài lòng, và hỏi: 1) tại sao đưa ra kết quả đó, 2) tại sao mình chấp nhận kết quả đó. Tôi là loại người thứ hai.

3 tháng Mười một 2020

 

Thực chất

Viết xong bài về Mao Trạch Đông [“Những đứt đoạn“], thấy nhẹ nhõm. Tr. xem bài [tarot] đúng lắm. Trước đây tôi gồng lên viết, nhưng dạo này viết nhẹ nhõm. Chủ yếu là cắt các chỗ thừa. Việc học đã đi tới thực chất.

3 tháng Mười một 2020

 

Lucien Goldmann (1)

[Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên giới thiệu và dịch, Xã hội học văn học, Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, khổ 16x24cm, 524 trang, 160.000 đồng, phòng mượn Thư viện Hà Nội (Hà Đông): PM.045925]

Đang đọc hăng say. Ông này [Lucien Goldmann] diễn giải Marx theo tâm lý học Piaget và xã hội học Durkheim. Bác bỏ cái căn bản của con người, từ đó tạo thành xã hội con người, là lao động. Mà cho rằng cái căn bản đó là tâm lý. “Ý thức tập thể” và “tập thể” của Durkheim bị xuyên tạc. Tập thể đó được hiểu là mạng lưới phức tạp các quan hệ cá nhân. Rõ ràng không phải khái niệm “xã hội” của Marx. Vì bác bỏ cái căn bản là lao động, nên ông ấy không đưa ra vấn đề giai cấp, thay vào đó là nhóm xã hội.

Có thể nói, Lucien Goldmann muốn kết hợp hệ thống của Marx với 1) tâm lý học Piaget và tâm phân học, 2) xã hội học Durkheim, 3) cấu trúc luận, từ đó đem vào nghiên cứu văn chương. Trông thì rất hổ lốn và loằng ngoằng, nhưng tách riêng ra thì mình có thể thấy những chỗ ông ta cho rằng các hệ thống kia giao nhau. Goldmann đặc trưng bọn Pháp: bị giằng co giữa hai cực là cá nhân và tập thể.

Tôi mới đọc tới text ông ấy nêu cách tiếp cận, chưa đọc text ông ấy giải thích tại sao tâm lý là căn bản của xã hội. Với Freud, tâm lý, cụ thể là vô thức, là căn bản của con người cá nhân và xã hội con người. Ông Claude Levi-Straus cũng cho vô thức là căn bản của con người, nhưng tôi thấy cái “vô thức” của CL-S nó không phải là tâm lý, mà là những điều kiện căn bản của tồn tại con người theo nghĩa chung nhất. Mở rộng, cũng như không thể nói “tâm thức” của Phan Ngọc là thuộc tâm lý, nói thế hoá ra Phan Ngọc là nhà tâm lý học xã hội. Từ ngữ rắc rối vậy.

Tại sao đặt vấn đề là “nhóm xã hội”, thay vì giai cấp. Tôi chưa đọc tới đoạn giải thích. Người giới thiệu tác phẩm của ông ấy cũng không trình bày, thay vào đó, trình bày cách áp dụng vào nghiên cứu văn chương. Đỗ Long Vân cuối 1950s đã đọc Lucien Goldmann, nói rằng hoà giải giữa cấu trúc luận và marxism còn mù hờ, không cụ thể.

4 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ sáng 4 tháng Mười một 2020

+ bà ngoại và ông tổng thống Mỹ, Trump tới nhà tôi dạy học

+ một đứa tù, cho thi đh, còn ăn gian

+ mơ thấy D. lúc còn yêu nhau, D. nói: đừng để chuyện trong mơ làm cho tin tưởng quá, nếu chưa đủ mạnh mẽ

4 tháng Mười một 2020

 

Thầy – trò

“When the student is ready the teacher will appear. When the student is truly ready the teacher will Disappear.” – Lao Tzu (Lão Tử)

4 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ chiều 4 tháng Mười một 2020

Buồn ngủ quá. Tôi mơ đứng ở nhà gửi xe của trường cũ, vào buổi đêm, nói chuyện với một người không quen ngoài đời, nhưng trong mơ thấy quen lắm. Đêm nhưng trời vẫn sáng. Tôi hỏi, người ta trả lời. Câu hỏi và trả lời cụ tôi đã quên. Rồi tôi dắt xe ra. Người kia bảo bao giờ tiếp tục được. Tôi đắt xe mắt nhắm mắt mở, nói là trong lúc ngủ nhé. Một câu trong hội thoại là về cá nhân luận của Freud, quan hệ giữa tôi và người khác theo Freud.

4 tháng Mười một 2020

 

Hiểu sai thầy

Bây giờ tôi mới nghĩ ra. Tôi không hiểu đúng Phan Huy Đường vì tránh diễn giải ông ấy theo Sartre. Mà PHĐ là đệ tử của Sartre. Tôi chỉ công nhận ảnh hưởng của Marx đối với PHĐ thôi, không công nhận ảnh hưởng của Sartre. PHĐ thức nhận, tôi nghĩ phần nhiều không phải nhờ tấm gương của Marx, mà do đi tới cùng “cá nhân” của Sartre: không dừng lại ở lưng chừng, không lấy nó làm lý do biện minh, mà dám sống với nó và đặt lại vấn đề. Nhưng dù sao, vẫn không thoát được “cá nhân” của Sartre.

Còn tôi thức nhận là nhờ Marx và Phan Ngọc. Phan Huy Đường chỉ cho tôi 1) quá trình đó cụ thể là như nào, 2) con người cụ thể đã vật lộn với quá trình như nào, 3) cho tôi điểm xuất phát. Phan Huy Đường là humanist marxist.

Lúc nào cũng có định kiến. Vấn đề nà biết mình định kiến. Nếu không định kiến, làm sao kiên quyết như vậy, làm sao tìm thấy Phan Ngọc và Phan Huy Đường.

Con đường của PHĐ không hề dễ dàng.

Tôi cũng độc đoán, nhưng chỉ ở trong đầu óc, còn trong thực tế thì không được thế. Tôi là một Maoist một cách không ý thức.

4 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 5 tháng Một 2020

Tôi mơ quá. Tôi mơ làm bài thi vào đại học, bị làm sai nên phải làm một mình một đề. Tôi còn mơ mình biết biến hình thành khủng long, bị dụ phục vụ nhà trường.

5 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 6 tháng Mười một 2020

+ Tôi mơ quá. Tôi mơ là ở Sài Gòn, lớp gì đó diễn ra ở đại giảng đường to lắm, trang trí đẹp. Bác Nguyễn Xuân Nghĩa từ Mỹ và ba người nữa về dạy. Có mấy người đến học. Sau đó bác Nguyễn Xuân Nghĩa ăn mặc như giáo hoàng, ngồi ghế trưởng thượng. Người hành lễ đi đôi giày gỗ cao. Sau đó là nghi lễ dìm đôi giày gỗ xuống để chân mình đau. Người nào càng trẻ thì càng phải nhấn mạnh. Ý nghĩa của nghi lễ là để hiểu bố mẹ mình sẽ sớm lìa trần, mình thì ở lại.

+ Một giấc miấc mơ nữa: dìu bố sải say rượu về chỗ mẹ, mẹ bán thêm văn phòng phẩm (cửa hàng to lắm, chính là nhà sách Tiền Phong ở Đại học Thuỷ Lợi ngoài đời thực)

6 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 7 tháng Mười một 2020

+ Tôi mơ là nhà bà ngoại đi hai xe. Một xe anh Mòm lái thì trục trặc. Một ông bên ngoài đánh bài, nên bị giữ lại. Rồi anh mơ một giấc khác, tôi mặc áo mưa, đi đến gần nhà bà ngoại, thấy bà ngoại đang đứng đợi cùng một người nữa. Bà giới thiệu đây là cháu gái Đào Duy Anh.  Tôi hỏi chuyện, hoá ra là cháu gái Văn Cao nên không hào hứng lắm.

7 tháng Mười một 2020

 

Đi coi sách cũ

Gần nhà tôi có hội sách cũ ở dưới sân toà nhà to to Lê Trọng Tấn. Nên tôi đi coi sách.

Không mua được gì vì không deal được giá. Quyển Propp tập 1 người ta đòi 150.000 đồng, tôi bảo chỉ mua được dưới 100.000 đồng thôi vì mình biết hết nội dung rồi. Cuối cùng người bán bảo 120k, lấy không. Tôi bảo không, như vậy là không mua bán được. Một quyển trong toàn tập của Lenin thì không đủ 1 cân, người ta cũng bán.

Tôi còn tìm được hai text của Phan Ngọc 1) về NXB Văn học [Phan Ngọc, “Một Nhà xuất bản nhân hậu”, in trong: nhiều tác giả (Hoàng Xuân, Đỗ Quyền. Lưu Nguyễn, Phạm Hồng Toàn biên soạn), 50 năm nhà xuất bản Văn học, Hà Nội: NXB Văn học, 1998, khổ 14×20.5cm, quên không viết số trang, 100.000 đồng, trang 176 – 179] 2) về Nhật ký trong tù [Phan Ngọc, “Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký“, in trong: Nhiều tác giả (Nguyễn Huệ Chi chủ biên), Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù & Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn), Hà Nội: Viện Văn học & NXB Giáo dục, 1995 (in lần ba), khổ 14.5×20.5cm, 664 trang, 22.500 đồng, trang 621 – 634]. Hai text ni không hiếm, chỉ là tôi chưa tìm đọc. Hoá ra Phan Ngọc còn là editor. Gần như mọi bản dịch tiếng Hán và tiếng Châu Âu của nxb Văn học một thời, Phan Ngọc đều xem, cố sửa tất cả, không từ chối bản thảo nào. Chính công việc chữa văn này góp phần tạo ra công trình chưa xuất bản của Phan Ngọc về mẹo dịch. Phan Ngọc đúng là ăn ngủ với sách vở.

7 tháng Mười một 2020

 

Sherlock Holmes

công việc của Sherlock Holmes giống công việc của nhà nghiên cứu.

7 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 8 tháng Mười một 2020

Mơ kinh lắm. Tôi mơ gì đó đến kẻ muốn ám sát nhà tôi, rồi khi mà phát hiện ra, là bà lớn. Rồi một giấc mơ nữa ở nhà cũ nhà bà ngoại. Mơ gì đó quên rồi. Nhưng quay như chong chóng. Tôi nhớ, qua phòng anh Mòm chị Bông cũ ở tầng ba, thấy ai như ông ngoại đang nằm. Lên phòng chị Ngân trên tầng bốn, có mỗi bà ngoại nằm buồn. Tôi để laptop ở trong phòng ấy.

8 tháng Mười một 2020

 

Hướng đi

Giờ tôi đã ý thức được hướng đi của mình: tư duy theo cá nhân luận phổ quát Pháp để tìm cái bất biến phổ quát, sau đó tìm cách trở về nhân cách luận Việt Nam. “Nhân cách luận Việt Nam” là vì lòng tin vào kết quả của Phan Ngọc (ăn bám thầy => không thể làm vậy).

11 tháng Mười một 2020

 

Tư duy hoang dã

Đọc Claude Levi-Strauss giải thích (Myth & Meaning), thấy như là đọc Đỗ Long Vân. Các ý tưởng mình có thể nắm bắt được nhưng cách tiến hành cụ thể thì chưa.

Có đoạn CL-S nhắc tới Descartes. Nguyên tắc của Descartes: 1) chỉ xử lý những gì chắc chắn 2) một bài toán khó bằng nhiều bài toán nhỏ, nó đối lập với nguyên tắc của tư duy hoang dã: xử lý toàn thể tuyệt đối. Rồi ông CL-S nói: loại tư duy hoang dã đã thất bại. Bây giờ, tư duy kiểu Descartes của chúng ta cũng đang gặp vấn đề nên con người cần tìm lại kiểu tư duy toàn thể trước đây.

Bài học của chúng ta là hiểu được ảo tưởng rằng mình hiểu vũ trụ (có thể hiểu là cái tuyệt đối) và thực tế hiểu biết của mình. Tóm lại là hiểu được ảo tưởng của con người. Lại một nhà bất tri khả luận?

Dù ông ấy vững tin khoa học càng phát triển thì các tầng thực tại càng được đào sâu, nhất là giờ đã có cơ sở vững vàng của môn nghiên cứu thần thoại, con người có thể tìm lại loại tư duy toàn thể tuyệt đối trước đây. Ví dụ, kính hiển vi giúp con người thấy một thực tại khác. Phân tâm học cũng đưa cho ta một thực tại khác. “Thực tại”, hiểu nôm na giống “hiện tượng” của Kant, nó xuất hiện cho tinh thần của con người. Nhưng thực tại ấy có nhiều tầng (levels). Nhưng tôi chưa đọc ông CL-S nói cụ thể các tầng là như nào, nhận biết một tầng level như thế nào.

Ông CL-S giả định tồn tại một cấu trúc cơ bản ở tầng sâu nhất, nó quyết định phần lớn thực tại. Nhưng thực tế, ta đã tiến tới tầng sâu nhất chưa? trong khả năng của mình, ta mới chỉ tiến tới tầng sâu nhất như mình nghĩ, nhưng thế đã đủ đưa ra kết luận? giống chính trị, dữ liệu có hạn, phân tích tình hình thực tế để hành động thì ta dám hành động không?

Đọc CL-S, tôi nại nghĩ đến những nhà văn và cách diễn đạt của anh ta. Tôi, chẳng hạn muốn ở trong thực tại của Descartes, mọi thứ phải rõ ràng và phân minh. Thực tại tôi muốn theo, noi gương Descartes là thế giới toán học hoá, trừu tượng như thế giới của khoa học thế kỷ XVIII. Nhưng nhà văn có thể ở một thực tại khác, giống người hoang dã: nắm bắt logic của quá trình vận động bằng kinh nghiệm cụ thể? Hoặc cách diễn đạt thứ hai, liên quan đến so sánh và ẩn dụ.

Vậy CL-S theo sau triết học Đức (Kant, Hegel, Marx) tìm lại cái tư duy hoang dã. Loại tư duy giống của Hegel, vươn tới cái tuyệt đối, chẳng phải loại tư duy của người hoang dã? Nhân loại học đã chứng minh được tại sao những tư duy tư biện đó lại xuất hiện.

11 tháng Mười một 2020

 

Trong lúc tắc đường

[hôm thông xe cầu vượt trên cao Ngã Tư Sở – Minh Khai] Khói bụi đông đúc lắm. Hôm nay báo chí về chỗ mẹ để phỏng vấn. Ngã Tư Sở bây giờ bụi ơi là bụi. Mẹ ngồi trong nhà mà còn phải đeo khẩu trang. Đúng là Marx nói đúng: xã hội con người sẽ luôn tạo ra những khả năng để có thể tự phá huỷ chính nó.

Rồi nghĩ về các doanh nghiệp cổ phần nữa. Bây giờ cổ đông hùn tiền nhiều nhất trong một đại doanh nghiệp xuyên quốc gia chỉ góp khoảng 1%, còn lại là vô số tư bản sở hữu vô danh. Hoạt động của những công ty ấy tạo ra ấn tượng là chính hệ thống tự vận hành mà không cần có con người. Từ đó sinh ra những con người trôi dạt, không thể tự định đoạt cuộc sống của mình, những con người như các nhân vật của Modiano chẳng hạn. Các xã hội của loài người sẽ đ đi về đâu?

Rồi tôi nghĩ về những công chức trong nhà nước và trong các tập đoàn lớn; họ ra sức đóng góp vào hệ thống nhưng thân phận (fate) của họ và của gia đình họ chưa chắc được đảm bảo. Nó rất giống những công chức Nga thế kỷ XIX (đọc Dostoievski).

Rồi lúc tắc đường lại nghĩ miên man đến các bài báo cũ của Hoàng Hối Hận. Luận điểm nhất quán đừng sau những bài báo đó là: xã hội có những vấn đề, cần chỉ ra rạch ròi và liên kết chúng với những chính sách của nhà nước, sau đó đề nghị lên nhà nước thay đổi hoặc điều chỉnh chính sách sao cho thuận lợi; việc cuối cùng cần làm là tin vào nhà nước và chờ đợi. Việt Nam bây giờ giống đế quốc Phổ thời Hegel lắm: nhà nước là quyền lực tối cao, có chân rết ở mọi nơi. Nhưng tôi chưa hiểu chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước (một xu thế sau thế chiến thứ 2, do các kinh tế gia thuộc trường phái Keynes chủ trương) là như nào. Nhưng chắc cũng có liên quan.

Nhưng người Việt khác người Đức: họ không có những khao khát khẳng định sự tư do của bản thân trong suy nghĩ và hành động, cũng như chưa khao khát thay đổi căn bản xã hội.

Rồi tôi nghĩ là: chà chà, mình giống ông anh của Sherlock Holmes quá, suy luận độc đáo và sắc sảo, nhưng lại không đi đến cùng với phần lớn suy luận đó (kiểm tra nó bằng thực tế chẳng hạn), nên mới chỉ là suy luận suông thôi. Học được cách nàm việc khoa học của Sherlock Holmes thì tôi xịn lắm. Còn không thì chỉ là anh chàng giỏi tư biện, không giúp được mình, chưa nói tới, không góp phần thay đổi thế giới như Lenin.

11 tháng Mười một 2020

 

Thoát khỏi tư biện

Học nốt quyển Myth and meaning của CL-S. Huyền thoại và (ý) nghĩa. Ông CL-S chỉ nói qua tại sao ông ấy chuyển sang nghiên cứu huyền thoại. Còn ông ấy nghiên cứu hệ thống thân tộc là do tình cờ tới Brazil lúc muốn thoát khỏi triết học, tình cờ thấy mô hình tổ chức xã hội của người mọi liên quan đến cái bất biến phổ quát của toàn thể loài người. Nhưng lúc đó, trực giác của ông ấy chưa được đảm bảo. Nên ông ta ghi chép rồi để đấy. Về lại Pháp, năm 1940 thì tị nạn sang Mỹ. Ông ấy kể trên đường sang Mỹ, sợ nhất đống ghi chép về xã hội người mọi bị tịch thu.

Trực giác của ông ấy có ba điểm: 1) thực tại có nhiều tầng, càng đi sâu xuống thì niệm năng của con người càng mở rộng, 2) thao tác làm việc để xét cái toàn thể , 3) đơn vị nhỏ nhất (nó tương đương với âm vị trong ngôn ngữ học và các chức năng trong mô hình cổ tích của Propp). Lúc nghiên cứu huyền thoại, Levi-Strauss tạo ra một từ là mytheme, dịch là “thoại vị”, đơn vị nhỏ nhất trong huyền thoại.

Ông CL-S nói rằng ông ấy chẳng chủ trương lập nên một hệ thống triết học. Nhưng tại sao Claude Levi-Strauss lại là một triết gia, cũng như tại sao Marx lại là một triết gia? Chỗ này tôi chưa hiểu. Bởi vì triết học tư biện như truyền thống Châu Âu đã kết thúc từ Hegel. Mà tôi chỉ quen thuộc triết học tư biện. Nghiên cứu Marx và Levi-Strauss là cách để thoát khỏi niềm say mê tư biện. Tôi suy mê tư biện tới nỗi vứt bỏ các fact khách quan: hoạt động khoa học chỉ là phụ, cái chính là xây dựng suy luận nhất quán của mình, nhưng suy luận đó không có giá trị khoa học. Nó lơ lửng, vừa không thực tiễn vừa không phải lí tưởng. Nghiên cứu kinh điển là thế mạnh, nhưng cũng vì lơ lửng nên không biết làm gì sau khi nghiên cứu kinh điển.

11 tháng Mười một 2020

 

Sinh nhật bác Nguyễn Xuân Nghĩa

[“Giải Ảo Thời Sự 201110: Phần 2 – Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ và Bầu cử Tổng thống Mỹ“, 45:26 phút]

Tôi mới biết ngày sinh bác Nguyễn Xuân Nghĩa. Quán đản lắm: 11 tháng Mười một 1945. Thầy tử vi ở miền Nam bảo số của ông Nguyễn Xuân Nghĩa đặc biệt lắm: rất nổi tiếng nhưng chỉ sống tới năm 41 tuổi thôi, không chết sớm thì phải dị dạng. Nhưng không hiểu sao ông ấy sống thọ. Có thể là tích đức cho đời: tham gia làm báo, làm chính trị ở miền Nam để giúp đời. Sang nước ngoài thì cũng làm báo, mấy năm nay đi làm chuyện bao đồng là giải ảo thời sự trên youtube.

11 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ trưa 15 tháng Mười một 2020

Buổi trưa mơ phiêu lưu kinh lắm. Ở ban công nhà cũ, có một cái lỗ thông xuống một khoảng rất rộng, ở đó có một con tàu lớn và một người đàn ông bị nhốt trong đó. Tôi nắm dây đi xuống, nhìn thấy, rồi được kéo lên.

15 tháng Mười một 2020

 

Tứ trấn

[Nguyễn Doãn Minh (Trần Lâm Biền, Ngô Đức Thịnh & Phạm Quỳnh Phương viết bìa 4), Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội, Hà Nội: Tri thức trẻ books & NXB Khoa học Xã hội, 2020, khổ 16x24cm, 396 trang, bìa cứng, 350.000 đồng]

Đang đọc lướt quyển Tứ trấn. Một mảnh bắn ra từ Thần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường. Giới nghiên cứu Việt Nam khoảng chục năm nay có mốt nghiên cứu sự tạo dựng của abc, xyz, đặc biệt là nghiên cứu văn hoá. Các nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng đều trích dẫn và đi theo con đường của Tạ Chí Đại Trường: 1) trình bày các văn bản đề cập tới địa điểm tôn giáo này, ông thần kia 2) so sánh các văn bản đó. Công việc thứ ba là diễn giải từ so sánh trên, nó tuỳ khả năng diễn giải của nhà nghiên cứu. Tạ Chí Đại Trường, anh cho rằng chủ yếu diễn giải từ trực giác chứ không dùng lí thuyết (xem tài liệu nghiên cứu rõ mà). Cách diễn giải của Tạ Chí Đại Trường không thể bắt chước là làm được. Trần Trọng Dương là môn đệ của Tạ Chí Đại Trường chẳng hạn.

Quyển Tứ trấn tôi đọc lướt thì làm tốt hai công vệc của Tạ Chí, nên giá trị của nó là lần đầu tiên trình bày tất cả tư liệu về tứ trấn (có thể vì vậy ba nhà nghiên cứu chỉ khen chung chung ở bìa 4). Anh tác giả so sánh nghiên cứu giống hoạt động sản xuất, quyển sách này làm công đoạn gia công các nguyên liệu thô để người khác lắp ráp. Hệ thống tài liệu.

15 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 16 tháng Mười một 2020

mua một cái áo bóng đá hết 350.000 đồng, đắt quá

16 tháng Mười một 2020

 

Gặp vấn đề

tôi gặp vấn đề trong tư duy: chưa trình bày rõ ràng những gì mình nghĩ, chưa hiểu hết tư duy của mình

17 tháng Mười một 2020

 

Lơ lửng

Tôi cũng cảm thấy mình lơ lửng, rất sợ, nhất là tháng Ba năm nay, viết rõ ràng rằng mình sợ sống. Nhưng rồi tôi cũng vững vàng hơn để lựa chọn. Học triết chẳng hạn: thế giới mấy ngàn năm chỉ có vài triết gia thôi, rất hiếm. mình học triết thì làm gì? Rồi tôi cũng hiểu con đường của mình: tôi học tập thực chất là vì nhu cầu 1) biết về bản thân 2) nhất quán tư duy của mình, 3) cố gắng sống với cái nhất quán đó. Đọc Tư bản của Marx, lúc đó bạn sẽ hiểu tình cảnh của mình nó thê thảm như nào. Marx chính là gạch nối giữa sinh hoạt đời thường và con đường học tập của tôi. Trước lúc đọc Marx, tôi cũng chẳng biết làm gì, chẳng biết học để làm gì, dù thầy giáo tôi  hy vọng nhiều. Hiện tại tôi chưa vững vàng, vả lại tôi cũng không tự bơi được. Nếu sống một mình, chắc bây giờ tôi vẫn chửi rủa và bất mãn như hai năm trước.

17 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 20 tháng Mười một 2020

uống được 207 chén rượu ở quê Tr.

20 tháng Mười một 2020

 

Đỉnh

[Trần Đương, “Giáo sư Đặng Thai Mai với nền văn học Đức”, Hà Nội: Văn nghệ số 22 (1794), 28 tháng Năm 1994, trang 5]

“Có lần Cụ [Đặng Thai Mai] nói: “Anh Trương Chính có một nhận xét rất đúng về tôi là chỉ nhìn những đỉnh cao. Thật vậy. Tôi không có thời giờ đọc nhiều như Hoài Thanh và các anh khác””.

22 tháng Mười một 2020

 

Siêu nghiệm

Tôi cảm nhận tình trạng trôi dạt từ hồi học đại học. Từ lúc được gợi ý, tôi quan sát bản thân trong quá khứ để miêu tả và giải thích rõ hơn cảm nhận trôi dạt ấy. Nhưng tôi không dừng lại ở toàn thể quá khứ của mình, mà đặt vấn đề: biểu hiện của cá nhân có thể mang ý nghĩa phổ quát. Không đặt vấn đề quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, mà đặt quan hệ cá nhân – siêu nghiệm (mang tính phổ quát, toàn nhân loại) như Kant. Nên tôi kém trong những biểu hiện cá biệt nếu chỉ xét nó trong thế cô lập. Có thể cách đặt vấn đề xuất phát và dừng lại ở cá nhân cụ thể, và không vươn lên cái siêu nghiệm, mới là phổ biến ngày hôm nay. Còn cách đặt vấn đề của tôi là thiểu số.

28 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 29 tháng Mười một 2020

mơ vườn có tượng các chú lùn

29 tháng Mười một 2020

 

Giấc mơ 30 tháng Mười một 2020

Mơ đi chơi với Nghé ở một quán pes mở xuyên đêm trên phố cổ. Cửa quán ấy đóng kín, phải gọi mới mở. Mưa tầm tã.

Rồi tôi lại mơ đi xe máy bên cạnh thằng Hoàng, bảo là đi thế này chán quá, hay ra khu nghĩa trang chơi đi. Hai đứa định đi ăn lòng mà thôi, đắt quá.

Lại mơ Tr. có cây to lắm, trùm kín cả vườn.

Lại mơ thầy viết thư cho tôi, xưng hô tôi – ông: tôi vất vả lắm, ông cũng phải viết đều lên.

30 tháng Mười một 2020

 

Cuộc đời cũ (2011 – 2017)

Ghi chép (tháng Một 2018 – tháng Hai 2020)

Những mẩu (tháng Tám – tháng Chín 2018)

Các giấc mơ (tháng Mười một 2018 – tháng Hai 2020)

Ghi chép lúc đọc (tháng Mười 2018 – tháng Tám 2019)

Ở trạm (tháng Chín 2019)

Những cuốn sổ (tháng Tư – tháng Mười 2019)

Những cuốn sổ, tiếp tục (tháng Sáu – tháng Mười một 2019)

Note, cuối năm 2019 (tháng Mười một – tháng Mười hai 2019)

Sợ sống (ghi chép, tháng Ba – tháng Tư 2020)

Note (tháng Tư – tháng Sáu 2020)

Note, tháng Sáu 2020

Mơ (tháng Hai – tháng Bảy 2020)

Note, tháng Bảy 2020

Note, tháng Tám 2020

Note, tháng Chín 2020

Note, tháng Mười 2020

Bình luận về bài viết này