6 năm

Hôm nay tròn 6 năm tôi mở blog này. Nghĩa của nó đối với tôi đổi trong mỗi thời điểm. Ban đầu nó là chỗ tôi đăng các bài báo phân tích bóng đá (quy trình làm việc như này: 1) nắm lấy giả định về một cầu thủ hoặc về một đội bóng, thường lấy từ media, 2) cô lập các hành động lặp đi lặp lại đủ tạo thành khuôn của cầu thủ hoặc của một đội bóng, 3) tìm số liệu để xác thực) cùng các bài viết về tôn giáo, tín ngưỡng. Kỳ một năm nhất đại học tôi rất thích môn Cơ sở Văn hoá Việt Nam, có hai giảng viên của khoa Văn hoá học dạy là Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Tiến Dũng. Đó là thời điểm tôi cảm nhận mọi hiểu biết ở một mức nào đó kết lại với nhau, chứ không tồn tại ở trạng thái phân mảnh. Cảm nhận ấy rất rõ nhưng không tiến triển để đi tới một lược đồ. Kỳ hai năm nhất tôi học môn Tôn giáo, tín ngưỡng có giảng viên được mời về là Nguyễn Đình Lâm. Nó quện với thế giới quan cô Nguyễn Phước Hạnh Nguyên đưa vào tôi từ năm cấp ba, khiến tôi rất tò mò, muốn theo đuổi bộ môn ấy. Cuối cùng chuyện cũng không thành.

Năm hai đại học tôi gặp thầy Mai Anh Tuấn, và bắt đầu biết tôi rất mê lịch sử văn chương và lịch sử báo chí. Thầy Mai Anh Tuấn gợi ý tôi cần lập blog, thay vì chơi facebook. Nhưng chuyện vẫn không ổn. Tôi tự thấy tôi không sở hữu năng khiếu văn chương. Tôi không thể cảm nhận được về văn thì làm sao theo đuổi bộ môn này. Lịch sử báo chí tôi mê, nhưng tôi không mê bản thân lịch sử báo chí cho bằng coi nó như cái khung để ở đó các cá nhân trong thế kỷ XX hoạt động.

Tiếp tục trượt. Cuối năm 2016, thời điểm quan trọng: nhờ thầy Mai Anh Tuấn, phát hiện blog Nhị Linh. Tôi ban đầu đọc Nhị Linh theo mạch xét lại Tự Lực văn đoàn, rồi lan sang các cá nhân khác như Phan Khôi và Đào Trinh Nhất. Các cá nhân: đơn vị quen thuộc của lịch sử văn chương và lịch sử báo chí, được Nhị Linh lấy lại, rồi tôi cũng lấy lại mà không ý thức hết mức sự hiệu quả của nó. Tại sao cá nhân? Tôi lần đầu tự hỏi tôi dường như vào năm 2019. Tới giờ tôi chưa tự trả lời tôi thoả đáng.

Nhị Linh: nhiều hơn là lịch sử văn chương. Còn có Tạ Chí Đại Trường, Levi-Strauss, và nhất là Phan Ngọc. List đọc của tôi theo sát Nhị Linh.

Nhị Linh dường như muốn nói: những cách phân loại quen thuộc cần được tự mình thiết lập lại. Hãy một lần thử phá tung những rào chắn các phân ngành, đặt bản thân vào thế vô định. Càng vô định càng hiểu giá trị của những cố gắng minh định (Durkheim, CL-S, Phan Ngọc, chẳng hạn). Có thể tôi đã chú tâm suốt nhiều năm qua vào đúng một từ khoá: phân loại (hoặc từ của Nhị Linh: “tách” rồi “xếp”). Tách và xếp: cuối cùng chỉ có việc ấy. Nhưng Nhị Linh không trực tiếp chỉ ra cơ chế của hoạt động tách và xếp, các đơn vị cơ bản, các thao tác, rồi các giả định để làm việc. Có thể vì Nhị Linh không đọc hộ. Muốn biết cách làm cần tự mình lên đường.

Tôi sẽ đọc Phan Ngọc từ cuối năm 2017, bắt đầu từ tập sách dịch nhân học Pháp (Durkheim – Mauss – CL-S – Dumont). Mãi sau khi thực sự có thể lội qua Tư bản book I của Marx, tôi mới đọc Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới. Đó thực sự là một khải ngộ. Cảm nhận năm nhất của tôi là tất cả hiểu biết đều kết lại với nhau, đã có câu trả lời. Mặt trái: tôi dựa vào kết luận sẵn có từ Phan Ngọc cho tới tận năm 2020. Tôi đã quên mất câu hỏi “tại sao?” không quan trọng ở câu trả lời, nhưng quá trình dẫn tới câu trả lời. Tôi phải gặp Phan Huy Đường mới tỉnh giấc mộng giáo điều ấy.

Tôi giờ chỉ nghĩ tới sự phân loại. Mọi tác giả tôi đọc giờ đều kết hợp, xoay quanh từ khoá ấy.

Những lúc chán nản tôi viết blog. Mỗi post là một hòn sỏi tôi ném vào mặt nước yên ả, để tôi tự mình gắng thoát khỏi quán tình ì trệ. Nó nhắc tôi là tôi đã đi chệch con đường tôi định như nào, rằng những gì tôi làm đều công khai. Tôi rất dễ bỏ cuộc, nhanh chán, hay lang thang vô định. Cần thiết tồn tại một thứ cố định hoạt động tinh thần của tôi.

Bình luận về bài viết này