Tối mùng một đi lễ đền Quán Đôi

Tôi vốn là người không quen và không thể nào phù hợp được ở chốn đông người. Có lẽ, người viết nên tự giác xếp loại bản thân vào thành phần kẻ thù của những trung tâm mua sắm hay những nơi đại loại như thế. Vậy nên những ngôi chùa, ngôi đền hay phủ quá nổi tiếng ở Hà Nội thì gần như không bao giờ là lựa chọn ưu tiên của tôi.

Mở ngoặc, tôi nghĩ mình vừa khai mở một ý thì nên nói thêm đôi chút, dù không thực sự nhiều. Người viết có thể đếm sơ qua vài trú sở của những bậc Thánh thần, Phật, Mẫu danh tiếng chốn Hà Thành. Đầu tiên là Chùa Phúc Khánh, một chốn quá đỗi nổi tiếng trong khoảng một thập kỷ đổ lại đây. Rồi Phủ Tây Hồ, Đình Mẫu ở Đường Láng hay Đền Quán Thánh. Ôi chao, những ngày rằm và mùng một cùng những dịp Tết, cả biển người đổ xô tới những nơi chốn thiêng liêng đó. Thần thánh đôi khi cũng phải lấy làm khiếp đảm về “độ thành kính” ấy chăng. Thành kính tới mức dúi tay Phật Thánh cả vốc tiền lẻ. Lễ hội Chùa Hương đôi năm trước còn phải mời nhân viên ngân hàng tới để đếm tiền lẻ khách thập phương để lại sau những ngày lễ hội. Tới đây, người viết xin được đóng ngoặc.

Người Việt đôi khi khá hồn nhiên về mặt tín ngưỡng. Đi lễ thật đông ở một địa điểm cụ thể (Như là đền thờ Hùng Vương ở Phú Thọ, nơi mà năm nào các báo cũng phải dùng hai từ “Kinh hoàng” để mô tả lễ hội giỗ tổ) vì sự thiêng liêng của nó. Họ tới đây mà không phải tới kia vì nơi đây thiêng hơn. Tôi không phản đối suy nghĩ như thế song không đồng tình hoàn toàn.

Nhưng thôi, một kẻ khù khờ, còn dại lắm như tôi thì tốt nhất nên tìm những nơi “vắng vẻ” để tới thay vì những trú sở nổi tiếng, nườm mượp người ra vào như trên.

Tôi gần như chưa bao giờ để ý tới một ngôi đền nhỏ tên Quán Đôi nằm ven sông Tô Lịch cho tới khi được bà ngoại chỉ. Ngoài hai mươi Tết năm ấy, tôi chở bà đi lễ ở đền. Năm nào, bà cũng tới đây; ít nhất cũng đôi lần một năm gồm lễ đầu năm và lễ tạ cuối năm. “Bà hợp lễ ở đây”, bà giải thích đơn giản thế đấy. Tín ngưỡng, niềm tin tâm linh của những người Việt được truyền từ đời này qua đời khác đâu phải nhờ đám đàn ông cứ chiều chiều lại “Dzô dzô” ở Bia hơi Hải Xồm mà nhờ những người phụ nữ như bà như mẹ. Cũng vẫn là bà vẫn là mẹ đấy, đã kể cho tôi ngày thơ bé nghe những câu chuyện dân gian, những câu chuyện cổ tích.

Từ thời Lê, Nho giáo lên ngôi độc tôn và tại làng – không gian sinh sống chủ yếu của người Việt – cái đình là thế lực mạnh nhất. Nó lấn át những ngôi chùa, những ngôi đền. Đàn ông thì nhậu nhẹt đánh chén ở đình. Người phụ nữ bị đẩy lùi, tìm chốn bình an nơi cửa Phật, của Thánh.

Thứ văn hóa tâm linh đó cũng ngấm vào tôi tự lúc nào, lần hồi, như một dòng sông chảy suốt trong mạnh ngầm tâm hồn bản thân. Để rồi, chẳng phải đợi ba mạ nhắc vẫn biết chắp tay cầu khấn gia tiên tiền tổ, vẫn biết đi lễ những dịp mùng một, ngày rằm.

Tôi chẳng cầu khấn như người ta mong được các Ngài “ban tài phát lộc cho người trần gian” mà riêng việc tới những nơi trú sở của Thánh thần cũng đủ khiến tôi vui thú và bình an trong tâm.

Viết tới đây nhớ tới nhà sư (nhà cách mạng) Vô Trần thuở bé trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh: “Gặp ngôi chùa, Trần cứ tưởng như mình được lột xác. Tuần nào cũng vậy, cứ xuống khỏi xe điện, là Trần vội vã ba chân bốn cẳng chạy vào chùa […] Đặc biệt, cậu Trần có thể ngồi hàng giờ trong mùi hương ngào ngạt để nghe sư cụ đọc kinh”.

2 bình luận về “Tối mùng một đi lễ đền Quán Đôi

Bình luận về bài viết này