Note, tháng Một 2021

Nghĩ quẩn

Hiện nay tôi bất ổn. Tối hôm qua đi bộ quanh khu Đại học Sư phạm, Quốc gia, tôi nghĩ quẩn. Nghĩ quẩn vì đời mình quá khổ. Tuyệt vọng lắm.

thứ sáu, 1 tháng Một 2021

 

Ricardo

toàn tập m-e 44: marx trích và bình luận Ricardo (thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội)

thứ năm, 7 tháng Một 2021

 

Trên trường

Trời rét lắm. Vừa mới được về. Phải lên trường Sư phạm để dự lễ khen thưởng phong trào sinh viên và buổi toạ đàm lãnh đạo nhà trường gặp học viên sau đại học. Mỗi lớp phải trên 10 người đi. Tranh thủ đến từ chiều để lên thư viện trường. Ngồi từ 7h, ngồi mệt lắm. Hội hè phong trào làm lâu lắm. Chán quá, bỏ ra cổng sau Ngoại ngữ ăn cơm rang. 25.000 đồng mà đầy lắm, thêm một bát canh nữa. Đồ ăn ở sau trường làm đầy đặn.

134670020_2869139073297761_4966619928047610328_n

thứ năm, 7 tháng Một 2021

 

Chẳng làm được gì

Nay chẳng làm được gì. Đọc qua loa sách trên thư viện. Định đọc Bergson nhưng không được. Đọc cái gì cũng không vào. Tối qua vẫn nằm lăn lóc, hơn 2h mới ngủ được. Nằm lăn lóc, rồi dậy mở lap, xem các tài liệu qua loa. Định viết trên blog về quyển sách này mà không có ý vững vàng.

3BC63B36-6535-4820-972B-97AE4A16D5B3

thứ bảy, 9 tháng Một 2021

 

Không ai

Chẳng còn ai để nói chuyện. Viết note vậy.

thứ năm, 14 tháng Một 2021

 

Thức

Thức tới 5h vì hôm qua uống hai cốc cà phê ở Reng Reng. Giờ chắc ra khỏi nhà, đi đâu đó.

thứ năm, 14 tháng Một 2021

 

Cô Nguyên

Cô giáo chủ nhiệm hồi cấp ba của tôi hay chuyện lắm. Cô kể về quá trình mình được như bây giờ không phải đương nhiên. Trước đó chưa ai nói với tôi mấy điều đó, sau này gần như cũng không có ai.

thứ năm, 14 tháng Một 2021

 

Ăn nói lạ

Trong phim Rừng Na Uy, hai cô cậu mới gặp nhau trong một tiệm ăn. Cô gái bảo cậu kia: cậu ăn nói lạ nhỉ, chẳng thấy ai nói như cậu.

thứ năm, 14 tháng Một 2021

 

Trường cũ

Cuối tháng Mười một tôi về trường [Đại học Văn hóa Hà Nội] để gặp thầy thì sốc lắm. Người ta phá chỗ thư viện, lấn sang cả khu nhà xe và khu nhà học viên Hàn Quốc. Rồi tôi lên toà nhà khoa tôi, thấy bị chiếm làm thư viện. Hồi toà nhà khoa anh còn chưa xây mới, chỗ đấy như đại bản doanh của sinh viên khoa tôi, vì sinh viên cả trường đều nói xấu khoa tôi cả, chả muốn chơi hay lai vãng khu ấy. Mặt tôi suýt dài ra được 1cm rồi.

thứ năm, 14 tháng Một 2021

 

Hồ Tây sương mù

Nay Hồ Tây trắng sương mù, đẹp lắm. Tôi ra khoảng giữa trưa, nhưng nay sương mù dày lắm. Trông mờ mờ ảo ảo. Nắng ít lắm. Chỗ hồ tây chẳng mấy nắng. Tôi đi qua chỗ đấy giữa trưa nên vắng lắm, như không phải ở Hà Nội, nhất là đoạn Lạc Long Quân nhìn bao quát.

thứ sáu, 15 tháng Một 2021

 

Mấy nay

Mấy nay buồn lắm. Vừa đi ra đình Bát Tràng. Hôm kia [thứ sáu, 15 tháng Một 2021] đi bộ với chị Mì, bất ngờ gặp thầy Mai Anh Tuấn. Hôm đấy đi bộ 14 cây. Mấy nay tôi cũng cố: đi bộ nhiều. Ngoài ra, không làm được gì: không đọc, không viết.

Chủ nhật, 17 tháng Một 2021

 

Thư viện Hà Nội

Thường thường tôi hay đọc kèm nhiều thứ cùng một lúc, nên hay đợi sách ở thư viện quốc gia. Bình thường tôi không hay đi mua sách, vì thường sử dụng các thư viện. Tôi hay lên thư viện Hà Nội lắm, từ đầu năm 2016. Nhưng khoảng hai năm nay tôi không mượn sách ở cơ sở Bà Triệu mà xuống Hà Đông, vì phòng mượn ở Bà Triệu chật quá, người ta không bày hết sách. Tôi lên cơ sở Bà Triệu thì thường lên phòng đọc mở để mượn từ kho kín, hoặc phòng đọc báo (bây giờ vào chung phòng đọc mở) hoặc phòng địa chí tít ở trên.

thứ ba, 19 tháng Một 2021

 

Không có tai nhạc

Tôi không có tai nhạc, nên dù cảm xúc được nhưng không hiểu tại sao. Trước tôi hay nghe Lê Cát Trọng Lý, nhưng khoảng 3 năm nay không thấy phù hợp nữa, nên gần như không nghe nhạc mấy. Đôi lúc buồn quá, tôi nghe mấy mẩu như Liebestraum của Franz Liszt. Có một hai tuần, sáng chẳng muốn dậy, tôi nghe Bach để vực dậy, nhưng sau đó không chịu được sự mạnh mẽ, mãnh liệt của âm nhạc ấy.

Tôi thích nghe Liszt, dù chưa biết tại sao mình thích. Mấy tháng trước tôi đọc được một course giảng trên radio [Myth and meaning của Claude Levi-Strauss] hay lắm, so sánh âm nhạc với ngôn ngữ, từ đó giải tỏa cho tôi. Ông tác giả kể mê nhạc từ nhỏ nhưng không hiểu mô tê gì cả. Sau đó ông đi nghiên cứu ngôn ngữ, thì phát hiện ra: nếu ngôn ngữ có đủ hình thức – ý nghĩa thì âm nhạc chỉ có hình thức (form) thôi. So sánh với ngôn ngữ thì âm nhạc thiếu một cái gì đó. Tôi nghiên cứu cách tiếp cận cấu trúc luận structuralism trong ngôn ngữ học linguistics, từ đó mở rộng sang các đối tượng khác, nhưng không có hiểu biết về âm nhạc nên chưa đi xa được.

Tôi có một bài về chuyện đó trên blog [“Đi nghe ca trù ở nhà Tú Uyên“, 2 tháng Hai 2019]. Cái tôi nói nó [ngôn ngữ học] không phải để dạy ngoại ngữ, mà nhằm đi tìm cái lý trong ngôn ngữ, như vật lý là đi tìm cái lý của vật chất. Mấy cái này học không thiết thực, không kiếm được tiền, nên chỉ ở mấy khoa nghiên cứu mới giảng. Tôi thì tự học vì không được dạy. Đại học người ta chủ yếu dạy kiến thức thôi, mà tôi tò mò muốn biết cái khác nên cặm cụi tự học.

thứ ba, 19 tháng Một 2021

 

Tai nhạc (2)

Tôi bị vướng chuyện thời gian vì muốn làm nhiều thứ quá trong một ngày. Làm blog ngốn thời gian lắm. Nghệ thuật, khxh bây giờ trộn với nhau. Nhưng tôi không có hiểu biết nghệ thuật. Dù cảm xúc trước tác phẩm nghệ thuật, nhưng thấy kỳ cục nếu nói những thứ mù mờ. Tôi thích đã nói thì phải rõ ràng 2 + 2 = 4. Càng đối tượng mơ hồ thì càng phải rõ ràng.

thứ tư, 20 tháng Một 2021

 

Bên lương, bên đạo (1)

Tôi thích chơi với những người theo đạo; hồi đi học, tôi chơi thân với một cậu bạn ở giáo phận Bùi Chu, lên đây làm trợ giảng cho lớp giáo lý đồng ấu ở Kẻ Sét, rồi cậu ấy thi thoảng dẫn tôi đi xem lễ. Còn bản thân tôi chịu ơn quyển sách Tự thú của Thánh Augustine, hoặc phiên âm theo tiếng Việt, là Augustino. Tôi mê Thánh Augustine lắm lắm, nên tôi rất thiện cảm với những người theo đạo. Tôi còn thích cả tập Linh thao của Thánh Loyola nữa. Tiếp xúc với công giáo của tôi chủ yếu là qua sách vở, còn tôi ít khi tự lên nhà thờ.

Tôi cảm nhận mình phù hợp với kito giáo, chứ không cảm nhận được những điều ấy ở phật giáo. Muốn lúc nàođi lên nhà thờ cùng xem lễ, đồng thời muốn học thêm từ các bài giảng của các cha. Tôi thích đi nhà thờ Kẻ Sét bên Giáp Bát nhất. Giáo xứ Thái Hà với Hàng Bột thì hơi bé. Hồi năm nhất, tôi cùng một anh bạn thân học khoa sử ở nhân văn, đang nghiên cứu báo chí công giáo hải ngoại, đến chơi nhà thờ Hàng Bột, thì tôi tự dưng bị choáng với đau đầu lắm. Sau đó tôi thử hỏi một bạn học cấp ba, có năng lực tâm linh, thì bạn ấy bảo có thể kiếp trước tôi có duyên gì đó với giáo xứ ấy.

Phúc Âm có một câu hồi năm nhất tôi thích lắm: cứ gõ cửa sẽ mở, cứ đi rồi sẽ thấy, cứ xin đi rồi Cha của con sẽ cho.  Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ. Kito giáo luôn là tôn giáo của tình yêu. Tôi có viết một bài điểm sách [“Lafcadio Hearn“, 30 tháng Sáu 2019], câu kết tôi đặt như này, và đúng là tôi nghĩ như vậy: “Nhưng ông hiểu rằng để ứng xử với sự khác thì phương pháp không phải tất cả, mà trước hết là từ con tim”.

thứ năm, 21 tháng Một 2021

 

Xoay sở

Lười vụ tự học tiếng pháp quá. Tuần này mới chuyển qua một chỗ làm truyền thông, cũng không phù hợp với mình, nhưng gần tết rồi khó kiếm việc. Đang đọc quyển này [Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc, 2020, khổ 16x24cm, 634 trang, 339.000 đồng]. Tôi không đọc sách giấy đâu. Tôi chụp ảnh quyển sách trên thư viện rồi lưu lại trong máy, giờ làm rảnh rang ngồi đọc và ghi chép, để sau đó dựng lại viết một bài điểm sách khoảng 1500 words.

Tác giả tôi đang đọc có cùng cách tiếp cận với tôi, nên đọc khá thích, đồng thời cũng nhìn ra được những chỗ ông ấy chưa giải quyết được thoả đáng. Vì những người tôi tiếp xúc gần như không theo cách tiếp cận như tôi, nên ban đầu thấy lạc lõng, sau đó nghĩ, cũng chẳng sao. Tạm thời chưa có công việc ưng ý nên tôi phải xoay sở. Cũng như nhà nho hồi xưa: chuyên môn là nghiên cứu nhưng công việc là quản lý, chẳng ăn nhập gì cả. Họ xoay sở trong chính cái khó xử ấy.

139759941_315663303197006_5919019945618295357_n_315663299863673

thứ sáu, 22 tháng Một 2021

 

Giấc mơ 23 tháng Một 2021

Bà Ngọc sống lại nói chuyện với bà ngoại trong ngày sinh nhật. Sau đó thấy khả nghi, rồi phát hiện không phải bà Ngọc.

thứ bảy, 23 tháng Một 2021

 

Từ một chú thích của Phan Ngọc

Hồi 2019, tôi chỉ đọc một chú thích trong bản dịch Sử Ký Tư Mã Thiên của Phan Ngọc, lập tức hiểu ra học triết cần làm gì [“Phan Ngọc chú thích“, 24 tháng Sáu 2020]. Đây là Phan Ngọc, người thầy tinh thần của tôi. Cái đó chẳng ai nói với mình.

Phan Ngọc hồi dịch Sử Ký Tư Mã Thiên bị thanh trừng, không được xuất hiện với tư cách một nhà khoa học, nên phải dùng mọi phương tiện để trình bày cách tiếp cận của mình, bao gồm dịch, viết giới thiệu, chú thích. Chứ đến khi xuất bản được một quyển sách riêng thì biết đến bao giờ.

Tôi cũng học theo cách tiếp cận của Phan Ngọc, đồng thời xử lý mâu thuẫn giữa hai cách tiếp cận khác. Nhưng phần lớn, cách tiếp cận của tôi lấy từ ngôn ngữ học cấu trúc. Tôi vừa tự học, vừa tự quan sát và cố gắng thay đổi bản thân.

Nhưng nếu trình bày một cách trừu tượng cách tiếp cận ấy (muốn kết hợp triết học Marx với ngôn ngữ học cấu trúc) thì đâu có được. Một là vì đụng tới chính trị. Hai là chỉ trình bày chung chung thì mọi người khó hiểu, cho là nói linh tinh.

Hồi tôi tập sự ở tạp chí Tia Sáng, cuối tháng Tám – đầu tháng Chín 2019, tôi gửi một bài viết theo cách tiếp cận ấy [“Kinh Thi Việt Nam ngày hôm nay“: xét cách tiếp cận của Trương Tửu], bị phê là quá tư biện, và rằng muốn đăng bài trên Tia Sáng thì tôi chỉ được nói các fact. Tôi thấy vô lý quá. Nhưng cái vô lý đó có một cái lí: 1) mình chưa phải chuyên gia, nên nói kiểu đó thì ai nghe 2) mình chưa hiểu rõ ràng được bản thân và cách tiếp cận ấy, nói ai nghe. Cho nên tôi tận dụng mọi dịp để trình bày cách tiếp cận của mình.

Bạn theo dõi các bài viết trên blog này từ 2019 đến nay, đều nhất quán. Tôi ở trong thế khó xử ấy, trình bày những điều khó nói phải bằng một cách khác, nên gây khó hiểu cho mọi người. Trong thế ấy, tôi chỉ có thể nói và viết rạch ròi, góp phần làm người khác dễ nắm bắt. Tôi thường hay tự thấy đồng cảm với hoàn cảnh khó xử của Khổng Tử, được thuật trong Sử Ký Tư Mã Thiên. Đại ý có một câu như này. Người có tâm sự thầm kín rất khó xử. Đối với người khác, họ như có vẻ đang cầu xin một điều gì đó. Vấn đề chỉ là họ đang lựa lời. Tôi cũng rất thích một câu trong Hàn Phi Tử: “cái khó không phải ở chỗ biết, cái khó là ở chỗ dùng cái biết của mình”.

Lúc trước [2018 – 2019] tôi ức, giận lắm. Dù mình có rất nhiều điều phải học, nhưng bản thân cách suy nghĩ và lựa chọn con đường của mình đã thể hiện mình không phải người tầm thường, nhưng chẳng ai công nhận điều đó. Còn những người suy nghĩ lẹt đẹt, chỉ kiếm lợi từ cách nói cách viết văn hoa (hoặc những cách khác) thì lại nổi tiếng. Ức lắm

Nhưng đến cuối năm 2019 tôi bắt đầu thay đổi. Bây giờ thì nhẹ nhõm hơn: làm những thứ cụ thể, không nghĩ nhiều đến chuyện được công nhận.

Càng lúc tôi càng thấy mình rất giống một người theo Nho giáo nhưng không ý thức điều đó. Tôi chưa biết nó đủ nên không rõ như nào, nên nói thử những gì tôi đang cảm nhận về bản thân. Tôi thấy mình giống một người đàn ông Việt Nam đang tu thân để trở thành một người quân tử. Tất nhiên, nguyên tắc sẽ khác. Nhưng cái giống là tu thân. Với anh ta, việc học không thể chỉ là chuyện sách vở, mà phải đưa suy nghĩ và hành động của anh ta trở nên nhất quán theo một nguyên tắc. Và anh ta dùng các tác phẩm và chính cuộc sống của mình để làm gương cho người khác. Một cuộc đời, đối với người Việt Nam, có sức thuyết phục hơn mọi tác phẩm. Người Việt Nam không nghe theo một người mà hành động và lời nói/tác phẩm không đi đôi với nhau. Cái đó là cách giáo dục của Nho giáo, giáo dục bằng đạo đức.

Cảm nhận của một người Việt Nam bình thường như tôi thì nho giáo nhấn vào vai trò tu thân của một bộ phận người. Còn bản thân nho giáo có một nguyên lý mang tính toàn nhân loại, là cố gắng đưa hành động và suy nghĩ của con người trở nên nhất quán. Chuyện nguyên tắc của cái nhất quán ấy, mỗi học thuyết sẽ đề ra khác nhau. Tôi thường quy mọi thứ về cái bất biến mang tính phổ quát. Một học thuyết tồn tại là vì nó được dựng nên từ một nguyên lý bất biến mang tính phổ quát. Mình có thể nắm lấy cái bất biến ấy, còn các thứ được dựng nên từ cái bất biến ấy lại là chuyện khác. Hình dung như các tiên đề của Euclid, mình sẽ nắm lấy các tiên đề, chứ không nắm lấy đáp số của một số bài tập. Nghĩa là cố nắm lấy cái chung nhất trong học thuyết. Tôi mê Euclid lắm. Cách tiếp cận trên bây giờ bị khoa học xã hội phản đối lắm. Lý do chủ yếu là vì cách tiếp cận ấy quy giản hiện tượng con người phong phú và bí ẩn thành một loạt các bất biến. Cách tiếp cận cấu trúc luận trong khxh, người ta gần như không theo, vì cho rằng nó quá phi nhân văn.

thứ bảy, 23 tháng Một 2021

 

Cuối tuần

Tôi ít bạn lắm nên hầu hết cuối tuần một mình. Chiều thứ bảy tuần trước [16 tháng Một 2021] một bạn đọc blog của tôi rủ đi uống cà phê nói chuyện trên giời dưới đất. Chiều chủ nhật tuần trước thì tôi đến đình làng Bát Tràng ngắm sông Hông, hôm đó lạnh cực, ngồi ở đấy còn lạnh hơn nữa. Còn hôm nay, cũng là một cuối tuần. Sáng tôi vẫn phải lên văn phòng ở trên Lò Đúc, sau đó qua Hoàng Hoa Thám để nói chuyện cộng tác, rồi tranh thủ đi gửi sách biếu cho gia đình tác giả có bài in trong một quyển sách tôi biên tập, là anh rể của nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà phê bình Hoài Thanh.

Ông Phạm Tuyên yếu quá nên không tiếp tôi được, và con trai của Hoài Thanh cũng yếu lắm, chỉ nhận sách thôi, không tiếp được. Nhìn cảnh ấy, tôi thương lắm. Tôi thương bọn trẻ con, người già và phụ nữ. Người già và trẻ con, là mình trước đó và sau đó thôi.

Cuối tuần của tháng trước thì tôi phải học môn chính trị ở trường Sư Phạm, chán bài giảng, lôi một quyển sách mượn ở thư viện Hà Nội (cơ sở hà đông) ra đọc, là tập một quyển Tuổi già của Simon de Beauvoir. Đọc, sau đó không quan tâm bên ngoài như nào. Đọc quyển ấy xúc động lắm. Bà này là triết gia Pháp thế kỷ XX, ủng hộ cuộc kháng chiến của miền Bắc

Sáng mai thì tôi đi ăn sáng với bà ngoại và em trai, còn chiều đi họp phụ huynh cho em trai.

Đấy là tôi chạy loanh quanh nhiều. Còn thường thường tôi sẽ làm tiếp nhịp sống đều đặn hàng ngày của mình, nhịp chậm và nhàm chán, là đọc và ghi chép trên giấy, sau đó cố viết. Có thể sau này nó sẽ trở thành lối sống khắc kỷ của một nhà tu hành không tôn giáo. Nhịp sống ấy nó trái ngược bản tính của tôi lắm. Tôi là người nồng nhiệt, dễ gần, tò mò và muốn tìm hiểu i như trẻ con. Nhưng qua nhịp sống chậm, đều đặn và nhàm chán ấy, tôi mới có thể đi xa hơn bản tính tò mò của mình.

thứ bảy, 23 tháng Một 2021

 

Trên thư viện Hà Nội (Hà Đông)

VV.000134

VN.002615

VN.001580

VN.011469

trần thanh mại khổ 15×22.5cm

phụ bản Nguyễn Kiến Giang khổ 19.5×24.5cm

chủ nhật, 24 tháng Một 2021

 

Bên lương, bên đạo (2)

Ba năm trước tôi lên Sapa đúng hôm chúa nhật, nên nghe các cha giảng về lời cầu nguyện của mẹ Thánh Augustine. Bài giảng đó không nhấn vào cuộc biến cải bản thân, từ một kẻ vô thần trở nên tiến sĩ hội thánh, cho bằng lòng tin nơi người mẹ. Tôi nghe cảm động lắm. Tôi gần như không đi nhà thờ vì không có ai đi cùng. Hồi đại học có bạn người Nam Định, sinh hoạt bên giáo xứ Kẻ Sét, rủ đi thì tôi đi. Hồi năm nhất, có một lần tôi đến nhà thờ Hàng Bột một mình, nhưng cả buổi nặng nề, vì mặc cảm mình là người bên lề đối với cộng đồng giáo dân.

chủ nhật, 24 tháng Một 2021

 

Gần

Tôi nghĩ con đường của tôi nó cần nhiều hơn lòng tin và cả trí tuệ. Không biết tới Thánh Augustine, chắc chắn tôi đã không có công cụ để tìm hiểu bản thân mình.

thứ hai, 25 tháng Một 2021

 

Tự do – giáo hội

Tôi có nghĩ đến tự do của con người trong kito giáo. Dù như nào, tôi nghĩ, vấn đề nằm ở bản thân mình. Nếu thực sự muốn cái gì thì có thể làm mọi cách để vượt qua nghịch cảnh. Còn vai trò của giáo hội. Tôi không được rõ, vì Tự thú của Thánh Augustine không nói tới quan hệ đó.

Theo tôi, quan hệ giữa mình và Chúa không nhất quán trong lịch sử. Thời (epoch) của Thánh Augustine, cá nhân có thể trực tiếp quan hệ với Chúa, nhưng quan hệ ấy không chủ động. Thụ động theo nghĩa Chúa muốn thì mới tạo ra được quan hệ mặc khải. Còn Công giáo đặt ra một thiết chế trung gian trong quan hệ của cá nhân và tập thể với Chúa.

thứ hai, 25 tháng Một 2021

 

Diễn giải Kinh Thánh

Bản Kinh Thánh do Hội Thánh Tin Lành làm thì rẻ, nhưng không chú thích gì cả, đọc vất vả lắm. Có quyển tôi đọc dở dang, mãi không xong được [Cảnh lực thần linh của Pierre Teilhard de Chardin]. Đối với một người Việt Nam bình thường như tôi, Kito giáo còn thuyết phục ở chỗ lòng tin nó là một tôn giáo duy lý: không một điều gì được coi là hiển nhiên, đặc biệt là lòng tin. Mọi thứ phải tìm hiểu và phải tìm cách chứng minh.

Kinh Thánh của Công giáo Việt Nam đắt phết, khoảng 500.000 đồng. Bản đó được chú thích, dẫn nhập, diễn giải chi tiết. Chứ đọc bản dịch chay của Hội Thánh Tin Lành vất vả lắm. Hồi năm nhất tôi tự mò mẫn đọc Phúc Âm và Sáng thế ký, hay nói chuyện với một chị mê bóng đá và là người công giáo bên Nam. Chị ấy sẽ diễn giải cho tôi câu này nói những gì.

Hồi năm nhất tôi học một thầy hay lắm, mà cũng lâu rồi, khoảng sáu năm trước, thầy quý tôi lắm. Tôi luôn muốn được vào tu viện để học triết kito giáo. Tôi có nghe cha Nguyễn Quốc Lâm giảng một course siêu hình học dành cho các học viên thần học.

Ở Việt Nam, tôi nể cha Đậu Văn Hồng, linh mục dòng tên, ở trong Kon Tum: https://giaophankontum.com/linh-muc/linh-muc-phaolo-dau-van-hong [Linh mục Phaolô Đậu Văn Hồng – Giáo Phận Kon Tum. Sinh ngày: 07.04.1950Nơi sinh: Nghệ AnThụ phong linh mục: 22.01.1990Nguyên quán: Vinh.Địa chỉ: Nhà Mục vụ GPKT , 146 Trần Hưng Đạo, Tp Kon Tum.E-mail: hongtrandau@yahoo.comChức danh: Phụ trách Nhà Mục Vụ]. Mấy lần tôi định mail cho cha làm quen, nhưng chủ yếu là để nói: cảm ơn cha, các tác phẩm của cha giúp con rất nhiều.

thứ hai, 25 tháng Một 2021

 

Cà phê tối

tôi thi thoảng uống cà phê buổi tối nên biết cảm giác ấy, người mệt lả nhưng đầu óc bị trằn trọc và kích thích vì cà phê

thứ hai, 25 tháng Một 2021

 

Giấc mơ 31 tháng Một 2021

Giảng đường đại học to ở Sư phạm, học xong vật lý, tá hoả 1h thi, hỏi han. Ban đầu bảo thi Lý, sau đó biết thi môn “tà lưu” (là gì?). Có tổng cộng 3000 like, làm sao trong một giờ thu được 5 like.

chủ nhật, 31 tháng Một 2021

 

Ốm & buồn

Bị cảm cúm. Sụt sịt mấy hôm rồi, hình như từ tuần trước. Sáng nay thì mệt quá không dậy được. Uống thuốc. Nay ở nhà. Mai đỡ hơn thì lên công ty, không thì thôi. Tôi chỉ oải rã rời thôi. Buồn. Đáng lẽ tôi nên cố gắng, nhưng tôi mệt mỏi, chán nản và bế tắc trước nỗi buồn ấy.

chủ nhật, 31 tháng Một 2021

 

 

Cuộc đời cũ (2011 – 2017)

Ghi chép (tháng Một 2018 – tháng Hai 2020)

Những mẩu (tháng Tám – tháng Chín 2018)

Các giấc mơ (tháng Mười một 2018 – tháng Hai 2020)

Ghi chép lúc đọc (tháng Mười 2018 – tháng Tám 2019)

Ở trạm (tháng Chín 2019)

Những cuốn sổ (tháng Tư – tháng Mười 2019)

Những cuốn sổ, tiếp tục (tháng Sáu – tháng Mười một 2019)

Note, cuối năm 2019 (tháng Mười một – tháng Mười hai 2019)

Sợ sống (ghi chép, tháng Ba – tháng Tư 2020)

Note (tháng Tư – tháng Sáu 2020)

Note, tháng Sáu 2020

Mơ (tháng Hai – tháng Bảy 2020)

Note, tháng Bảy 2020

Note, tháng Tám 2020

Note, tháng Chín 2020

Note, tháng Mười 2020

Note, tháng Mười một 2020

Mơ (tháng Tám – tháng Mười hai 2020)

Note, tháng Mười hai 2020

Bình luận về bài viết này