Định trật tự

Tôi vừa sợ vừa ghét trường học: các quy tắc, không gian, những con vẹt trong lốt người nhại giáo trình, ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ học trò. Ngôn ngữ học trò tôi muốn nói tới ngôn ngữ trong các bài tập làm văn thời trung học. Rất rất nhiều người sống và chết trong ngôn ngữ ấy. Kinh khủng lắm. Cho nên làm bài luận là cực hình của tôi. Bài luận môn trước của tôi cũng phải làm lại vì, theo giảng viên, bài đó tôi làm không nghiêm túc, không tôn trọng họ. Chẳng biết sao ngoài thở dài ngao ngán.

Jules Verne, tôi thích quyển bạn nói tới cùng với Hành trình đi vào trung tâm trái đấtTám mươi ngày vòng quanh thế giới. Nhưng đáng lẽ thích Jules Verne thì cũng thich H. G. Wells, nhưng tôi thì không. Cỗ máy thời gian chán quá. Nhà tôi còn có Chiến tranh giữa các thế giới, trong máy có pdf bản dịch Người tàng hình năm 1945 của Thế Lữ. Nên đọc không? Dường như thời gian chần chừ nên đọc quyển này là lúc mình đọc thêm vài quyển khác. Tôi chẳng thể đọc kỷ luật như giới khoa bảng.

Tôi quen đọc tiểu thuyết cổ điển, trình bày tuyến tính sinh hoạt của nhân vật. Một vài tháng năm ngoái, tôi mê Sherlock Holmes, nghĩ công việc nghiên cứu của mình cũng giống phá các vụ án, bắt đầu từ một vài manh mối lẻ tẻ. Cả việc tìm sách cũng giống thám tử. Làm sao giữa bao nhiêu quyển sách, ta tìm được một quyển dành cho ta? Đi các thư viện tôi nghĩ mãi như vậy. Gần ba tháng tôi chưa lên thư viện Hà Nội (Hà Đông). Lần này tôi mượn tuyển tập kịch Chekhov và một quyển Hiền Trang dịch Dưới bánh xe cuộc đời của Hermann Hesse. Bạn nhớ cậu chàng Toru đọc một mạch quyển Dưới bánh xe trong lúc Midori vẫn đang ngủ không? Tôi tò mò quyển đó có gì cuốn mà đọc một mạch thế? Nếu cuốn hút vào câu hỏi thì đọc vậy.

Nói tới Rừng Na Uy, tôi chần chừ mãi không viết được một post trên blog là “Nagasawa đọc sách”. Tôi ác cảm với Nagasawa lắm (cả truyện chẳng thích ai ngoài Midori; nếu là con gái, chắc tôi sẽ giống như Midori chăng? nhưng đi tới bàn ăn một cậu con trai để làm quen thì chắc khó quá), nghĩ mãi lựa chọn quá an toàn của Nagasawa: chỉ đọc những quyển sách mà tác giả của nó đã chết cách đây 50 năm. The great Gatsby là ngoại lệ. Năm nhất đại học, tôi mượn quyển đó đọc lướt một tiết học nhưng không hiểu mô tê gì, sau này có nên thử lại không? Chưa biết nữa, đôi lúc có những cuộc đọc kỳ lạ.

Nói tới kỳ lạ, hôm qua tôi đọc một quyển không ngờ tới là Thượng kinh ký sự. Chuyện là quyển đó Phan Ngọc dịch, cha ông ấy là Phan Võ hiệu đính. Phan Võ giỏi nghề thuốc lắm. Tôi muốn đọc lại và đọc hết những thứ gì Phan Ngọc từng tạo ra, bắt đầu bằng một bản dịch kỳ lạ này. Đọc Lê Hữu Trác viết về con người, hay lắm. Các nguyên lý tôi không rõ, nhưng trình bày mạch lạc, thuyết phục lắm. Năm ngoái, hay là năm kia, tôi hỏi cậu em họ (kém tôi một tuổi, thân nhau từ bé xíu) về nguyên lý của Đông y, vì lúc đó tôi mê Đạo đức kinhHàn phi tử quá. Cậu ấy kêu đọc Hoàng đế nội kinh đi. Tôi hào hứng đọc bao nhiêu thì nhanh chóng từ bỏ bấy nhiêu vì chẳng hiểu gì cả.

Nếu hồi xưa tôi còn dùng facebook (từ 2011 đến 2017), chắc tôi xấu hổ lắm nếu người khác hỏi điều gì mà mình không biết. Đó là dục vọng muốn trả lời mọi câu hỏi. Dục vọng ấy nguội lại dần dần, như Descartes viết trong Những dục vọng của linh hồn, khi không có đối tượng trình bày (là công chúng facebook). Tôi không biết nhiều điều là chuyện thường, thậm chí, nói như Pierre Bayard, tôi vô liêm sỉ nhắc tới quyển sách này ngay cả khi chưa đọc nó, nhưng nguyên tắc là thành thật nêu kinh nghiệm đọc của mình. Đọc Thượng kinh ký sự, cộng với mấy buổi học thạc sĩ, cũng nhớ lại dục vọng ấy. Thầy gọi tôi trả lời câu hỏi, tôi chẳng đọc giáo trình, nếu biết thì nói, không biết thì không nói.

Hôm qua lúc đọc thư bạn gửi, tôi đọc lại một vài trang Lai lịch của Modiano, sau lần hai lần không đọc quá trang 40, nhưng dường như vẫn không đọc được. Tôi còn không đọc được xong Quảng trường ngôi sao. Những đại lộ ngoại vi bản dịch của Dương Tường tôi muốn đọc quá mà hai, ba năm chần chừ không lên thư viện đọc.

Mong là mai tôi làm xong hai bài luận kinh hoàng trên trường để đọc tiếp quyển của Paul Giran, rồi học tiếp tiếng Pháp, đi tập thể dục nữa (tôi mới được giảm ít cân), rồi đọc hết Sự kiến tạo xã hội về thực tại mượn ở Giếng, thêm bài giảng The scope of anthropology của Claude Levi-Strauss năm 1960 (bài giảng đầu nhận ghế giáo sư nhân học xã hội tại Học viện Pháp), còn cả Primitive classification (cách định phạm trù của người nguyên thủy) của Durkheim và Mauss. Còn cần tiếp tục cuộc đọc Kant nữa.

Một đôi lúc tôi thấy việc đọc hỗn độn quá, nhưng phần nhiều tôi thích hình thức hỗn độn đó, vì tôi có thể thao tác để định ra trật tự. Tôi không đi thực địa, cũng chẳng làm ở phòng thí nghiệm, vậy thì lấy chính cuộc đời mình, ở đây nói tới đọc, để luyện tập trực giác. Sáng thứ năm 3 tháng Sáu, tôi lại mơ ăn muôi múc canh. Cũng hôm ấy, tôi tỉnh lúc 2:30 sáng, nghĩ ra một mẫu số chung nữa của các giấc mơ của tôi là mình ăn được các vật ngoài đời không thể. Ăn các thứ không thể và đặt trật tự cho tình trạng hỗn độn, chắc hẳn có điểm chung.

 

thứ hai 7 tháng Sáu 2021

Bình luận về bài viết này