Tôi không biết mình muốn gì

[rút từ “Note, tháng Bảy – tháng Mười 2017“]

Tôi không đồng ý cái đẹp là bất kỳ hình ảnh nào thúc đẩy ý chí sống của mỗi con người, cũng không đồng ý khi được dẫn thần thoại, tôi nghĩ đó [thần thoại] là tập quán hơn là vẻ đẹp (vì tôi quan niệm, dù tất cả các dân tộc trên thế giới khác nhau như thế nào thì họ cũng có một sự đồng thuật về vẻ đẹp). Tôi không tự định nghĩa như thế nào là đẹp nhưng tôi không đồng tình với diễn giải cái đẹp như trên. Cái đẹp tôi đang tưởng tượng rất khác cái đẹp đó. Hãy tạm gọi cái đẹp mắt mò là Cái đẹp – Tập quán. Cái tôi mường tượng là Cái đẹp – có giá trị phổ quát toàn thể loài người. Một bản nhạc đẹp nó có một giá trị phổ quát là nhịp. Tôi không có lý luận nên không biết xử lý ra sao. Nhưng nếu cái đẹp đơn thuần vì nó chia sẻ và động viên cuộc sống của mỗi con người, chưa kể sự hữu ích, vậy một vật máy vô tri cũng đạt được cái đích đó nhưng nó không thể là đẹp được. Hoặc tôi không thấy nó là đẹp. [Về vật máy vô tri] Phan Ngọc viết về Nguyễn Tuân thấy cụ Nguyễn rất xuất sắc khi viết về đồ vật và đạt đến trình độ rất cao của việc biến những hành động mang tính kỹ thuật đơn thuần tiếp cận một vẻ đẹp.

Đúng là không thể khẳng định một thứ vật thể mà 100% dân số thế giới cùng thấy là đẹp, Cái đẹp phổ quát có vẻ như giống với cái tư duy cái đẹp của bầy đàn nhỉ, một cái đẹp đại chúng? Tôi nghĩ bản thân cái gì đó đã đẹp sẵn rồi. Việc là mình có khả năng hiểu cái đó đẹp hay không. Nếu con người biến mất, tôi nghĩ cuộc đời – cái chết vẫn tồn tại, trên – dưới vẫn tồn tại thôi. Con người diễn giải nó, viết thành ngôn ngữ để hiện ra đây. Thế giới này tự bản thân nó đã sắp đặt, cấu trúc nó. Với tôi, nếu không viết ra thì không ai hiểu; con người đang cố gắng tri nhận được thế giới [như thế giới đã tự sắp đặt]. Sách của Schopenhauer tên là này: Thế giới như là chính nó, với ý chí của nó và ý niệm của nó.

Nói tóm lại, đây là ý kiến của tôi: cái đẹp là của thế giới, như nó sẵn có, còn con người đã đặt ra một khái niệm là cái đẹp (chưa chắc đã chỉ đúng cái đẹp của thế giới như nó sẵn có) nhưng luôn cố gắng lý giải cái đẹp đó. Thử, thử, thử rất rất nhiều. Còn thần thoại Hy Lạp cho ta thấy người xưa đã đi được những bước dài trong quá trình tri nhận thế giới: đặt ra khái niệm cái đẹp và tìm kiếm NÓ, quan trọng hơn là lý giải. Tại sao nó lại đẹp (ôi, đừng quá sa đà vào từ ngữ, có thể hiểu như thế nào cũng được. Ôi, NÓ thật là a, tại sao NÓ lại a như thế). Thì chẳng phải Eliade cho rằng người cổ xưa trực tiếp tiếp xúc với vũ trụ, với thế giới (tức là một thế lực siêu nhiên) và việc họ được Người [thế lực siêu nhiên] cho những sợi dây chỉ dấu cách thế giới vận hành. Cũng có thể thay Thần bằng Thế giới giống Schopenhauer. Nếu tự tra hỏi mình thì lại trùng với ý Nietzsche phê phán: Phê phán cách diễn giả của các chức sắc. Thế giới có những quy tắc và con người ta hãy làm theo, hoặc đừng trái với những quy tắc đó. Ví dụ, một bàn thời đạo Do Thái giáo, trong Kinh Thánh của họ, Đức Chúa Trời dạy là: Hãy lập bàn thờ ta, giống như bàn thờ ta ở nước trời. Eliade tìm thấy trong rất nhiều văn bản, thần thoại, truyện cổ các tộc người khắp thế giới kiểu này: Con người lặp lại một vật dụng/một hành động/ hoặc 1 gì đó giống nguyên mẫu thần linh. Hoặc thay Thần linh bằng Thế giới của Schopenhauer. Dù sao, điều tôi nghĩ là thật đáng sợ khi thời xưa, ở hầu khắp thế giới, con người đã tri nhận thế giới theo cùng một cách (tất nhiên có những sai lệch không đáng kể). Cái thuyết biếu tặng hôm qua tôi trình bày í, Mauss còn cho rằng nó áp dụng được với quà biếu thần linh. Một người phải chịu hiến tế để mưa xuống. Đi đánh thành Tơ-roa thì phải hiến sinh một thiếu nữ xinh đẹp con của vị thủ lĩnh nào đó.

Tôi là con người tôn giáo [theo phân loại của Mircea Eliade], dù bản thân không theo đạo chính thức. Như vậy, tôi nghĩ phải sử dụng trực giác thôi, trực giác của tôi bảo Mauss và Eliade là hai học giả tiệm cận cách thế giới thực sự vận hành. Nó là hiểu biết của tôi, nhưng cũng có chuyện hiểu biết của một gã khờ lại ăn may trúng vào cái đúng thì sao? Đúng thì chỉ có một và duy nhất thôi. Không nó có phải cái đúng của anh A hay anh B? Chúng ta khăng khăng có cái đúng của riêng mình, khác với cái Đúng thực mà Thế giới đang diễn tiến.

Hôm qua [buổi agora chÉm số 9 của HopeLab, “On Nietzsche: Which God died ?“, 18:30 – 21:30 thứ năm 21 tháng Chín 2017, Tổ Chim Xanh (13, ngõ 19 phố Đặng Dung)] có bà ngồi cạnh tôi bảo là chỉ một điện thoại là biết bao nhiêu ông triết gia, tôi không nói gì. Tôi đã gạt. Đọc được tất cả trước tác của ba triết gia, trong đó có một nhân vật siêu hạng là Karl Marx còn hơn đón nhận què quặt một triết gia nào đó. Mình chỉ biết được Nietzsche ở dạng què quặt (ôi Phạm Công Thiện và lời hứa năm xưa, sau này ông PCT nghiên cứu về phật giáo và tu tập). Tôi gạt họ ra, không tranh luận, không cảm xúc và rất không coi trọng họ. Tôi khiếm nhã nhỉ. Tôi chỉ mong bà già đó đừng nói quá to, không lại trở thành trò hề, ít nhất đối với tôi. Tôi không vồ vập triết học. Tôi dè chừng và e ngại nữa, tôi chưa hoặc là không muốn bước vào đó.

Tôi không biết rõ mình biết gì. Quấy quá cũng xong thì ai cũng tạm xem là được. Tôi không tin được [vì tự nhận là con người tôn giáo, theo Mircea Eliade, nhưng không tin vào một tôn giáo để gia nhập]. Tôi sợ lắm. Tôi tin vào kiếp sau, tin vào nghiệp chướng, nhưng tôi sợ quãng thời gian sau khi chết. Tôi sợ sự kết thúc. Tôi sợ lắm. Cô Huyền xem tử vi và cô Nguyên bảo sau này tôi cũng theo một tôn giáo, khoảng 30 tuổi.

Tôi đúng là không tập trung và nhập tâm để lĩnh hội triết học. Tôi muốn đọc Karl Marx vì muốn hiểu Phan Văn Hùm và Lương Đức Thiệp. Tôi muốn đọc văn chương có những lý thuyết văn học và cả những diễn giải văn học. Tiền là gì? Muốn đi kiệt cùng con đường lý thuyết Marx.

thứ sáu 22 – thứ bảy 23 tháng Chín 2017

Bình luận về bài viết này