Vài ý nghĩ rời về chuyện Âu Cơ-Lạc Long Quân

Với niềm tin của người Việt, Hùng Vương là vị vua đầu tiên của đất nước, bọc trăm trứng do Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh thành là những con người đầu tiên. Thử một phép so sánh đơn giản với vài thần thoại, tôn giáo lớn trên thế giới về sự sang tạo ra con người.

Với niềm tin của con người Hy Lạp cổ đại, con người được các vị thần tạo ra: “Ai đã sinh ra những con người trên thế gian này? Xưa kia, các vị thần, đó là các vị thần Olimpic, không hề biết đến tuổi già và cái chết, đã sáng tạo ra loài người”. 

Còn với niềm tin của những tín đồ tôn giáo Kito và Do Thái giáo, con người do Đức Chúa Trời tạo ra: “Đức Chúa Trời phán: ‘Chúng ta hãy tạo ra loài người như hình thể Ta và giống Ta, để quản trị các loài cá biển, chim trời, súc vật trên cả trái đất và các loài vật bò trên mặt đất.’ Đức Chúa Trời tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người như hình ảnh Đức Chúa Trời.” ( Sách Sáng Thế 1.26-28 )

Điểm giống nhau của sự sáng tạo con người trong niềm tin của người Việt với con người Hy Lạp cổ đại và các tín đồ tôn giáo Kito và Do Thái giáo ở chỗ: Con người do những vị thần sáng tạo ra.

Tuy nhiên, Âu Cơ và Lạc Long Quân sáng tạo ra loài người không chỉ bằng sức mạnh thần thánh của bản thân mà còn là tình yêu, sự giao phối và nghĩa tình.

Theo tôn giáo cổ đại Hy Lạp và tôn giáo Kito có một điểm chung về sự đi xuống dần, tồi tệ dần của con người, khinh thị các vị thần. Nhưng ở đa thần giáo Việt Nam không như thế, con người với những vị thần luôn giữ một mối quan hệ hòa hảo tốt đẹp.

Phải chăng ngoài đặc tính về nông nghiệp, chính tình yêu, nghĩa tình của Lạc Long Quân và Âu Cơ trong việc sáng tạo ra con người là lý do cho việc này?

28 Tháng Tư 2015

 

—–

Bổ sung tháng Mười hai 2017

Ảnh minh họa: Trần Thế Pháp (Đinh Gia Khánh & Nguyễn Ngọc San dịch, Tạ Huy Long minh họa), Lĩnh Nam Chích Quái, (Hà Nội) NXB Kim Đồng, 2017, trang 34-35

Bình luận về bài viết này