Từ Cao Xuân Huy

Năm 2020 tôi đọc Chủ toàn và chủ biệt: hai ngã rẽ trong tiết học Đông Tây của Cao Xuân Huy. Cao Xuân Huy đánh đổ logic hình thức và phương pháp cá nhân luận. Logic hình thức tôi sẽ tìm hiểu bằng cách đọc Các cơ sở của hình học của Euclid, trong đó có luật đồng nhất tôi không sao hiểu nổi nhưng vẫn sử dụng để suy nghĩ. A = B là tiền đề tôi không sao lý giải được.

Tôi muốn xét sự vật trong tính toàn thể của nó, cho nên rất mê Sử Ký Tư Mã Thiên và các tác phẩm của Marx, dù cả hai được viết bằng logic rất khó hiểu với tôi. Nhưng vẫn tồn tại con đường khác để xét toàn thể là dùng phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc, đó là cách tôi theo để nhìn các sự vật, cố phân rã nó thành những cái bất biến. Ví dụ, Trần Trọng Kim viết về Phật giáo [Phật giáo thuở xưa và phật giáo ngày nay, Hà Nội: NXB Tân Việt, 90 trang, chưa đo khổ giấy, kho Địa chí, Thư viện Hà Nội (cơ sở phố Bà Triệu): HVV2836] bằng cách trình bày kiểu Euclid, quy về một hệ thống tiên đề, khiến một người không biết gì về Phật giáo như tôi, đọc cũng nắm được.

Nhìn như vậy, tôi không tin phương Tây và phương Đông thực sự khác nhau cho bằng là các nấc của quá trình tư duy. Lão Tử hay Thích Ca của phương Đông dừng lại ở chỗ chưa định các phạm trù, từ đó thành thành khung khái niệm, ngược lại, phương Tây đi đến chỗ định phạm trù. Tôi quan tâm đến trí thức thời thuộc địa là để tìm hiểu họ xử lý cái được gọi là đối lập trên như thế nào. Tôi đã viết một số bài theo hướng này, như một gợi ý cách làm việc cho bản thân.

Cao Xuân Huy, trong lúc Cao Xuân Hạo viết quyển Âm vị học và tuyến tính, rất kinh ngạc vì người Châu Âu đang tìm một con đường để tới nấc (stage) mà người phương Đông đã đạt tới. Luận văn thạc sĩ của tôi là tìm hiểu phương pháp của một người đi con đường ấy, là Claude Levi-Strauss. Nhờ CL-S và Phan Ngọc, tôi tin là có thể tồn tại một con đường khác để nắm bắt một điều. Phan Ngọc, chẳng hạn, học Đạo giáo, bên cạnh chỉ giáo của Cao Xuân Huy, bằng đầu óc của một nhà ngôn ngữ học. Phương pháp của tôi cũng như Phan Ngọc.

Có vài thứ nữa tôi vẫn không hiểu, như cách phân loại của con người ta, tương đương với luật liệt kê của Descartes. Bạn biết là đâu phải ai cũng nhận thấy cùng một sự vật, do đó kiểm kê đủ các thuộc tính của sự vật. Tôi đang kẹt ở đó. Nhưng phần lớn sách vở diễn giải triết học Phương Đông không tra hỏi cách phân loại của người phương Đông, cho bằng lấy đó làm tiền đề. Cũng may có ngành nhân học. Tôi đang đọc một quyển của Durkheim bàn về cách định phạm trù của người nguyên thủy [Primitive classification], có một chương bàn về người Trung Quốc.

 

thứ hai 27 tháng Chín 2021

Bình luận về bài viết này