Note, tháng Mười 2020

Khách quan

Mở đầu tháng Mười bằng Cách ngôn của Marc Aurelere. Đọc nó, như đọc Đạo đức kinh của Lão Tử: một thái độ khách quan. Nghĩ quá nhiều về cái chết.

1 tháng Mười 2020

 

Không vượt qua

Marx vượt qua Hegel? Tôi không tin. Phép biện chứng không thể vượt qua, vì bản thân nó đã là vượt qua rồi. Marx đặt lại phối cảnh cho phép biện chứng, chứ không vượt qua.

1 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 1 tháng Mười 2020

Giấc ngủ trưa. Không mơ được thành một giấc mà thành từng đoạn. Mơ về nhà tắm ở nhà cũ chỗ 117 Trường Chinh. Nó là một phòng được đặt rời hai khối nhà chính. Bên tay trái là nhà vệ sinh chung cho cả khu. Hồi xưa tôi hay mơ có lối thông giữa các khu với chỗ ấy, người ta đi đi lại lại. Ở tầng trên của nhà vệ sinh là khu phơi quần áo. Trở lại với giấc mơ, tôi đi ra khỏi một buổi ăn uống nhà bà ngoại, mở cửa nhà vệ sinh thì hoá ra phòng ông bà ngoại, có bố ở đó.

1 tháng Mười 2020

 

Mọi lúc

lúc nào chẳng mâu thuẫn, nhưng dù mình chọn hướng mạo hiểm hay hướng an toàn thì lúc nào mình cũng mâu thuẫn

1 tháng Mười 2020

 

Xấu xí

“Kháng cự”, “khước từ”: hai từ xấu xỉ bị bọn ranh làm nhục. Không dùng được nữa.

2 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 3 tháng Mười 2020

Mấy giờ đêm ở một căn phòng, cô Quỳnh Hương Lê Đỗ tới giảng về nhân số học. Có một bạn nữa giám sát. Buổi học này không thu phí. Tôi nói rằng môn này làm tôi mở mắt. Cô ấy gợi ý học thêm một môn kỹ năng gì đó, tôi từ chối. Sau đó tiễn cô ra về. Cô bảo chăm con nên giờ mới rảnh rang để đi dạy học.

3 tháng Mười 2020

 

Con đường của tôi

Tôi bắt đầu ở một mình từ 3 năm trước. Tôi cũng buồn lắm, nhưng giờ đỡ hơn nhiều, nó là tiền đề để tôi học, nhưng không phải như học ở trường. Tôi bắt đầu miêu tả trực giác và cảm nhận của mình, phải sáng sủa và phân minh, đặt ra những vấn đề, những câu hỏi, sau đó cố trả lời tại sao. Tôi vốn không phải người quen xã giao, từ lúc đó thôi hẳn tụ tập (facebook chẳng hạn) để tìm hiểu chu đáo hơn. Con người là câu đố khó giải, bản thân mình chẳng hạn. Lý tính chỉ dành để trình bày. Cho nên tôi rất mê Marx: vì đó là người đầu tiên đề xuất một logic để xét con người trong toàn thể. Một trực giác thì đúng hơn. Nhưng con đường của tôi cô đơn, nhàm chán, dễ nản lòng, cần nhiều kiên nhẫn, chịu đựng.

3 tháng Mười 2020

 

Một giấc mơ

nhớ lại một giấc mơ nghe thấy giọng Phan Ngọc: không phải giọng Nghệ An mà là giọng bình thường, hơi trầm

4 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 4 tháng Mười 2020

Đoạn cuối tôi mơ ghê lắm: tôi và ba người nữa đi chơi truy đuổi, thật ra là truy đuổi thật (bị đuổi bắt bao lâu, tôi còn kém khoản chọn không gian trốn, toàn chui vào những khoảng không hẹp, ít lối ra), sau thành bị biến thành trò chơi, về nhà cũ muộn, ít phút nữa là nửa đêm, thì da tay tôi nổi các mụn bọc to dần, gớm lắm. Sau đó nó xìu xìu đi, được thu trở lại da tay như cũ, i như da tay bị tróc ra í. Nói chung là gớm lắm.

4 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 5 tháng Mười 2020

mơ là Tr. vui vui đèo tôi xuống ThanhTrì, có đường rừng mưa và một giáo xứ to; nhà thờ thì màu vàng mật ong, kết liền các toà nhà thành một khối

5 tháng Mười 2020

 

Thi cao học

Tôi làm được. Tôi luôn run lúc đi thi. Câu hỏi về Khổng Tử và Feuerbach. Tôi chưa đọc Luận ngữ và quyển sách của ông thứ hai, nhưng đọc bình luận, nên khi viết thì nói rõ tài liệu mình dùng, rằng đây không phải suy nghĩ tự lập của mình.

5 tháng Mười 2020

 

Không phủ nhận

Tôi giống Nguyễn Hữu Liêm, ít nhất là tôi bây giờ: văn thơ tào lao, và dân tộc chuộng văn thơ tức là chưa trưởng thành. Tôi không phủ nhận văn thơ, nhưng để nó là độc tôn thì không được. Người viết ai cũng nghĩ viết văn, viết thơ vô căn cứ, tào lao, thổi phồng, vu khoát. Nhưng không phải như vậy. Tôi luôn trực giác về một phổ quát duy nhất (không thể khác được khi sống trong thời CNTB toàn cầu hoá, khi nước nhỏ muốn hoà vào nhịp của kinh tế toàn cầu hoá kiểu Keynes; tôi là trí thức tiểu tư sản, đọc sách Marx và Engels nhưng chưa làm sao gột được suy nghĩ lý tưởng luận siêu hình), và có một đối tượng duy nhất cho mọi môn học, cho nên hiểu biết của con người là những bản dịch từ một nguyên bản duy nhất (Đỗ Long Vân cũng trực giác điều này, ông tiến xa hơn: đối tượng duy nhất là quan hệ giữa ý hướng của ý thức – cấu trúc của thực thể). Truyện Kiều tồn tại, nhưng cần tồn tại cùng với nó những khảo luận về Kiều. Không có Phan Ngọc, làm sao người ta hiểu Truyện Kiều chu đáo.

Phan Ngọc chuyển từ hình thức đối thoại của Luận ngữ, thành hình thức hệ thống của triết học Châu Âu. Phan Ngọc và Phan Huy Đường dạy tôi. Muốn thế, phải học cách suy luận của một con người, không thể chỉ chăm chăm đọc các câu rời rạc.

Bài điểm sách về Thái Phỉ của tôi sẽ được đọc nhiều và lâu. Tại sao? Vì tôi là người đầu tiên chuyển suy nghĩ của Thái Phỉ thành hệ thống theo triết học phương Tây, đồng thời định khái niệm cho một từ (mới chỉ là một từ) của ông, “nguyên tắc”. Chuyện hệ thống hoá ấy chẳng mới. Nhưng làm với một dân tộc không có truyền thống ấy không phải đương nhiên. Chuyển thơ văn thành hệ thống, Phan Ngọc đã làm rồi (Nguyễn Du, Nguyễn Trãi). Chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

5 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 6 tháng Mười 2020

Lại mơ về ông ngoại. Ở bàn ăn nhà cũ nhà ngoại, ông với tôi nói chuyện gì đó, rồi ông hứng lên nói văn vẻ. Tôi thuật nội dung thôi. Bây giờ còn sức để quan tâm, thế là tốt, chẳng biết sau thế nào. Người ta cứ hỏi tại sao người thành phố hay “mua tay” (tiền mặt trực tiếp) thế? Nói tới đây bác Hồng ngồi vào bàn ăn, ông cũng bỏ lửng câu, vì nó không cần trả lời. Bác Hồng bảo khoảng năm giờ, đèo bác sang chỗ này nha.

6 tháng Mười 2020

 

Thấp kém

Tôi chán nản, giận mình, nghĩ là mình sống cùng toàn bọn ngu, đầu óc thấp kém và hám danh. Sự sung sướng vì giỏi ở đám đó, nó thật hèn hạ và thấp kém.

6 tháng Mười 2020

 

Hai kiểu yêu

Có hai kiểu yêu. Một là yêu một người trong một thời điểm của cuộc đời, vì người đó phù hợp với ta trong một thời điểm cụ thể. Hai là yêu quá trình làm người của họ, ta và họ yêu nhau trong quá trình làm người của nhau. Kiểu yêu đầu tiên mâu thuẫn. 1) vừa bất định, 2) vừa không cảm nhận được quá trình vận động ấy, luôn nghĩ và sống trong sự bất động. Người thuộc kiểu đầu tiên là người lý tưởng luận siêu hình.

6 tháng Mười 2020

 

Buổi trưa

buổi trưa là lúc chán nhất, có một khoảng thời gian rảnh nhỏ, chẳng đủ làm việc gì trọn vẹn, nên người ta vật vờ buổi trưa lắm

6 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 7 tháng Mười 2020

Giấc mơ 1: Đi bơi xong, vào phòng thay đồ nhưng chật kín, chọn chỗ kín đáo ở ngoài để thay nhưng lần nào cũng có người trông thấy. Lần cuối, thay đồ ở trong một chỗ để đồ cũ, đối diện bể bơi. Vừa cởi quần tắm ra đã không thấy quần áo cần thay đâu. Có người đến cười và giúp, bảo nó phải ở đây. Tôi than: nhưng đây là mơ, nó có thể ở bất cứ đâu hoặc biến mất.

Giấc mơ 2: mơ một cái quạt máy được cải tiến, trở thành xe chở người được, rồi tôi chở Lì (em trai) với bà ngoại đi.

Giấc mơ 3: mơ lại phòng cũ của ông bà ngoại, bà Vân (bạn ông ngoại) hỏi thăm ông, tôi đáp là từ lúc ông khỏi bệnh thần kỳ, ông bà ngoại hay đưa nhau đi chơi.

Giấc mơ 4: vào một ngôi đền chùa gì đó, chơi điện tử đá bóng giữa người và nhân vật truyện tranh.

Giấc mơ 5: mơ chơi trò gì đó phải cược mạng.

7 tháng Mười 2020

 

Xấu tính

Hôm nay cùng thủ thư tìm quyển Hiện tượng Sơn Tùng, lục mãi không ra. Tôi bảo, không sao, có thể ai đó để sách lung tung, thiếu điều tôi lại kể mình từng chơi xấu như vậy hồi ở thư viện Đại học Văn hoá. Tôi xấu tính, không muốn ai đọc quyền Phan Ngọc dịch bốn nhà nhân loại học Pháp (Durkheim, Mauss, CL-S, ), cũng là quyển đầu tiên của Phan Ngọc mà tôi đọc (một khám phá của riêng tôi), trả thù không ít lần tôi mò không ra một quyển sách mà lẽ ra nó phải ở đó. Không biết đã ai tìm được nó và trả lại đúng vị trí?

7 tháng Mười 2020

 

Nguyễn Hữu Liêm (1)

[Nguyễn Hữu Liêm, “Tự Do & Ðạo Lý: Hegel, Marx, Trần Ðức Thảo và Lịch Sử Việt Nam“]

Nguyễn Hữu Liêm đọc Marx bằng Hegel, đúng hơn là đối chiếu Marx với chuẩn mực Hegel. Ở đó không có con người. Mà không xuất phát từ con người thì chưa phê phán (khái niệm của Marx và Engels) đúng Marx và Engels. Vẫn chỉ là đánh đổ bên ngoài, chứ chưa đi vào hệ thống để đánh đổ nó. Muốn phê phán hai ông, bắt buộc phải tìm ra định nghĩa ngầm của cả hai về “con người”. Bằng không, vẫn cứ loay hoay ở bên ngoài.

7 tháng Mười 2020

 

Không đọc hộ

Tôi không đọc hộ ai: đôi lúc tóm tắt sách, còn lại thì bình luận trực tiếp. Cho nên đọc tôi dễ tẩu hỏa nhập ma.

7 tháng Mười 2020

 

Sử gia & thời gian

Tôi chưa giải thích được trực giác của mình, nhưng miêu tả được nó như sau.

Con người chỉ nắm được hiện tại, tất nhiên, mọi triết gia đều đồng ý với điều này; nhưng sử gia dùng hiện tại để tập trung hồi tưởng hoặc nghĩ về quá khứ, trong mọi lúc. Họ cảm nhận được bản thân thuộc một lịch sử liên tục; điều này đặc biệt quan trọng, hầu hết con người chỉ nắm được những đứt đoạn thời gian – không gian. Để quá khứ của mình trở nên xa lạ, như không phải là mình, là một dấu hiệu của việc chưa cảm nhận được quá trình. Thời gian là đối tượng cho suy nghĩ của tôi từ hồi lớp một, một hai năm nay học thêm thì miêu tả được trực giác của mình. Hoặc giả sử gia không nhất thiết nắm được quá trình liên tục (quả thật, rất ít người làm được, bởi vì khả năng của con người chưa nắm được quá trình, mà mới chỉ nắm được đứt đoạn), mà có thể cảm nhận thời gian chu kỳ. Một ví dụ phổ biến của thời gian chu kỳ là quá trình khởi xuất – hưng thịnh – suy tàn của một triều đại. Tư Mã Thiên và Plutarch là hai người nổi bật nhất ở cảm nhận này. Tư liệu, bằng chứng là những cái đến sau; cái đầu tiên và quan trọng phải là cảm nhận của một con người.

7 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 8 tháng Mười 2020

ngày cuối tuần, chở Tr. bằng xe đạp đi chơi; đến đoạn lên dốc, tôi kẹt; thế là Tr. than: đi xe đạp thích, nhưng cực (trước đó hai bạn còn nhem ba cái bánh mì nhét đầy sữa đặc, ngồi bên ngoài một quán; Tr. ăn hết một cái, tôi nhem một ít, ngấy quá; rồi tự nhiên đống còn lại trở thành chocolat chảy)

8 tháng Mười 2020

 

Thư – văn

Hay thật. Số nhiều của “la lettre” (letter) là “les lettrès” là văn chương. “Une famille de lettrés” là một gia đình khoa cử, hoặc một gia đình hiếu học. Người Pháp coi văn chương là những lá thư. Roussseau, Goethe.

8 tháng Mười 2020

 

Tuổi thơ

Thích những quyển sách nói về tuổi thơ trong gia đình. Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng và Chân trời cũ của Hồ Dzếnh.

8 tháng Mười 2020

 

Ngồi không

Thường xuyên tôi ngồi không hoặc nằm không, nghĩ vơ vẩn, mênh mông, không xác định. Tôi đôi lúc giật mình, nghĩ nên làm gì đó, chứ không thể giết thời gian như thế. Những điều định đọc, định viết, định làm phần lớn bị huỷ vì những lúc ngồi không ấy. Tối nay lại ngồi trên ghế dài phòng khách tầng một, khoanh hai tay chống cằm lên gối. Đăng lại note về Phan Ngọc viết năm ngoái lên blog, chưa định làm gì. Đọc Husserl hay học tiếng Pháp tiếng? Đọc bản dịch của bác Hà Hữu Nga về CL-S vậy.

8 tháng Mười 2020

 

Đối lập kiệt cùng

Vừa đọc một bài trên blog Nhị Linh, có hai câu choáng váng: “Hai nửa này – nếu muốn ngắn gọn – ngược nhau, và từ sự đối lập đó chỉnh thể hiện ra. Thường sẽ là như vậy, nếu đối lập thực sự là đối lập, điều này cũng đồng nghĩa với triệt tiêu hết cặn: không còn dính những gì thừa nữa.”. Tôi gọi đó là “đối lập kiệt cùng cùng” (“Đoàn Thị Điểm & Hồ Xuân Hương“, 8 tháng Mười 2020). “Cặn” là một khái niệm của Phan Ngọc, dù chỉ dùng một lần trong tất cả các text tính tới bây giờ, nhưng đó là lần sử dụng vô cùng đáng nhớ: bình luận phương pháp cấu trúc luận của Claude Levi-Strauss.

8 tháng Mười 2020

 

CL-S, dật sự

Ông Simon Clarke viết: tác phẩm của Althusser, Lacan, Foucault “thường cực kỳ mơ hồ, nếu không muốn nói là tối nghĩa, và chứa đựng những khái quát quá chung chung khiến cho các khẳng định của họ khó xác định”. CL-S gần như không đọc Lacan. Đến đầu năm 2000, một người gửi ông bản thảo quyển sách của anh ta về ông và Lacan, ông viết một lá thư rằng: những trích dẫn Lacan trong sách còn nhiều hơn những gì tôi đọc của Lacan trước đây.

8 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 9 tháng Mười 2020

đi ăn ở đâu đó với Tr.

9 tháng Mười 2020

 

Không chơi với trừu tượng

Hiện tượng luận Husserl không chơi với trừu tượng. Không đúng, ít ra là trong quá trình quy giản.

9 tháng Mười 2020

 

Say cà phê

Say cà phê là đầu tôi quay quay, buồn ngủ, dù ngủ rất mệt.

9 tháng Mười 2020

 

Nhiều hoạt động

Nghiên cứu đối với tôi gồm rất nhiều hoạt động. Điểm sách (rất quan trọng, Nhị Linh trước đây là một bỉnh bút, Nguyễn Quốc Trụ cũng là bỉnh bút đọc sách), viết giới thiệu/bạt/ tựa cho sách, viết sách, viết essays và viết luận văn, dịch (đương nhiên), biên tập, hiệu đính, viết báo, thuyết trình, dẫn dắt buổi thuyết trình hoặc toạ đàm, ngồi chair, dạy học (ngán ngẩm nhất thân phận anh giáo gõ đầu bọn trẻ), hướng dẫn làm luận văn,… Tạm thời chưa nghĩ ra nữa.

10 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 10 tháng Mười 2020

Cô Nguyên trông thi, bốc vào đề 1: hỏi là câu 2 hoặc gì đó ở chương mấy nói những gì. Tôi mù tịt. Ngó nghiêng định dùng phao.

10 tháng Mười 2020

 

Không về được nhà

Chiều nay nói cho Tr. nguyên lý của Sartre (Simon Clarke: “Tự do tuyệt đối của cá nhân bao gồm quyền tự do coi kẻ khác như một vật thể, nhưng nó cũng hàm chứa một nghĩa vụ tuyệt đối đối với cá nhân đó không cho phép mình bị kẻ khác quy giản thành một vật, sao cho đời sống xã hội trở thành một cuộc tranh đấu nhằm quy giản kẻ khác thành vật thể trong thế giới của mình và tránh bị kẻ khác quy giản mình thành đối tượng trong thế giới của họ”), tôi đi về cứ nghĩ mãi. Hoảng quá. Vì đúng là tôi cũng như Sartre.

Những điều trên tôi đã trình bày trong post “Phan Huy Đường & tôi“. Cuộc đấu tranh của tôi thì không phải giữa các cá nhân, vì không coi họ như cá nhân. Hoảng lắm. Vì đó là cách nhìn thế giới của bọn trẻ con mà. Một triết gia là người tổng kết được cảm nhận của con người một thời đại (một phần nào đó). Tôi khéo bị như này. Phan Huy Đường tuổi trẻ chắc chắn bị Sartre hút. Học triết không phải tìm câu trả lời cho những thắc mắc có thật của mình, như rất nhiều nhà nghiên cứu, mà là xuất phát từ quá trình tìm hiểu bản thân, từ đó học trò hình dung 1) hiện tại mình đang như thế nào 2) cần làm gì. Tôi không dùng triết học để biện minh cho bản thân. Loằng ngoằng như này, vẫn dây vào Sartre. Có thể vì đó là “khuôn” lớn: cách nhìn thế giới của một đứa trẻ như nào. Có thể cần đọc thêm tiểu thuyết Chúa ruồi về thế giới bọn trẻ con, và cần học cẩn thận những người đã vượt qua cái nhìn của Sartre: Lukacs và Phan Huy Đường cộng người vùi dập Sartre là Claude Levi-Strauss.

Tôi đi đường hoang mang lắm. Thảo nào anh quan tâm đến những nghiên cứu về bọn trẻ con tới vậy.

Vì ngược hướng và chưa được khái niệm hóa nên tôi cứ nghĩ như mới. Milan Kundera nói điều này tôi thấy rất đúng, nhưng chưa giải thích được: con người chỉ cảm nhận tương đối rõ và đủ những gì từ bên trong ra bên ngoài, chứ không phải những gì đi theo hướng ngược lại (từ ngoài vào trong). Nó giải thích cho cả khuynh hướng thản nhiên trừu tượng hóa con người của tôi (đã làm rõ từ cuối năm ngoái: luận điểm 18 về Marx). Nhưng tôi chưa giải thích một cách duy vật tại sao mình lại là một đứa trẻ. Thứ nữa, mình cần tiếp tục hỏi, chứ không thể hỏa mãn ở thuyết tương đối tầm thường hay bất khả tri luận tiên nghiệm (cho rằng ta không thể hiểu người khác ngay từ đầu) vì nó gác vấn đề ngay khi vấn đề được đặt ra. Cũng không giáo điều như trước được, tức là tự nhiên mình nghiên cứu ai đó, sẽ hiểu họ. Vì cả hai trường hợp đều không thức nhận. Nhưng đặt lại vấn đề, nếu không tin tưởng hoàn toàn (cực đoan mà) thì rất dễ rơi vào hai trường hợp trên hoặc một thái độ lãnh đạm (tức là không thể bắt đầu được).

Tại sao cần tin tưởng hoàn toàn? Có thể vì hai lí do: 1) tạo ra kết luận chung chung giả tạo làm vừa lòng mình, 2) vì chưa xét được những thứ có thể xảy ra, mà chỉ xét được những thứ đã là và đang là. Lí do thứ hai là cách tiếp cận của triết Châu Âu suốt bao nhiêu thế kỷ: người ta dự định cái gì đó thì phải tạo ra nó trong đầu. Lòng vòng quá. Tôi không biết tại sao cần tin tưởng hoàn toàn.

Chưa biết tại sao mình cực đoan; đổ tại lí do bẩm sinh thì không giúp mình hiểu được thêm gì. Tôi vẫn kẹt ở chỗ “lòng tin” và mức độ của nó. Cẫn siêu hình: a = a hoàn toàn => tức nà cực đoan, không có chỗ cho những cái khác. Không nắm được quá trình vận động, vẫn sống trong thế giới của các ý (ideas) của Plato (cách dịch xuất chúng của Nhị Linh).

Tôi chưa duy vật, chưa biện chứng được. May mà vẫn sống trong môi trường Việt Nam: sống quanh những người thân thuộc. Mỗi tội con người khái niệm này không nắm bắt được những chỉ dẫn tâm linh (vì mọi thứ chưa được khái niệm hóa, nói cách khác, chưa được dịch thành hình thức triết học hệ thống, anh ta đều không hiểu được). Buồn quá. Tuyệt vọng. Con người Việt Nam không hiểu được môi trường mình sống, mắc kẹt trong hệ thống của Châu Âu. Không về được nhà.

Luôn quay lại xét mình như thế nào, chứ không bỏ mặc bản thân, chỉ chơi với những hệ thống của người khác. Tuyệt vọng vì con người cá nhân luận của mình, luôn tin căn bản mình là người nhân cách luận, muốn quay trở lại con người nhân cách luận ấy. Nhưng anh ta lại quay trở về bằng con đường của cá nhân luận. Không thất bại mới lạ. Đó là con đường của Phan Huy Đường. Tôi đọc lại các note của PHĐ, hình hung hồi trẻ PHĐ cũng có thể nghĩ như tôi (đọc các note, nhiều câu hỏi, chấp vấn bản thân lắm). Tuyệt vọng.

10 tháng Mười 2020

 

Giỏi và kém

Tôi không có lấy một ly hào năng lực phân tích khoa học (khái niệm của Marx và Engels). Tôi chỉ giỏi suy nghĩ trừu tượng trong đầu.

11 tháng Mười 2020

 

Chối tai

Tại sao tôi cực đoan? Chỉ một giải thích duy vật mới hợp lý, còn những giải thích tinh thần luận tôi nghe chối lắm.

11 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 12 tháng Mười 2020

Một khu vui chơi ngay cạnh và nằm trong nghĩa trang. Tôi là nhân vật manga: Sanj. Đến thắp hương cho cô Nguyên, được điềm báo. Cô Nguyên trở về nhân gian, đem theo tuỳ tùng quái vật. Tôi suýt nữa cũng bị đem đi. Phải nhờ người bên cạnh mới thoát

12 tháng Mười 2020

 

Con đường Pháp

Tra thử video ni, ông này nói lướt qua nhưng cụ thể. Hoá ra Ideology tức “hệ tư tưởng”, “ý thức hệ” mà người ta hay dùng ngày hôm nay có nội dung rất khác bản thảo của Marx và Engels, “Ý luận Đức”. Ông trình bày trong video không nói về Lukacs mà trình bày lại ý luận, khái niệm của Loius Althusser. Thấy chỉ nói tới “social group” chung chung. Lukacs quan tâm chính là về “ý luận” “ideology” (thế giới của các “ý” ideas) – Nhị Linh gợi ý. Thứ hai, Lukacs thuộc truyền thống triết học Đức. Còn Loius Althusser không đọc được triết Đức, cho bằng đọc Marx qua khúc xạ của triết Pháp.

Tôi nghe ông trong video nói, xác định được Althusser thuộc truyền thống xã hội học Durkheim, tức là main stream. Durkheim thì tiếp tục con đường của Rousseau thời Ánh sáng: giải quyết hai cực, cá nhân và tập thể (hoặc gọi là xã hội). Loius Althusser đặt ideology là thứ nối cá nhân – xã hội. thế hệ của ông này là thế hệ của Roland Barthes, Michel Foucault, Jacques Lacan, Trần Đức Thảo. Có Michel Foucault và Trần Đức Thảo đọc được triết Đức: Kant, nhưng không đọc được Hegel và Marx. Triết Pháp thế kỷ XX có con đường của nó, không nhìn thấy thì không học được. Với Marx, tình hình càng vậy. Bọn Pháp phải mất cả thế kỷ để đọc được Marx (vì phải rành triết Đức: Kant và Hegel). Ở miền Nam Việt Nam, có đúng một người có thẩm quyền nói về Marx là Trần Văn Toàn vì ông ấy học triết Đức. Học về Marx qua Althusser chỉ có thể là những tay mơ, ưa hớt ngọn, nắm luôn kết quả. Phải vào sào huyệt của bọn Đức mí học đượt, nó gọi là truyền thống rồi, người ngoài khó nắm được lắm.

Tôi học Montesquieu – Rousseau – bộ ba nhà nhân loại học Pháp (Durkheim – Mauss – CL-S) là có lí do. Đó là con đường Pháp. Không qua năm người này, gần như không hiểu gì triết Pháp thế kỷ XX. Bergson và Piaget là hai người cần để riêng. Nói như Phan Ngọc, cần thấy đượt người đứng đằng sau một nhân vật. với Piaget, có hai người ở đằng sau quan trọng: Kant và Darwin.

12 tháng Mười 2020

 

Simon Clarke

Simon Clarke đọc CL-S theo truyền thống chức năng luận Mỹ, đồng thời chưa đối lập chức năng luận – cấu trúc luận như CL-S đối lập cấu trúc luận của mình với hình thức luận của Vladimir Propp.

12 tháng Mười 2020

 

Bản đồ thành hoàng làng

Nguyễn Văn Huyên lập sơ đồ các thành hoàng làng ở Bắc Ninh. Viễn Đông Bác Cổ định làm bản đồ thành hoàng làng khắp Việt Nam, nhưng mới làm được ở Bắc Ninh (là công trình của Nguyễn Văn Huyên). Vả lại, tại sao cần làm bản đồ thành hoàng ở Hà Nội? thu được gì từ đó. Bắc Ninh được Nguyễn Văn ăn Huyên chọn làm vùng nghiên cứu vì đó là khu vực người Việt Mường sinh sống đầu tiên. Còn sơ đồ thành hoàng – tổ nghề ở HN thì có người làm rồi.

12 tháng Mười 2020

 

Cực đoan, một lần nữa

Không nổi tiếng chứ sao, nhưng chắc chắn phải giỏi. Muốn giỏi thì phải cố. Không tưởng được ba năm nay tôi đã học vất vả như nào. Từ một người học vấn kém, chẳng biết gì mấy trừ báo chí thể thao và một ít kiến thức văn hoá, và lịch sử báo chí. Trong lúc khó khăn, không ngày nào tôi không học. Tôi không có thầy trực tiếp nên phải tự tìm thầy trong sách và tạo ra cho mình cách học.

Tôi ám ảnh thời gian, thường xuyên than cho thân mình. tôi cực đoan vậy đó: vừa rất tham vọng, đồng thời lại sợ tồn tại trên đời. Tôi là người không ở giữa, ở trung bình, chỉ ở hai cực đoan thôi. Lúc học thì tôi ở cực đoan tham vọng, hành động đều đều làm người ta không chú ý thôi.

Còn tại sao tôi cực đoan? tôi chưa giải thích một cách duy vật được. Quy cho lý do bẩm sinh, lá số tử vi, đối với tôi không giúp cho mình hiểu mình thêm chút nào. Tôi đã muốn cái gì, sẽ cố làm bằng được, dù thường xuyên rơi vào trạng nỗi sợ tồn tại. Tôi cực đoan sẵn và sống quanh những người cực đoan.

Chuyện tôi là vậy đó, mà chính tôi cũng chưa tìm ra được nguyên nhân duy vật cho sự cực đoan ấy. Tôi phân tích bản thân kỹ càng, từ đó mới tự tin được, chứ không phải tự tin vô căn cứ.

Nếu cô Nguyên còn sống, không biết cô bảo gì với tôi? Cô Nguyên chẳng bao giờ cực đoan. Kiểu giáo dục của cô Nguyên là giáo dục những con người trung bình vì số người ấy chiếm tỷ lệ cao trong xã hội. Ông Ngọc Giao cũng chỉ thích những nhân vật trung bình, và đối xử tệ với những người cực đoan.

13 tháng Mười 2020

 

Nhân loại học

Đến với triết học bằng nhân loại học, sau đó mê triết quá, bỏ luôn nhân loại học. Bây giờ cần quay trở lại học nhân loại học. Durkheim, Mauss, CL-S, tất nhiên. Tôi đọc ít người lắm. Sức đâu quan tâm được nhiều. Nhân loại học Anh Mỹ tôi chẳng biết gì. Xã hội học Đức, muốn học thì phải rành Lukacs (truyền thống lý tưởng luận Đức Kant đến Hegel, Mã, xã hội học Weber) (tiền đề của việc hiểu Lukacs đã là phải rành hiện tượng luận Husserl, từ đó đọc được Heidegger). Loằng ngoằng lắm. Cứ học Kant chăm; sau đó tiếp tục đọc nhân loại học Pháp. So với triết Đức, triết Pháp đỡ nhức đầu hơn. Kant và CL-S là must. Không học được cách suy luận của CL-S, đừng mơ hiểu được các nhà cấu trúc sau ông (Foucault, Lacan chẳng hạn). Mấy người đó được đọc nhiều vì đưa ra những kết quả đáng kinh ngạc, có thể được các nhà khoa học xã hội cắt lấy, sử dụng trực tiếp. Và đó cũng là cách sử dụng lý thuyết ngu xuẩn và thiếu suy nghĩ nhất. Có ăn học để đi làm trò đó à? Chỉ loè được người ngoại đạo ưa trầm trồ lúc đọc những cái tên được rắc trong text. Tóm lại, vẫn phải học.

13 tháng Mười 2020

 

Không đáng đọc

Chương viết về CL-S của Christopher Johnson không nói được gì.

14 tháng Mười 2020

 

Bỏ qua lời tựa

Lời khuyên rất đúng của anh Huỳnh Duy Thanh: đọc triết thì bỏ qua lời nói đầu hay lời tựa của tác giả, đọc ngay chính văn. Ai đọc Kant và Hegel từ lời nói đầu sẽ hiểu. Phần lớn sẽ bỏ cuộc từ lời nói đầu đó. Marx viết lời nói đầu ngắn, rất ấn tượng, nhưng nếu không đọc chính văn, chỉ nắm được kết quả chung chung.

14 tháng Mười 2020

 

Tuyển tập Trần Đức Thảo

Bản dịch cuốn sách của Trần Đức Thảo, “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” của Nguyễn Đức Truyền là không thể chấp nhận được. Thà đọc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp còn dễ hơn đọc tiếng Việt. Người này không học hiện tượng luận. Đọc các bản dịch essays của Trần Đức Thảo, không chịu được. Entendement tức Understanding, khái niệm then chốt của Kant mà dịch là “năng lực tư duy”. “Tự vượt qua bản thân”? Nó là “siêu việt” hoặc “siêu vượt”. Tuyển tập Trần Đức Thảo là một trò đùa.

15 tháng Mười 2020

 

Chuyển hóa

Vẫn nằm trong vòng cương toả của Descartes: nhị nguyên luận siêu hình: tách tất cả làm đôi và hai thứ đó không chuyển hoá được cho nhau. Ví dụ của Descartes: ông cho rằng có một bộ phận của cơ thể con người là tuỷ làm trung gian giữa cơ thể (vật chất của con người) và tinh thần, nhưng vật chất và tinh thần không chuyển hoá được với nhau.

Xã hội học thực chứng của Durkheim và ngôn ngữ học cấu trúc của Saussure cũng bị đặt ở thế chẻ đôi, từ triết học của Rousseau, giữa cá nhân – xã hội. CL-S đặt trung gian giữa cá nhân và xã hội ở vô thức nằm ở cấp độ sinh học của con người.

Triết Pháp luôn bị kéo về một trong hai cực đoan. Ngược lại, triết Đức từ Kant đã đặt ra vấn đề rõ ràng: làm sao để chuyển hoá giữa tinh thần và vật chất. Hegel đã thành công: nhất nguyên luận (tinh thần). Marx là nhất nguyên luận về vật chất [không đúng, vì Marx gộp cả vật chất và tinh thần để tạo nên một bản thể mới]. Khéo khi tôi hợp mí triết Pháp vì là người cực đoan, bị kéo về một trong hai cực như triết học và lịch sử của Pháp. Nên phải học triết Đức để cân bằng, và học về chuyển hoá. Học về chuyển hoá của triết Đức mới học được âm – dương của triết Tàu và học được Marx. Nghĩ mình trầy trật học Marx mới biết các bạn Pháp cũng trầy trật như vậy (đều là những người cực đoan: hoặc cực này, hoặc cực kia, không có trung gian).

15 tháng Mười 2020

 

Học dốt

Lúc chở Tr. về, nghĩ nghiêm túc rằng phải sang trường tổng hợp tìm thầy dạy ngôn ngữ học bài bản, ít nhất là ngôn ngữ học cấu trúc. Cứ học qua sách của Saussure vẫn chưa ăn thua, phải có thầy chỉ mới học đượt. Muốn học CL-S, học triết là chưa đủ. Còn người làm nhân học đọc CL-S nựa, cũng cần tìm để học hỏi. Lacan sau khi làm luận án tiến sĩ tâm lý học cũng thuê gia sư dạy triết cấp tốc mà. Học dốt thật.

Nhưng mà cũng dễ hiểu. Vì cách học của mình không phải cách học chuyên môn hoá và biệt lập của khoa học ngày hôm nay (cứ cặm cụi ở chuyên môn của mình là được). Người như tôi ở Châu Âu có đầy, nhưng ở Việt Nam mới là của hiếm. Trình độ may ra chỉ bằng người đỗ tú tài ở Pháp.

15 tháng Mười 2020

 

Tuột khỏi mắt

Cả ngày uể oải, chẳng muốn làm gì. Định đọc cái gì là tuột khỏi mắt.

16 tháng Mười 2020

 

Hữu Ngọc

Đọc các bài báo của Hữu Ngọc tập hợp trong hai quyển Cảo thơm lần giở, đọc tới Amics của Những tấm lòng cao thượng. Quyển đó cùng với quyển Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, tháng trước hay tháng trước nữa tôi nghe trong lúc nấu ăn. Nghe chúng buồn và cảm động lắm. Quyển của Amics cần được đọc. Một con người hình thành như thế nào? Trước khi làm người, ta là thú. Ta được dạy để làm người.

16 tháng Mười 2020

 

Nguyễn Hữu Liêm (2)

https://m.viettimes.vn/co-the-noi-ma-khong-so-mang-tieng-qua-phong-dai-rang-nguyen-huu-liem-dang-la-hegel-cua-viet-nam-post136643.html

Nguyễn Hữu Liêm có trực giác về thời gian đặc thù của người biện chứng: thời gian chu kỳ. Đệ tử của triết học lịch sử của Hegel, nhưng Nguyễn Hữu Lữu Liên không đọc Marx được. Vì lịch sử của Nguyễn Hữu Liêm là một thực thể tự vận động theo quá trình lặp lại vô tận của một chu kỳ gồm bốn moment (NHL gọi là “thời quán”, đó là “mô-men” của Bùi Văn Nam Sơn) của Hegel. Ngược lại, “lịch sử” của Marx là lịch sử của con người, và toàn bộ hệ thống của Marx dựa trên quan hệ giữa con người với con người và với thiên nhiên. Nên NHL không phê phán nội quan Marx được, tức là phê phán bản thân logic nội tại của một hệ thống.

16 tháng Mười 2020

 

“Tâm thức”

Băn khoăn khái niệm “tâm thức” của Phan Ngọc. Nếu dễ dãi, rất dễ diễn giải “tâm thức” cho tính tâm sinh lý của con người, i như các triết gia Ánh sáng cấp cho con người một bản tính bất biến. Nhưng Phan Ngọc duy vật và duy lý, không thể theo cái ni được. Chưa hiểu Phan Ngọc dịch nó sang tiếng Anh là gì. Phải so sánh với các text tiếng Anh của Phan Ngọc.

16 tháng Mười 2020

 

Không thuộc vào lịch sử

Tôi tự thấy mình không những cô độc giữa cuộc đời mà còn thấy không thuộc vào lịch sử. Tôi nội quan, sau đó tìm một nhà văn sêm sêm tuổi mình như một mẫu type của những con người cùng tuổi mình, cùng sống ở thành phố là Hiền Trang, thì tôi thấy cảm nhận của mình không chỉ là của cá nhân mà có tính phổ biến. Nói gọn: [cảm nhận ấy là] luôn cố tìm ra những quy luật phổ quát và bất biến, không mang tính lịch sử, như những quy luật toán học áp dụng vào thế giới con người. Suy luận luôn được diễn dịch từ một mệnh đề trừu tượng, không có tính lịch sử, do đó không cụ thể.

Một năm trước, tôi viết một text “Lịch sử là những phủ định liên tục“. Tôi lúc đó say mê đọc Mao bằng cảm nhận về một lịch sử trừu tượng và vô tận: lịch sử ấy có quy luật vận động của riêng nó, không tuỳ thuộc ý chí= con người. Con người chỉ là khán giả của lịch sử. Trực giác đó của tôi chính là trực giác lý tưởng luận siêu hình, tức không nắm được quá trình vận động của một sự vật mà chỉ nắm được trạng thái bất động của nó. Còn cảm nhận “lịch sử” như là “lịch sử của con người”, tôi chưa làm được, chỉ mới nghĩ về nó thôi.

Nỗ lực tìm ra những quy luật phổ quát và bất biến, không mang tính lịch sử, cách suy luận ấy cũng là suy luận lý tưởng luận siêu hình, nó có thể được sử dụng một phần nào đó trong toán hay logic học, nhưng đụng vào các vấn đề của con người, cách suy luận ấy vừa không đủ, vừa lệch lạc và sai lầm. Tóm lại, trong cách suy luận của những người như tôi (mở rộng: người thế hệ 1990 sống tại thành phố), yếu tố “lịch sử” đã biến mất, hoặc nếu được sử dụng thì vẫn nhằm che đậy cách suy luận duy tâm siêu hình.

17 tháng Mười 2020

 

Trong nghĩa trang

[Note “Xin lỗi”, 30 tháng Bảy 2020] Nguyễn Thị Thuân (1965 – 2006)

18 tháng Mười 2020

 

Một mình

Chiều nay Tr. xem bài tarot. Buồn đến tối. Vì hôm nay tôi thấm thía là hai người thầy của mình (Phan Ngọc và Phan Huy Đường) thực sự không còn nữa rồi. Trước đây tôi lờ mờ.

18 tháng Mười 2020

 

Trực giác luận

Tôi ban đầu là người trực giác luận. Sau khi biết tới Phan Ngọc, tôi cố gắng trở thành người duy lí luận, nhưng điểm xuất phát vẫn là trực giác.

20 tháng Mười 2020

 

Ở giữa

Tối nay học về CL-S và nghĩ ra một nhân vật thêm vào giữa Kant và CL-S. Vì nếu chỉ có hai hệ thống đối lập nhau, không tìm ra một khớp nối thì không ổn. Nhân vật ở giữa chính là Rousseau. Rousseau chính nà niềm ngưỡng mộ lớn của Kant và cả CL-S. Bắt đầu hình dung được rồi. Đây chính xác nà: “đến hiện đại bằng cổ điển” (Trần Đình Hượu). CL-S mới mất 11 năm thôi, thọ 101 tuổi. Rousseau nà kết tinh của mâu thuẫn giữa Descartes – Pascal, chỗ giao nhau của hai con đường Pháp.

21 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 22 tháng Mười 2020

đến Đại học Sư Phạm, trời mưa, gặp một bạn 97 đến nộp bài môn cuối để tốt nghiệp. Tôi bảo covid nên tôi học chậm, nay mới nộp môn cuối. Đi nói chuyện, rồi nhìn thấy nhà bà ngoại và lớp cấp ba. Chào tạm biệt.

22 tháng Mười 2020

 

Hai bộ sách

Tư bản của Marx = Sử ký Tư Mã Thiên

22 tháng Mười 2020

 

Kiên quyết

Kiên quyết không viết làm dáng, phải thẳng, trực tiếp, ngắn.

22 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 24 tháng Mười 2020

mơ là ngồi ở đâu đó, ngoài trời mưa lắm, đọc text của Phan Ngọc, có ảnh đền Sở gì đó; sau đó mọi người vào: chị Ngân, bác Lân, cậu Đen, bố Tải, anh Mòm và đứa con mới sinh; bố ôm thằng cháu, nó cứ khóc; bố bảo nà nó thích mìn

24 tháng Mười 2020

 

Lucien Sebag

Hôm qua phát hiện một người Pháp, học trò của Lacan, trước đây từng cố hoà giải giữa marxism và cấu trúc luận. Anh này yêu con gái Lacan, nhưng tình tan vỡ, nên tự tử năm 35 tuổi. Con gái Lacan chọn một ông, mà sau đó xuất bản 29 quyển sách gỡ băng 29 seminar hằng năm của Lacan, từ 1952 – 1980. Sợ quá. Vì thấy giống kiếp trước của mình. Mặt tôi hơi giống anh này (Lucien Sebag).

Chồng của con gái Lacan oách phết: học trò của Louis Althusser ở Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, sau đó được Althusser giao nhiệm vụ đọc sạch Lacan, và đã làm quá tốt tới mức Lancan mời về chơi nhà và gặp con gái của ông ấy.

25 tháng Mười 2020

 

Vã mồ hôi

Vã mồ hôi học CL-S, rồi nhớ lại xã hội học Durkheim: phải xem nại các luận điểm của Durkheim về quan hệ giữa cá nhân – tập thể. Tập thể thì thuộc lí tính, cá nhân thì thuộc tình cảm; chỉ khi cá nhân tham gia vào ý thức tập thể thông qua việc tham gia vào các thiết chế trình hiện nó, thì anh ta mới cả thể thuộc lí tính, để đưa ra các kết luận đúng đắn và sống đúng đắn. Durkheim biện minh cho nền cộng hoà, đặt bản thân nó lên hàng đầu.

Thời thuộc địa, mình cũng chịu giáo dục theo định hướng của xã hội học Duerkheim đó. Nó là nền giáo dục đàn áp cá nhân. Nói gọn, xã hội học của Durkheim có hai nguồn: 1) triết học của Montesquieu và của Rousseau, 2) thực chứng luận của Comte.

Khái niệm “Ý thức tập thể” của Durkheim đi ra từ khái niệm “ý chí chung” general will của Rousseau trong Khế ước xã hội.  Còn CL-S cũng đi ra từ Rousseau, nhưng không phải Rousseau của Khế ước xã hội, mà là Rousseau của các luận văn essays, đồng thời, diễn giải lại Rousseau. Ngôn ngữ học của Saussure cũng đi ra từ xã hội học Durkheim. Montesquieu – Rousseau – Durkheim – Mauss – Levi-Strauss là con đường triết học Pháp đó.

Tôi không khoái Durkheim bằng Mauss, dù Mauss viết rất hũ nút, đối lập với sự sáng sủa và chặt chẽ của Durkheim. Tôi đi vào triết học bằng con đường Pháp: trước khi học triết, tôi đã tìm hiểu nhân loại học.

Đọc triết Đức mới thấy con đường Pháp không thể so được về độ khó. CL-S không đọc được triết Đức nên diễn giải Marx theo cách riêng của ông ấy, Michel Foucault ngược lại, rất rành triết Đức, đặc biệt là Kant.

Chuyện tôi toát mồ hôi đại noại là thế.

26 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 26 tháng Mười 2020

Giấc mơ 1: Mơ chở Lì (em trai) và bà ngoại tới nghe thuyết giảng ở một ngôi chùa, rồi cúng phù hộ nữa. đường vào đó quen lắm, nhưng không nhớ. Hình như bối cảnh giống làng trong phim Bão qua làng. Xong xuôi, tôi mặc đồ kín nút phòng mưa lạnh nhưng trời nóng. bà ngoại bảo bà mệt, không chịu nồi rồi bảo chửi đám sư (à, tôi chưa từng gặp cảnh đó ngoài đời, nhưng rất quen, hay là từng có kiếp tôi sống ở đó). Tôi nói với bà là chỗ này quen lắm. Nó ở vùng gần trung tâm Hà Nội lắm, quanh khu Cầu Giấy bây giờ. (Tôi nhớ ra là nó xuất hiện nhiều trong các giấc mơ của tôi).

Giấc mơ 2: mơ đang đi trên đường Quan Hoa (có đền Quán Đôi), Nguyễn Khang, nghe tình hình dịch tồi tệ

26 tháng Mười 2020

 

Làm gì sau Marx?

Ông Nguyễn Hữu Liêm nói rằng bây giờ triết tây người ta lại đi vào tâm linh phương Đông. Hôm nay đi về nhà, nghĩ lung lắm: triết lý sau Marx quá khó. Gần như không thể có triết học hệ thống (như của Kant và Hegel) sau Marx, nghĩa là triết học tư biện. Marx là moment chấm dứt triết học tư biện, nó phải trở thành vũ khí như Lenin nói.

Thế kỷ XX, ít triết gia thuần lắm: toàn là nhà xã hội học, ngôn ngữ học, phê bình văn học (Lukacs), nhân loại học (Claude Lévi-Strauss) vân vân. Foucault, Lacan, Althusser xuất phát từ tâm lý học cả.

Nhưng quan trọng nhất là Marx không để lại một hệ thống đồ sộ như của Kant hay Hegel. Tác phẩm của Marx luôn để mở cho mọi hướng diễn giải và hút được hết mọi hướng. Làm gì sau Marx là câu hỏi rất nan giải đối với thế giới. Bên Pháp bây giờ mới học được Hegel, chưa tới Marx; bên Đức thì đi tiếp con đường của Marx bằng cách phê phán Heidegger.

27 tháng Mười 2020

 

Bao che

Phan Ngọc dịch Claude Lévi-Strauss thoáng tay, sai mấy khái niệm căn bản: “reality” dịch thành “thực tế”; khái niệm này tương đương với “hiện tượng” trong triết Kant, tức là “thực tại” ấy không có tồn tại khách quan và độc lập với con người, cho bằng xuất hiện cho con người, với từng cấp độ khác nhau. CL-S có mệnh đề nổi tiếng: “hiểu là chuyển từ thực tại này sang thực tại khác” (Nhiệt đới buồn) tức là “reality” không cố định toàn nhân loại như “hiện tượng” của Kant. Người ta luôn có thể chuyển sang các “thực tại” khác.

Phan Ngọc cũng có thể sai, thậm chí sai nhiều. “Representation” của nhân loại học Durkheim, Phan Ngọc cũng dịch sai thành “biểu tượng”, tôi nghĩ là do Phan Ngọc lấy “biểu tượng” trong triết Đức; mà quả thật, Phan Ngọc rành triết Đức chứ không phải triết Pháp. “Native consciouness / Unconsciouness representation” của Durkheim và Mauss.

Bản dịch Claude Lévi-Strauss của Phan Ngọc là tốt nhất trong số các bản dịch đã xuất bản; lý do chính nà các người dịch khác đều amateur về triết, mà không rành triết, nhân học và ngôn ngữ học thì hem đọc CL-S được. Phan Ngọc cũng có thể sai, thậm chí sai nhiều. Hình như Phan Ngọc dịch ẩu nữa.

Không hiểu đúng khái niệm “reality” sai nầm lắm; nó có thể dịch là “hiện thực” như dịch “reality” của Marx, nhưng tại sao Phan Ngọc dịch là “thực tế”? Nó là khái niệm then chốt của CL-S, cũng quan trọng i như “hiện tượng” của Kant.

Không bao che cho thầy.

28 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 28 tháng Mười 2020

mơ thấy mình tỉnh rồi, còn nhắn tin cho Tr.

28 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 29 tháng Mười 2020

Cùng Tr. đến một toà nhà, hay một chỗ cả trăm tầng. Tầng một chật cứng như chờ tàu hoả. Chỉ có thang lên tầng 50, muốn lên cao hơn thì phải có cách khác. Trên tầng cao có đánh nhau chì đó. Bọn tôi ở tầng 21. Làm đồ cho Tr. nhem. Rồi không hiểu so tôi không ở trong phòng nữa. Tìm cách quay lại phòng, mãi không xong. Gọi nhiều người quen trong thang máy hay trong lúc đợi thang. Kỳ lạ nà mãi hem đến đượt tầng 21, dù đã ấn nút.

29 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 30 tháng Mười 2020

Tôi mơ là mình phải đi ở trọ. Khổ lắm.

30 tháng Mười 2020

 

Giấc mơ 31 tháng Mười 2020

Mơ lại đi học, nhưng khung cảnh là giống trường cấp 1. Trong lớp có bố. Sau đó tôi sang lớp bên cạnh học lịch sử gì đó. Có mỗi mấy người học thôi. Hình như Hữu Ngọc dạy, kể chuyện thời thuộc địa gì đó. Tôi cầm sách lẩm bẩm. Rồi tôi mơ thấy bố Tải đứng nói gì đó. Tôi nói với bố: bố ơi, con chỉ muốn làm nhà khoa học thôi.

31 tháng Mười 2020

 

Cuộc đời cũ (2011 – 2017)

Ghi chép (tháng Một 2018 – tháng Hai 2020)

Những mẩu (tháng Tám – tháng Chín 2018)

Các giấc mơ (tháng Mười một 2018 – tháng Hai 2020)

Ghi chép lúc đọc (tháng Mười 2018 – tháng Tám 2019)

Ở trạm (tháng Chín 2019)

Những cuốn sổ (tháng Tư – tháng Mười 2019)

Những cuốn sổ, tiếp tục (tháng Sáu – tháng Mười một 2019)

Note, cuối năm 2019 (tháng Mười một – tháng Mười hai 2019)

Sợ sống (ghi chép, tháng Ba – tháng Tư 2020)

Note (tháng Tư – tháng Sáu 2020)

Note, tháng Sáu 2020

Mơ (tháng Hai – tháng Bảy 2020)

Note, tháng Bảy 2020

Note, tháng Tám 2020

Note, tháng Chín 2020

Bình luận về bài viết này