Muốn mua tarot

Tôi thờ ơ với gần như mọi bộ tarot, dường như vì tôi không thực chú ý tới những đối lập của từng bộ bài, cho bằng hướng tới cái lý phổ quát của tarot. Rider Waite Smith hiển nhiên là lựa chọn của tôi. Đó là bộ thứ nhất, mua tháng Năm 2021. Bộ thứ hai tôi được tặng: Wild Wood Tarot. Tới giờ tôi vẫn chưa biết dùng bộ thứ hai như nào. Không phải vì tôi không thể hiểu sách hướng dẫn, cho bằng tôi xa lạ với vũ trụ quan mà những hình ảnh ở đấy tạo ra: thiên nhiên vùng ôn đới. Thiên nhiên ở vùng nhiệt đới nơi đồng bằng sông Hồng là thiên nhiên gần tôi nhất, tôi còn không hiểu, cảm thấy xa lạ, lạc lõng, phát hoảng mỗi lần bị đặt vào (dù thích đọc quyển sách của Pierre Gourou, nghĩa là tôi chỉ có thể làm việc với những chữ và những chữ?). Chữ dẫu vậy không đột nhiên sinh thành, mà là nấc cao nhất của quá trình trừu tượng hóa, thêm nữa trước 2018 tôi không nghĩ bằng chữ nhưng bằng các hình ảnh, thứ tôi nghi ngờ, ngày hôm nay. Vì chúng không phải cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với thế giới, đồng thời không phải những chữ mà tôi quen xử lý. Tôi đành theo Descartes: những gì không thể xử lý được thì để ngoài, treo lên, chưa xét đến.

Hình ảnh như nào sẽ khiến tôi chú ý? Tồn tại thứ minh họa cho một bộ tarot khiến tôi chú ý? Cái lý của sự chú ý ấy là gì? Hôm nay tôi được xem ảnh bộ Tarot of Light and Shadow, thích ngay lập tức. Tôi cố hỏi tại sao tôi thích nó. Có thể nó cụ thể hóa đồng thời giới hạn suy nghĩ của tôi về nhị nguyên luận. Cảm nhận ấy cũng hiện ra lúc tôi xem tác phẩm Nhà – Thuyền của Ly Hoàng Ly. Nhà – Thuyền: lộn ngược, đảo ngược theo chiều trên – dưới. Tarot of Light and Shadow, nói rõ hơn, hình ảnh minh họa: đảo ngược theo chiều trái – phải. Gom cả hai: được đủ bốn hướng đông – tây – nam – bắc, nghĩa là bốn tham chiếu khách quan, cố định của con người, trong không gian hai chiều. Vũ trụ luận Mường mà Từ Chi khảo sát, chẳng hạn, cũng được tạo ra từ không gian hai chiều. Nói rộng, dẫu vật lí đã thấy được chiều không gian mới, thì vũ trụ luận của con người bình thường nhất, có thể gọi là “cặn”, vẫn là không gian hai chiều, vẫn được tạo thành bởi hai sự nhị nguyên trên – dưới và trái – phải. Tại sao cặn vẫn tồn tại, khi phương thức sản xuất đã đổi, khi triết học và khoa học đã đổi? Tôi chưa biết. Tôi chỉ biết chúng vẫn ở đó. Một hằng số, một bất biến tôi cảm nhận từ minh họa của bộ Tarot of Light and Shadow, dường như đó là lí do tôi bị nó thu hút, rằng không chỉ chữ và số của bộ tarot mới có thể vươn tới tính chất phổ quát và bất biến.

Một bộ tarot nữa thu hút tôi: Tarot Kiều. Tôi không bị thu hút bởi hình minh họa, cho bằng phần chữ: những câu thơ được chọn. Tôi không đọc được thơ, không hiểu thơ, không được nhận sự giáo dục bằng thơ như những trí thức thời quân chủ, nhưng đã đọc bình luận vô địch của Phan Ngọc về Kiều, đã say mê nó, nghĩa là rất có thể thứ thơ ấy đồng thời thu hút tôi. Phan Ngọc viết, muốn cảm nhận tiếng Việt bắt buộc hướng vào thơ, một hình thức quái đản của ngôn ngữ, không thể khác. Văn xuôi tiếng Việt không tồn tại hình thức quái đản ấy, có lẽ trừ văn của Nguyễn Tuân, một thứ văn xuôi tôi không thể đọc được, vì tôi thuộc phía của Phan Khôi. Thơ của Kiều vừa có tính phổ quát, vừa có thể trở nên một mệnh đề triết học nếu được dịch sang một ngôn ngữ biến hình ở Châu Âu (bài ca trù Đời đáng chán của Tản Đà, chẳng hạn, đặt trong triển lãm của Ly Hoàng Ly; lần đầu tôi đọc được thơ, vì chúng được chuyển hóa thành mệnh đề, đó cũng là lần đầu tôi cảm thấy thơ của Tản Đà đáng chán: thơ chứng minh, không tồn tại câu hỏi thực chất mà chỉ những câu hỏi tu từ, cốt chứng minh cho Tản Đà). Hình thức ấy chắc chắn hợp với tarot. Rất có thể hình minh họa của bộ Tarot of Light and Shadow và phần chữ trong bộ Tarot Kiều sẽ mở rộng, tỏa ra trực giác của tôi.

Tôi không trả được mức giá 2.000.000 đồng (900.000 đồng bộ Tarot Kiều, 1.100.000 đồng bộ Tarot of Light and Shadow), nhưng tôi muốn chúng, cần chúng. Tôi muốn có người mua tặng tôi hai bộ ấy.

3 bình luận về “Muốn mua tarot

Bình luận về bài viết này