Phan Ngọc: về Trần Đình Huợu

Tháng Hai 1995 Trần Đình Hượu qua đời, ngay lập tức Phan Ngọc viết hai text. Một là bài báo ngắn dưới đây (nguồn ảnh: Nguyễn Đức Mậu; tôi chỉ gõ lại). Tôi chưa biết thông tin về tờ báo ấy. Hai là tiểu luận Đi tiếp con đường của Trần Đình Hượu vào văn hoá học đăng trên tạp chí  Nghiên cứu Đông Nam Á số 2 năm 1995, trang 87 – 91. Năm năm sau text thứ hai trở thành chương 13 của tập tiểu luận kiệt xuất Thử xét văn hóa, văn học bằng ngôn ngữ học.

[31 tháng Tám 2020: Phan Ngọc ít nhất còn viết một text nữa là bài báo Một con đường đi vào văn hóa học trên Văn nghệ số 1850 (1 tháng Bảy 1995, chưa rõ số trang)]

Từ Chi qua đời năm 1995. Một năm sau tập tiểu luận của Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người xuất bản. Phan Ngọc viết lời bạt Anh Từ Chi, con người “ngoài lề”, trang 595 – 599.

Bảy năm sau khi ông thầy triết học Đức thế kỷ XX của mình, Trần Đức Thảo qua đời thì Phan Ngọc cũng viết hai text vinh danh. Một là lời nói đầu tập tiểu luận của mình Thử xét văn hóa, văn học bằng ngôn ngữ học. Hai là bài báo Về công trình Tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức của cố giáo sư Trần Đức Thảo nhân dịp truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho Trần Đức Thảo.

Ba ví dụ trên là rất ít, nhằm khẳng định ba điều về Phan Ngọc: 1) luôn hướng tới cái hiển nhiên, 2) lo cho hậu vận của một số cá nhân (những gì người đời sau nhớ về họ, rất có thể, phần lớn nhờ Phan Ngọc – riêng bài về Trần Đức Thảo, Phan Ngọc đã dạy người Việt Nam đọc Tư bản của Marx; người Việt Nam trước đây chủ yếu đọc Tư bản qua diễn giải của Rosenthal [phiên âm thành Rô-den-tan] [31 tháng Tám 2020: tôi nói sai vì nhớ lầm D. I. Rodenbe của ba tập giới thiệu ba book của Tư bản và Rosenthal là một người]), 3) con người của những lời lời thiệu và lời bạt.

Ngược lại, Phan Ngọc đã bao giờ nhận lại được lời giới thiệu hay lời bạt cho cuốn sách của mình? Hai lần. Lần một là lời bạt (không đáng kể) của Nguyễn Thiện Giáp in ở bìa bốn cuốn sách cuối của Phan Ngọc, Hình thái học trong từ láy tiếng Việt. Lần thứ hai là đầu năm nay, khi Phan Ngọc đã mất trí nhớ, ở bản dịch Thượng kinh ký sự (nhưng Omega+ lại cắt luôn lời giới thiệu cũ của Phan Ngọc). Một mỉa mai.

 

Nhớ bạn Trần Đình Hượu

Phan Ngọc

Tôi gặp anh Hượu cách trên ba mươi năm. Lúc đó tôi làm nhân viên phiên dịch ở khoa Văn, anh là cán bộ giảng dạy. Công việc phiên dịch có cái thú của nó là không phải tiếp xúc, do đó tôi cũng ít trò chuyện, đến để dịch rồi về. Điều tôi hơi lạ là khác các cán bộ khác, anh đến gặp tôi nói chuyện tư tưởng Trung Hoa cổ đại. Anh có hỏi ý kiến của tôi về một số vấn đề văn hóa Trung Quốc. Qua anh, tôi biết anh là con nhà thi lễ, ham học chữ Hán, được gửi sang Liên Xô để học triết học, nhưng lại muốn viết luận văn về Mặc tử cho nên gây hiểu lầm rồi về. Một điểm nữa tôi thấy cũng lạ là anh thích Căng [Kant]. Vào ngày ấy thích Căng [Kant] không phải là chuyện bình thường, phải là người phần nào dở hơi. Tôi vốn là người say mê nhận thức luận mà nhận thức luận thực sự chỉ bắt đầu với Căng [Kant], cho nên giữa chúng tôi có sự hiểu nhau.

Hượu là người ít nói, nhưng nói năng vững chắc, không có cái giọng dạy đời mà tôi thường gặp. Anh có nhân cách của một nhà Nho, chấp nhận thiếu thốn, không than phiền, không hay tranh cãi, làm việc lặng lẽ, đọc sách, ít tham gia ý kiến trong những cuộc tranh luận rất sôi nổi trong những năm 60 và 70. Một người lo trước nhưng thấy mình bất lực. Lúc bấy giờ anh dạy triết học Trung Quốc ở khoa Văn. Giáo trình anh viết rất công phu, chưa có gì mới, nhưng thực sự đúng đắn, không có cái điểm tôi thường gặp là xem chân lý là đã xong xuôi, có sẵn, mà là một sự tìm kiếm không ngừng qua các thế hệ. Phần nào đây là ảnh hưởng của Căng [Kant], theo như tôi thấy. Giáo trình này sau này bị bỏ vì có dư luận chống lại khẳng định ở trường đại học chỉ dạy triết học duy vật. Nhưng chuyện tranh cãi này thực ra tôi chỉ nghe và nhìn kết quả chứ không tham dự cho nên không biết.

Sau đó, anh chuyển sang dạy văn học Việt Nam thời quân chủ. Trong lĩnh vực này anh có nhiều đóng góp do kiến thức Hán học vững vàng của anh, và phương pháp trình bày khá chặt chẽ, nhờ hiểu được triết học phương Tây. Nó không giống cách trình bày quen thuộc của các sách [có thể thiếu chữ “giáo”] khoa trước đây trong đó vẫn đọc theo một lịch sử luận khá đơn giản và một lý luận văn học tiếp thu của Liên Xô. Anh là một trong những người rất hiếm của khoa Văn đọc Bác-tin [Bakhtin], tìm hiểu trường phái hình thức luận [Phan Ngọc là dịch giả cuốn sách lớn nhất của Vladimir Propp, Hình thái học cổ tích]. Chính vì vậy những phần anh viết về văn học trước 1930 có những điểm đáng quý. Tiếc là ở anh chưa thực hiện một sự lựa chọn dứt khoát giữa tư tưởng cũ và triết học phương Tây, cho nên các kiến giải cần được khái niệm hóa mới trở thành hiện đại. Điều này chắc không phải anh không muốn nhưng hoàn cảnh của anh kể ra rất khó thực hiện.

Vào năm 1980, tôi không làm việc ở trường Tổng hợp nữa mà sang Viện Đông Nam Á. Nhưng tôi vẫn thường gặp anh ở Viện tôi. Khác nhiều người khác anh rất quý tôi, và thường bàn với tôi về Nho giáo, về văn hóa Việt Nam. Trò chuyện với anh suốt gần bốn mươi năm tôi chưa lần nào nghe anh kêu ca, than phiền về cuộc sống khó khăn, lương bổng, chức vụ, đối xử, tình hình sức khỏe, sức khỏe của anh kém, thường đau yếu luôn, chưa bao giờ nghe anh đòi hỏi một cách đối xử khá hơn, cũng chưa bao giờ tự cho mình là tài giỏi, học rộng. Anh là người học không biết mỏi và nếu có than phiền là không hài lòng về những quan điểm của một số học giả Trung Quốc đối với văn học của họ, hay tự thấy mình chưa tiếp thu được tư tưởng phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai vì nước Việt Nam sống cách biệt với thế giới. Tôi cũng cảm thấy thế, cho nên cuộc trao đổi giữa chúng tôi [không đọc được hai chữ, có thể là “tâm tình”?]. Tôi xem anh như người tri kỷ, và có lẽ anh cũng xem tôi như vậy.

Nếu được đánh giá Trần Đình Hượu như một học giả, thì anh thuộc những người đầu tiên xét các nhà Nho Việt Nam không phải qua sách mà qua chính cuộc đời thực tế của họ. Điều đó trước đây ít ai chú ý. Các nhà nghiên cứu thường chỉ xét mặt văn chương, cho nên trong cách đánh giá [hình như là “có mặt”?] Việt Nam không thấy rõ. Còn anh nhìn văn học tư tưởng như một bộ phận của cái thực thể to lớn hơn là cuộc đời. Sở dĩ anh làm được thế là có nguyên nhân. Anh sinh ở một huyện văn vật, đồng thời cũng cách mạng bậc nhất của Nghệ An là huyện Thanh Chương, những hình ảnh của các nhà Nho trong đó có cha ông anh còn tươi mát, không giống như ở những người tri thức đã bị [không đọc được một chữ] hóa quá sâu hay như các trí thức Việt Nam đã Tây phương hóa quá mức. Anh hiểu được cái then chốt tạo nên nhân cách con người xứ Nghệ, và anh giữ gìn nhân cách ấy trong mọi tình huống. Chính vì vậy đọc những bài anh viết về văn học Việt Nam hay về văn hóa Việt Nam ta thấy toát ra thái độ chân thành, không phải bóng bẩy văn hoa, nhưng mộc mạc chân chất của một học giả chân chính.

Trong những năm 80 và gần đây, tôi với anh thường cùng làm những việc gần nhau. Khi tôi trình bày về Pháp gia, Đạo gia thì anh trình bày về Nho gia, khi tôi trình bày về nhận thức luận của Khổng Tử thì anh trình bày về đạo lý. Chúng tôi thường gặp nhau trong nhiều buổi bàn về văn hóa. Trong dịp tôi giúp anh dịch bài anh viết về gia đình Nho giáo Việt Nam, tôi rất sung sướng gửi cho anh một bức thư, khẳng định giá trị bài viết, chúc mừng thành công của anh và tỏ lòng tin tưởng ở người bạn mà sự hiểu biết đang có đà vươn lên tầm quốc tế. Tôi tin chắc anh sẽ được thế giới chú ý, chẳng cần phải cầu xin gì hết.

Thực tế đã chứng minh tôi không lầm. Anh được mời sang Nhật rồi sang Pháp. Tôi vô cùng sung sướng hy vọng người bạn chuyến này sẽ hoàn tất mơ ước của mình là tiếp thu cái nhìn của khoa học thế giới năm mươi năm lại đậy, để giới thiệu văn hóa học Việt Nam ra thế giới.

Nhưng tôi không ngờ, vừa ở Pháp về chẳng bao lâu anh đã lâm bệnh và qua đời. Cái chết của anh là một cái tang chung cho văn hóa học Việt Nam, tôi mất người bạn để nói những điều khó nói. Đã bước vào cánh cửa hẹp của những người dám sống cho văn hóa dân tộc, dĩ nhiên chuyện sống chết đâu phải chuyện cần bàn. Nhưng chết vào lúc này, anh ơi, chết vào lúc này ư?

Xin vĩnh biệt anh bằng đôi câu đối:

Anh ơi, tử biệt sinh ly, lo trước không xong, chỉ biết từ nay đàn đập nát

Bạn hỡi, cùng thông đắc thất, vui sau chậm đến, nào hay ngày ấy kiếm vùi sâu.

[tháng Hai 1995]

Phan Ngọc: về Trần Đình Huợu

 

Phan Ngọc

Phan Ngọc điểm sách

Phan Ngọc chú thích

Khái niệm

Sinh nhật Marx

Phan Ngọc trả lời phỏng vấn

Bình luận về bài viết này