Ngưỡng mộ & Khoảng cách

Phan Ngọc có hai người học trò chính thức: Hoàng Thúc Hào và Nguyễn Hòa. Hai người ấy, ở cùng một tầng, có hai phương thức ứng xử đối lập nhau lúc mới tiếp xúc với Phan Ngọc. Nguyễn Hòa, trong những năm 1980s, được Phan Ngọc dạy trực tiếp tại trường ngày nay là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hoàng Thúc Hào, một kiến trúc sư triển vọng, giữa thập niên 1990s, đọc được Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới in năm 1994, dành vài năm để chỉ phản đổi từng luận điểm của Phan Ngọc. Nguyễn Hòa chần chừ nhiều năm, mới có cơ hội tới gặp Phan Ngọc. Hoàng Thúc Hào phải tới lúc không thể chống lại được Phan Ngọc, năm 1999, mới tới Viện Đông Nam Á để hỏi địa chỉ nhà Phan Ngọc, khi ấy mới chuyển về khu tập thể Thành Công. Rất có thể, nhà Nhị Linh Cao Việt Dũng cũng ở đó, khá gần đình Mẫu ở một ngõ đường Láng Hạ, để năm 19 tuổi, rất lâu sau khi đã đọc Sử ký Tư Mã Thiên, David Copperfield, lần đầu được gặp Phan Ngọc. Nhị Linh tới Pháp năm 2002. Trước khi đi, Nhị Linh tới gặp Phan Ngọc, sau 4 năm quen biết, thì Phan Ngọc nói cho Nhị Linh một điều, như một món quà chia tay, hẳn liên tưởng tới lời Lão Tử nói với Khổng Tử được Tư Mã Thiên thuật lại, về văn chương nghĩa là gì, không quá xa câu hỏi “Thơ là gì?” của Phan Ngọc. Ba cuộc gặp của ba người với Phan Ngọc dẫu sao có một điều chung, ở một tầng sâu hơn: khoảng cách. Sự tồn tại của Phan Ngọc làm người cùng thời, người trực tiếp tiếp xúc phải ngợp. Tôi nghĩ điều này cũng tương tự sự tồn tại của Phan Huy Đường.

Tôi lần đầu nghe tới tên Phan Ngọc vào năm 2016, như một cặp với Cao Xuân Hạo, trong bầu không khí của khoa Ngôn ngữ học của Trường Tổng hợp Hà Nội, mà tôi lúc đó thường gọi là “Trường Nhân văn”. Nhưng ấn tượng lớn đầu tiên của tôi là đọc bài “Sử ký” của Nhị Linh vào tháng Mười một 2017. Kể từ đó, tôi cố tìm đọc các texts do Phan Ngọc viết cùng những chuyện về Phan Ngọc. Một sự choáng ngợp làm tôi đờ dẫn nhưng không thể hiểu tại sao tôi đờ đẫn như vậy. Tháng Tám 2018: đi cùng sự bắt đầu của một tình yêu, là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe kể về kinh nghiệm đọc một text của Phan Ngọc. Sở nghiệm của tôi, dẫu đã rất xa khỏi sự tiếp xúc trực tiếp với Phan Ngọc vẫn chia sẻ nét chung với ba cuộc gặp ở trên: khoảng cách. Khoảng cách, đối với tôi – một người lý tưởng luận rất kém trong sự tiếp xúc với thế giới vật chất, cho nên quãng thời gian sống của anh ta tập trung vào quá trình gian nan tìm cách thụ đắc những thứ ở bên ngoài và bên trong anh ta, dẫu sự phân chia trong – ngoài lập tức đưa ta ra khỏi vấn đề -, thật thế, được đẩy lên mức cao hơn rất nhiều, so với ba người trên.

Phan Ngọc giống như mặt trời. Mắt con người không thể trực tiếp nhìn thấy mặt trời, nhưng chỉ nhìn thấy ánh sáng được khúc xạ vào từng vật thể, sao cho ta có thể nhìn thấy vật thể ấy. Tương quan của tôi với Phan Ngọc, nói gọn, là vậy. Tôi không được thiên phúc những sự nhạy cảm, trực giác, dẫu tôi được nói nên dùng trực giác, nhưng tôi gần như không bao giờ tin hay chủ động dùng chúng, vì chúng ở đâu mà tôi dùng. Tôi thường không tin những gì tôi không trực tiếp nhìn thấy hoặc cảm thấy, trừ khi đó là những gì một cách xã hội quá hiển nhiên, hoặc được tới từ người mà tôi ngưỡng mộ như Phan Ngọc. Ngưỡng mộ và tình yêu. Tôi không thể trực tiếp thấy Phan Ngọc được, nhưng đã nhìn vào những cuộc tiếp xúc của những người khác với Phan Ngọc. Ở điểm này, tôi hoàn toàn có thể nói chuyện với Phan Ngọc về nhận thức luận của Kant, về, không phải “vật tự nó”, nhưng thế giới “hiện tượng” của Kant. Con người của Kant, cũng giống tôi, là con người không thể thấy được vật tự nó, nhưng chỉ những trình hiện về vật tự nó. Ứng xử của tôi với Phan Ngọc là ứng xử phổ quát của tôi đối với gần như mọi đối tượng nào. Chẳng hạn, tôi có thể nói về cách Maurice Durand bàn về tín ngưỡng thờ Mẫu, như trong bài thuyết trình tại lớp cô Gyöngyi Heltai, nhưng không phải thật sự tín ngưỡng thờ Mẫu. Nói rộng, tôi xử lý với reality mà các văn nhân, những người ở nhiều thời, trong một mức, chia sẻ cùng tôi sở nghiệm, tạo nên. Phan Ngọc nổi tiếng nhất với khái niệm “khúc xạ”, còn tôi đã lùi lại, một cách tự nhiên, về khái niệm “khoảng cách”. Ngưỡng mộ và khoảng cách. Cũng một cách rất tự nhiên, tôi đã thực hiện không hề tệ beruf của một nhà hiện tượng luận. Ngưỡng mộ, trong đối lập với tình yêu, có thể tồn tại một đặc quyền, hoặc một lời nguyền: khoảng cách. Tương quan giữa ngưỡng mộ và tình yêu là gì?

Bình luận về bài viết này