Phan Ngọc & Marx

Phan Ngọc của tôi trước hết là Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới in năm 1994, tôi đọc lần đầu trong ba buổi trên thư viện trường đại học, khoảng thời gian đang say sưa Tư bản. Sơ đồ rất nổi tiếng của Phan Ngọc hiền nhiên đi ra từ Marx, nhưng kích thước kinh tế chính trị học ở Phan Ngọc rất ít được nhìn nhận. Đấy là người đưa ra cách nhìn nhận quái đản về phương thức sản xuất Châu Á như một cực đoan, một đảo chiều của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vấn đề cần nhìn nhận là mức độ, làm tôi nghĩ lại chuyện tôi cố làm trong ca Paul Giran, chỉ bằng những đối lập: ông viết lại Tâm lý người An Nam tới mức nào? ông theo khung của Durkheimn tới mức nào? ông tuân theo ý luận về sự phát triển tới mức nào?

Phan Ngọc biếu tấu Marx, ở sơ đồ nổi tiếng: con người dùng mô hình trong óc anh ta để tác động vào thế giới hiện thực. Marx không hề định những mô hình trong óc con người. Đó là sản phẩm của Phan Ngọc. Nhưng một đôi lần Phan Ngọc nói rõ hơn: “những mô hình cố định” trong óc anh ta. Tôi không sửng sốt, vì đó cũng là giả định của tôi, nhưng cần kiểm tra. Viết lại của Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới là tuyển tập in năm 2000, Một cách tiếp cận văn hoá, bổ sung mấy bài tham luận quốc tế, quan trọng nhất là tiểu luận “Thử xét Khổng giáo theo nhận thức luận”. Đây là lần đầu Phan Ngọc đưa khái niệm “công cụ” nhận thức vào xét một triết học, khác với trước đó, năm 1962 trong lần in đầu Sử ký Tư Mã Thiên Phan Ngọc giải thích đối lập giữa nhận thức của triết gia và của người thường. Phan Ngọc có những sửa chữa, và sẽ ổn định các khái niệm và nhận định – đối với con người bây giờ, trong lúc chưa in các bản thảo – nhờ loạt sách in năm 2000. Tôi trực giác rất rõ những mô hình cố định Phan Ngọc nói, cho nên câu hỏi thực tiễn lớn của tôi là trong những điều kiện vật chất nào có thể đổi những mô hình cố định ấy, và có thể đổi tới mức nào? Tôi theo Marx nên chuyện cần xét, sau quá trình phân tích, là làm sao đổi được nó? Phan Ngọc: không khác. Các mô hình sau khi được đẩy lên đề những ý thức có thể nhận thấy, cần được tác động, cần được đổi.

Tại sao? Như thế nào? Phan Ngọc là một ca: làm sao, trong những điều kiện vật chất nào một nhà nho như ông có thề nghĩ như một người Châu Âu thế kỷ XVIII (Kant), thế kỷ XIX (Marx) hay thế kỷ XX (Hursserl, Phan Ngọc rất mê Husserl)? Để tự nhiên? Không gì ngu và phản trí tuệ hơn. Cần nắm được những khâu ấy, rồi tự thí nghiệm lên chính mình. Một số trí thức thời thuộc địa là những ca quá tốt (ví dụ của tôi, Trương Tửu, chắc chắn, nhưng không có Đào Duy Anh). Tại sao họ có thể chuyển được từ thực tại này sang thực tại khác, làm sao họ có thể làm một cú nhảy? Nhất thiết có một hoặc nhiều trung gian giữa các mô hình. Đó là bận tâm của Phan Ngọc. Ba trang bàn về hai mô hình đối lập giữa phương Tây và phương Đông, tôi đọc như bị sét đánh, không thể tưởng tượng nổi có thể viết được như thế.

Phan Ngọc cần là người diễn giải Kinh Dịch, tác phẩm đồ sộ nhất, một mẫu hiển nhiên nhất của cái văn hoá mô hình phương Đông ấy. Tôi luôn khó hiểu tại sao từ hai yếu tố cơ bản là nét liền và nét đứt có thể hình thành một tổ hợp gồm ba yếu tố mà không có yếu tố trung gian, luôn là những sự lệch, chênh, không cân bằng? Và tại sao tổ hợp ấy lại cần kết hợp với một tổ hợp cùng loại mới trở nên một đơn vị có giá trị: quẻ. Quá trình dựng nên các đơn vị cùng ngữ pháp vận hành nó: hẳn Phan Ngọc rất mê điều ấy. Để nhận thấy được ngữ pháp ấy nhất thiết cần những điều kiện vật chất gì? Những điều kiện tinh thần và xã hội.

Có thể trung gian tôi muốn tìm, Phan Ngọc đã từng viết, không phải trong ngữ cảnh cùng câu hỏi của tôi: con người xét chung nhất. Không thể không nhìn thấy Trần Đức Thảo. Tác phẩm quan trọng nhất đề nhìn phương diện này là Một thức nhận về văn hoá Việt Nam, cũng in năm 2000, Phan Ngọc nêu những tiên đề để con người trở nên con người, ở độ 0. Kích thước kinh tế chính trị học của Marx rất rõ. Chuyện phổ biến lý thuyết của Phan Ngọc nhưng cắt đi kích thước kinh tế chính trị của nó là không thể chấp nhận được. Chẳng khác gì cho rằng học thuyết của Marx vẫn có thể được dùng nếu không dự định trong tương lai những đấu tranh giai cấp, đã được Lenin thực tại hoá thành công nhất năm 1917.

Kích thước kinh tế chính trị đã theo Phan Ngọc từ đầu những năm 1960, với lời giới thiệu bản dịch Sử Ký Tư Mã Thiên và tuyển tập Shakespeare, nhưng Phan Ngọc mất rất lâu để thiết lập được sơ đồ nổi tiếng về văn hoá, dường như chỉ từ những năm 1970 tới 1980. Phan Ngọc cần những gì trong quãng gần 20 năm ấy? Phan Ngọc đã xử lý Marx như nào? Trần Đức Thảo có thể là một gợi ý. Từ Chi chắc chắn không thể là một gợi ý. Phan Ngọc có một chiến tranh khác: làm gì với sản phẩm tinh thần cao nhất của xã hội chủ nghĩa là lý thuyết của Marx, trong đối đầu với trực giác của ông? Ông theo Marx tới mức nào? Dễ nhất, hướng mắt tới Althusser đề tìm một gợi ý, nhưng tôi rất nghi ngờ. Phan Ngọc có những diễn giải Marx rất quái đản, không đi theo truyền thống những trường phái. Mọi cá nhân có tầm mắt của công chức, gắn chặt với những thiết chế, những trường phái, không thể nhìn nhận được Phan Ngọc.

Bình luận về bài viết này