Paul Giran khác

[một trên bốn trình bày của học viên ở chuyên đề “Thế giới quan và phương pháp luận nhận thức khoa học” của giảng viên Cao Thị Sính (lớp cao học K30 khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội), qua zoom, chiều thứ bảy 3 tháng Bảy 2021, trong vòng 10:44 phút]

 

Đề tài cô giao cho em là đối lập giữa tư duy của người Châu Âu và người Việt Nam. Thực ra câu trả lời cho câu hỏi này có rất nhiều. Hiện nay có một quyển sách rất nổi tiếng mà bất cứ ai học đại học đều biết là Cơ sở văn hóa Việt Nam của ông Trần Ngọc Thêm. Ở đó ông xét văn hóa Việt Nam như một hệ thống và đối lập hệ thống đó với hệ thống của văn hóa Châu Âu. Như vậy câu trả lời rất nhiều nhưng em muốn lùi lại, xét cách thức đưa tới kết luận, chứ không chỉ muốn nói tới câu trả lời. Muốn làm được, cần tiền đề là một phương pháp có khả năng so sánh để tìm điểm chung và đối lập để tìm điểm riêng.

Em rất đồng tình ý kiến của Engels trong tác phẩm Ludwig Feuerch và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức xuất bản năm 1888, tức 5 năm sau khi Marx qua đời. Ông viết “nhưng không ai chiến thắng nổi một triết-lý bằng cách tuyên bố đơn thuần rằng nó sai. Phải hiểu nó và vượt nó đúng theo lôgích nội-tại của nó, nghĩa là phê-phán để gạt bỏ khía cạnh hình-thức của nó nhưng vẫn giữ lại nội-dung mới mà nó đã đạt được” [Phan Huy Đường dịch, lời tựa chương 6 “Một nhân-sinh-quan mới”, phần II “Nền tảng của những ý-tưởng”, trong quyển Tư-duy tự-do]. Ý của Engels năm 1888 là không thể đơn thuần nói một triết lý sai mà phải vượt qua triết lý đó bằng chính logic nội tại của nó. Vấn đề em muốn nêu lên là tạm thời gác lại chuyện phê phán triết học ấy. Việc của em trong khoảng thời gian hạn hẹp là trình bày phương thức đưa ra kết luận của một học thuyết.

Ở đây em chọn khoảng thời gian thời thuộc địa. Trong khoảng mười năm nay có nhiều tác phẩm của người Việt Nam và Châu Âu thời thuộc địa được dịch và xuất bản. Em chọn một tác phẩm mới xuất bản của ông Paul Giran là Phù thuật và tín ngưỡng An Nam: nhập môn triết học văn minh của người An Nam [Paul Giran (Hiệu Constant dịch; Phan Cẩm Thượng hiệu đính và giới thiệu; Gustave le Bon viết lời tựa), Phù thuật và tín ngưỡng An Nam: nhập môn triết học văn minh của người An Nam, Hà Nội: Nhã Nam & NXB Thế giới, 2020, khổ 17x25cm, 410 trang, bìa cứng, giá bìa 290.000 đồng, VNU-LIC]. Tác phẩm này đã được dịch thập niên 1990, bản dịch mới bổ sung lời giới thiệu của Phan Cẩm Thượng và mới xuất bản, vì vậy mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Ông tác giả sống nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, làm tham biện tức viên hành chính dân sự ở Việt Nam. Quyển sách em xét xuất bản thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Quyển sách gồm ba phần. Phần thứ nhất (quyển thứ nhất) là “Những khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam và nguồn gốc của chúng”. Phần thứ hai là “Pháp thuật”. Phần thứ ba là “Tôn giáo”. Em muốn xét ở đây phần thứ nhất, “Những khái niệm siêu hình đầu tiên của người An Nam và nguồn gốc của chúng”. Em chọn xét phần một vì ông Paul Giran rất tham vọng, muốn tìm ra nguyên lý đằng sau những biểu hiện hỗn độn của người Việt Nam. Bởi người Châu Âu coi hành động người Việt Nam như những hành động hỗn độn. Tuy nhiên ông Paul Giran không cho là có thể đặt thái độ trịnh thượng như vậy, mình phải tìm cái lý của người ta.

Ông theo trường phái xã hội học đang nổi ở Pháp thời đó là trường phái Durkheim. Tài liệu ông ta sử dụng cũng rất hợp lý. Ông cần sử dụng những tài liệu chắc chắn nhất để cho mình hy vọng có thể tìm thấy tư duy của người An Nam qua tài liệu ấy. Ông chọn sử dụng các thành ngữ. Tuy nhiên trong quyển sách, ông chưa khu lại hiệu lực của các kết luận. Em muốn khu lại hiệu lực, dựa trên tài liệu và mạch suy luận của ông ta: có thể hiệu lực từ đầu thế kỷ XIX đến thập niên đầu thế kỷ XX (lúc sách xuất bản), tức trong khoảng thời gian của triều Nguyễn. Ông lấy kết luận về tư duy người Việt Nam trong khoảng một thế kỷ đó để so sánh và đối lập với tư duy người Châu Âu trong khoảng thời gian ông ấy sống. Có nghĩa cần định hiệu lực của kết luận, không thể có kết luận vu vơ.

Tiền đề thứ nhất của trường phái xã hội học Durkheim là xét thế giới bên ngoài không phải thế giới khách quan kiểu marxist – leninist, mà trước hết xét thế giới được dành cho con người. Có nghĩa là tư duy của con người trong các cộng đồng thấy thế giới ấy như thế nào. Tiền đề thứ hai mang tính phương pháp luận của trường phái xã hội học Durkheim là tách bạch giữa hai phần, cá nhân và tập thể. Cá nhân là phần mang tính chủ quan, tập thể là phần mang tính khách quan. Như vậy trường phái này đã tách bạch hai mặt chủ quan và khách quan của thực tại xã hội. Mặc dù mặt chủ quan quan trọng, thì mặt khách quan là thứ chúng ta có thể biết một cách chắc chắn, như ông Paul Giran đã sử dụng các thành ngữ Việt Nam có thể khảo sát một cách thực chứng. Như vậy mạch suy luận của Paul Giran dựa trên mặt khách quan của thực tại xã hội của trường phái Durkheim. Durkheim tuy nhiên không phủ nhận mặt chủ quan mà để ngỏ cho người sau tìm hiểu tiếp.

Có một thuật ngữ biểu hiện mặt khách quan của thực tại xã hội là “sự kiện xã hội”. Sự kiện xã hội ở đây là thành ngữ của người An Nam, thể hiện một phần nào đó tư duy của người An Nam. Làm như nào để biết sự kiện xã hội là gì? Có hai thuộc tính của nó làm ta biết được. Thứ nhất, nó nằm ngoài ý thức cá nhân. Thứ hai, nó có thể gây nên hoặc gây nên cưỡng chế cá nhân, buộc cá nhân phải làm theo nó. Vì vậy sự kiện xã hội hoàn toàn mang tính xã hội. Cách giải thích này do đó là giải thích thuần túy xã hội. Chúng ta không phủ nhận cách giải thích tâm lý học, sinh lý học, nhưng trong hiệu lực của trường phái Durkheim, nó co lại trong cách giải thích thuần túy xã hội.

Paul Giran đi tiếp một kết luận của Durkheim là có ít nhất hai cộng đồng xã hội phổ biến trong lịch sử con người, trong tài liệu có thể khảo sát cuối thế kỷ XIX, là nguyên thủy và hiện đại, nghĩa là người Châu Âu thời đó. Tư duy tập thể ở mỗi cộng đồng (hoặc tập thể) nó khác nhau. Với cộng đồng xã hội nguyên thủy, người ta xét các sự vật không phải tách bạch, vật này tồn tại độc lập so với vật kia, mà ngược lại, xét thống nhất giữa các sự vật, xét đồng nhất giữa các sự vật, xét sự vật này là tiền đề để sự vật kia tồn tại. Ngược lại tư duy tập thể của xã hội hiện đại tách bạch các sự vật ra để xét. Tuy nhiên Paul Giran có bình luận tỉnh táo: xã hội Việt Nam không phải xã hội nguyên thủy vì vậy không thể lấy những kết luận của xã hội nguyên thủy theo Durkheim để gán ghép vào xã hội Việt Nam.

Điểm này là đóng góp về phương pháp cho trường pháp xã hội học Durkheim ở Pháp. Ông ta nói tiếp, tuy người Việt Nam không phải người nguyên thủy nhưng còn bảo lưu một số đặc tính của tư duy nguyên thủy, vì vậy có thể xét người Việt Nam để tìm hiểu bước trung gian giữa tư duy nguyên thủy và tư duy của người hiện đại (tức người Châu Âu thời của Paul Giran), bởi vì người Châu Âu theo Durkheim bị tách rời giữa hai cực nhị nguyên, hoặc là … hoặc là, chứ chưa xét một thứ có thể là trung gian hoặc cả hai cùng tồn tại. Vì vậy Paul Giran nghiên cứu Việt Nam là quan trọng. Có thể nói, người Châu Âu tìm hiểu Việt Nam cũng giúp người Châu Âu tự tìm hiểu về mình.

Em chỉ nói một phần nữa về tư duy của người Việt Nam. Ông ấy nói rằng tư duy người Việt Nam đồng nhất các sự vật. Ví dụ, một con cá chép có thể hóa thành rồng. Đối với người Châu Âu thời Paul Giran, không thể có chuyện trên, bởi vì người Châu Âu xét rất rõ các nhánh, các loài trong ngành sinh vật học. Nhưng cách phân loại sự vật của người Việt Nam buộc người Châu Âu phải xét lại bảng phạm trù của họ. Bảng phạm trù đó có phạm vi phổ quát không? Năng lực tư biện của Paul Giran có hạn nên bỏ ngỏ vấn đề ấy, nhưng chúng ta là người Việt Nam thế kỷ XXI có thể nắm lấy cơ hội này để đi tiếp.

Mặc dù bài nói của em không trực tiếp trả lời câu hỏi là đối lập giữa tư duy của người Châu Âu và người Việt Nam, em mới chỉ nêu một hai đối lập, em nghĩ có thể trình bày cách thức làm việc, để mình có thể hy vọng đi tiếp sau bài nói này. Em xin hết.

Bình luận về bài viết này