Đầu tiên

Quyển sách đầu tiên tôi biên tập:

[Nhiều tác giả (Nguyễn Văn Học, Lê Thái Dũng, Nguyễn Thị Thúy Hà sưu tầm và tuyển chọn, Trần Văn Chánh giới thiệu), Phong vị xuân xưa: ngày xuân xem sách biết việc cổ kim, Hà Nội: Tri thức trẻ books & NXB Hội nhà văn, 2021, khổ 18x26cm, 188 trang, 156.000 đồng]

ED0ED14D-13C2-453F-994B-7FFD3ACBCB1E

2E855B8F-403D-433C-81F7-BF23E0D7E72C

2BD611A0-82DD-455C-80DE-00D42305679C

 

1.

Hai text quan trọng của quyển sách là 1) bài báo của Hoa Bằng, “Tết của sử kí nước Việt Nam: Mồng Năm – Ngày vẻ vang”, trang 109 – 118, 2) bài diễn thuyết của Trần Văn Giáp, “Di tích văn hóa của người Chiêm Thành ở Bắc Kỳ”, trang 140 – 157. Text thứ hai xuất hiện là nhờ anh Lí Học. Tạ Chí Đại Trường dường như cũng không biết đến text này.

Từ text của Hoa Bằng, tôi và anh Lí Học đặt giả thuyết Hoa Bằng đã viết một bản thảo về Quang Trung, bên cạnh công trình xuất bản năm 1950. Di cảo của Hoa Bằng chưa xuất bản không phải chuyện lạ. Tôi biết ít nhất hai người đã hiệu đính bản thảo tiểu thuyết lịch sử Dương Hậu của Hoa Bằng, chỉ chờ xuất bản. Giả thuyết của tôi và anh Lí Học được chứng minh trong chú thích 100, trang 117 – 118.

 

2.

Tôi làm một điều tra nhỏ trong lúc biên tập: xét thời thuộc địa từ các text được cho sẵn. Kết quả là 110/183 chú thích của tôi trong sách, trong đó hai lần tôi chú thích cùng tác giả và người sưu tầm (chú thích 40, trang 43 và chú thích 100, trang 117 – 118), gồm ba loại: 50 chú thích về văn bản, 43 chú thích thông tin thêm, 17 chú thích bình luận.

Trong 50 chú thích về văn bản, ngoài chú thích 100 làm cùng anh Lí Học, chỉ 19 chú thích đối chiếu văn bản. Thật thế, tôi đối chiếu hai văn bản của Nguyễn Xuân Nghị với hai chương trong công trình của ông, Lược khảo về mỹ thuật Việt Nam, do Quốc học thư xã xuất bản năm 1942, dày 212 trang. Tôi bỏ công đối chiếu văn bản không phải bởi năng lực nghiên cứu của Nguyễn Xuân Nghị.

Chú thích 118, trang 132, giải thích tại sao tôi quan tâm các văn bản của Nguyễn Xuân Nghị: “Văn bản này không đăng toàn bộ bài nói chuyện của Nguyễn Xuân Nghị. Toàn bộ bài nói đó trở thành một trong năm chương của quyển sách bỏ túi Lược khảo về mỹ thuật Việt Nam, do Quốc học thư xã xuất bản năm 1942, dày 212 trang, tr. 55–84. Trước đó Ngọ báo ra 22 tháng Một 1936 (Lược khảo về mỹ thuật Việt Nam, tr. 90) thông tin ông Nguyễn Xuân Nghị sắp xuất bản tập Cách thức lễ Nam Giao ở Huế. Quả thật, năm 1936 nhà in Đắc Lập tại Huế xuất bản quyển sách nhỏ (fasicule) của ông, Tế Nam-giao, dày 30 trang, hiện lưu tại Thư viện Quốc gia (chúng tôi chưa tiếp cận được). Xét vậy tác phẩm này của Nguyễn Xuân Nghị đã trải qua bốn hình thức: 1) thuyết trình tại Hội Trí Tri năm 1936, 2) đăng lại trên tập san của hội, 3) xuất bản thành một quyển sách nhỏ, 4) trở thành một phần trong công trình của mình. Quá trình chuyển biến (transformation) qua bốn hình thức của tác phẩm này là điển hình cho hoạt động tri thức thời thuộc địa. (BT)”.

Dường như Nguyễn Xuân Nghị là nhân vật duy nhất của thời Đông Dương có một tác phẩm trải qua đủ bốn hình thức.

 

3.

17 chú thích bình luận là dịp tôi trình bày cách tiếp cận của mình. Trước đó tôi đã viết về một số trí thức thời thuộc địa như Trương Tửu, Phan Khôi, Thái Phỉ. Cách tiếp cận của tôi trong ba bài báo ấy với các chú thích trong quyển sách là nhất quán, không mâu thuẫn.

 

4.

Thứ nhất, khung cảnh của đời sống trí thức thời thuộc địa như nào? Miêu tả của Tương Phố rõ ràng và chi tiết: “Cảnh xã hội tiêu điều tẻ ngắt! Mấy tờ báo ngày ngày đưa tin đến: nào có tin gì là hay, là mới, là lạ đâu? Bài xã thuyết đọc hôm nay, nghĩ ra mới sực nhớ: Mùa thu năm trước đã đọc ở một số báo kia rồi. Nội dung tờ báo, các tin lạ xa gần dồn lại, năm nay cũng chẳng khác gì năm xưa. Thời sự Nam kỳ: một vụ sát nhân; thời sự Trung kỳ: Câu chuyện gian dâm; thời sự Bắc kỳ: cái ô tô đổ! Báo ra dẫu nhiều, mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Kẻ ham xem báo, thấy tờ báo “suông” đã chán rồi! Con mắt đưa qua rồi gập liệng một xó bàn, hi vọng tờ báo ngày mai có lẽ đậm đà hơn. Mai đến, cũng xuông như vậy! Còn làm gì cho khuây? Hoặc muốn mua vui, lối phồn hoa giương ô (dù) dạo bước, vào mấy cửa tiệm sách, tìm mua một vài cuốn sách đọc được, thì nào có gì? Lăng nhăng toàn những truyện đầu cua tai ếch, ngôn tình tiểu thuyết lặt vặt, mỗi cuốn mỏng tèo độ mười lăm tờ giấy. Hình như tác giả cố ý viết để gọ (nặn) tiền; mà nhà “buôn văn” cũng chỉ cốt buôn lấy chạy hàng, chớ không còn ai nghĩ gì đến cái hứng thú của độc giả nữa; mà có lẽ cũng không nghĩ đến cái ảnh hưởng của tập văn kia đối với phong hóa xã hội ra thế nào. Nếu không tiểu thuyết ngôn tình, thì lại trinh thám, hoặc Phong thần, Chinh đông, Chinh tây, toàn những truyện hoang đường, bịa đặt cóp nhặt của các nước ngoài; hoặc vài tập Tiếu lâm nhạt nhẽo, cho tiền cũng chẳng ai cười. Ôi! văn chương thế ấy, lấy gì mà nuôi được cái tinh thần của những người tri thức.” (trang 63 – 64). Chú thích 60 của tôi: “Khổ này miêu tả khuynh hướng lá cải của sách báo thời thuộc địa.” (trang 64).

 

5.

Thứ hai, những điều hiển nhiên của xã hội Việt Nam truyền thống được đặt dấu hỏi. “Còn lắm đều tồi tệ về việc ăn tết, nếu kể ra hết thì choán giấy  rất nhiều, vậy xin tóm tắt bấy nhiêu, cúi xin đồng bang kĩ nghĩ, thì dư thấy dư hiểu liền, chẳng chi rằng khó xét.” (trang 22). Chú thích 13: “Khi tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam kinh ngạc vì những điều hiển nhiên trong đời sống thường ngày, từ đó cố giải thích tại sao mình cảm nhận, suy nghĩ, sinh hoạt như vậy, nhằm hiểu chính mình. Cách tiếp cận này là thành tựu của triết học Pháp từ Montaigne. (BT)”.

 

6.

Thứ ba, thế hệ tây học trưởng thành năm 1925, theo Trịnh Văn Thảo, đi theo cá nhân luận phổ quát của Pháp thế kỷ XVIII. Luận điểm này tôi đã nêu khi viết về Phan Khôi, hè 2019. Chú thích 3: “Các tác giả Tây học thời thuộc địa thường theo duy lý luận (rationalism) của Pháp thời Ánh sáng, đưa tất cả sự việc về quan hệ giữa người với người. Quan điểm đó xuyên suốt quyển sách này. (BT)”, trang 16.

Câu đối của nhà thơ cộng sản Chu Hà Lã Xuân Choát là một ví dụ:

“Người vốn cùng chung giống, năm châu một tinh thần, xoay đổi quốc gia ra quốc tế,

Xuân nào có riêng ai, muôn họ theo một văn hóa, mở mang dân trí dựng dân quyền.” (trang 40).

Chú thích 33: “Cách đặt vấn đề đặc trưng của triết học Pháp: đưa ra nguyên lý phổ quát. Chính cách đặt vấn đề này cho những con người một nước thuộc địa hy vọng biến cải bản thân, từ đó giành độc lập cho tổ quốc. Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh cũng đặt vấn đề như vậy. (BT)”, trang 40.

 

7.

Thứ tư, trí thức thời thuộc địa mâu thuẫn giữa tư duy và điều kiện khách quan. Có ít nhất hai biểu hiện.

Một đoạn trong bài “Đi làm xa nhớ nhà” của Vọng Sơn, trang 57 – 58: “Trời ơi! mấy hôm nữa đã Tết, tết này xa nhà nữa là ba… Ba năm trời không được chúc tết mừng xuân, trên thông huyên hẳn vẫn thương mà vẫn giận, dưới cả nhà chắc đối với mình… như vậy. Giận thì mình đã đáng lắm rồi, mà thương thì thật là mình ít được thấu biết đến… Than ôi! trời sinh đã có chữ tâm sao lại còn có chữ trí, đã có chữ lý sao lại có chữ tình!! Cái văn minh cũ đã không thâu nhập đủ để yên ủi được phần tâm và phần tình, phần lý và phần trí, cái văn minh mới lại cũng hiểu không thấu để đoạn tuyệt cho tâm trí làm đôi, lý với tình cho biệt hẳn không còn dính dấp… Đó chính là cái thảm độc của buổi giao thời, cái bịnh căn của mấy người Việt Nam vong bổn . Thảm độc đó vì đâu mà tạo nhân, cái kết quả của kẻ bị hại đang xếp đặt sẽ bầy tỏ cái cớ đó…”

Chú thích 54: “Các anh chàng Việt Nam thời thuộc địa tư duy như người Pháp, không hiểu nổi tình hình cụ thể của đất nước. Phan Bội Châu đã cảnh báo tình trạng vong bản của người thuộc địa trong Việt Nam vong quốc sử (1905). (BT)”, trang 58.

Một lần nữa xét Chu Hà, “Tờ trình của các Táo Quân  tại Hội đồng Thượng đế”. Tôi đặt chú thích 50: “Mâu thuẫn giữa cách đặt vấn đề (dựa trên quan hệ giữa người với người) và cách giải quyết vấn đề (dựa trên quan hệ giữa thần với người) của trí thức thời thuộc địa mang ý nghĩa: biết hoàn cảnh sống tồi tệ qua sách vở, nhưng chưa tồn tại điều kiện khách quan có thể tạo ra khả năng thay đổi hoàn cảnh, cho nên họ sống bơ vơ, bế tắc, phải cầu viện lực lượng thần bí. (BT)”

 

8.

Thứ năm, chủ nghĩa marx – lenin đi vào Việt Nam dường như qua khúc xạ của xã hội học Durkheim. Chu Hà viết: “Ta phải có quan niệm nhân sinh rõ rệt, một khuynh hướng tiến thủ và một phương pháp hành động cho đường hoàng, cho xứng đáng cái danh dự.

“Vận mệnh bạn trẻ là vận mệnh của thời đại. Tương lai bạn trẻ là tương lai của dân tộc. Ta đã có tâm huyết, không khi nào tự coi rẻ, coi khinh được, vì đời đã chất lên đầu chúng ta bao nhiêu là nghĩa vụ .

“Phần tử của xã hội, lực lượng của tiến hóa, sống còn của dân tộc, vinh dự của loài người, ta phải ngày đêm luôn luôn nhớ đến những cái sứ mạng thiêng liêng to tát ấy. Họ kỳ vọng ở ta quá nhiều. Ta không được phép a dua những cái xa hoa phóng đãng, hoài nghi thực tế, nô đùa với phận sự, thờ ơ với tranh đấu, bi quan với thời cuộc. Ở ta, hi sinh là vinh dự, tranh đấu là tôn giáo, đoàn thể là luân lý.”, trang 185 – 186.

Dưới đây là hai chú thích 182 và 183 của tôi cho bài “Tuổi trẻ với ngày xuân và cuộc đời”.

Chú thích 182: “Cách trình bày nồng nhiệt nhưng quá lý tưởng và trừu tượng. Ông chưa nắm lấy cái mạnh nhất của triết học Marx là phân tích khoa học để nêu tình hình cụ thể của đất nước. (BT)”, trang 185 – 186.

Chú thích 183: “Quan điểm này kết hợp chủ nghĩa Marx – Lenin (“tranh đấu là tôn giáo”) và học thuyết Durkheim (“đoàn thể là luân lý”). Học thuyết của Durkheim là nền tảng của giáo dục Pháp trước Thế chiến II. (BT)”, trang 186.

 

9.

Thứ sáu, triết học thời thuộc địa như nào? Một đoạn văn trong bài “Tư tưởng tuổi xuân” của Mơ Đầm như sau: “Rồi bạn tôi lại nói một hồi; tôi đang ngây người ra với cô bé của tôi nên chỉ lờ mờ nghe thấy Kant…Kant…

“Hôm nay là mồng một Tết. Chúng tôi vừa hạ cỗ xuống xong, trên ban thờ nén hương vòng còn nghi ngút. Chúng tôi vừa ăn hết hai khoanh giò nạc với chiếc bánh chưng dẻo xong thì bạn tôi đã ngà ngà say, chợt đến vỗ vai tôi mà thuyết rằng:

“- “Anh có biết tại sao mà xuân lại xuân không? Đó là cái lẽ tuần hoàn của trời đất”.” (trang 71).

Chú thích 69 của tôi, tất nhiên, nhiều suy diễn: “Bạn B. mê Kant nên có thể đã sửa đổi cảm năng học siêu nghiệm của Kant thành một không – thời gian thống nhất, mang tính chu kỳ (vô tận hay không chưa rõ). Nếu bạn B. nhất quán theo Kant thì “trời đất” trong câu “Anh có biết tại sao mà xuân lại xuân không? Đó là cái lẽ tuần hoàn của trời đất” có thể hiểu như thế giới dành cho con người, tức Hiện tượng của Kant, chứ không phải thế giới tồn tại khách quan đối với tồn tại của con người. (BT)”, trang 71. Nhưng tôi không tin cảm năng của một người Việt Nam bình thường như bạn B. đã biến cải để trở nên cảm năng Kantian.

 

10.

Thứ bảy, nghiên cứu khoa học xã hội thời thuộc địa như thế nào? Tôi chỉ xét bài diễn thuyết của Nguyễn Hữu Tiến, “Phong dao và lịch sử”.

“Vì sao phải nên biết những câu ca dao? Ca dao chính là cái ống lưu thanh để lưu truyền cái dân phong quốc tục hay dở trong một nước. Sao mà lại cần phải biết lịch sử? Lịch sử chính là một cái hòm chụp ảnh, chụp hết cả những điều thị phi thiện ác, trị loạn hưng suy trong một nước. Cho nên cần phải biết cả đôi. Nếu chỉ thuộc ca dao mà không biết lịch sử thì khác gì chỉ nghe thoảng qua những giọng hát véo von ở trong ống lưu thanh mà thôi còn biết ý nghĩa những câu ấy ra thế nào nữa. Nếu chỉ biết lịch sử mà thôi mà không thuộc ca dao thì khác gì chỉ trông thấy cái bóng thấp thoáng ở trong gương mà không in được cái chân ảnh vào trong hòm chụp ảnh. Thì sao biết hết được cái tinh thần ca dao với lịch sử được […] Nhưng các điển tích trong lịch sử thì rất là nhiều, mà chép bằng chữ Nho thì không mấy người xem cho hết được. Vậy tôi xin lược ý trong quyển Phong sử mà kể qua các truyện lịch sử xảy ra đây và đọc qua các câu phong dao nào mà có quan hệ với lịch sử để hầu chuyện các ngài nghe.”, trang 120.

Tôi viết hai chú thích 103 và 106, cùng trong trang 120 (chú thích đầu thuộc loại chú thích thông tin thêm). Chú thích 103: “Đây là bài viết sớm đặt quan hệ lịch sử với phong dao. Có hai công trình lớn thời thuộc địa nghiên cứu quan hệ này là luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Huyên, Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam xuất bản năm 1934 và Kinh Thi Việt Nam của Trương Tửu xuất bản năm 1940. (BT)”. Chú thích 106: “Đặt quan hệ phong dao – lịch sử dựa trên trực giác của tác giả, chưa đặt ra phương pháp. (BT)”.

Một công trình trăm năm còn được đọc nhiều ngày hôm nay là nhờ phương pháp, bởi nó là cái người đọc hôm nay có thể nắm lấy để đi tiếp.

Bình luận về bài viết này