Căm ghét chính tôi

Ba tháng gần đây tôi gặp, nghĩa là mặt đối mặt, nhiều người hơn rất nhiều năm trước đó cộng lại. Những cuộc gặp ấy làm tôi nhớ lại quãng đại học của tôi (2014-18). Nostalgia, rất nhiều đợt nostalgia tôi cần xử lý, ngày này qua ngày khác. Tôi đôi lúc nhìn hoạt động của các sinh viên nhưng thấy, nghĩa là sống lại, trong giây lát đối với đời sống thường nhật nhưng rất dài trong tâm, ký ức về quãng ấy (tôi chỉ nói lại những gì Henri Bergson đã viết). Tôi rất ghét bản thân của thời đại học: vênh vang, giả trí tuệ, hèn, và làm đủ hành động để che đi sự thật là tôi rất sợ sống giữa thế giới này. Một thằng bộ tịch Hà Nội, hẳn Holden Caulfield sẽ nói vậy. Tình yêu đối với người như vậy là một món quà, thật thế, nhưng là một món quà không thể chịu đựng nổi. Ta, đối diện người ta yêu, trong một chủ thể được tạo nên từ một cặp, bị buộc rạch những vết rất đau khắp bản thể của mình, ngõ hầu đón nhận toàn thể người mình yêu, với tư cách một tồn tại tuyệt đối khác. Những sự nguyền rủa, cay độc, khi đã không còn ở trong tình yêu, là đương nhiên, như sự trả thù hướng tới chủ thể đã gây cho ta nỗi đau. Nỗi đau đã bị mất nghĩa, đã bị hư vô, bằng đủ mọi cách quỷ quái. Tôi rất khó có thể nói chuyện với một người luôn cố gắng hư vô hóa, hạ giá trị của nỗi đau. Nếu ý nghĩa chủ quan của nỗi đau không là gì, thì sự tồn tại của tôi, tới bây giờ, mất đi những kích thước chính yếu. Có thể không đau được không? Tôi nghĩ là không. Nhưng lẽ ra tôi đã có thể không gây tai họa cho người khác, nếu tôi không hèn nhát và nhu nhược. Có thể biện minh được không? Có thể biện minh được mọi sự, nếu muốn. Nhưng chuyện này không thể biện minh được. Tôi rất căm ghét con người trước đây của tôi. Nếu không, tôi đã không nhất quyết rời bỏ cuộc đời cũ. Chẳng có gì gọi là “trạng thái cân bằng”, cố gắng “dung hòa”, tìm cách “bắc cầu để đối thoại”, để “chữa lành”. Đó là một cuộc chiến, sự phản ứng lại gay gắt. Tôi trước đây: đối tượng tôi căm ghét nhất. Nếu không hướng sự chú ý tới các hiện tượng khác, rất có thể, tôi sẽ chỉ nằm cả ngày căm ghét, nguyền rủa, dày vò chính tôi trước đây, vì đã hèn nhát, vì đã cư xử như vậy đối với khối người kia. Một sự cô đơn, khó sống, ở đó việc đi hết một ngày cũng là rất khó, của một ego. Tôi là một egoist hạng nặng, và đang xoay sở, để, để làm gì? Để sống sao với những mâu thuẫn lý thuyết gay gắt so với khuynh hướng được coi như là tự nhiên (làm gì có tự nhiên, đó là cặn) của chính tôi. Chiều nay tôi ngồi gần một con ranh bộ tịch chết được, mặt như bà cô thích nói đạo đức, rao giảng cho hai đứa nhỏ tuổi hơn, về siêu hình học phiếm thần bình dân, lần hồi đi tới luật hấp dẫn. Địa điểm đó không cách quá xa ngôi miếu dưới gốc đa phố Vũ Trọng Phụng. Tôi, trong một số buổi học thời đại học, vẫn bàn luận kinh tế chính trị, với điệu bộ trí thức rởm nghĩ mà tởm bỏ mẹ, và sự quỷ quyệt trong quá trình lập luận sao cho vấn đề trở nên nan đề, nghĩa là giống hệt con ranh tuyên truyền mà tôi nghe chiều nay, theo một cách khác. Một cuộc chiến với sự hung hãn của quá khứ. Tôi không chấp nhận sự dung hòa, trung dung, cân bằng (những từ giả dối được thốt ra từ miệng của những con người tự tín mà thời nào cũng rất nhiều, đặc biệt tin tưởng mình đã chọn đúng phía, đã ở phía tiến bộ, tân tiến nhất trong toàn thể lịch sử của nhân loại – một tin tưởng quá thật đáng ngưỡng mộ, và cũng khốn nạn).

4 bình luận về “Căm ghét chính tôi

  1. Khi không thể tiếp tục đi sâu vào chuyên môn nghề nghiệp nhưng còn đó mặc cảm bị hư vô hoá bởi quá trình sản xuất tư bản, người tiểu bourgeois vẫn ham muốn được đeo cái mác “tiến bộ”, được xem là người chủ động với lịch sử. Với người tiểu bourgeois, một thông tin hợp thời, có thể hiểu (nhớ) nhanh và dễ diễn đạt lại (trong lúc ăn uống) tốt hơn một kiến thức đúng. Với họ, kiến thức là trang sức, dùng để cho người khác thấy chứ không dùng để giải quyết vấn đề. “Quan điểm cá nhân” ý muốn cho biết chủ thể có chứ không phải khách thể là (gì). “Trung dung” thường là trò lợn cưới áo mới.

    Thích

  2. Các tiểu bourgeois chăm lo cho khu vườn của mình như một vật sẽ được sử dụng, tức là vẫn còn tập trung vào đối tượng, tuân theo trật tự của vật thì họ có thể tiến gần được sự khách quan.

    Các tiểu bourgeois chỉ chăm lo khu vườn của mình như một vật sẽ được trao đổi, cho phép hình ảnh khu vườn bị làm méo mó bởi trí tưởng tượng trong các dục vọng, chỉ tạo ra sự chủ quan thoả lòng đa số, đề cao đám đông là đề cao cá nhân một cách phổ quát.

    Thích

  3. Tôi nghĩ petti bourgeoisie là tất yếu, theo sau nó, các triết học dạng đó, điển hình là hiện tượng luận. Điều này hợp lý đối với chúng ta, những người được hưởng đặc quyền để tìm hiểu các ngành nhân văn tại đây, với ràng buộc tinh thần là gần như không có kích thước tâm lý học và siêu hình học theo kiểu Tây Âu. Sự phê phán của Marx, Lukacs khả thi và phát huy sức công phá khi đã tồn tại một cách hiện thực đối tượng được phê phán, trong khi, tại hoàn cảnh bây giờ, đối tượng được phê phán đang hình thành một cách dặt dẹo, ngu dân, chưa tự ý thức được về chính nó.

    Thích

Bình luận về bài viết này