Tóm tắt Ricardo

[David Ricardo (Nguyễn Đức Thành & Nguyễn Hoàng Long dịch, Nguyễn Hải Sa hiệu đính, Nguyễn Đức Thành giới thiệu), Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế khóa, Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 2002, khổ 15 x 22 cm, 574 trang, giá bìa 100.000 đồng, phòng mượn Thư viện Hà Nội (cơ sở Hà Đông): PM.003478 (đọc lướt từ chương VII – XXXII, bởi vì tôi không có nền tảng kinh tế học, và Marx đã chỉ sáu chương đầu là nguyên lý còn các chương còn lại chỉ áp dụng nguyên lý; tôi muốn học từ nguyên lý để diễn dịch cho nên đọc đi đọc lại sáu chương đầu – khoảng cuối năm 2019, học kinh tế học của Adam Smith và Ricardo, tôi rất hoang mang)]

 

Bộ sách lớn Của cải của các quốc gia (1776) của Adam Smith mở đầu cho kinh tế chính trị học cổ điển Anh, theo Karl Marx; và sau đó Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế khóa (1817) của David Ricardo là đỉnh cao của thời cổ điển. Adam Smith tạo ra khoa học về kinh tế bằng cách xác lập hệ thống khái niệm, đối tượng và mục đích. Đây là cơ sở để Ricardo đặt lại vấn đề, từ đó đưa kinh tế chính trị học đi theo một con đường khác.

Của cải của một quốc gia, theo Adam Smith là tổng sản phẩm của quốc gia được tạo ra nhờ sự thống nhất của lao động – máy móc – tư bản và được phân chia thành 1) địa tô cho người sở hữu đất, 2) lợi nhuận cho người sở hữu vốn và 3) tiền công cho người lao động. Và mục đích của kinh tế chính trị học Adam Smith là nhằm tăng tổng sản phẩm của quốc gia. Ngược lại, David Ricardo chấp vấn sự phân chia của cải này không hề ngang bằng nhau. Thực vậy, nó phụ thuộc phần lớn vào độ màu mỡ của đất đai, mức độ tích lũy tư bản, dân số và kỹ năng. Do đó mục đích của kinh tế chính trị học Ricardo không còn là tìm cách gia tăng tổng sản phẩm quốc gia, mà xác định những quy luật quyết định sự phân phối tổng sản phẩm của thế giới.

 

Chương 1: Giá trị

Tiết I: Giá trị của một hàng hóa, hay số lượng các hàng hóa khác mà nó có thể đổi được, phụ thuộc vào số lượng lao động tương đối cần phải phụ thuộc trong quá trình sản xuất chứ không phụ thuộc vào việc số tiền phải trả cho lao động ấy tăng lên hay giảm đi

Ricardo mở đầu cuốn sách bằng một chương dài bất thường bàn về giá trị. Với Adam Smith giá trị vừa thể hiện tính hữu dụng của một vật, vừa thể hiện khả năng mua các hàng hóa khác khi chủ sở hữu vật đó muốn trao đổi. Trên cơ sở đó Ricardo phân tích khái niệm giá trị của Adam Smith thành hai khái niệm là giá trị sử dụnggiá trị trao đổi. Thứ hai ông bác bỏ quan điểm của Adam Smith về nguyên nhân chi phối giá trị trao đổi. Theo đó giá trị trao đổi của một hàng hóa không phụ thuộc vào tiền công phải trả cho người lao động cao hay thấp, mà phụ thuộc gần như tuyệt đối vào số lượng lao động tương đối cần phải sử dụng trong quá trình sản xuất. Đây chính là luận điểm cơ bản của học thuyết Ricardo.

Tiết II: Chất lượng lao động khác nhau được đánh giá khác nhau, đó không phải là nguyên nhân gây nên sự thay đổi giá trị tương đối của các hàng hóa

Đối lập với Adam Smith, Ricardo bỏ qua sự khác nhau về chất giữa các loại lao động có kỹ năng khác nhau. Bởi vì Ricardo xét sự thay đổi của giá trị tương đối của các hàng hóa chứ không xét đến giá trị tuyệt đối của hàng hóa, nghĩa là ông xét tỷ lệ giữa giá trị của các hàng hóa chứ không xét riêng lẻ một loại bất kỳ. Từ đó ông xác nhận tỷ lệ tiền công/tư bản của các nghề nghiệp trong nhiều thời kỳ là không quá khác nhau.

Tiết III: Không phải chỉ có lao động làm ra hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của chúng, mà còn phải kể tới lao động đã kết tinh trong nguyên liệu, công cụ, nhà xưởng dùng trong quá trình sản xuất

Trong tiết thứ ba Ricardo xác định một tiêu chuẩn bất biến nhằm tìm nguồn gốc thay đổi giá cả tương đối của hai loại hàng hóa bất kỳ. Theo đó giá trị của tư bản thành giá trị của lao động hao phí trong quá khứ. Lao động kết kinh trong một hàng hóa bao gồm lao động trực tiếp lẫn lao động không trực tiếp, tức là được thực hiện qua việc sử dụng máy móc. Như vậy giá trị trao đổi của các hàng hóa được sản xuất sẽ phản ánh tương quan số lao động được sử dụng vào quá trình sản xuất, không chỉ phụ thuộc vào quá trình sản xuất trung gian mà còn bao gồm các thiết bị và máy móc cần thiết để hỗ trợ cho lao động không trực tiếp.

Tiết IV: Nguyên lý lượng lao động bỏ vào quá trình sản xuất hàng hóa xác định giá trị tương đối của chúng bị thay đổi đáng kể do sự áp dụng máy móc và các thiết bị lâu bền, cố định khác

Tư bản cố địnhtư bản lưu động cấu thành trong ngành công nghiệp là khác nhau, hơn nữa độ bền của hai loại tư bản là khác nhau. Sự khác biệt giữa tư bản cố định và tư bản lưu động do đó được coi đơn thuần là vấn đề mức độ lâu bền. Vì vậy vấn đề ở đây sẽ là những khoảng thời gian khác nhau trong đó tư bản lưu động bị chiếm dụng trong quá trình sản xuất. Vì các chu kỳ sản xuất cần những khoảng thời gian hoàn thành rất khác nhau cho nên giá cả tương đối không bao giờ hoàn toàn do thời gian lao động tương đối quyết định.

Tiết V: Nguyên lý giá trị không thay đổi khi mức tiền công thay đổi bị vi phạm do độ bền và tốc độ thu hồi khác nhau của tư bản

Tiết V của chương thứ nhất được dành để giải quyết vấn đề khấu hao. Nhà tư bản thuê một lượng lao động để duy trì nguyên vẹn tư bản vì vậy các nhà sản xuất tính chi phí khấu hao tỷ lệ với độ bền của trang thiết bị – giống như chi phí tiền công trực tiếp. Do đó Ricardo hiếm khi đề cập đến chi phí khấu hao như phần tăng vốn kinh doanh riêng biệt.

Tiết VI: Bàn về một thước đo giá trị bất biến

Vàng, cũng như mọi hàng hóa khác được sản xuất theo tỷ lệ giữa lao động với tư bản cố định có độ bền khác nhau. Nhưng tỷ lệ của vàng, so với tất cả các hàng hóa khác là ổn định nhất cho nên vàng trở thành một thước đo tiêu chuẩn cho mọi loại hàng hóa khác.

Tiết VII: Các hiệu ứng khác nhau bắt nguồn từ sự thay đổi trong giá trị của tiền, phương tiện trung gian để thể hiện giá cả, hoặc từ sự thay đổi trong giá trị của các hàng hóa được mua bằng tiền

Ricardo dành tiết cuối cùng của chương I nhằm chỉ ra các hiệu ứng khác nhau xuất hiện do giá cả của hàng hóa bị thay đổi bắt nguồn không chỉ từ thay đổi lượng lao động cần thiết để sản xuất nó, mà còn từ thay đổi giá trị của tiền. Trong trường hợp này ta giả định giá trị của lao động và giá trị của các hàng hóa không thay đổi, chỉ giá trị của tiền là thay đổi. Nếu tiền công của người lao động tăng do giá trị của tiền thay đổi, điều này sẽ tạo ra một tác động chung lên giá cả nhưng không tạo ra một tác động thực sự đến tỷ lệ lợi nhuận/ tiền công/ địa tô mà nhà tư bản tư bản nhận được. Nghĩa là sự thay đổi giá trị của tiền, dù lớn tới đâu cũng không làm thay đổi tỷ suất lợi nhuận.

 

Chương 2: Địa tô

Địa tô là khoản tiền trả cho người sở hữu đất nhằm bù đắp việc sử dụng năng lượng nguyên sơ bất hoại của đất. Tỷ lệ địa tô giữa các mảnh đất có chất lượng khác nhau phụ thuộc vào chênh lệch giữa năng lực sinh sản của các mảnh đất. Vì vậy địa tô cũng chịu tác động của nguyên lý cung cầu. Nghĩa là nếu cải tiến tiến trong nông nghiệp xảy ra tất yếu sẽ làm giảm tỷ suất của địa tô. Quá trình tự điều chỉnh tỷ lệ tiền công/ lợi nhuận/ địa tô trở lại mức ban đầu cần một khoảng thời gian dài.

 

Chương 3: Tô của mỏ

Thiên nhiên đã tạo ra khoáng sản. Nhưng nếu không có lao động của con người thì khoáng sản không thể được lấy ra khỏi lòng đất và trở thành vật có ích. Xét vậy các mỏ khoáng sản cũng đem lại một khoản tô cho người sở hữu chúng, như địa tô đối với địa chủ. Cũng như địa tô, tô của mỏ là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của giá khoáng sản cao. Nguyên tắc chi phối giá trị trao đổi của khoáng sản thì cũng giống mọi hàng hóa khác, nghĩa là không phụ thuộc vào tỷ suất lợi nhuận/ tiền công/ tô của mỏ mà phụ thuộc vào tổng lượng lao động cần thiết để khai thác và đem khoáng sản đó ra thị trường, từ đó trở thành một món hàng.

 

Chương 4: Giá cả tự nhiên và giá cả thị trường

Khi lấy lao động làm cơ sở cho giá trị hàng hóa và lượng lao động cần thiết tương đối dùng trong quá trình sản xuất làm nguyên tắc xác định khối lượng hàng hóa tương ứng có thể trao đổi với nhau, thì việc tồn tại sự chênh lệch nhất thời giữa giá cả tự nhiêngiá cả thị trường của hàng hóa cần được xét. Trong chương VII, quyển I của bộ sách Của cải của các quốc gia Adam Smith đã nghiên cứu vấn đề này. Các hiệu ứng tạm thời xuất hiện đối với giá cả hàng hóa trong một số ngành nhất định cũng như đối với tiền công, do các nguyên nhân ngẫu nhiên mà không đụng chạm tới mức giá chung của hàng hóa, tiền công và lợi nhuận. Bởi vì các hiệu ứng này diễn ra đồng đều trong mọi giai đoạn của một quốc gia nên có thể loại bỏ nó trong lúc nghiên cứu những quy luật chi phối giá cả tự nhiên, mức tiền công tự nhiên và lợi nhuận tự nhiên. Có thể nói giá trị trao đổi của hàng hóa, hay sức mua của bất kỳ một món hàng nào luôn luôn đồng nghĩa với sức mua của hàng hóa ấy trong điều kiện không có xáo trộn bởi các nguyên nhân ngẫu nhiên hay tạm thời, tức là giá cả tự nhiên của chúng.

 

Chương 5: Tiền công

Lao động là một loại hàng hóa cho nên tồn tại giá cả tự nhiên và giá cả thị trường của lao động. Giá cả tự nhiên của lao động là giá cần thiết cho phép người lao động tồn tại và duy trì nòi giống mà không gây nên bất cứ sự gia tăng hay suy giảm nào. Giá cả tự nhiên của lao động có xu hướng tăng do nhu yếu phẩm tăng. Còn giá cả thị trường của lao động là giá thực sự trả cho lao động trên cơ sở hoạt động bình thường thường: lao động đắt nếu khan hiếm, rẻ nếu dư thừa. Giá cả thị trường của lao động dao động xung quanh giá cả tự nhiên của nó, và có xu hướng phù hợp với giá cả tự nhiên.

 

Chương 6: Lợi nhuận

Toàn bộ giá trị của hàng hóa được chia làm hai phần. Một phần tạo nên lợi nhuận của vốn. Phần còn lại dùng để trả tiền công cho lao động. Nếu một hàng hóa luôn được bán cùng một mức giá thì lợi nhuận sẽ cao hay thấp tùy thuộc hoàn toàn vào mức tiền công trả cho người lao động là thấp hay cao. Trong trường hợp giá cả của tất cả hàng hóa cùng tăng thì lợi nhuận không đổi.

 

Chương 7: Ngoại thương

Adam Smith viết trong quyển IV, bộ Của cải của các quốc gia: tỷ suất lợi nhuận trong thương mại quốc tế sẽ kéo tỷ suất lợi nhuận trong nước lên. Ngược lại, Ricardo bác bỏ luận điểm này vì cho rằng Adam Smith đã bỏ qua sự dịch chuyển của nhu cầu hàng hóa nước ngoài. Giá trị sản phẩm quốc gia trong nền kinh tế đóng và trong nền kinh tế mở đều như nhau, cho nên thương mại quốc tế không làm ảnh hưởng đến mức tiền công hay tỷ suất lợi nhuận. Thương mại quốc tế đồng thời làm tăng sự giàu có của một quốc gia; và thu nhập thực tế khi tồn tại thương mại tự do luôn cao hơn khi không tồn tại thương mại tự do.

 

Chương 8: Thuế

Chương 8 đưa ra một nguyên tắc được Ricardo nhắc lại nhiều lần trong cuốn Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế khóa là mọi loại thuế đều cản trở tích lũy, trừ khi thuế được đáp ứng bởi “việc gia tăng sản xuất, hay bởi việc giảm tiêu dùng phi sản xuất”. Ricardo không chấp nhận quan điểm, rằng thuế – một lúc nào đó – kích thích con người ta nỗ lực làm việc. Thực vậy, Ricardo, giống như Adam Smith là kẻ thù của mọi loại thuế.

 

Chương 9: Thuế nông sản

Giá cả của nông sản, cụ thể là ngũ cốc (nông sản chủ lực của Anh đầu thế kỷ XIX) chỉ bị chi phối bởi chi phí sản xuất trên mảnh đất canh tác, nghĩa là bởi khoản tư bản không phải trả địa tô. Từ đó suy ra bất cứ nguyên nhân nào làm tăng chi phí sản xuất ngũ cốc sẽ làm tăng giá cả của nó. Ngược lại, nguyên nhân nào hạ thấp chi phí sản xuất sẽ làm giảm gá cả. Bất kỳ loại thuế nào đánh vào người canh tác, dù dưới dạng thuế đất, thuế thập phân, hay thuế đánh vào sản phẩm thu hoạch, đều làm tăng chi phí sản xuất do đó làm tăng giá nông sản. Thuế nông sản gây ra hai tác động. Một là, thuế làm tăng giá nông sản một lượng bằng số thuế, do đó sẽ rơi vào từng người tiêu dùng tỷ lệ với mức tiêu dùng của anh ta. Hai là, thuế sẽ tăng tiền công lao động của người lao động, và giảm lợi nhuận của nhà sản xuất.

 

Chương 10: Thuế địa tô

Chương 10 phát triển lý thuyết cho rằng thuế đánh vào địa tô không thể dịch chuyển một cách đơn giản, vì đó là thuế của nhân tố có lượng cung cố định. Chỉ bằng cách biến đổi cung, gánh nặng của thuế địa tô mới rơi vào người mua. Thuế địa tô sẽ đánh vào tất cả địa tô có ký hợp đồng, và vì không phải tất cả địa tô có ký hợp đồng đều có tô kinh tế thuần túy cho nên một phần thuế sẽ rơi vào lợi nhuận của nhà tư bản.

 

Chương 11: Thuế thập phân

Thuế thập phân là loại thuế đánh vào tổng sản phẩm nông nghiệp. Và giống như thuế nông sản, loại thuế này hoàn toàn do người tiêu dùng gánh chịu. Khác với thuế địa tô, loại thuế này đánh vào đất đai từ đó làm tăng giá nông sản, trong khi thuế địa tô lại tỏ ra bất lực. Cả những mảnh đất cằn cỗi nhất lẫn màu mỡ nhất đều phải trả thuế thập phân đúng theo tỷ lệ nhất định của số hoa màu thu hoạch. Do đó thuế thập phần là một loại thuế công bằng.

 

Chương 12: Thuế đất

Thuế đất, được đánh theo địa tô và biến thiên cùng mọi thay đổi của địa tô, trên thực tế là thuế đánh vào địa tô. Loại thuế này giống thuế địa tô về mọi mặt nhưng khác nhau ở điểm: thuế đất đánh vào toàn bộ đất đai canh tác, còn thuế địa tô đánh vào sản phẩm vì vậy đẩy giá sản phẩm lên.

 

Chương 13: Thuế vàng

Thuế đánh vào vàng gồm hai loại. Một loại đánh vào lượng vàng thực sự trong lưu thông. Loại kia đánh vào lượng vàng được sản xuất hàng năm từ các mỏ. Cả hai loại thuế này đều có xu hướng làm giảm lượng vàng được sản xuất và tăng giá trị của vàng, nhưng chẳng loại thuế nào có thể làm tăng giá trị của vàng trước khi lượng của nó giảm. Bởi thế, trước khi cung của vàng giảm, các loại thuế này thoạt tiên rơi vào người sở hữu tiền, song rút cuộc về dài hạn thì phần ấy sẽ rơi vào cộng đồng, được trả bởi chủ mỏ dưới dạng mỏ tô bị cắt giảm và bởi những người mua vàng với tư cách là một mặt hàng đóng góp vào phúc lợi của con người, chứ không phải với tư cách riêng biệt như một phương tiện lưu thông.

 

Chương 14: Thuế nhà

Ngoài vàng, các loại hàng hóa khác khó có thể suy giảm số lượng nhanh chóng. Vì vậy mọi loại thuế đánh vào các hàng hóa này đều rơi vào vai người sở hữu chúng nếu như sự tăng giá này làm giảm lượng cầu. Thuế nhà thuộc hạng này. Thuế đánh vào người sử dụng căn nhà, nhưng nó luôn rơi lên vai người chủ đất qua việc cắt giảm một phần địa tô.

 

Chương 15: Thuế lợi nhuận

Đây là bình luận hết sức quan trọng về ảnh hưởng của thuế lợi nhuận lên giá cả sản phẩm cung ứng. Mặc dù thuế sẽ được dịch chuyển về phía trước nhưng nó sẽ tác động không giống nhau lên giá cả của các loại sản phẩm khác nhau, bởi vì sự chênh lệch trong cấu thành và tỷ lệ tư bản cấu thành. Những tác động khác nhau của các loại thuế, tăng lượng tiền có tác động đến cấu thành cũng như mức giá cả. Tuy nhiên, do cơ chế lưu chuyển tiền kim loại, giá cả rốt cuộc sẽ trở lại như mức trước thuế.

 

Chương 16: Thuế tiền công

Thuế tiền công làm tăng tiền công do đó hạ thấp tỷ suất lợi nhuận của vốn. Thuế đánh vào nhu yếu phẩm làm tăng giá của nhu yếu phẩm, do đó tăng tiền công. Sự khác biệt duy nhất giữa thuế đánh vào nhu yếu phẩm và thuế đánh vào tiền công là loại thứ nhất đi liền với sự tăng giá nhu yếu phẩm, còn loại thứ hai thì không. Thuế tiền công hoàn toàn là một loại thuế đánh vào lợi nhuận, thuế đánh vào nhu yếu phẩm thì một phần là thuế lợi nhuận, một phần là thuế đánh vào người tiêu dùng giàu có.

 

Chương 17: Thuế đánh vào các hàng hóa không phải nông sản

Ricardo phản đối thuế đánh vào các hàng hóa không phải nông sản, với tư cách loại thuế đó là một phương thức tài trợ cho chiến tranh. Tình huống cổ điển của việc phản đối nợ quốc gia được Ricardo phát triển một cách đầy đủ: nợ quốc gia đồng nghĩa với việc thất thoát tư bản, và tài trợ thâm hụt bị cắt giảm tiết kiệm tư nhân; gánh nặng quốc gia sẽ không còn là khoản trả lãi suất hàng năm với tư cách là sự phung phí các nguồn lực mà khoản nợ là đại diện. Nói cách khác không có sự tương đương thực sự giữa việc trang trải chi tiêu của chính phủ bằng thu thuế hay bằng vay mượn.

 

Chương 18: Thuế trợ giúp người nghèo

Thuế trợ giúp người nghèo cũng là một loại thuế có bản chất của tất cả các loại thuế kể trên, và trong những điều kiện khác nhau nó tác động tới người tiêu dùng nông sản và hàng công nghiệp, tới lợi nhuận của vốn và tới địa tô. Đó là một loại thuế đánh vào lợi nhuận của người chủ trại với một tỷ trọng đặc biệt do đó có thể được coi như nó tác động tới giá cả nông sản. Khi mức độ đánh vào lợi nhuận công nghiệp và nông nghiệp thực sự bình đẳng, thuế trợ giúp người nghèo là một loại thuế chung đánh vào lợi nhuận của vốn, và không gây nên sự biến đổi nào trong giá cả của sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm nông nghiệp.

 

Chương 19: Những biến động đột ngột trong các kênh thương mại

Sống trong những năm dài khó khăn thời hậu chiến, Ricardo lo lắng những biến động đột ngột của thương mại thời của ông sẽ đánh dấu bước khởi đầu của tình trạng đình trệ lâu dài. Thêm nữa, vì tỷ lệ người nghèo trên diện tích đất giảm mạnh nhất cho nên các địa chủ nhân nhượng một số quyền lợi để nới lỏng gánh nặng thuế đặc biệt. Ông do đó đòi hỏi phải giảm từ từ thuế đánh vào ngũ cốc (nhu yếu phẩm phổ biến của nước Anh) nhập khẩu trong vòng mười năm liên tiếp, kết hợp với một số trợ cấp nho nhỏ cho xuất khẩu trong những năm bội thu. Việc này sẽ tăng thêm ưu thế của thương mại quốc gia do giảm bớt được hậu quả của thoái lui vốn trong nông nghiệp.

 

Chương 20: Giá trị và sự giàu có, các đặc tính của chúng

Adam Smith viết trong chương V, quyển I bộ sách Của cải của các quốc gia: “Một người là giàu hay nghèo phụ thuộc vào mức độ anh ta có khả năng hưởng thụ đến đâu các nhu yếu phẩm, các tiện nghi sinh hoạt, và những lạc thú đời người”. Như vậy giá trị khác xa giàu có, do giá trị không phụ thuộc vào sự dư thừa mà phụ thuộc vào sự khó khăn hoặc thuận lợi của sản xuất. Ví dụ sức lao động của một triệu công nhân trong các ngành công nghiệp tạo ra cùng một giá trị, nhưng không tạo ra sự giàu có. Nhờ việc phát minh ra máy móc, trình độ tay nghề được nâng cao, phân công lao động hợp lý hơn và việc phát hiện ra các thị trường mới thuận lợi hơn cho trao đổi mà một triệu công nhân có thể sản xuất gấp đôi, gấp ba số của cải, số “nhu yếu phẩm, các tiện nghi sinh hoạt, và những lạc thú đời người” so với một giai đoạn trước của xã hội. Nhưng họ không gia tăng chút gì vào giá trị của các hàng hóa bởi vì giá trị của mọi hàng hóa đều tăng hay giảm tỷ lệ với độ khó hay dễ trong quá trình sản xuất, nói cách khác, tỷ lệ với lượng lao động được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Tóm lại bằng cách liên tục cải thiện điều kiện sản xuất, con người ta liên tục hạ thấp giá trị của các hàng hóa ngay trước khi chúng được sản xuất, nhờ đó không ngừng gia tăng sự giàu có của quốc gia đồng thời nâng cao sức sản xuất trong tương lai.

 

Chương 21: Những tác động của tích lũy tới lợi nhuận và tiền lãi

Trong chương 21, lý thuyết lợi nhuận của Ricardo trái ngược với lý thuyết lợi nhuận của Adam Smith trong vấn đề bàn về các hậu quả của tích lũy đối với lợi nhuận và tiền lãi. Thực vậy, quan điểm của Adam Smith cho rằng lợi nhuận giảm dần buộc phải tồn tại giả định một giới hạn xác định cho lượng cơ hội đầu tư sẵn có tại mọi thời điểm. Nhưng khi thiếu vắng sự gia tăng không ngừng của chi phí trong ngành sản xuất hàng hóa phải trả công, Ricardo giữ nguyên quan điểm: có thể sử dụng hết công suất mọi khoản tư bản mà không gặp bất cứ rào cản nào đối với sản xuất, xét về phía nhu cầu. Điều này dẫn đến lời phủ định rằng tích trữ (sự dư cầu nắm giữ tiền) có thể là vấn đề dai dẳng trong một nền kinh tế đang tăng trưởng.

 

Chương 22: Khuyến khích xuất khẩu và cấm nhập khẩu

Việc khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc (nhu yếu phẩm chính của Anh đầu thế kỷ XIX) có xu hướng làm giảm giá ngũ cốc đối với người tiêu dùng ngoại quốc nhưng không gây ảnh hưởng lâu dài đến giá của chúng tại thị trường trong nước. Thực vậy, việc trợ cấp xuất khẩu sẽ đương nhiên mở rộng cầu về ngũ cốc Anh, đồng thời thu hẹp cầu về ngũ cốc của các quốc gia bản địa. Cầu về ngũ cốc Anh tăng làm giá ngũ cốc ở chính quốc Anh tăng một thời gian, và trong thời gian đó cản trở việc giá ngũ cốc ở thị trường nước ngoài giảm xuống quá thấp bởi những ảnh hưởng của trợ cấp. Nguyên nhân ảnh hưởng đến giá thị trường của ngũ cốc ở Anh sẽ không có bất cứ tác động nào đến giá cả tự nhiên hoặc chi phí sản xuất thực tế. Như vậy ảnh hưởng cuối cùng của trợ cấp xuất khẩu ngũ cốc không phải là tăng hay giảm giá ngũ cốc ở thị trường trong nước, mà làm giảm giá đối với người tiêu dùng nước ngoài.

 

Chương 23: Trợ cấp sản xuất

Đầu tiên ta giả định mọi hàng hóa đều phải chịu thuế nhằm tạo ra một quỹ để chính phủ tiến hành trợ cấp cho quá trình sản xuất ngũ cốc. Bởi vì chính phủ không dùng thuế này để chi tiêu, và toàn bộ số thuế thu được từ nhóm người này sẽ được chuyển sang nhóm người khác do đó cả quốc gia, xét về tổng thể không giàu lên cũng không nghèo đi về thuế lẫn trợ cấp sản xuất. Nghĩa là thuế đánh vào hàng hóa nhằm tạo quỹ cho chính phủ sẽ làm tăng giá hàng hóa bị đánh thuế, cho nên người tiêu dùng những hàng hóa bị đánh thuế đã đóng góp vào quỹ đó cho chính phủ. Nói cách khác giá cả tự nhiên hay giá cả cần thiết để sản xuất những hàng hóa này tăng, và giá thị trường của đó cũng tăng. Tuy nhiên chính nguyên nhân làm tăng giá tự nhiên của hàng hóa thì làm giảm giá cả tự nhiên của ngũ cốc, bởi vì trước khi có trợ cấp ngũ cốc, chủ trại được giá đủ lớn để trả địa tô và chi phí, rồi thu về lợi nhuận ở tỷ lệ chung. Sau khi nhận được trợ cấp sản xuất từ quỹ của chính phủ, chủ trại thu được tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, trừ khi giá ngũ cốc giảm ít nhất bằng số trợ cấp. Vì vậy hiệu ứng của thuế và trợ cấp là tăng giá hàng hóa bằng số thuế và giảm giá ngũ cốc bằng số trợ cấp.

 

Chương 24: Tín điều của Adam Smith về địa tô

Adam Smith coi chất lượng đất được đưa vào canh tác do nhu cầu cấp thiết của xã hội phụ thuộc vào giá cả thông thường của nông sản bất kể mức giá này có đủ để bù đắp lượng tư bản đã sử dụng cộng với một mức lợi nhuận thông thường hay không. Tuy nhiên ông này đồng ý rằng một số loại nông sản mà lượng cầu luôn ở mức làm cho giá cả cao hơn mức đủ nhằm đưa chúng ra thị trường, và lương thực là một trong số đó. Theo đó đất đai, trong hầu hết mọi hoàn cảnh đều sản sinh một lượng lương thực lớn hơn mức đủ để duy trì lượng lao động cần thiết nhằm đưa nó ra thị trường. Vì vậy phần thặng dư luôn lớn hơn mức đủ để trả tiền công cho người lao động và trả lợi nhuận cho nhà sản xuất, cho nên luôn tồn tại một khoản địa tô dành cho địa chủ.

Ricardo nghi ngờ luận điểm này của Adam Smith. Ông cho rằng trên mọi quốc gia luôn tồn tại một loại đất không thể mang lại sản phẩm có thể bù đắp lượng tư bản bản đã sử dụng, cộng thêm với mức lợi nhuận thông thường của quốc gia đó. Nếu giả định của Adam Smith giống như Ricardo thì Adam Smith đã không chủ trương địa tô là một bộ phận cấu thành giá nông sản trong chương VI, quyển I của bộ Của cải của các quốc gia.

 

Chương 25: Thương mại thuộc địa

Trong chương VII, quyển VI của bộ Của cải của các quốc gia Adam Smith chỉ ra lợi ích của nền tự do thương và sự bất công mà các nước thuộc địa phải hứng chịu do bị mẫu quốc ngăn cản việc trao đổi. Ông này chứng minh rằng bằng việc cho phép các quốc gia thuộc địa tự do trao đổi sản phẩm của mình, mẫu quốc sẽ đạt được sự phân công lao động trên toàn thế giới hiệu quả, cũng như đảm bảo được sự phong phú và dư dật của các hàng hóa phục vụ con người. Tự do thương mại chắc chắn thúc đẩy lợi ích tổng thể cũng như lợi ích của tất cả các quốc gia. Còn việc ngăn cản các nước thuộc địa trao đổi làm chính mẫu quốc bị thiệt hại. Nhưng Ricardo phản đối luận điểm này. Rõ ràng thương mại với một nước thuộc địa có thể được sắp đặt sao cho nó làm giảm lợi ích của nước thuộc địa, đồng thời tăng lợi ích của mẫu quốc – so với trường hợp thương mại là tự do.

 

Chương 26: Tổng thu nhập và thu nhập ròng

Chương này định nghĩa khả năng có thể đánh thuế như một sự phụ thuộc độc nhất vào thu nhập ròng. Ricardo sử dụng khái niệm tiền công tối thiểu một cách thận trọng, và rút ra từ tổng thu nhập tất cả mọi đầu ra cần thiết để duy trì nguyên vẹn tư bản con người cũng như tư bản hữu hình, chỉ để lại duy nhất phần lợi nhuận và địa tô như là thu nhập ròng.

 

Chương 27: Tiền tệ và ngân hàng

Ricardo là người chủ trương kim bản vị và tất yếu trình bày cặn kẽ thuyết giá trị lao động đối với kim loại đóng vai trò là tiền. Điều này không đối lập với lý thuyết số lượng tiền. Nếu việc đúc tiền là tự do và tiền có thể bị nung chảy thì trong dài hạn, lượng tiền sẽ bị điều chỉnh bởi chi phí sản xuất vàng. Nếu giá trị tiền trong lưu thông nhỏ hơn chi phí sản xuất thì việc khai mỏ sẽ được mở rộng, và sẽ có nhiều kim loại hơn để đúc tiền. Đến khi vừa đủ lượng tiền vàng dự trữ, người ta lại ký hợp đồng khai mỏ và tiền sẽ bị nấu chảy cho những mục đích phi thương mại. Theo cách này, giá trị của tiền bị chi phối bởi chi phí làm ra nó và mức giá cả phản ánh giá trị trao đổi của chính sách tiền tệ.

 

Chương 28: Giá trị tương đối của vàng, ngũ cốc và lao động ở nước giàu và nước nghèo

Ngũ cốc ở mỗi quốc gia, cũng như các hàng hóa khác đều có giá cả tự nhiên, nghĩa là giá cần thiết để sản xuất ra ngũ cốc, và nếu không tồn tại giá cả tự nhiên này thì không có chuyện canh tác ngũ cốc. Vì vậy giá cả tự nhiên chi phối giá cả thị trường, là động lực xuất khẩu ngũ cốc ra nước ngoài, đồng thời chi phối giá thị trường của nó ở nước ngoài (nếu nó không phải hàng hóa độc quyền). Còn đối với vàng, ông chứng minh rằng giá trị của vàng ở những nghèo thì cao, trong khi giá trị của nó ở các nước giàu lại thấp.

 

Chương 29: Thuế do người sản xuất trả

Ricardo phản đối quan điểm của hai kinh tế gia trước đây là Jean-Baptiste Say (1767 – 1832) và Jean-Charles Sismondi (1773 – 1842), rằng do việc trả trước thuế thì lợi nhuận đối khoản trả trước này làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng đồng thời ngân khố quốc gia không được hưởng lợi từ khoản tiền thuế phụ thêm này. Bởi vì nhà sản xuất sẽ tăng mức mức giá của sản phẩm bằng, nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải chịu gánh nặng số tiền phải trả thêm cho một món hàng. Nghĩa là cả nhà sản xuất lẫn chính phủ đều kiếm lời một khoản bằng đúng số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra. Nói cách khác, thuế do người sản xuất phải trả chỉ gây hại cho người tiêu dùng.

 

Chương 30: Ảnh hưởng của cung và cầu đến giá cả

Cung và cầu của Ricardo không phải là một tiêu chuẩn mà là những lượng được mua bán thực sự. Ngược lại, chi phí sản xuất là một cái gì tách biệt và độc lập so với cung và cầu. Chính chi phí sản xuất, chứ không phải sự cân bằng giữa cung và cầu quy định giá cả hàng hóa. Cân bằng giữa cung và cầu tại một thời điểm nhất định tác động đến giá cả thị trường của hàng hóa. Tuy nhiên ảnh hưởng đó chỉ là tạm thời. Cuối cùng thì cung cũng sẽ bị quyết định bởi chi phí sản xuất.

 

Chương 31: Máy móc

Chương 31 được thêm vào trong lần xuất bản thứ ba, năm 1821. Vấn đề cơ bản là ông chứng minh, rằng việc lắp đặt thêm máy móc gây ra sự đảo lộn lao động phải trả công – trước đây cần thiết để sản xuất hàng hóa. Nếu máy móc được đầu tư từ tiền công bòn rút được, thay vì lợi nhuận của nhà sản xuất thì một lúc nào đó sản lượng sẽ giảm, đồng thời sinh ra tình trạng thất nghiệp. Sau đó ông lại thừa nhận: việc giảm giá cả hàng hóa do máy máy sẽ mở rộng sản lượng, lúc này người lao động được thuê trở lại. Nhưng liệu việc giảm tiền công có khuyến khích việc thuê lại người lao động? Ricardo chưa bàn tới chuyện này.

 

Chương 32: Những quan điểm của ông Malthus về địa tô

Chương cuối cùng của cuốn sách lớn này là để bình luận một tác phẩm của người bạn thân của Ricardo, kinh tế gia nổi tiếng thời bấy giờ Malthus, tên Tiểu luận về dân số. Ricardo không tán thành bất cứ quan điểm nào của Malthus về địa tô.

Malthus chỉ ra địa tô tăng hay giảm tương ứng với lợi thế tương đối có được hoặc từ độ màu mỡ, hoặc từ địa thế của các loại đất canh tác khác nhau từ đó xét các vấn đề khác của kinh tế chính trị học. Tuy nhiên sai lầm của Malthus nằm ở luận điểm: địa tô là một khoản lợi hiển nhiên và là nguồn gốc tạo ra sự giàu có mới. Theo Ricardo, địa tô là thứ tạo ra giá trị (phụ thuộc vào sự khó khăn hoặc thuận lợi của quá trình sản xuất) chứ không tạo ra sự giàu có (phụ thuộc vào sự dư thừa nhu yếu phẩm và phương tiện sinh hoạt).

 

thứ sáu 6 tháng Mười hai 2019 & thứ bảy 14 – thứ hai 16 tháng Mười hai 2019

Bình luận về bài viết này