Vắng cái chết

Mười ngày, tôi chưa bao giờ rời thành phố quá mười ngày. Trong Hà Nội cũ Doãn Kế Thiện (cùng Bảo Ninh là những nhà văn đặc biệt cần thiết với một người không thực sự rời khỏi thành phố, có thể là suốt đời không bao giờ rời khỏi nó như Orhan Pamuk) viết rất rõ về một thay đổi rất rất lớn đối với con người Hà Nội cuối thế kỉ XIX.

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Hà Nội một kiểu con người hoàn toàn khác ra đời. Không còn là con người được bao bọc trong thiên nhiên. Cũng không phải con người của Descartes. Mà là con người được bao bọc trong một không gian hoàn toàn nhân tạo. Những mảnh nhỏ còn lại của thiên nhiên là không đáng kể.

Nếu tôi có thể vẽ bảng trên wordpress thì diễn đạt sẽ tốt hơn. Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện trình hiện khoảng (đây không phải một từ đúng nhưng giờ tôi không làm tốt hơn được) ở giữa tự nhiên – nhân tạo. Như Rousseau viết trong Diễn văn về nguồn gốc của ngôn ngữ, từ tiếng kêu của con người ở cấp độ tự nhiên đến ngôn ngữ của con người ở cấp độ xã hội là một quãng rất dài. Như vậy Doãn Kế Thiện ở giữa, chứ không phải Tản Đà như cách mà Hoài Thanh xếp.

Trước khi đọc Chomsky thì tôi đọc bộ Tư bản của Marx rồi Saussure, nhưng phải đọc Chomsky thì tôi mới học được rằng không bao giờ có một mô hình được hình thức hóa tối đa mà đứng trơ trơ một mình (như mô hình cổ tích tối thiểu của Vladimir Propp) mà phải đặt chúng trong một phối cảnh.

Người ta luôn ở trong bốn cấp độ của phối cảnh, thứ tự từ trên xuống dưới: 1) một không gian nhất định, 2) một nền kinh tế nhất định, 3) một thời đại nhất định, 4) một văn hóa nhất định. Xét vậy thì con người ta bị định ở ba cấp độ cuối cùng mà có thể tự do ở cấp độ đầu tiên.

Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định chuyển đi nơi khác. Vậy tôi có thể đi xa đến đâu nếu bị định ở cả bốn cấp độ? Dù hoàn toàn đồng tình với Nietzsche rằng cần kháng cự thời đại, nhưng tôi phản đối cái con người trừu tượng mà ông tạo ra: vượt lên trên con người. Những cuốn sách, tôi cần chúng. Cú đọc Doãn Kế Thiện rồi Tư bản của Marx gây cho tôi sửng sốt. Suốt mấy tháng đọc bộ Tư bản tôi cứ loanh quanh một vài khu trung tâm thương mai rồi những quán cà phê. Không đâu học kinh tế học Karl Marx tốt hơn những trung tâm thương mại và những quán cà phê, càng ồn ào càng tốt. Và dưới đây là kết quả của các buổi thực tế như thế.

Cuộc sống ở thành phố vắng cái chết ở cả ba cấp độ: 1) cảm nhận về nó, 2) giáo dục về nó và 3) thực hành nó. Cái chết đã đi đâu rồi?

Ở quán cà phê của tuổi trẻ vĩnh hằng. Tâm trạng tôi vẫn khó chịu suốt từ hôm qua phải chịu đựng một người đàn ông và đàn bà đã qua quãng giữa của cuộc đời người, bật những bài hát bình dân. “Có bao giờ anh nghe, một vài điều khi yêu. Một là không nói dối hai là không nói dối nhiều lần”. Mà bây giờ thật khó để nói rằng như thế nào được gọi là một gái già. 30 tuổi có còn là mốc không?

Dường như cách để kéo con người khỏi cái chết là một dự án được chuẩn bị rất rất chu đáo. Mà việc đầu tiên cần làm là tạo ra ảo tưởng về một tuổi trẻ vĩnh hằng. Ai đã gây nên? Một là nhà tư bản, là những thiết chế đã nhồi sọ nhân dân quá tốt. Hai là chính bản thân con người cũng hài lòng về nó. Con người ngày nay có một loại thuốc phiện mới rồi.

Các nhà truyền đạo cần phá cấu trúc của một xã hội thì mới mong nhồi nhét đức tin vào người dân. Điều này tương tự với những tin tưởng của chủ nghĩa tư bản. Tạ Chí Đại Trường: những tin tưởng chẳng biến mất mà chỉ thay đổi.

Những gái già độc thân ghét gì nhất trong cuộc sống facebook, nơi nọ kiếm chác những phỉnh nịnh? Là những lời giục cưới. (Công cuộc của Tự Lực văn đoàn và Phan Khôi cuối cùng được hậu thế sử dụng một cách lệch lạc; vô số những kẻ lợi dụng Phan Khôi, như bà Thụy Khuê) Rồi họ lập những phong trào rầm rộ ở các cấp độ: facebook, quảng cáo và báo chí để phản đối. Nhưng họ cố tình quên mất một điều là lịch sử. Việc thứ hai để kéo con người khỏi sự chết là tách họ ra khỏi lịch sử.

Những điều quen thuộc như thế này diễn ra suốt ngày: ông bà ta thì abc còn chúng ta thì khác biệt xyz. Nhưng xyz là tiên tiến hơn abc rất nhiều. Và nếu ta muốn phân tích abc thì khéo léo đặt nó ra khỏi thời đại của nó, nền kinh tế của nó.

Chỉ có xã hội như này mới đưa cho một nhân vật như Nguyễn Ngọc Tiến một địa vị rất cao trong văn chương về Hà Nội. Và nó không bao giờ chấp nhận những nhân vật làm tổn hại đến cách mà nó tổ chức như Doãn Kế Thiện. Mà nếu không thể tránh được thì phải làm cho nhân vật ấy méo mó đi. Cái xã hội này chưa bao giờ mong muốn sự thật.

Điều duy nhất mà một xã hội đang ở pha tích lũy tư bản như Việt Nam là làm lợi nhuận gia tăng. Như vậy những mỹ từ như “phản biện xã hội”, “tố chất tranh biện” chỉ là trò bịp bợm mà thôi. Phan Khôi là người từ rất sớm đã nhìn ra rằng chúng chỉ là những mỹ từ “trên đầu lưỡi” mà thôi.

Tôi chỉ lặp lại sự phê phán của Marx mà thôi. Nói rằng Marx phê phán tôn giáo thì là không hiểu gì. Vấn đề là Marx phê phán xã hội đẻ ra tôn giáo và nuôi dưỡng nó. Căn cơ là ở đấy.

Nhưng dẫu như thế nào đi nữa thì con người ai ai cũng mang sử tính. Do đó công tác này chỉ là để làm ta mất tập trung. Một ngày nào đó thì ta sẽ nhận ra. Rất có thể đấy là lúc nghỉ hưu. Tức bạn không còn có đủ sức lao động để mà tiêu dùng. Nhìn thấy sự thật ở đoạn cuối của cuộc đời, hiểu rằng đời mình có gì đâu ngoài những ồn ào, lăng xăng. Tôi không nghĩ là nhiều người có thể chịu được nó, mà sẽ tốt hơn cho họ nếu suốt đời.

Như vậy bốn công việc để kéo con người ra khỏi ba cấp độ của sự chết là 1) tách con người ta ra khỏi lịch sử, 2) kéo họ ra khỏi nốt sự thật và 3) cuối cùng là ra khỏi chính bản thân mình.

Tôi không nghĩ rằng xã hội của Hàn Phi khốc liệt như xã hội mà tôi đang sống bây giờ. Nếu sử dụng khái niệm “sáng tạo” của Chomsky khi ông bình luận Descartes, thì con người ở thời đại này không được phép sáng tạo. Chúng chỉ được phép thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu nhất của đời này một cách cơ học như con vật máy của Descartes thôi. Như vậy so với cách Hàn Phi nhìn tất cả người dân ở dưới một ông vua như bầy động vật, thì thời của chúng ta liệu có khác gì không? Ngoại trừ việc “không có vua” mà thay vào đấy là một thiểu số đại tư bản.

Dẫu có kéo người ta ra khỏi sự thật thì con người vẫn luôn yêu sự thật. Như vậy thì triết học ở Châu Âu mới có thể ra đời. Và còn điều gì giả dối cho bằng những người luôn miệng nói triết học nhưng hoạt động tích cực trên facebook. Và như vậy là trốn sự thật. Cái thứ được gọi là “triết học” nhưng quay mặt với sự thật.

còn tiếp

 

Bình luận về bài viết này