Sợ sống (ghi chép, tháng Ba – tháng Tư 2020)

Cuộc đời cũ (2011 – 2017)

Ghi chép (tháng Một 2018 – tháng Hai 2020)

Các giấc mơ (tháng Mười một 2018 – tháng Hai 2020)

Ghi chép lúc đọc (tháng Mười hai 2018 – tháng Tám 2019)

Ở trạm (tháng Chín 2019)

Những cuốn sổ (tháng Tư – tháng Mười 2019)

Những cuốn sổ, tiếp tục (tháng Sáu – tháng Mười một 2019)

Note, cuối năm 2019 (tháng Mười một – tháng Mười hai 2019)

 

 

Nhiều

đi đâu cũng gặp hội giao đồ ăn (sao người ta ăn nhiều thế)

1 tháng Ba 2020

 

Alain de Botton

đọc Alain de Botton (rất giải trí, nhưng không phải như Nguyễn Ái Lang viết về Auguste Comte), nhớ em từng bảo rằng tôi chẳng biết gì về những điều mọi người bình thường cảm xúc và suy nghĩ; ngược lại tôi xuất phát từ hiểu biết của mình; cho nên, dù được trình bày mạch lạc, bài viết vẫn không được chào đón; không thể không khúc xạ (để kiếm sống bằng nghề viết và nói – đồng thời cũng là để sống như Marx đã chỉ: phải hiểu quần chúng, phải hiểu thời đại bởi vì chẳng tồn tại suy nghĩ nào vượt thời đại đâu) (viết hũ nút thật, chẳng mạch lạc gì cả)

2 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 4 tháng Ba 2020

Một chú phụ xe bus đăng ký tài khoản thư viện online cho tôi. Ông ấy bảo: đợi cửa xe đóng, tôi lấy laptop đăng ký cho anh. Tôi bảo đọc sách online đau mắt lắm. Ông chú đáp: đã đọc miễn phí còn đòi hỏi.

4 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 5 tháng Ba 2020

Được một linh mục họ Ngô Đình dạy học [ngoài đời thực, tôi cũng muốn được theo học các linh mục về triết học kito giáo, đặc biệt là về Thánh Augustine]. Ông nói tiếng Pháp, tiếng Anh rất siêu. Dạy một bài gì đó thì ấp úng, nhưng tìm được chủ đề thì nói một tràng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Tôi bảo Cha giống một người quá. Định đưa laptop cho Cha xem blog Tin Văn của Nguyễn Quốc Trụ thì dây sạc bị đứt, laptop cũng sập nguồn. Vừa loay hoay sửa, vừa hỏi Cha về năm 1945 và ông Ngô Đình Diệm. Lúc đó thì Cha không già lắm, chỉ độ 60. Lúc Cha giảng bài, tôi nghe thấy và nhìn thấy vợ của ông: trẻ, như là madame Nhu (vợ của Ngô Đình Nhu).

5 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 6 tháng Ba 2020

Giấc mơ 1: Tôi và Bi (bố của Bi và bác dâu tôi – vợ của bác ruột, anh của mẹ tôi – là hai chị em) đá bóng với Nghé (bà ngoại tôi và ông nội Nghé là hai chị em ruột, nên tôi với Nghé là anh em họ) và Beo (con trai lớn của cô Bích, con gái lớn của ông Thịnh – em ruột bà ngoại tôi) ở sân trường cấp hai Bế Văn Đàn cũ. Gôn không phải lưới mà là một cái lỗ golf. Tôi ghi được rất nhiều bàn. Sau đó tôi đi ra sân sau, nơi có cây si rất to. Tôi nằm xuống, xem từng hòn đá (đá đẹp lắm). Vì tôi đã ghi những điều trông thấy mỗi ngày vào từng hòn đá một nên nhìn vào chúng, tôi đọc được chuyện cũ.

Giấc mơ 2: Còn là học sinh cấp ba, nằm ngủ trưa với ông bà ngoại, đắp hai cái chăn. Tôi ngủ một lúc, tới hơn 12:30 trưa thì chuẩn bị đi học chuyên đề. Lừng khừng một lúc vì sửa soạn lề mề và không muốn đi học. Nhìn đồng hồ tôi đeo cũng rất lạ: hình trụ chữ nhật, mặt dài thì đeo ngay cổ tay, mặt còn lại thì bé lắm, chẳng hiểu tại sao lại đeo vào cổ tay tôi được.

6 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 8 tháng Ba 2020

Ngủ say. Dậy ba lần: 7 giờ sáng, 8 giờ sáng, 9 giờ sáng. Mơ nhiều.

Giấc mơ 1: Đi học ngày cuối thời đại học, cô Nguyễn Phước Hạnh Nguyên làm chủ nhiệm. Mỗi người được phát một tờ giấy để ghi cảm xúc. Tôi loay hoay không tìm được bút phù hợp (bút mực, bút bi, bút nước, giấy), mãi không làm xong được. Sốt ruột quá, vì các bạn học đã xong xuôi rồi.

Giấc mơ 2: nhắn tin cho em, nhưng thật ra đó là tin nhắn nhóm nên nhiều người đọc được. Họ chỉ đọc thôi, không nói gì cả.

Giấc mơ 3: Lên xe với nhà bà ngoại. Có anh Són (anh họ, con thứ của bác Long – anh ruột mẹ tôi), cậu Đen (con trai ông Thịnh, và là bố của Nghé), bác Uyên (vợ bác Long), bác Lan Anh (con nuôi của ông bà ngoại). Đi qua nhà thờ (giống khu Lăng Bác) thì xuống. Tất cả đều đi chân đất quanh nhà thờ. Bác Uyên nói nhà thờ này đã 130 hay 150 năm tuổi rồi. Dường như còn ăn cỗ nhà thờ đó nữa.

Giấc mơ 4: Đi xe máy cũ, mua hộ một món hàng gì đó, hộp to lắm. Đứng mãi trước cổng trường nhưng không ai xuống nhận, nên tôi phải để món đồ ngoài xe, vào trường tìm chủ của nó. Buồn cười là xe và quà không bị mất. Trường đó nhiều dãy, các lớp học được xếp đến số hàng ngàn. Đi vào đó như lạc vào mê cung.

8 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 9 tháng Ba 2020

Hai bạn đi ăn ở Annam Cháo (Đội Cấn), rồi ngủ lại đó qua đêm. Ngoài đời thực, tôi cũng muốn qua đêm ở Sofa [lần đầu đọc Dostoievski (Tội ác và hình phạt, đương nhiên) là ở đó, buổi tối 30 Tết 2017] mà chưa được (dường như không để cho khách ngủ).

9 tháng Ba 2020

 

Lê Văn Nựu

Cuốn Lược khảo Việt ngữ của Lê Văn Nựu vu khoát (điểm nhấn của sách là phần trình bày về tiếng đôi, Lê Văn Nựu tập trung nghiên cứu cấp độ từ như Hồ Lê thì hơn), sao lại được nhận giải? Lời tựa của thành viên ban giám khảo Phạm Quỳnh cũng mơ hồ không kém.

9 tháng Ba 2020

 

Mười ngày

Nhị Linh gợi ý cần đọc Mười ngày trong lúc này. Nhảy xuống nước (tới đoạn cuối của thời Trung Cổ).

9 tháng Ba 2020

 

Câu hỏi đúng

Sau gần ba năm mới thấy câu hỏi “tại sao kinh tế?” sai, mà phải là “tại sao kinh tế chính trị học?” (tách kinh tế ra khỏi chính trị thật lưu manh – khác nào “con vịt què”).

10 tháng Ba 2020

 

Con đường Descartes

Con đường Descartes. Descartes tách hai thực tại riêng, không tồn tại trung gian giữa hai thực tại: tinh thần – vật chất. Từ đó nảy sinh đối lập: chủ thể (tinh thần) – đối tượng (vật chất); chủ thể thì chủ quan, đối tượng thì khách quan. Và sự tách của Descartes tạo ra con đường của triết học và khoa học Châu Âu.

Triết học là gì? Triết học thời Aristotle khác triết học thời Marx. Với Descartes, triết học là một khoa học nhằm đi tìm chân lý. Còn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được hình thành dần dần từ thời phục hưng, riêng cái thứ hai bắt đầu từ thế kỉ XIX. Có thể nói, khoa học Châu Âu là con đẻ của triết học, là một mảnh triết học bắn ra, nó có thể không còn nhớ quá khứ.

Chủ quan: tâm lí học, hiện tượng luận. Khách quan: một nhánh cấu trúc luận muốn đạt tới sự trừu tượng khách quan, gạt con người, chỉ cấu trúc là tồn tại.

Một người theo Marx không thể đồng tình với thứ triết học không có con người đó được. Nhưng giải quyết như thế nào? Cấu trúc luận và biện chứng pháp, giải quyết như nào? Bế tắc của tôi.

Tôi học theo phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc, nhưng chưa tự hỏi nguồn gốc của cấu trúc, quan hệ của cấu trúc với con người là gì?

Bài nói Ngôn ngữ, hệ thống và cấu trúc là một lý thuyết phủ nhận sự tồn tại của con người. Còn bài nói Cách mạng là gì? là một hoà giải. Chiến sĩ cách mạng biết cấu trúc, vượt qua cấu trúc và cố thay đổi cấu trúc theo ý định của mình. Anh ta luôn cần vượt qua. Nhưng bài nói đó không xét đến hai điều 1) tha hóa là tất yếu 2) luôn khúc xạ. Thực ra quan niệm về “cách mạng” của tôi lấy từ cuộc chiến nội tâm trong tôi, rất có thể chẳng liên quan đến quan niệm “cách mạng” của Marx (cách mạng là lộn ngược).

Cái gì đúng, cái gì sai? Tại sao đúng, tại sao sai? Học triết là phải chứng minh được lý do của sự đúng, sự sai. Bằng không thì chỉ học kiến thức của triết học (rất vô bổ).

Phải xét lại quá trình học và nghĩ của ta, trả lời được câu hỏi trên, từ đó tìm con đường nhất quán cho suy nghĩ và hành động. Mục tiêu là vậy.

10 tháng Ba 2020

 

Tại sao Plutarch?

Người biên soạn bản tiếng Anh rất khéo, xếp sáu thống chế của Athens trong quãng mấy chục năm thế kỉ V TCN cạnh nhau.

Athens là một mẫu để xét xã hội thành thị của Châu Âu (Phan Ngọc). Mẫu giống tế bào của Marx (từ một tế bào là hàng hoá – tồn tại ở mọi xã hội – Marx nghiên cứu). Tôi cũng học như vậy: liên tục chọn mẫu giả định.

Nhưng một câu hỏi trở đi trở lại: mẫu ấy từ đâu tới? Từ những quan hệ giữa con người với con người trong một xã hội, nó tất yếu và độc lập với ý chí của con người? Nếu giải quyết theo cách của các triết gia ánh sáng (đổ hết cho bản tính con người) thì chẳng nói làm gì.

Chính điểm này (mẫu) là chỗ giao nhau giữa biện chứng duy vật của Marx và cấu trúc luận. Có thể khác nhau còn ở chỗ: cấu trúc luận tránh cách tiếp cận chủ quan (từ Descartes). Ngược lại, Marx gộp cả chủ quan và khách quan, chủ thể và đối tượng (gộp như nào? chưa rõ, vì tới logic hình thức của Kant và logic biện chứng hình thức của Hegel còn mù mờ; nói gì đến logic duy vật biện chứng của Marx).

Châu Âu đang hoảng loạn vì virus corona. Corona chỉ là chất kích thích giúp lột trần quan hệ giữa người với người. Chính quan hệ đó tồn tại suốt từ thời Plutarch. Và người giàu – kẻ nghèo lúc nào chả đối đầu nhau. Lenin đi xa hơn: muốn gọi thế đối lập đấy là “tính đảng” (Lenin đâu hề tầm thường). Nhưng chẻ đôi, ấy vẫn là logic hình thức, nói cách khác chúng ta vẫn không vượt qua được cách đặt vấn đề của Descartes.

Tại sao kinh tế chính trị học? Trả lời được câu hỏi này mới đi vào được thế giới của Marx. Còn các kinh tế gia có thể hưởng sự an nhàn của trí tuệ (chứ không “khổ vì trí tuệ”), chẳng bao giờ phải nghĩ về một giả định xác định tồn tại của mọi khoa học (khoa học được giả định là quan trọng), sẽ chẳng biết điều mà khoa học không biết. Vấn đề là phải biết điều mình không biết.

Tiểu luận về Plutarch cũng hỏng, vì cách giải thích sai. Phủ định của Hegel và Marx phải là tiến tới những nấc cao hơn. Ngược lại, Athens của thế kỉ V TCN lặp lại hai lựa chọn chính trị thôi (theo cách chia của Montesquieu: cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc).

Tôi không hướng tới việc trở thành một người biết nhiều mà muốn suy nghĩ và hành động được nhất quán.

10 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 10 tháng Ba 2020

mơ chuyện hai bạn lạ hoắc: kể lại chuyện mình yêu nhau từ lúc bé như nào (chàng 16, 17 còn nàng mới 10, 11 tuổi). Hai người là hàng xóm. Nàng thấy yêu chàng. Cậu chàng thấy nàng bé quá, cố chờ nàng lớn. Từ bé, cô nàng đã chăm cậu chàng: dặn phải súc miệng nước muối.

10 tháng Ba 2020

 

Hai toà nhà

từ Kant, triết học đã trở thành một hệ thống đồ sộ, so sánh triết học với một toà nhà cũng ra đời từ đây

đây là hai triết gia tư sản kiệt xuất, mà Engels và Marx hẳn sẽ nói: triết học của trường đại học, không thể đánh đổ chế độ nào

có thể hai tòa nhà này được yêu thích vì chúng an toàn?

10 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 11 tháng Ba 2020

Giấc mơ 1: thức dậy, thấy trên đường nhiều chó quá trời.

Giấc mơ 2: đi xe đạp với Nghé và Bi, dừng lại ở một đoạn.

11 tháng Ba 2020

 

Linh hồn trẻ

Ta là một linh hồn trẻ nên ngạc nhiên về đủ thứ? (em nói ta có thể là linh hồn sống kiếp đầu tiên)

11 tháng Ba 2020

 

Sách

Phần lớn sách tôi đọc không phải của tôi. Chúng là sách mượn, sách thư viện, tài liệu miễn phí trên mạng. Điều này làm tôi biết rõ hơn một điều tôi từng viết ba năm trước (sau khi đọc Marcel Mauss) rằng sách không thuộc sở hữu của ta. Nó rồi cũng xa ta. Vậy tại sao phải níu kéo quan hệ vốn đã không phải quan hệ sở hữu như này? Nó sẽ ra sao nếu tôi chết đi?

(có lẽ nên viết về những quyển sách)

11 tháng Ba 2020

 

Bửu Lịch

Bửu Lịch đã làm được một việc mà nhiều thế hệ người Việt đã và đang làm: tầm thường hoá Marx. (Lý thuyết xã hội học, Bửu Lịch)

12 tháng Ba 2020

 

Tiếc

Tiếc quá. Tại sao Phan Huy Đường không sống để chứng kiến dịch Corona? Chắc chắn nó sẽ là đề tài của Lang thang chữ nghĩa.

12 tháng Ba 2020

 

Hình vị của tiếng Việt

Đọc post “tiếng Việt abc” của Nhị Linh. Đoạn cuối nhắc tới Phan Ngọc vô cùng đáng nhớ: tiếng Việt không phải một ngôn ngữ không biến hình. Chính vì trực giác đó, hơn nửa thế kỷ trước Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo đã lập bảng thuật ngữ ngôn ngữ học (chỉ ra căn tố và biến tố của tiếng Việt). Chính Nhị Linh cũng sử dụng cách làm này. Nhưng tôi chưa rõ quan hệ của điều này với từ láy là như nào.

12 tháng Ba 2020

 

Lý thuyết

Hồi năm ba, năm tư tôi chật vật với sách lý thuyết. Bẵng một quãng dài (hơn một năm) không nghĩ đến nó, nay quay lại trả lời tại sao tôi đọc khó đến vậy. Hoá ra rất đơn giản: lý thuyết là một hệ thống của một tác giả, trong đó mọi khái niệm đều được định nghĩa lại. Như vậy khái niệm ta quen sử dụng sẽ không còn phù hợp với hệ thống của tác giả. Điều này rất giống triết học. Vậy quan hệ giữa lý thuyết và triết học là gì? Lý thuyết gia và triết gia khác nhau như nào? Tôi chưa trả lời được. Vả lại, giờ tôi chỉ quan tâm đến triết học thôi.

13 tháng Ba 2020

 

Không phải là

Marx không phải nhà duy kinh tế. Cần khẳng định như vậy.

13 tháng Ba 2020

 

Nhân loại học

Ta đến với triết học bằng nhân loại học Pháp (Durkheim, Mauss, Levi-Strauss). Vậy nối nhân loại học và triết học như nào?

Triết học Pháp bắt đầu từ Montaigne: phân tích cá nhân cụ thể => phân tích con người trừu tượng mang tính toàn nhân loại. Toàn nhân loại chính là đặc điểm của triết học và nhân loại học Pháp.

Nhưng tại sao tồn tại sự phân biệt giữa cá nhân – tập thể? Rousseau (ý chí cá nhân, ý chí phổ quát), Durkheim (ý thức cá nhân – ý thức tập thể), Saussure (lời nói – ngôn ngữ). Cách đặt vấn đề đó xuất phát từ đâu? (chưa nối Montaigne và Descartes được) Từ Descartes.

13 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 14 tháng Ba 2020

Bị tỉnh, mơ màng hai lần.

Giấc mơ 1: Nhà ở một khu đẹp, có sân vườn, mạn Hồ Tây. Mỗi tội mẹ trong mơ keo kiệt lắm. Hai em khóa dưới tới nhờ tôi giảng bài. Trên tầng thượng bị thiếu một viên gạch, hụt một lỗ to, làm tôi suýt rơi từ đó xuống. Nhà bên phải sơn màu xanh, như màu quần jean. Bọn trẻ con hàng tụ tập trước cửa nhà tôi để chơi đùa, vì chỗ ấy rất thoáng.

Giấc mơ 2: Đứng trước hồ Nam Đồng, đoạn đối diện Trần Hữu Tước thì phát hiện mấy làng quanh đó có mấy ngôi đình, nên đến chơi. Nhớ lơ mơ về lai lịch của vài vị thần hoàng làng. Tôi thích đi đình, đi đền mà (không thích đi chùa). Đình đẹp lắm. Đứng ở cổng đình nhìn vào, thấy mấy hình nhân ngồ ngộ. Chúng còn biến nói, bảo tôi không được vào đình. Ngôi đình đó giống đình Xã Đàn lắm.

14 tháng Ba 2020

 

Cartesian

Dù lúc nào tôi cũng thấy cô đơn, nhưng tôi không phải một cartesian bẩm sinh.

14 tháng Ba 2020

 

Run sợ

Buổi tối nay tôi lại như vậy. Nghĩ về cái chết của mình mà run sợ. Tại sao tôi lại được sinh ra là một sinh vật để rồi phải chết? Tại sao? Tại sao người ta phải chết mà chẳng lo, chẳng sợ?

15 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 17 tháng Ba 2020

Giấc mơ 1: mơ lại tham gia hoạt động xã hội – 12h chủ nhật đi họp một chỗ, 3h30 lại họp một nơi.

Giấc mơ 2: Tôi và em đang ở trên nhà Nghé ăn cơm. Mãi không thấy mẹ lên ăn, tôi xuống nhà thì gặp bố mẹ. Mẹ nói: còn không nhanh sửa soạn, gió mùa rồi. Nhưng trời lúc ấy nóng lắm. Đột nhiên bà Ngọc (bà nội Nghé, mất đã hơn một năm) xuất hiện, và bảo: gió mùa sớm hơn mọi năm nhỉ?

17 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 20 tháng Ba 2020

Giấc mơ 1: Hà Nội có một cái vịnh đẹp lắm. Nó gồm những núi đá từ thời tiền sử, gần Hồ Tây. Tôi đến đó, xem bảng giới thiệu nhưng không thấy lối vào vịnh. Bảng chỉ đề là Đường mòn Hồ Chí Minh. Đường đến cái vịnh lạ lắm, cứ như là quốc lộ.

Giấc mơ 2: Đi ăn bún chả với bà ngoại và mẹ. Quán đó thuê cả một sân và toàn bộ hành lang các tầng của một khu tập thể. Mỗi suất 120.000 đồng.

20 tháng Ba 2020

 

Tiểu tư sản

tôi là một kẻ tiểu tư sản (chưa đọc Marx và Engels viết về tiểu tư sản trong Ý luận Đức)

21 tháng Ba 2020

 

Corona (1)

Nhiều tỉ phú ủng hộ tiền nhằm giúp chính phủ đối phó với dịch corona: đây là điều bắt buộc bởi vì không còn con người thì tiền làm gì? Tiền là một hình thức của quan hệ giữa con người với con người, và giá trị trao đổi của nó chỉ tồn tại trong quan hệ này – ngoài quan hệ này thì tiền không có giá trị trao đổi. Nói cách khác, tiền không có giá trị tự thân. Nó không thể tự biến thành những đồ vật nhằm cứu bệnh nhân, mà phải trải qua quan hệ giữa người và người. Việc tôn sùng bản thân tiền, quả như Marx và Engels đã viết trong Ý luận Đức: một quan niệm sai lầm của con người về bản thân mình trong quá khứ, hiện tại và tương lai; một tạo vật của con người (tiền) lại làm vua. Cần lộn ngược.

22 tháng Ba 2020

 

Nhật xuất

Đọc Nhật xuất, buồn quá. Ta chính là Đạt, ta không lo được cho ta và cả người khác. Ta quá ngây thơ và yếu ớt. Đời thì tàn nhẫn. Cách mạng cái nỗi gì, hả thằng ta?

22 tháng Ba 2020

 

Nhàm chán (1)

Những buổi đêm tôi lại nghĩ đến cái chết của mình. Vô nghĩa. Đối diện với cái chết có thể không đáng sợ bằng đối diện với bản thân: với sự vô nghĩa của thời gian con người. Thực vậy, ta biết rồi ta sẽ nằm xuống mà vẫn làm bao việc vô nghĩa. Cuộc sống vợ chồng, mà Bạch Lộ nói với Đạt trong Nhật xuất, đáng sợ nhất là sự nhàm chán và vô nghĩa. Học vấn cao sẽ không giúp ta giải tỏa sự vô nghĩa này. Ngay cả những người tìm đến tôn giáo (ai sẽ cứu tấm thân phải chết này, nếu không phải Chúa) hay tự đóng khung trong bản thân, tôi cũng không cho là phải. Bởi vì tôi không phải một người cá nhân luận, một cartesian bẩm sinh. Trái lại, dù cô đơn, tôi vẫn sống với mọi người – dù tương tác yếu hơn những người nhân cách luận như Nghé nhiều. Cần đặt vấn đề về ý nghĩa cuộc đời trên quan hệ giữa con người với con người. Trước tiên là như vậy.

22 tháng Ba 2020

 

Nhàm chán (2)

Tại sao lại đi làm? Để trốn sự nhàm chán, vô nghĩa của cuộc sống hơn là để lay lắt sống qua ngày? Là để tránh việc đối diện với bản thân? Là sự tha hoá tất yếu, không tránh khỏi. Chưa hiểu “lao động” của Marx, và vẫn kẹt trong con người trừu tượng và cá nhân.

22 tháng Ba 2020

 

Sợ sống

22 tháng Ba 2020

 

Tự trích dẫn

tự trích dẫn mình (lần đầu): thói ưa nổi tiếng đây mà

22 tháng Ba 2020

 

Có gan

“một lần trong đời, hãy đảo lộn tất cả từ gốc rễ” – Descartes => Phan Huy Đường => ta nắm bắt câu nói của Descartes từ Phan Huy Đường

thử có gan bắt đầu lại từ đầu

22 tháng Ba 2020

 

Nguyễn Tuân về Dostoievski

Nguyễn Tuân viết về Dostoievski thật tuyệt vời. Đúng thật, trong tiểu thuyết của Dostoievski thiên thiên không tồn tại, do đó không cho người đọc nghỉ, lúc nào cũng căng như dây đàn.

22 tháng Ba 2020

 

Nhàm chán (3)

cần đọc Chekhov: tầm thường, nhạt nhẽo, nhàm chán, sợ sống, trốn tránh thực tế, vô nghĩa => đây là người ta cần, nếu đẩy đến cực đoan thì ta là một “người trong bao”

22 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 23 tháng Ba 2020

Giấc mơ 1: Một gia đình bị hai thằng đầu bò tống tiền. Ban đầu hai đứa đòi 1 tỷ, cả nhà nọ mè nheo nên được giảm xuống mấy chục triệu.

Giấc mơ 2: Một nhà vua được sinh ra, tôi lúc đó đứng ở đoạn đường có đèn xanh đèn đỏ. Đèn không hiện số giây mà viết tên vị vua.

23 tháng Ba 2020

 

Rõ ràng

Có lẽ ta nên học triết học thần bí, rõ ràng là ta có xu hướng như vậy, nhưng ta lắc đầu không chịu: ta muốn mọi thứ phải rõ ràng như Descartes đã vạch ra. Hôm nay, một lần nữa, ta lại cảm thấy từng thấy hay suy nghĩ một điều giống như hiện tại. Có thể là ta đãng trí, nhưng rõ ràng là những lặp lại này không chỉ diễn ra một hai lần, mà vô số lần.

23 tháng Ba 2020

 

Sợ sống (2)

Ta chẳng mất ngủ hay khó ngủ, chỉ là ta muốn ngủ hay không. Thật thế, ta là ông thần ngủ, nếu có thể được, ngủ li bì suốt ngày. Lúc thức, ta buồn vì chuyện chết, về chuyện ông ngoại (hôm qua ta còn ngớ ngẩn nghĩ đến thời gian chu kỳ – không phải tuyến tính – nơi đó người già sẽ hoá đứa nhỏ, rõ ràng ta từng nghĩ điều đó nhiều lần). Nhưng ta mắc kẹt, ở trong tồn tại con người – kẹp giữa thú và thần, như Thomas Aquinas nói – tức rồi một ngày sẽ phải chết. Ta cứ chờ, cứ chờ ngày đám tang ta diễn ra, lúc ấy tinh thần và cơ thể ta ra sao, ta sẽ đi đâu, cảm giác như thế nào? Tại sao ta lại được sinh ra để chịu những câu hỏi bất lực như này? Hỏi mà biết rằng phải trải qua mới biết câu trả lời, hỏi mà bất lực không thể làm gì khác. Tuyệt vọng, sợ sống, không muốn sống. Chẳng giống Phan Ngọc chút nào, chẳng giống Descartes chút nào.

24 tháng Ba 2020

 

Corona (2)

Không xét corona một mình. Tôi xét khoảng thời gian thế giới chống corona. a) nền cảnh sát trị đã hình thành, ngay ở một số quốc gia cộng hòa dân chủ, b) quá trình lột sạch người dân (khỏi đất đai, người khác, sở hữu) được tăng tốc, sẽ còn ít siêu doanh nghiệp tồn tại, c) chế độ xã hội chủ nghĩa đã thể hiện ưu việt, so với chủ nghĩa tư bản (cứ chửi tư bản đợt này, nhưng lại lăn theo những lợi ích và giá trị của nó, tức là gì? là dễ dãi trong sự nhất quán, là nói hai giọng: gió chiều nào theo chiều đó; mấy đặc điểm điểm hình của tiểu tư sản)

25 tháng Ba 2020

 

Corona (3)

Tê liệt vì những cái chết: những cái chết ở Châu Âu (tỷ lệ tử vong ở Ý đã gần 10%), cái chết của cô Nguyên. Chết không phải trừu tượng, mà cụ thể. Rồi ai cũng chết. U ám quá. Đầu óc tôi không thoát khỏi những cái chết đó, để mà suy nghĩ những thứ khác. Thôi, từ nay cố không theo dõi tin corona. Đọc Mười ngày thay vì đọc và xem báo. Đọc Kant đi. Có khối thứ khác. Nhưng ngoài kia rất nhiều người chết. Tiền tiết kiệm của tôi chẳng còn mấy, may mà vẫn còn sống ở nhà bố mẹ.

26 tháng Ba 2020

 

Corona (4)

Plutarch đã đúng: người Hy Lạp chiến đấu chống quân xâm lược và chống lại chính bản thân họ. Con người luôn trong cuộc chiến với bản thân, kháng cự những thứ rất con người. Đợt dịch này cũng như vậy.

26 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 26 tháng Ba của Mai Anh Quân

Đi viếng cô Nguyên nhưng không nhìn thấy cô lần cuối. [30 tháng Ba 2020: Mai Anh Quân đã nhìn thấy cô lần cuối]

26 tháng Ba 2020

 

Danh sách các cuốn sách đã đọc

(bình luận của Tăng Hoàng Linh (không biết là ai): “Liệt kê, mở ngoặc như Benjamin ấy nhỉ / Mình cũng đang trong giai đoạn Kant, nhưng là để đến Schopenhauer, nhưng chắc chắn sẽ phải đọc Hegel.”)

Trả lời:

“Đầu năm 2017 tôi lập một danh sách trên excel nhưng mất mật khẩu, không tìm lại được. Việc lập danh sách này thì được thôi thúc lúc đọc bảy trang trong danh sách của Benjamin – tôi chưa đọc Benjamin – mà Nhị Linh đăng tháng Mười và tháng Mười một 2018. Sau đó, 29 tháng Mười hai 2018 tôi bắt đầu liệt kê, và vượt Benjamin ở ba chi tiết: khổ giấy, số trang, giá tiền.

Ba thông tin này là để tôi nhấn vào tồn tại của những quyển sách vật chất, vì vậy ta không chỉ tiếp xúc với chúng bằng mắt. Riêng chi tiết về giá tiền, danh sách của tôi rất lệch lạc (nếu sau này, một sử gia tìm thấy danh sách này, nhiều khả năng sẽ bị lừa), vì sách ở Việt Nam gần như không bao giờ được bán đúng giá bìa. Tôi do đó sẽ bổ sung.

Cách dùng ngoặc đơn và ngoặc vuông thì tôi học ở Nhị Linh, nhưng dấu tôi quan tâm nhất là dấu phẩy, chưa biết dùng sao cho đúng. Dường như cách đánh dấu phẩy liên quan đến trực giác về thời gian của mỗi người.

Anh đi qua Phê phán lý trí thuần chưa?”

27 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 28 tháng Ba 2020

Lên phố mua sách, mãi mới nhớ là cần đeo khẩu trang. Lấy nó ra phiền quá nên tôi đi về.

28 tháng Ba 2020

 

Âm nhạc

âm nhạc => bất động (trong lúc nghe nhạc thì chẳng muốn làm gì)

28 tháng Ba 2020

 

Làm người

Phan Huy Đường trình bày bài học làm người của người Việt Nam bằng triết học Châu Âu. Giờ tôi diễn giải như sau.

Trước hết, con người trong triết học Châu Âu trước Marx đều là cá nhân, trừu tượng và mang tính phổ quát. Từ cách tiếp cận đó con người được xét như một sinh vật nhân tạo, tạo ra chính mình.

Tuy nhiên, nếu xét con người là một sinh vật xã hội, và quả thực nó sống rất khó khăn nếu chỉ tồn tại một mình trong một không gian nhất định (như anh chàng Robinson Crusoe trên đảo hoang) thì con người không hoàn toàn tự tạo ra chính mình. Với Phan Huy Đường, con người vốn là thú do đó cần được học làm người. Và bài học làm người, con người học từ người khác (cơ bản nhất là học ngôn ngữ, thông qua ngôn ngữ của người khác thì ta tư duy bằng tư duy của người khác). Thêm nữa, con người và thú vật đều sống trong vật giới và sinh giới (thế giới của sự sống và thế giới của vật chất), nhưng con người còn sống trong nhân giới (thế giới của con người: gồm tư duy, các quan hệ xã hội,…).

Vì vậy “sống” như một con người, có thể hiểu là “làm người”. Ta không “làm người” tự túc và một mình, cho bằng được người khác dạy “làm người”, sau đó truyền lại cho người khác.

Vậy nên Phan Huy Đường viết quyển Vẫy gọi nhau làm người. Cơ bản nhất, ta luôn cần ý thức ta sinh ra là thú, và ta “nên người” như bây giờ không phải hoàn toàn do bản thân ta.

Đó là một món nợ. Cần nhận nợ, và trả nợ. Với người Việt Nam, có nợ tức là mắc tội.

Hồi cấp ba tôi nghĩ con người tự tạo ra chính mình và định đoạt số phận, phải nhờ cô Nguyễn Phước Hạnh Nguyên dạy thì tôi mới hiểu mình sai – tất nhiên, hồi đó chưa biết tại sao sai. Cô chính là người thầy tinh thần của tôi ở tuổi 15. Mắc nợ, nhận nợ, và cố trả nợ.

28 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 29 tháng Ba 2020

Một chiếc ô tô chở tôi và một người trong nhà bà ngoại ra chiến trường. Tôi mang theo súng và một bấm móng tay đa năng có con dao. Đang viết gì đó thì được lệnh cất giấy tờ đi, xong việc sẽ quay lại viết tiếp.

29 tháng Ba 2020

 

Tarot

xét cá nhân => cuộc đời là một quá trình tự chuyển động của cá nhân (thất bại, thành công, được ghi nhận) => mọi thứ khác đều là phóng chiếu của sự tự chuyển động đó => chỉ tồn tại cá nhân người ấy

(làm sao người Việt Nam chấp nhận nó được)

29 tháng Ba 2020

 

Không tin

Con người lao động, từ đó tạo ra một thế giới nhân tạo (đối lập với thiên nhiên), nó trừu tượng và thuần lý, tuân theo các quy luật mà con người tạo ra và có thể kiểm soát. Mọi vấn đề vượt ra ngoài các quy luật đó đều gây hoảng sợ cho con người.

Sự lây lan của corona hay cái chết- rất nhiều cái chết – vượt ngoài những quy luật đó, gây cho con người sự vô lý, phi lý. Một bà mẹ không chấp nhận đứa con gái khỏe mạnh 16 tuổi chết vì corona. Tôi cũng không tin – cứ như bị lừa, đến nay vẫn chưa hoàn toàn tin – cô Nguyễn Phước Hạnh Nguyên đã mất, bởi vì 1) lá số tử vi của cô nói là sẽ qua khỏi 2) Mẫu phù hộ cô 3) cô đã chiến đấu kiên cường gần bốn năm. Tại sao cô phải chết?

Xét cho cùng, con người, như Engels nói, là sinh vật lý tưởng luận. Những sản phẩm của tư duy (tử vi, khoa học, kỹ thuật,…) lại trở nên độc lập, và thống trị chính con người – như một vở hài kịch.

“Cho đến nay, con người luôn luôn tạo ra cho mình những quan niệm sai lầm về bản thân, về mình hiện đang là như thế hoặc sau này sẽ là như thế nào” (câu mở đầu Ý luận Đức của Marx và Engels, 1845 – 1846, lúc đó Engels 25, 26 còn Marx 27, 28 tuổi – trẻ quá).

[không đi dự đám tang của cô]

30 tháng Ba 2020

 

Mười ngày (2)

Đọc các truyện ngắn trong Mười ngày như đọc cổ tích. Nổi bật ở cốt truyện: các hoạt động diễn ra liên tục, con người không được chú ý miêu tả, nội tâm cũng không tồn tại.

30 tháng Ba 2020

 

Corona (5)

đi ra đường, thấy đỡ khó chịu hơn vì con người ngày hôm nay đã đỡ láo nháo – có gì đâu mà rộn, mà cứ phải láo nháo ngoài đường, trên mạng? cứ suốt ngày tiêu phí thời gian vào mấy trò vô bổ lặp đi lặp lại

30 tháng Ba 2020

 

Giấc mơ 31 tháng Ba 2020

Giấc mơ hôm nay rất lạ vì nó kéo dài, làm tôi nhầm nó với đời thật. Một giấc mơ thì đánh bài magic với Beo. Một giấc nữa thì mơ thành phố bị phong tỏa, mỗi nhà chỉ được cử một người ra đường để đốt rác.

31 tháng Ba 2020

 

Tại sao văn chương?

Tại sao văn chương? Tại sao văn chương tồn tại, tại sao ta đọc nó say mê, và lúc ta đọc văn chương là ta đang làm cái quái gì?

31 tháng Ba 2020

 

Ba bình luận nặc danh trên blog Nhị Linh

[Bình luận nặc danh thứ nhất]

Andersen: Con gái chúa tể đầm lầy, 18 tháng Chín 2017

“Chú có lần viết Những câu chuyện thời tiền sử của Moravia là kiệt tác, nó có liên quan đến Andersen không ạ” (19 tháng Chín 2017, 12:07 sáng)

Nhị Linh trả lời: “Moravia là một kiểu khác, Andersen có một truyện tên tiếng Anh là “What One Can Invent”, có lẽ để miêu tả những người như Moravia” (20 tháng Chín 2017, 9:08 sáng)

[Bình luận nặc danh thứ hai]

Cuốn sách của năm (nay), 17 tháng Mười hai 2017

“Quán gió của Ngọc Giao?” (24 tháng Mười hai 2017, 11:28 đêm)

Nhị Linh trả lời (24 tháng Mười hai 2017, 11:39 đêm):

“thậm chí đến tận thời điểm này tôi mới biết quyển í vừa được in lại xong

tôi cũng không rõ chuyện nó nên được coi là cuốn sách đầu tiên in sau 19 tháng Chạp năm 46 là từ đâu ra nữa”

[Bình luận nặc danh thứ ba]

Lý thuyết văn học và triết học, 6 tháng Tám 2017

“Bác ơi, nếu đẩy trường hợp Trương Vĩnh Ký đi xa hơn thì là Lê Quý Đôn?” (22 tháng Một 2018, 10:42 sáng)

Nhị Linh trả lời: “a, giỏi đấy” (22 tháng Một 2018, 12:10 trưa)

31 tháng Ba 2020

 

Ba bình luận trên blog Nhị Linh

Tôi không bình luận nặc danh, mà hiện tên của tài khoản blogspot là Đăng Thành (không bình luận bằng tài khoản wordpress được) nhưng giờ đọc lại thì trở thành Unknown.

[Bình luận thứ nhất]

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1), 11 tháng Một 2017

Đăng Thành (19 tháng Hai 2017, 12:14 sáng):

“Anh Nhị Linh ơi, theo trang 2 quảng cáo trong cuốn “Mẹ hiền con thánh” (Nhà in Tiến Thịnh,1953) thì ông Ngô Thúc Địch chưa chết năm 1952. Vì tháng 5/1953 ông này đang là chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo Văn hóa Tùng biên (tòa soạn 29B Trần Bình Trọng).

http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=tfbUZs1953.2.1.2&srpos=&e=——-vi-20–1–img-txIN——-#”

Nhị Linh trả lời (19 tháng Hai 2017, 8:43 sáng):

“Văn hoá tùng biên thì tôi cũng có một ít, để xem, tks

hôm nào tìm hiểu kỹ hơn về cái chết của NTĐ sẽ nói rõ hơn, thông tin NTĐ chết năm 52 trong cuốn sách đã nhắc cũng tương đối không tương hợp với thông tin NTĐ còn là một trong những người sáng lập một trường đại học, từ các nguồn khác”

[Bình luận thứ hai]

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (3) Sách trong thành phố, 28 tháng Một 2017

Đăng Thành: “Nhân anh Nhị Linh có đề cập tới Hội đồng An dân ở Hà Nội thời điểm đó, không biết anh có thông tin gì về tờ “Vì dân” không ạ? Vũ Bằng từng nói thoáng qua về tờ báo này của hội đồng an dân và có sự cộng tác của Đào Trinh Nhất ạ.” (10 tháng Ba 2017, 11:44 đêm)

Nhị Linh trả lời: “đương nhiên, nếu tìm ra được, hoặc có thon tin xác thực, thì tôi đã nói rồi” (10 tháng Ba 2017, 7:41 sáng)

[Bình luận thứ ba]

Dien Bien Fou, 7 tháng Năm 2017

Bình luận rằng Nguyễn Huy Thiệp từng viết một vở kịch về Nguyễn Thái Học, không thấy Nhị Linh cho hiển thị cho nên tôi xấu hổ.

31 tháng Ba 2020

 

Bình luận trên blog Trafxanh

[Ba bình luận đầu]

Tự truyện về những chấn thương tâm lý khi sử dụng mạng xã hội.

Đăng Thành (29 tháng Một 2019, 3:23 sáng): “Bạn học khoa Viết văn – Báo chí phải không?”

I.ate.hernói (29 tháng Một 2019, 7:00 sáng): “Vâng. Em học khoá 56.”

Đăng Thành (29 tháng Một 2019, 5:26 chiều): “Ừ. Tôi học Viết báo 4 tức là trên bạn một khóa. Nên chắc là gặp nhau rồi.”

I.ate.her (29 tháng Một 2019, 5:33 chiều): “Vâng. Học chung 1 môn thấy anh giỏi giỏi hay hay á. Xong tình cờ đọc được tin trên face của trang nào đăng anh á em k nhớ nữa, cũng k rõ tìm wordpress của anh kiểu gì. Hình như hồi đó search tên là ra nên follow.”

I.ate.her (29 tháng Một 2019, 5:59 chiều): “Cũng không có gì đâu ạ. Em mến mộ người tài thôi. =))) Bấy lâu chỉ âm thầm đọc mà do bữa anh viết về thầy MAT thích quá nên like. Tại em quý thầy, em bị nghiện nghe thầy giảng. Thầy cũng ảnh hưởng và giúp đỡ em rất nhiều.”

Đăng Thành (30 tháng Một 2019, 4:07 chiều): “Thầy Mai Anh Tuấn là một con người tuyệt vời ở trong mối quan hệ thầy – trò.

“Hôm nay tôi vừa đọc một lecture của Lafcadio Hearn về đọc. Tôi chú ý các luận điểm về đọc lại. https://en.wikisource.org/wiki/On_Reading_in_Relation_to_Literature

[Bình luận thứ tư]

Tuổi trẻ bất tử (Phần 1)

Đăng Thành (27 tháng Năm 2019, 6:09 chiều): “Thử đọc The true life của Alain Badiou xem”

trafxanh (28 tháng Năm 2019, 3:53 sáng): “dạ cảm ơn”

31 tháng Ba 2020

 

Chattime

Không vào đó uống nhiều, nhưng từng hay qua lại khu Bờ Hồ. Lấy Chattime và nhà hàng Lục Thủy làm điểm mốc cuối phố Hàng Trống. Mấy lần qua khu đó, cảm thấy thiếu cái gì, mãi mới biết Chattime không còn. Tôi thích tầng hai của nó lắm.

31 tháng Ba 2020

 

Cà dốt

Sinh nhật một tuổi của Cà dốt, hoặc Cà rốt: 1 tháng Tư 2020

[tôi chỉ chèn nhạc vào video]

1 tháng Tư 2020

 

Trùng hợp

đầu tháng Ba (8 tháng Ba 2020) mơ thấy cô Nguyên, cuối tháng (25 tháng Ba 2020) thì cô mất=> trùng hợp hay là tất nhiên?

1 tháng Ba 2020

 

Nguyễn Đức Thành

Đến với chủ nghĩa Marx và với Phật giáo đều bằng lòng tin. Nhưng rời khỏi chủ nghĩa Marx thì tôi không cho vì lòng tin.

Cách nhìn của kinh tế học: mô hình nào hiệu quả, giúp đạt mục tiêu thì thắng. Kể cả nó tồn tại nhiều giả định, luận điểm chống lại con người thì điều quan trọng vẫn là nó đem lại kết quả tốt.

Sao giống truyện về người Do Thái cải đạo Kito, trong Mười ngày (ngày thứ nhất, truyện II) thế (dù những chức sắc suy đồi, nhưng kito giáo vẫn phát triển => chứng tỏ đó chính là tôn giáo Chúa chọn, và phù hợp với con người).

1 tháng Tư 2020

 

Đọc lại bình luận

Đọc lại bình luận của tôi trên blog Trafxanh, thấy gì? Không thành thật, tỏ vẻ. Như vậy thì làm sao gọi là nói chuyện và trao đổi. Làm sao trao đổi được nếu không thành thật với nhau? Cả việc tỏ vẻ, giống ông Ceasar của Balzac lắm (mỗi lần định nói điều quan trọng, ngài kiễng chân lên). Tóm lại là không ổn. Thứ đã gây ra, bãi chiến trường ở đó: dọn dẹp.

2 tháng Tư 2020

 

Chống lại chính mình

Vấn đề không phải “vẫn là mình” hay “là chính mình” , mà phải chống lại chính bản thân: chống lại những thứ quá con người của bản thân (thói háo danh, lòng tự cao, lười biếng, ưa phỉnh nịnh, hoang dâm, muốn đường tắt,…). Mỗi ngày – dù không có dịch corona – ta đều chiến đấu với chính ta, vượt qua những thứ người nhất của mình.

Corona, con virus ấy chẳng phải là nhân vật chính đâu, mà chính là con người: cần chống lại chính mình.

3 tháng Tư 2020

 

Sự thật & tình yêu

Sự thật quan trọng, nhưng thiếu tình yêu thì sự thật không thể chịu đựng được (phim The two popes, 2019).

3 tháng Tư 2020

 

Giấc mơ 3 tháng Tư 2020

Giấc mơ 1: chị Cháo rủ hút cần

Giấc mơ 2: Một cô giáo tiếng Anh của trường Bế Văn Đàn mất vì dịch bệnh, cô Hạnh (chủ nhiệm lớp tôi, A2 khóa 2007 – 2011) nói chuyện về cô này.

Giấc mơ 3: Đi đâu đó, gặp Mai Anh Quân ở phố Nguyên Tuân.

Giấc mơ 4: Vào một lớp lạ hoắc, ngồi dãy bàn thứ hai, cạnh một bạn gái lạ hoắc, phía dưới là Vân Anh. Cô giáo giảng gì đó, tôi và Vân Anh phản bác. Trong giờ kiểm tra, chép một bài của Bích Phương (bạn cùng lớp cấp ba) về cô Nguyễn Phước Hạnh Nguyên, trong đó có chuyện mất bóng và “văn hóa khử táng” (không hiểu là gì). Tôi định sẽ viết thêm ở đầu hoặc cuối bài viết đó là tôi nhặt được, hay vô tình đọc được nó, nay chép hầu quý vị. Viết hỏng một tờ giấy – vì bút nước gặp phần bút xóa (dù yêu cầu của bài kiểm tra là không dùng bút xóa) chưa khô, gây xấm lem – nên xin Vân Anh một tờ giấy kiểm tra.

Giấc mơ 5: Đoạn cuối của giấc mơ, tôi đứng ở cổng một bệnh viện.

3 tháng Tư 2020

 

Ngôi nhà triết học

Đọc Phan Huy Đường: soi gương. Ta cũng vật lộn với những tư tưởng, và chẳng có kiến thức nào đi vào óc ta dễ dàng cả. Nhưng tại sao ngày hôm nay người Việt lại ham học triết vậy? Tại vì họ nghĩ triết cũng như khoa học? Nhưng họ đã bao giờ dằn vặt về tư tưởng triết học nào đó? Họ đã bao giờ không chỉ học để biết, còn học để sống, nói như Phan Huy Đường để làm người? Ngôi nhà triết học khắc nhiệt, tàn ác. Phan Huy Đường đi vào đó, và lạc trong đó suốt gần 40 năm. Làm gì tồn tại sự công nhận của đại chúng – ham muốn nổi tiếng có thực trong lòng ta – đối với con đường này. Linda Lê (một mẫu – nhưng đó là một cartesian, ta thì không phải như vậy)

3 tháng Tư 2020

 

Nhàm chán (4)

Có gì biến mất đâu: youtube là nối dài (và hơn cả vậy) của tv, tiếng nói xa lạ phát ra nhằm xoá đi im lặng hoặc rất có thể là nhàm chán, nó là vật chắn ngang quan hệ giữa ta và ta (vừa không thể cô đơn), quan hệ giữa ta và mọi người (vừa phải cô đơn). Làm gì trong thế đó? Marx biết hết chuyện đó, và bộ Tư bản nhằm chỉ ra toàn bộ quan hệ giữa người với người, và những vật nằm chắn ngang quan hệ đó, để ta tưởng là nó chẳng tồn tại. Trước sau con người luôn ở trong quan hệ giữa con người (đi ra khỏi mô hình của Descartes, dĩ nhiên ra khỏi cách đặt vấn đề của Linda Lê – trong rất nhiều người bình luận Linda Lê, phần hiều chẳng đọc Descartes, làm sao hiểu nổi mô hình Descartes không có Chúa của ngày hôm nay – ông ấy đã phác thảo phần nhiều rồi). Thế hệ sau tưởng, hoặc là giả vờ khác thế hệ trước. Vấn đề là nối, là tiếp sức – chứ không phải dứt bỏ (quyển tiểu thuyết Cô độc của Uông Triều lựa chọn cách thứ hai: phá để xây mới, phá thì nhanh lắm, nhưng tại sao lại phá? cần đặt câu hỏi này). Nằm viết trong nhàm chán.

3 tháng Tư 2020

 

Nhàm chán (5)

những lúc nhàm chán, tôi chỉ muốn ngủ, ngủ nhiều nhất có thể (giữa làm việc và học tập, tôi muốn ngủ hơn nhiều)

3 tháng Tư 2020

 

Nhàm chán (6)

đang dịch corona nên tôi giải thích giấc mơ hôm nay như vậy: lúc đầu thì sốc vì Châu Âu (để tôi nhớ, đó là đêm đầu tháng Ba, xúc động lắm), sau đó thấy chán vì chính mình đọc mấy tin đó (à, lại mấy nghìn người chết, chẳng có gì mới)

3 tháng Tư 2020

 

Corona (6)

(Khái niệm Chọn lọc tự nhiên của Darwin được nhồi sọ nhân dân nhắm giải thích những thảm khốc đợt dịch corona) Nhưng con người đã vượt qua chọn lọc tự nhiên, tức là muốn sống đáng là người thì không thể xử với nhau theo luật rừng như loài thú. Người từ thú mà ra, nên luôn có thể bị quy hồi về thú (như suy nghĩ lãnh đạm ban nãy của tôi chẳng hạn) => luôn chiến đấu chống lại phần thú, phần tự nhiên, để sống sao cho đáng là người

3 tháng Tư 2020

 

Quên

Quên. Ta chịu nổi khi thực sự bị lãng quên? Ta chấp nhận có thể bị quên lãng không? Sẽ là dối trá khi bảo là chấp nhận. Phải chăng việc tìm về quá khứ là để t

3 tháng Tư 2020

 

Người khác

em gợi ý: cố tìm hiểu người khác là chưa đủ, còn cần thực lòng quan tâm họ

4 tháng Tư 2020

 

Giấc mơ 4 tháng Tư 2020

Giấc mơ 1: trong ngôi nhà cũ có gác xép, bị một người săn hải tặc (đầu là Alain Badiou to lớn truy đuổi từ hiệu sách, sau là Lì – em trai tôi) truy đuổi , tôi lấy chổi phất trần vụt vào tay chân mỗi lần tên săn hải tặc tới

Giấc mơ 2: thành phố có con đường chạy dọc một con sông hoặc một con kênh bốc mùi. Nước dâng lên làm ngập cả đường. Đi theo đường đó mãi là tới khu cách ly corona. Tôi bị cậu Đen (bố của Nghé) giữ lại chỗ tập trung vì đã lỡ tới.

4 tháng Tư 2020

 

Andersen & Boccaccio

Andersen lấy lại cốt truyện của Boccaccio trong Mười ngày (truyện thứ V, ngày thứ tư) (cái kết được Andersen thay đổi)

4 tháng Tư 2020

 

Corona (7)

Lấy bất biến ứng phó vạn biến: bất biến là quan hệ giữa người với người. Các văn hoá lựa chọn những quan hệ khác nhau giữa người với người, từ đó đưa đến kết quả khác nhau (trong đợt dịch). Vấn đề không phải vá víu tạm bợ những thiếu sót mà lựa chọn đem lại, cho bằng sống với nó, gánh lấy trách nhiệm vì đã lựa chọn nó. Chẳng thể như anh chàng ba phải: thấy cái này hay thì chọn, thấy cái kia hay cũng chọn (khác nào nhiều nhà nghiên cứu rút ra đống kết luận – hổ lốn – của vô số triết gia nhằm giúp bài báo của mình trở nên hoành tráng).

5 tháng Tư 2020

 

Số

Hôm nay được nghe về những số của Pythagoras (con số của mẹ, của em trai và của tôi là 7; còn con số của bố là 3), mở ra một thế giới mới.

5 tháng Tư 2020

 

Một gánh xiếc qua

Hôm đọc Một gánh xiếc qua (tháng Chín hoặc tháng Mười 2018) là một ngày buồn thảm.

Jean và nàng không thể đến Rome, tôi không tin vào cái kết, cứ hỏi tại sao, tại sao và tại sao? Chỉ một điều tôi không làm: chấp nhận những gì xảy ra. Sau khi đọc Tự thú của thánh Augustine, tôi biết: con người chỉ nắm được hiện tại.

Dù sao đi nữa, tôi vẫn chưa đọc Modiano (đọc hết chữ không tính là đọc). Quay trở lại với những quyển tiểu thuyết mà tôi được dặn chưa đủ chín chắn để đọc, năm 2016 (trước sinh nhật tuổi 20).

Tháng Ba vừa đi qua (một tháng Ba buồn thảm: mưa suốt khiến tôi nhìn con người thật thảm hại – ba năm trước, tôi đọc Trần Dần, Nguyễn Huy Thiệp và Dostoievski trong những ngày xuân; tôi thấy ghê sợ mùa xuân ở đồng bằng sông Hồng; khí hậu đó chỉ phù hợp với thực vật chứ đâu phải con người), quay trở lại.

6 tháng Tư 2020

 

Nhẹ nhõm

Chẳng còn tìm thấy ở con người ngày hôm nay sự nhẹ nhõm của Boccaccio, tất cả chỉ là ý thức về bất hạnh. Shakespeare là nhà văn cuối cùng đem tiếng cười chính đời sống này, chứ không phải cười cái lố bịch của nó (Phan Ngọc). Kết thúc Phục Hưng.

“cái thế kỉ đồi bại và hư hỏng” (ngày Bảy, truyện III “Kinh cầu nguyện cho sức khỏe”, trang 479)

6 tháng Tư 2020

 

Đêm

Bị tỉnh giữa đêm (khoảng hơn 3 giờ).

Tối qua thăm ông ngoại, mừng vì ông khỏe hơn, nhưng sự thật là ông không còn như xưa nữa. Thấy ông khổ – khổ về tinh thần và thể chất – tôi hoài nghi về những thứ đang đọc (Mười ngày của Boccaccio, Kant, hay định đọc lần thứ hai quyển Của cải của các quốc gia của Adam Smith – hồi tháng Mười một năm ngoái, nhìn một ban thờ ở chùa Trăm gian, tôi cũng nghĩ: thật ngớ ngẩn, tại sao học Adam Simth, trong khi không tìm hiểu về những gì gũi gũi với mình, dù nó không phải khái niệm văn hoá của Phan Ngọc). Những chuyến về quê cũng khiến tôi hoang mang như vậy.

Ra khỏi thành phố (không gian thuần lí và trừu tượng của con người ngày hôm nay), lúc nào tôi cũng hoang mang.

Cái chết, quá trình già đi, tự nhiên bao bọc những ngôi làng, những nấm mồ,… chúng có thật. Hoảng sợ với chính những thứ có thật, không dám tin (vì không thể điều khiển nó theo tư duy trừu tượng của ta).

Đêm qua bị tỉnh (định viết về giấc mơ, mà lại thôi), cảm thấy khớp ngón tay trỏ đau và khô. Lúc đó tâm trạng hoảng loạn: đây rõ là lão hoá, ta đang già, bao lâu rồi (từ năm lớp 1 ta tự hỏi rằng mình chết như thế nào, già đi như nào, sau khi chết ra sau, hoảng sợ trước cái chết lơ lửng, run sợ vì được sinh ra là một con người), ta đã 24 tuổi, ta đang tới cái chết. Sợ, khóc cho số phận con người này.

“Anh phải sống” (Khái Hưng & Nhất Linh), điều đó khó lắm, vì tôi chỉ luôn nhìn và nghĩ về cuộc sống như một khán giả, dù sự thật tôi đang sống chứ không tồn tại độc lập với quá trình sống.

Lần đầu tiên tôi không dằn vặt vì cái chết là năm 2015, là khi tôi yêu. Không sợ chết, bởi vì lòng tin rằng người ấy sẽ đi cùng tôi. Không sợ chết.

7 tháng Tư 2020

 

Việc làng của Ngô Tất Tố

hình thức của quan hệ giữa người với người (thi thoảng mới nhắc tới quỷ thần, cơ bản người Việt Nam là những người bất khả tri)

những hệ quả của lựa chọn

nhắm vào điểm yếu của lựa chọn đó, nhưng phê phán thôi chưa đủ, cần a) bổ sung chỗ thiếu để lựa chọn đó phù hợp hơn với thời đại – vẫn phải giữ sự nhất quán, hoặc b) đổi sang lựa chọn mới; cách b phổ biến hơn (Mười ngày của Boccaccio là một gợi ý)

7 tháng Tư 2020

 

Đau dạ dày

Đau quặn bụng những lúc căng thẳng (từ năm 2017 đến 2018, sau đó là những khi tôi suy sụp hay nghĩ đến cái ngày người ta mang tôi vào lò hoả thiêu). Cô Nguyên bảo lời tôi nói (nói đùa “điếu văn” thay vì “diễn văn) không chỉ là đùa, vì mỗi khoảnh khắc ta đều đọc điếu văn cho khoảnh khắc trước đó – không thể quay lại.

Nên chấp nhận tồn tại của một con người, rằng dù sao cũng phải chết. Sống mà sợ sống, lay lắt, ốm yếu, hoài nghi như tôi bây giờ thì thật mệt. Chấp nhận được sự thật, bài học của tôi trong năm 2019 (liên tục phải học, vì tôi nhanh quên chuyện quan trọng, lờ đi thì đúng hơn – như một đứa trẻ).

7 tháng Tư 2020

 

Một ngày lười biếng

Nằm trên giường đọc Mười ngày (rất dày nên phải kê vào thú bông mới đọc được). Cả ngày buồn ngủ (như một ngày tháng Mười hay tháng Mười một 2015: nằm ngủ từ trưa đến chiều ở book cafe Nguyễn Công Hoan – tuần nào tôi cũng đến lấy hai tờ Ngày nay, một lần gặp Hoàng Hối Hận ở đó).

Đọc Mười ngày (giống bộ Vở kịch con người của Balzac ở việc bao trùm một thời đại?), ghen tị với sự nhẹ nhõm của con người thời đó.

7 tháng Tư 2020

 

Giấc mơ 8 tháng Tư 2020

xem con số, gọi lên hồn của người chết (dù xúc phạm Chúa)

8 tháng Tư 2020

 

Đối tượng hóa bản thân

tôi đã xét tôi như đối tượng (chỉ còn tính khách quan của đối tượng, cụ thể là sự vật – chứ không phải con người)

8 tháng Tư 2020

 

Giá sách

giá sách (tôi chưa bao giờ có một giá sách): giam hãm, giới hạn, cầm tù, vo tròn theo một khuôn nào đó

8 tháng Tư 2020

 

Về con người

Descartes, Marx, Dostoievski (Bakhtin), Chomsky

điểm chung từ quan niệm con người của Descartes: tồn tại một góc rất đặc biệt, nơi con người vượt qua những câu thúc của vật chất để tự do suy nghĩ => đó là “mặt sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ” ở Chomsky => Marx (qua Đỗ Long Vân): con người là biện chứng của tự do và ngoại trở => con người luôn tồn tại một phần bí ẩn, chưa hoàn tất (Dostoievski, qua bình luận của Bakhtin)

9 tháng Tư 2020

 

Trại tâm thần

Mấy hôm trước xem Freud mê mẩn (bỏ qua những cảnh rùng rợn, giật gân), thấy đâu đâu cũng có vấn đề, và xã hội là một trại tâm thần lớn.

9 tháng Tư 2020

 

Corona (8)

Đêm qua nghĩ corona không phải chuyện đùa. Nếu bệnh bùng phát ở Việt Nam thì tôi khó sống lắm, vì sức khỏe yếu (có thể chết). Do đó tôi quyết định đọc mấy quyển lần lữa mãi.

10 tháng Tư 2020

 

Kháng cự tôn giáo

Người cô đơn và luôn hỏi “tại sao” như tôi rất dễ bị tôn giáo hút (đã có lúc tôi nghĩ sẽ theo Công giáo, hồi năm nhất). Phật giáo hay Kito giáo. Tại sao ta chấp nhận Chúa? Chỉ vì 1) ta không thể tiếp xúc với người khác 2) không thể duy trì mãi việc ta tự đối diện với ta. Quả là việc đối diện với bản thân là rất đáng sợ. Suy ra việc tôi bị hút vào tôn giáo (hay được con người đê tiện ngày hôm nay che giấu bằng từ “nương tựa”) cũng là một cách chạy trốn người khác và chính bản thân (một hình thức tha hóa).

10 tháng Tư 2020

 

Được yêu thương

Từ bé tới giờ, tôi luôn sống hạnh phúc (trừ một vài lúc khó khăn) bên gia đình, nó không phải điều đương nhiên. Nhưng ám ảnh thời gian (đây chính là đường vào triết học Châu Âu của tôi, Đoàn Văn Chúc cũng như vậy) khiến tôi không nắm được cơ hội cảm nhận hết sự yêu thương của mọi người (tôi luôn được mọi người quan tâm và yêu thương), lúc nào cũng đau khổ vì lỡ sinh ra là một con người để rồi phải chết. Dẫu sao tôi vẫn là một người Việt Nam, nên chuyện linh hồn là đương nhiên.

Nếu không được người khác yêu thương thì tôi rất có thể trở thành con người cá nhân luận.

Quả vậy, hai con người (cá nhân luận – nhân cách luận) luôn đấu tranh trong tôi. Cô Nguyên từng nói trong tôi tồn tại một tồn tại khác, mà tôi đoán là một thiếu niên nam (bọn trẻ con rất thích chơi với tôi). Chính vì luôn đấu tranh nên tôi sống rất khổ.

Lúc không viết được những gì mình nghĩ thì hoảng, viết xong thì thấy trống rỗng (vì văn bản đó đã trở nên khách quan, tồn tại độc lập với ta rồi).

(Tôi là người may mắn, là kẻ hạnh phúc – nhưng không tự biết về hạnh phúc đó. Khi đã biết về mình, tức là đã hết ngây thơ? “Biết” không phải một vật, mà là một quá trình.)

10 tháng Tư 2020

 

Tiêu hoá

lại bị đầy bụng (vừa pha nước chanh: nửa quả chanh, nước ấm, không cho đường) (buồn nôn quá, mà không nôn được), nghĩa là hệ thống tiêu hoá của tôi không tốt, xét rộng thì quá trình tiêu hoá của đầu óc (chưa biết dùng từ gì) tôi tốt không? dường như không tốt (cuối năm ngoái, tôi đọc cùng lúc nhiều thứ, người trở nên ngơ ngẩn – trước đây tôi cũng ngơ ngơ rồi, bởi vì a) máu lên não kém b) mắt kém c) thể lực yếu)

11 tháng Tư 2020

 

Giấc mơ 11 tháng Tư 2020

Giấc mơ 1: Đến gần Bồ Hồ, vào một nhà nhỏ và sâu, lên trên tầng hai (cầu thang hẹp). Nhiều người tập trung ở đó. Phòng vệ sinh có một người đã vào từ rất lâu. Quyển Kinh Thánh tự động được viết thêm, báo hiệu điều không lành: Chúa bảo không cần sợ. Tôi đi mưa, cần vào ngay nhà vệ sinh, từ trong đó đi ra một mụ trung niên dính corona: như ma cà rồng. Chỉ cần mụ chạm vào ta (da thịt, qua đường hô hấp) là ta nhiễm bệnh, cũng trở nên như mụ. Tôi nhờ đội mũ, đeo găng tay, đeo khẩu trang (trang phục những ngày này, ngoài đời thực) nên miễn dịch. Cùng mụ kéo lê nhau xuống cầu thang rất hẹp (hai nhân viên nữ của quán bị mụ ấy gieo giắc corona: một đứa tự muốn làm tình với chính mình, người thứ hai thì đang bị mụ ấy khiêu khích để làm tình với bất cứ ai). Tôi kéo mụ ra, định quảng dưới bánh ô tô, nhưng không thành. Tôi đã biết cách chiến đấu với mụ.

Xe máy màu đen tôi vẫn để ở đó, khoá cẩn thận, balo treo dưới tầng một.

Tôi quay lại quán (nhưng quang cảnh đã khác, giống khu Binh đoàn 11 ở Nam đồng) cảnh báo mọi người, nhưng họ không đề phòng.

Giấc mơ 2 (tiếp theo giấc mơ 1): về nhà, mùa xuân, mẹ cho chảo trên bếp để rán hai thứ, tôi bỏ vào chảo bánh đa. Xem tv với bố (cả hai đều mặc đồ ra ngoài, bố bảo vải quần chật, không hợp với bố).

Giấc mơ 3: Đến một lớp học (ở một trường rất lạ, chưa thấy ngoài đời bao giờ, giống một khu kí túc xá hơn; phòng học rất nhỏ, trên tầng hai) cho những bệnh nhân nặng của thầy Vũ Hồng Thuật. Thầy giảng về tôn giáo. Tôi được thầy chiếu cố cho đến dự.

11 tháng Tư 2020

 

Ngay lập tức

Viết blog là để ra khỏi câu thúc của ngay lập tức (tin tức ngay lập tức, thông tin được truyền đi ngay lập tức). Thật thế, thời đại này bị nguyền rủa bởi tính ngay lập tức. Nhưng chính trong thời đại này, trực giác về thời gian sẽ nhạy (ám ảnh bởi tốc độ). Trong đợt dịch này, lúc phần nhiều sinh hoạt của con người bị ngừng lại thì trực giác này càng mạnh.

11 tháng Tư 2020

 

Trực giác

trực giác tôi mạnh hay yếu? đọc tiểu thuyết tôi gần như chẳng nói rành mạch được điều gì (dù vẫn cảm xúc, nhưng tôi kháng cự cảm xúc vì chúng quá mơ hồ, làm tôi sa lầy).

12 tháng Tư 2020

 

Corona (9)

Số người chết ở Châu Âu và Mỹ cao tới thế bởi vì quan điểm của họ về thế giới và bản thân: tuân theo logic hình thức, tức A = A, A khác B, giữa A và B không tạo nên quan hệ. Xét vậy người chưa bị bệnh không quan hệ gì đến người đã mắc bệnh. Nghĩa là họ không xét quá trình, mà xét các vật tự tồn tại độc lập, nói gọn trở lại Descartes (con người là sinh vật lý tưởng luận [Engels], luôn sống với những mẩu rời của một hay nhiều hệ thống, dẫu chẳng biết triết học là gì). Vì vậy người Châu Âu và Mỹ rất ngạc nhiên về mô hình 1) tìm cho được F0 2) cách ly tập trung và tự cách ly từ F1 đến F4 3) cách ly người trở về từ nước ngoài và một số thành phố trong nước đã bị nhiễm bệnh (Hà Nội, Sài Gòn – tôi chẳng bao giờ gọi thành phố đó là TP. HCM).  Nghĩ đến Cao Xuân Huy, lẽ ra ông nên học triết học phân tích (tôi chẳng biết gì về nó).

12 tháng Tư 2020

Bình luận về bài viết này