Tại sao biện hộ cho Paul Giran?

[thuyết trình tại “Nam Phong #6: Tại sao biện hộ cho Paul Giran – tác giả Tâm lý người An Nam?” của Book Hunter, 21:00 – 22:50, thứ sáu 11 tháng Ba 2022; 25 phút từ 21:05 – 21:30, 16 slide Power Point; video ghi hình của Book Hunter, từ phút 01:54 – phút 27:55]

 

11.3.22 audiomack

Cảm ơn Book Hunter, cảm ơn chị Hà Thuỷ Nguyên. Tôi tên là Đăng Thành. Hiện nay tôi đang học ngành triết học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cảm ơn mọi người đã cùng tham dự buổi hôm nay với tôi… Đây là lần thứ ba tôi cộng tác với Book Hunter sau hai lần trước vào tháng Hai 2015, có nghĩa đã cách đây bảy năm. Lần đấy tôi cộng tác với Book Hunter viết hai bài. Bài thứ nhất về Táo quân [“Bước đầu giải mã tục thờ Táo Quân tại Việt Nam”, đăng thứ tư 11 tháng Hai 2015, 23 Tết]. Bài thứ hai về Ngọc Hoàng [“Ngọc Hoàng, Ngài là ai trong văn hóa Việt?”, đăng thứ tư 18 tháng Hai 2015 (30 Tết)]. Đây là quãng thời gian tôi quan tâm đặc biệt đến nhân thần và nhiên thần ở Việt Nam, rất nhanh sau đó quan tâm của tôi chuyển sang lịch sử báo chí và lịch sử văn chương thời tiền chiến ở Việt Nam. Nhưng khi mà tôi tiếp thu những hiểu biết từ quan tâm thời bấy giờ, tôi không thấy thuyết phục, và có hai câu hỏi lớn được đặt ra với tôi lúc ấy. Thứ nhất, tại sao tôi không cảm thấy thuyết phục khi tôi thâu nhận những hiểu biết ấy? Câu hỏi thứ hai là tại sao chỉ có duy nhất một cách diễn giải đã được nói trên trường lớp? Liệu cách diễn giải mà tự tôi cảm nhận nó có đúng hay không? Quãng thời gian bảy năm qua là quãng thời gian tôi phần nào đấy có thể trả lời được hai câu hỏi ấy. Với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời của tôi: có thể tôi chưa cảm thấy thuyết phục bởi vì tôi chưa hiểu cái lý của cách diễn giải mà tôi đã được học. Với câu hỏi thứ hai, có thể câu trả lời của tôi là có thể có nhiều hơn một cách diễn giải. Và sau khi phần nào trả lời được hai câu hỏi trên, năm 2018 tôi bắt đầu quá trình diễn giải lại một số hiện tượng ở quá khứ, mà tôi chủ yếu tập trung vào một số tác giả đã có một số văn bản. Buổi nói chuyện hôm nay được tôi đưa ra nó không nằm ngoài hướng đi của tôi đã được mở ra vào năm 2018.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (2)

Lại một câu hỏi nữa được đặt ra: tại sao lại là Paul Giran, tác giả của cuốn Tâm lý người An Nam? Tôi có lý do. Bởi vì đây là nhân vật gây tranh cãi, vì vậy khi tôi nói về nhân vật ấy chắc chắn sẽ gây sự chú ý của mọi người. Và khi mọi người chú ý tới nó, thì điều đó đã là một vấn đề rồi. Năm 2019 khi diễn ra sự tranh cãi về cuốn Tâm lý người An Nam của Paul Giran, chủ yếu tranh cãi về cách tác giả đã đưa ra những diễn giải phân biệt chủng tộc cách đây một thế kỷ, thì tôi đã cảm thấy điều gì đó không ổn trong sự phản ứng này, nhưng tôi không hiểu vì tôi lúc đó chưa đọc cuốn sách đó. Tôi sẽ đọc Paul Giran vào giữa năm 2021, nhưng không phải là cuốn sách Tâm lý người An Nam của ông ta mà là cuốn sách sau đó, Phù thuật và tín ngưỡng An Nam, xuất bản lần đầu năm 1912, có nghĩa là tám năm sau Tâm lý người An Nam [xuất bản lần đầu 1904], và được dịch ra tiếng Việt rồi in cuối năm 2020. Khi tôi đọc cuốn này tôi cảm thấy rằng, trực giác của tôi nói rằng dường như tôi không chia sẻ cùng những ý nghĩa mà mọi người đã định cho Paul Giran và tác phẩm của ông ta. Từ đấy tôi bắt đầu tìm hiểu lan sang Tâm lý người An Nam, và tôi quyết định rằng sẽ tìm hiểu về nhân vật này. Tôi sẽ thử đi bắt đầu lại quá trình diễn giải của mình, để xem diễn giải của tôi nó khớp như thế nào hay nó chệch như thế nào so với diễn giải phổ biến ngày hôm nay. Diễn giải của tôi sẽ được bo hẹp lại trong phạm vi của hai văn bản, hai cuốn sách này là Tâm lý người An NamPhù thuật và tín ngưỡng An Nam. Đây là hai cuốn sách mọi người có thể dễ dàng tiếp nhận được ngày hôm nay. Tất nhiên, không phải tiếp nhận trên mạng, vì nó không phải open access, nhưng ít ra nó được mở đến mức mọi người có thể truy cập vào một số các thư viện ở các cấp độ để đọc được nó. Như vậy thì có thêm một căn cứ để xem những gì tôi trình bày là phải hay là quấy.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (3)

Sau khi tôi đọc Paul Giran tôi đưa ra lời biện hộ cho Paul Giran. Tôi đưa hai lời biện hộ chính, từ việc tôi xem xét hai cuốn sách của ông ấy. Lời biện hộ thứ nhất là không phải tới năm 2019, khi Tâm lý người An Nam đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi thì mới diễn ra sự phê phán tác phẩm Tâm lý người An Nam, mà ông Paul Giran – nếu không phải là người đầu tiên thì cũng là một trong những người sớm nhất tự phê phán tác phẩm của mình. Và tôi cho rằng ông đã tự phê phán sớm hơn 107 năm, so với những phê phán năm 2019. Và tôi cho rằng ở một mức độ nào đấy cuốn sách sau của ông [Phù thuật và tín ngưỡng An Nam] chính là một sự viết lại Tâm lý người An Nam. Biện hộ thứ hai của tôi dành cho Paul Giran là ông ta ở một mức độ nào đấy đã tôn trọng cộng đồng bản địa, tức là cộng đồng ông ta tìm hiểu, trong khi cách sống và cách nghĩ của ông ta bị chi phối bởi quan điểm hay ý niệm thống soát thời của ông ta là ý niệm “Tiến bộ”.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (4)

Để nêu ra được hai biện hộ cho Paul Giran thì tôi thử đặt đối lập hai tác phẩm của ông Paul Giran, tôi phân tách từ mỗi tác phẩm của ông ta năm yếu tố rồi tôi so sánh mỗi yếu tố ở tác phẩm này với yếu tố đó ở tác phẩm kia. Yếu tố đầu tiên là tên, nó gồm có tên chính và tên phụ. Yếu tố thứ hai là cấu tạo, hay mục lục của sách. Yếu tố thứ ba là mục đích của sách. Yếu tố thứ tư là luận điểm chính. Yếu tố thứ năm là thứ ràng buộc, thứ cố kết các luận điểm của Paul Giran lại để nó trở thành khối thống nhất, mà được tôi giả định là khung lý thuyết mà ông ta sử dụng.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (5)

Bây giờ chúng ta bắt đầu vào ba đối lập đầu tiên. Ba đối lập đầu tiên được tôi nêu ra là tên, cấu tạo, mục đích. Các bạn có thể dễ dàng thấy những cụm từ mà tôi gạch chân ở phía dưới là những cụm từ mà tôi nghi ngờ dường như có ý tương đương nào đấy. Chúng ta sẽ cùng xem tên. Liệu rằng “Tâm lý người An Nam” [tên chính của cuốn thứ nhất] và “Nhập môn triết học văn minh của người An Nam” [tên phụ của cuốn thứ hai], dường như tôi trực giác rằng nó đều chỉ về một thứ tương đương. Thử đối lập thứ hai là cấu tạo sách. Phần thứ nhất [của Tâm lý người An Nam] là “Tính cách dân tộc” và phần thứ nhất [của Phù thuật và tín ngưỡng An Nam] là “Các khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam” dường như nó cũng chỉ về một thứ. Giờ chúng ta nhìn xem mục đích của sách. Ở Tâm lý người An Nam, bỏ qua mục đích phục vụ cho cai trị, mục đích chính là “thâm nhập vào tâm hồn của nó [người An Nam], vào tinh thần của nó” (bản Nhã Nam, trang 24). Mục đích của cuốn Phù thuật và tín ngưỡng An Nam là “nắm bắt được dòng tư tưởng hoàn toàn nở rộ ở bộ óc người An nam” (trang 19).

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (6)

Chúng ta có thể thấy là mục đích của hai cuốn sách này là giống nhau, là tương đồng, vì vậy tôi cho rằng ông Paul Giran có một số thuật ngữ dù dùng khác nhau nhưng đều chỉ cùng một thứ. “Tâm lý người An Nam” là thuật ngữ được nêu ra trong tên chính của quyển sách thứ nhất. “Tính cách dân tộc” là cụm từ được nêu ra ở mục lục của cuốn sách thứ nhất. “Những khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam” là tên phụ của quyển thứ hai. Ba thuật ngữ này đều tương đương ở một mức độ nào đấy, và đều chỉ về một thứ, mà nói theo ngôn ngữ hiện đại hay ngôn ngữ của bây giờ là một số đặc điểm nền tảng của Việt Nam xét như một tập thể người.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (7)

Nếu giả thuyết này của tôi được chấp nhận thì tôi cho rằng Phù thuật và tín ngưỡng An Nam một phần nào đấy hoặc ở một mức độ nào đấy nó chính là một sự viết lại của Tâm lý người An Nam. Có nghĩa là ông Paul Giran chỉ mất tám năm để tự xét lại mình, tự phê phán tác phẩm của mình, trước hoặc sớm hơn 107 năm những phê phán hiện tại. Tự bản thân ông ta đã có tinh thần phê phán, và đó là điều cần được ghi nhận ở tác giả này.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (8)

Nhưng lại nổi lên một câu hỏi nữa: sự viết lại này diễn ra ở mức độ nào? Nó có phải một sự viết lại mang tính triệt để hay không? Hay đó là một sự viết lại diễn ra ở mức độ thấp hơn [so với mức triệt để]? Để trả lời câu hỏi ấy tôi thử hai đối lập tiếp theo 1) luận điểm chính 2) khung lý thuyết. Ở Luận điểm chính của Tâm lý người An Nam, có thể thấy ông ta nói rằng hai nguyên nhân chính yếu để tạo thành đặc điểm của Việt Nam xét như một tập thể người là 1) chủng tộc hay cấu tạo sinh lý của cộng đồng đấy, 2) môi trường, gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Đối lập với tác phẩm tám năm sau, có thể thấy rằng vắng mặt nguyên nhân về chủng tộc hay là sinh lý. Đây là nguyên nhân đã gây ra phản đối [năm 2019], và tám năm sau ông ta đã bỏ nó đi, mà chỉ còn nguyên nhân thứ hai là sự thích nghi của tập thể người với những môi trường khác nhau, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn.

Có thể ông ta đúng, có thể ông ta chưa đúng ở một mức độ nào đấy nhưng trong buổi nói ngày hôm nay chúng ta mới chỉ thu hẹp lại, để phân tích nội tại hai văn bản. Nếu chỉ phân tích nội tại hai văn bản thì chúng ta có thể nói là ở mức độ nào đấy ông Paul Giran vẫn nhất quán với cách đi của mình. Và chúng ta có thể tạm hài lòng để đi tới đối lập thứ năm là đối lập về khung lý thuyết. Trong Tâm lý người An Nam, nếu các bạn có đọc cuốn sách đấy, một cuốn sách rất nổi tiếng, có thể thấy cuốn sách trích dẫn rất nhiều tài liệu, và được viết ra trong quãng thời gian từ lúc học ở trường Cao đẳng Thuộc địa, từ quãng 1899 tới 1904. Có thể thấy hiểu biết của ông ta về cộng đồng Việt Nam trong quãng đó là hiểu biết đến phần nhiều từ sách vở. Ông ta có thể là kiểu người phổ biến ở Châu Âu thế kỷ XVIII, XIX, và một phần nào đấy đầu thế kỷ XX, được gọi là “library man”. Nhưng các tài liệu đấy chưa được tổ chức theo một khung lý thuyết nào đấy, mà phần nào đấy lượng tài liệu lớn được đặt cạnh nhau theo một cách khá thô sơ, và tôi cho rằng ông không hài lòng với bản thân tác phẩm của mình. Vì vậy ông ta đã cố gắng tìm ra một khung lý thuyết có thể phù hợp để ông ta diễn giải tập thể này. Ông ta lựa chọn khung lý thuyết của Durkheim trong Phân công lao động trong xã hội.

Nói thêm một ít về Durkheim. Ông Durkheim là một nhà xã hội học rất lớn của nước Pháp vào nửa đầu thế kỷ XX, và ông nổi tiếng nhất ở nước Pháp là vào sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc và trước khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu, nghĩa là trong khoảng hai thập niên 20s và 30s của thế kỷ XX. Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX và thập niên đầu tiên rồi thứ hai của thế kỷ XX, mặc dù ông Durkheim rất nổi tiếng, nhưng ông là người gây tranh cãi, bởi vì ông ta đã cố gắng để thành lập một bộ môn xã hội học nó độc lập so với triết học, độc lập so với mọi khoa học đã từng tồn tại trước đó. Cho nên ông Durkheim rất gây tranh cãi. Ông Paul Giran ở một mức độ nào đấy tiếp nhận Durkheim vào quãng 1910s, trong khi ông Durkheim vẫn là một tranh cãi, có thể thấy ông Paul Giran là người có đầu óc cởi mở. Và ông Paul Giran lựa chọn tiếp nhận khung lý thuyết của Durkheim ở trong tác phẩm Phân công lao động trong xã hội. Đây là tác phẩm ông Durkheim nộp để làm luận án tiến sĩ văn chương vào năm 1892 và sửa lại để in thành sách năm 1893.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (9)

Chúng ta có thể đồng ý là ông ta theo khung của Durkheim nhưng ông ta theo khung của Durkheim ở một mức độ nào? Tôi có thể đưa ra hai tiêu chí để có thể trả lời câu hỏi này, và nếu ông Paul Giran tuân thủ hai tiêu chí đấy thì chúng ta có thể nói rằng ông Paul Giran đã tuân thủ nghiêm ngặt khung của ông Durkheim. Tiêu chí thứ nhất là ông ta cần bỏ sang một bên những hiểu biết trước đây của ông để cấu tạo lại từ đầu những hiểu biết của bản thân, và từ đó định nghĩa một hiện tượng ông ta muốn chỉ ở một xã hội cụ thể. Ở đây có hai vế, chúng ta phân tích trước vế đầu tiên. Ông ta có để sang một bên những hiểu biết trước đây của mình để cấu tạo lại từ đầu những hiểu biết của bản thân hay không? Câu trả lời là không! Ông ta đã lấy lại 1/2 luận điểm chính của ông ta [trong Tâm lý người An Nam] đưa vào cuốn sách xuất bản sau đó tám năm. Vế thứ hai là ông ta có định nghĩa được hiện tượng không? Câu trả lời của tôi cũng là không! Việc chưa định nghĩa được hiện tượng này nó thể hiện ngay ở sự bất ổn về nghĩa của ba thuật ngữ mà tôi đã nêu ra ở mấy slide trước. Chúng ta có thể gạch đi một tiêu chí, vì ông ta chưa làm được. Tiêu chí thứ hai là ông ta phải đưa ra một cách diễn giải thuần xã hội. Ông ta có làm được không? Câu trả lời là ông ta chưa làm được, vì ông ta còn giữ lại những nguyên nhân của môi trường tự nhiên [tới đặc điểm của tập thể người Việt Nam]. Ví dụ, ông cho rằng đối với cộng đồng Việt Nam thì lượng nhiệt lớn và lượng ánh sáng gắt nó ảnh hưởng nhiều tới đặc điểm, đến sinh hoạt của con người ta. Như thế không phải là cách giải thích thuần xã hội. Hai tiêu chí tôi đã nêu ra, ông ta không làm được cả hai. Điều đó có nghĩa là ông ta không theo khung của Durkheim nghiêm ngặt.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (10)

Nhưng tiếp tục cần đặt ra một câu hỏi nữa là thế tại sao ông ta không theo khung của Durkheim nghiêm ngặt? Tôi cho rằng có hai lý do. Lý do thứ nhất là bởi vì cuốn sách thứ hai là sự xét lại cuốn thứ nhất, thế nên ông không đoạn tuyệt với hiểu biết trước đây của mình, mà ông ta muốn tiếp nối hiểu biết trước kia của mình, với một sự phê phán. Cách giải thích thứ hai của tôi, tôi nghĩ có nhiều ý nghĩa hơn: bởi vì khung của Durkheim đã đẩy ông ta vào thế khó. Khung của Durkheim đẩy ông ta vào thế khó như thế nào? Khung của Durkheim nói rằng không tồn tại hiện tượng xã hội nào tồn tại ở chân không, nó diễn ra trong môi trường trong suốt như các khoa học tự nhiên, mà nó luôn diễn ra ở một loại hình xã hội cụ thể, một loại hình xã hội đặc thù. Ở trong cuốn sách của Durkheim mà ông ta dẫn chiếu là Phân công lao động trong xã hội năm 1893, thì ông Durkheim lấy tiêu chí là mức độ phân công lao động trong xã hội để định ra hai loại hình xã hội chính. Thứ nhất là loại hình xã hội nguyên thuỷ, ở đấy chúng ta có cách phân công lao động dựa trên sự đồng thuận của mọi người ở mức độ tính cá biệt hoá, tính cá nhân hoá rất thấp. Thứ hai là xã hội hiện đại, khi mức phân công lao động trong xã hội đã lớn, mỗi người có thể làm những công việc, những thao tác riêng biệt khác nhau, và mọi người đã hình thành nên tính cá nhân của mình. Ông Durkheim sau cuốn sách năm 1893 cũng không quay lại vấn đề phân loại các xã hội, dù ông ta cho rằng vấn đề này rất quan trọng, được đặt trong một phân ngành, chuyên ngành của bộ môn xã hội học mà ông ta dự định hình thành là social morphology là loại hình học xã hội. Ông ta mới chỉ quay trở lại thoáng qua vấn đề này trong cuốn sách năm 1895 là Các quy tắc của phương pháp xã hội học [chương IV “Các quy tắc về sự cấu tạo các loại hình xã hội”] và một văn bản ngắn, độ 1500 từ năm 1897 [sai, năm 1899; “Hình thái học xã hội”, Année sociologique, tập 2, 1899, trang 520 – 521]. Có thể thấy là có thể ông Paul Giran đã hiểu ông Durkheim có thế khó của ông: dựa trên nguồn lực của mình, ông Durkheim chưa làm được điều này [phân loại các xã hội].

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (11)

Đứng trước tình cảnh này ông Paul Giran phải đưa ra một lựa chọn. Ông Durkheim đã không đưa cho ông Paul Giran một lựa chọn sẵn có thì ông phải dựa trên trực giác của mình để tự đi diễn giải. Ông Paul Giran đã tự diễn giải như này khi đang ở thế khó: “Tôi không có ý nói rằng người An Nam là một dân tộc nguyên thủy, theo mọi nghĩa của từ này. Nền văn minh của họ đã đạt đến một mức độ khá cao, nhưng dẫu vậy, họ vẫn lưu giữ một số thói quen suy nghĩ chỉ thuộc về tư duy hoang sơ, nhất là trong những tầng lớp thấp chiếm đại đa số dân chúng” (trang 25). Có thể thấy là cách xử lý của Paul Giran rất đặc sắc.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (12)

Đặc sắc ở điểm hai câu của ông Paul Giran có thể hiểu theo ít nhất ba cách. Cách thứ nhất là Việt Nam, cộng đồng Việt Nam là loại xã hội trung gian giữa loại xã hội nguyên thuỷ và loại xã hội hiện đại, theo khung của ông Durkheim. Cách hiểu thứ hai là Việt Nam là loại xã hội mà phân loại của Durkheim chưa chỉ ra nhưng rồi đây những người theo ông Durkheim có thể chỉ ra. Cách thứ ba là Việt Nam không phù hợp với bản thân cách phân loại của ông Durkheim, và đề xuất phải có một cách phân loại các xã hội khác.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (13)

Tôi cho rằng khi phân tích văn bản của ông Paul Giran, ông ta phần nào nghiêng về cách diễn giải thứ hai. Nghĩa là mặc dù Durkheim chưa phân loại xã hội này nhưng có thể những người theo Durkheim sẽ đặt ra cách phân loại. Vì vậy ông ta bỏ ra ngoài việc phân loại xã hội Việt Nam theo một cơ chế khác, mà chỉ ra rằng có thể có một số đặc điểm nền tảng của xã hội Việt Nam nó rất gần với một số đặc điểm của loại xã hội nguyên thuỷ, và ông ta nhận thấy một số đặc điểm đó là “cặn” của cộng đồng Việt Nam, là phần tồn tại rất lâu dài và khó gột rửa. Ông ta chỉ xét phần “cặn” mà ông ta có thể biết chắc chắn.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (14)

Ý nghĩa của lựa chọn này là ông ta đã tôn trọng cộng đồng bản địa ở một mức độ nào đấy, mà chỉ xét cái phần tự ông ta cảm thấy hợp lý, chứ không khuôn ép cộng đồng bản địa theo lý thuyết phương Tây mà ông ta cho là không phải. Và chính vì vậy ông ta đã giữ khoảng cách với khung lý thuyết của Durkheim.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (15)

Việc giữ khoảng cách với khung lý thuyết của Durkheim nó có một ý nghĩa lớn. Bởi vì nền tảng của khung lý thuyết đó là ý niệm “Tiến bộ”. Có thể có nhiều cách gọi ý niệm đó, “tiến hoá”, “tiến bộ”, “phát triển”, nhưng luôn giả định những chặng tiến bộ cao hơn. Việc của ông Paul Giran là giữ khoảng cách với nó. Ý niệm “Tiến bộ” nó thống soát cách nghĩ, cách sống của các cá nhân thời của ông Paul Giran, kể cả ông Paul Giran, kể cả các cá nhân người Việt Nam. Nếu các bạn lấy ba tác phẩm của người Việt Nam, là sản phẩm tinh thần của quá trình Tây phương hoá, 1) tiểu luận, có thể là các tiểu luận của Phan Khôi, 2) phóng sự, có thể là các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, bởi vì ông ta là ông vua phóng sự đất Bắc, 3) tiểu thuyết, có thể là tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn, thì cách diễn giải của các cá nhân sáng tác luôn ẩn dưới là ý niệm “Tiến bộ”. Có thể nói ý niệm “Tiến bộ” đã định hình cả cách nghĩ của những cá nhân một thời, kể cả ông Paul Giran.

Tại sao biện hộ cho Paul Giran (16)

Như vậy ông Paul Giran, qua lựa chọn của ông ta, có thể nói cho chúng ta rằng ý niệm “Tiến bộ” là ý niệm thống soát một thời và thực sự chật chội như nào. Trong thế chật chội ấy ông ta đã cố gắng phần nào sửa chữa, đi ra khỏi các khung lý thuyết được dựa vào nền tảng là ý niệm “Tiến bộ”. Tôi cho rằng có thể mở rộng ra để nói rằng, ông Paul Giran hay tác phẩm của ông ta có ý nghĩa chung hơn đối với những cá nhân ngày hôm nay. Tác phẩm của Paul Giran vẫn còn có thể đọc được ngày hôm nay, bởi vì ông Paul Giran cho chúng ta mở rộng vấn đề: ý niệm “Tiến bộ” có thể được nhìn nhận như một tiêu chí, như một cách đọc của các cá nhân ngày hôm nay để đọc các tác phẩm quá khứ – tôi bó hẹp lại, các tác phẩm ở Việt Nam, của những người sống ở Việt Nam nghĩa là gồm cả người phương Tây và người Việt Nam, trong thế kỷ XX. Chúng ta có thể theo dõi quá trình những tác giả ấy đã tuân theo các lý thuyết, các nếp nghĩ dựa trên ý niệm “Tiến bộ” như thế nào? Những người nào đã cố gắng để thoát ra, cố gắng để xuyên phá, cố gắng để phá cái thế khó ấy như thế nào? Họ đã làm bằng cách nào? Liệu rằng những dấu vết của nếp nghĩ ấy nó còn tồn tại đến ngày hôm nay ở các cấp độ tập thể và cá nhân không? Tôi nghĩ, điều trên có thể là ý nghĩa của việc đọc Paul Giran gợi ý cho những cá nhân ngày hôm nay nghĩ tiếp.

Bài nói của tôi đến đây là hết. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

 

 

về Paul Giran:

Tại sao biện hộ cho Paul Giran? (giới thiệu) [giới thiệu buổi nói]

Biện hộ cho Paul Giran [Khoa học & Phát triển số 2 năm 2022 (thứ năm 13 tháng Một 2022), khổ 26.5 x 35.1 cm, 24 trang, giá 8.5000 đồng, mục Đọc sách, trang 19]

Note: Paul Giran [đọc lại Phù thuật và tín ngưỡng An Nam: nhập môn triết học văn minh của người An Nam, chủ nhật 26 tháng Mười hai  2021]

Paul Giran khác [một trên bốn trình bày của học viên ở chuyên đề “Thế giới quan và phương pháp luận nhận thức khoa học” của giảng viên Cao Thị Sính (lớp cao học K30 khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội), qua zoom, chiều thứ bảy 3 tháng Bảy 2021, trong vòng 10:44 phút]

 

 

về Durkheim:

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (kết luận)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 5: Phương pháp của Montesquieu, tiết III)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 5: Phương pháp của Montesquieu, tiết II)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 5: Phương pháp của Montesquieu, tiết I)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 4: Montesquieu tin hiện tượng xã hội lệ thuộc nơi các luật xác định tới mức nào?, tiết III)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 4: Montesquieu tin hiện tượng xã hội lệ thuộc nơi các luật xác định tới mức nào?, tiết II)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 4: Montesquieu tin hiện tượng xã hội lệ thuộc nơi các luật xác định tới mức nào?, tiết I)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 3: Phân loại những xã hội của Montesquieu, tiết III)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 3: Phân loại những xã hội của Montesquieu, tiết II)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 3: Phân loại những xã hội của Montesquieu, tiết I)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 2: Montesquieu đã định phạm vi của khoa học xã hội tới độ nào?, tiết II)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 2: Montesquieu đã định phạm vi của khoa học xã hội tới độ nào?, tiết I)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 1: Các điều kiện cần thiết nhằm thành lập khoa học xã hội, tiết IV)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 1: Các điều kiện cần thiết nhằm thành lập khoa học xã hội, tiết III)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 1: Các điều kiện cần thiết nhằm thành lập khoa học xã hội, tiết II)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (chương 1: Các điều kiện cần thiết nhằm thành lập khoa học xã hội, tiết I)

Đóng góp của Montesquieu tới sự hình thành khoa học xã hội (1892) (dẫn nhập)

CL-S: Dân tộc học chịu ơn Durkheim những gì? (1960)

Đóng góp của xã hội học cho tâm lý học và triết học (1909)

Văn minh nói chung và các típ văn minh (1902)

Xã hội (1917)

Phương pháp của xã hội học (1908)

Vai trò của xã hội học đại cương (1905)

Hình thái học xã hội (1899)

Tranh luận về quan hệ giữa dân tộc học và xã hội học (1907)

Tóm tắt Sự kiến tạo xã hội về thực tại (nháp)

Durkheim, chương 1 – 2 [Các quy tắc của phương pháp xã hội học]

Paul Giran khác [Phù thuật và tín ngưỡng An Nam: nhập môn triết học văn minh của người An Nam]

Đọc lại Durkheim (Các quy tắc của phương pháp xã hội học) [note, thứ tư 16 tháng Mười hai 2020]

Đầu tiên [quyển sách đầu tiên tôi biên tập, trong chú thích 183 nêu giả thuyết chủ nghĩa marx – lenin đi vào Việt Nam dường như qua khúc xạ của xã hội học Durkheim]

Durkheim [đối lập triết học với khoa học]

Nguyễn Văn Vĩnh, nhà dân tộc học: Một đánh giá [Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam]

(Phần giới thiệu & thảo luận) Nói chuyện về Marcel Mauss và Nguyễn Văn Huyên

Có qua có lại, mới toại lòng nhau – Luận về biếu tặng của Marcel Mauss và tiếng vọng Nguyễn Văn Huyên

Đọc lại Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội [Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam]

Bình luận về bài viết này