Về thầy Mai Anh Tuấn

Đây là hai text tôi viết giới thiệu về thầy Mai Anh Tuấn. Tôi chọn văn bản đầu tiên vì nó phù hợp với đối tượng muốn hướng đến, dù văn bản thứ  hai (chưa hoàn chỉnh) mới là thứ mà tôi muốn viết từ lâu.

 

 

Một trong ba hướng nghiên cứu chính của Mai Anh Tuấn là phong cách điện ảnh.

Theo thông tin từ diễn giả, Mai Anh Tuấn (sinh năm 1983) có kinh nghiệm xem phim màn hình rộng ngay từ cuối thập niên 1980s. Và nhà nghiên cứu là chứng nhân của nhiều thay đổi của các công cụ hỗ trợ trình chiếu phim hai thập niên sau đó.

Từ xem phim màn hình rộng, ngay đầu thập niên 1990s, Mai Anh Tuấn đã gặp mối tình: phim video. Sự phổ cập TV và việc phát sóng phim điện ảnh cũng như phim dài tập đã xua đi trào lưu phim video, trước khi Internet vào Việt Nam với hàng loạt trang mạng giúp ta xem các phim ngày xưa.

Sự thay đổi của tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt tác động đến hoạt động trao đổi, giới thiệu, bình luận hoặc nghiên cứu phim. Mai Anh Tuấn gọi thập niên 2010s là thời đại phê bình phim trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội facebook.

Một chức năng nổi bật của facebook là có thể đưa ra các phản ứng tức thời từ phía người đọc –  điều mà báo giấy và sách giấy không thể làm nổi. So sánh với báo giấy và sách giấy,  bình luận phim trên facebook gặp nhiều lực trở vì xuất bản mà không được kiểm định chất lượng.

Theo Mai Anh Tuấn, nhiều nhà phát hành lắm tiền nhiều của thao túng hoạt động phê bình, bình luận phim trên mạng. Tôi nghĩ kinh nghiệm của người tiếp nhận báo giấy, sách giấy có thể giúp ích. Báo và sách giấy, suốt sự tồn tại vài trăm năm, luôn được các nhà chính trị, nhà tư bản đầu cơ sử dụng cho các mục đích khác nhau. Điều cần thiết để đọc phim là người đọc thiết lập một bộ thao tác cho riêng mình.

 

—–

 

Tại sao tôi lựa chọn viết về thầy Mai Anh Tuấn? Tại sao tôi đưa ra những kết luận như bên dưới? Đây là các câu hỏi chính đáng đối với không chỉ độc giả mà bản thân tôi. Và tôi tin mọi hiểu biết đều xuất phát từ cố gắng hiểu bản thân.

Tôi chú ý đến thầy Mai Anh Tuấn từ năm hai đại học vì hai điều.

Một là thầy khác so với các giáo viên ở giọng nói. Tôi tin học trò luôn nhớ nhất giọng nói của thầy. Và ấn tượng ban đầu này của tôi mang tính phổ quát trong các quan hệ thầy – trò.

Nhưng nó bao chứa một nghịch lí. Chính vì cái thân thuộc này kháng cự sự tò mò muốn đọc các tác phẩm của thầy (tức người-viết chứ không phải người-nói). Hai lí do sau giúp tôi vượt qua ngoại trở. Thứ nhất, tôi không học nhiều môn mà thầy dạy. Thứ hai, là tôi không phải một sinh viên văn khoa. Tôi giữ được khoảng cách để phát hiện nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn. Tôi sẽ còn trở lại.

Hai là thầy giúp tôi hiểu mình muốn gì, đồng thời luôn tin tôi, từ rất sớm. Tôi đồng tình với Trịnh Văn Thảo rằng xung quanh tuổi hai mươi là khoảng thời gian tuyệt đối quan trọng để hình thành con người. Mọi thứ sau đó đều chịu bóng tỏa sâu đậm của những gì trải qua ở tuổi hai mươi. Và điều mà một sinh viên mười tám cần nhất là một người thầy về tinh thần.

Điều quan trọng nhất mà thầy dạy tôi không phải từ các bài giảng mà từ sự lựa chọn của bản thân thầy. Thầy luôn hướng đến những nhân vật quá hiển nhiên như Nguyễn Huy Thiệp. Không được chấp nhận sự tồn tại của cái hiển nhiên mà không chấp vấn. Do đó, ta hoàn toàn có thể lý tính toàn bộ hoạt động của cuộc sống. Đồng thời lời khuyên của người đàn bà thông thái của Andersen luôn đúng: đừng ngó nghiêng, đừng tìm dưới đất, trên trời hay bên lề bởi tất cả đều ở đây, có nhìn thấy không?

Làm sao để đánh giá bản chất một hiện tượng trong quá khứ như văn chương Nguyễn Huy Thiệp? Max Weber nghiêm ngặt đặt ra ba con đường. (1) giá trị tự nó. (2) lòng tin của cộng đồng. (3) ý nghĩa của nguyên nhân (dẫn đến hiện tượng) tác động đến hiện tượng như thế nào.

Nghiên cứu văn học, với tư cách một khoa học có thể dựa vào phương pháp, kết quả của các khoa học đã hình thành để làm việc (không phải là liên ngành). Thầy tự học nhân loại học để đánh giá ý nghĩa của các nguyên nhân tác động đến văn chương Nguyễn Huy Thiệp như thế nào. Và văn chương ấy là sản phẩm của châu thổ sông Hồng. Nguyễn Huy Thiệp không thể là Nguyễn Huy Thiệp nếu ở trong một xã hội khác, chẳng hạn Đàng Trong quê thầy Mai Anh Tuấn.

Con người đồng bằng sông Hồng từ rất sớm đã chiến đấu với thiên nhiên (nước) để giành đất lao động và sinh hoạt. Và độ cao của đồng bằng luôn thấp hơn mực nước sông Hồng. Theo gợi ý của thầy, luận điểm này có được củng cố với nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên: hệ thống thần thành hoàng làng của các làng ở Bắc Ninh (khu vực có người Việt sinh sống đầu tiên ở đồng bằng sông Hồng) dày đặc các thần nước. Không phải ngẫu nhiên mà văn chương Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều yếu tố liên quan đến nước.

Tôi sẽ phân tích một ví dụ là yếu tố con trâu nước màu đen trong Chảy đi sông ơi. Sự tồn tại của con trâu nước trong các huyền thoại Việt Nam có hai chức năng. Một là chức năng thông báo (thông báo cho Sơn Tinh). Chức năng này đã được đi vào tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp. Hai là chức năng trung giới các không gian (hai người con của giao long giúp Sơn Tinh đánh giặc rồi trở về; họ cưỡi trâu xuống nước).

Trong nhiều mẩu huyền thoại lưu lại ngày nay thì chức năng trung giới [của mặt đất hoặc trời] với không gian nước biến mất. Trong chuyện thần Linh Lang (thờ chính ở đền Voi Phục), thần xuất thân một loài vật dưới nước, lên bờ thì được triều đình hóa, rồi trở lại nước mà không cần yếu tố trung giới.

Tại sao trung giới lại cần thiết? Để liên kết các yếu tố tưởng chừng như không thể tiếp xúc. Trong tín ngưỡng siêu hình Tam Phủ, ba phủ chỉ là ba mảnh rời và không tạo thành một hệ thống nếu không có một yếu tố trung giới [Thượng Ngàn] liên kết chúng [Thiên phủ và Thoải phủ].

Một điều chắc chắn là con trâu nước không phải yếu tố trung giới với không gian nước duy nhất. Nó không phải một biến số mà là một hằng số. Và tôi cho rằng chức năng trung giới [của mặt đất hoặc trời] với nước của yếu tố con trâu nước [các yếu tố khác không thuộc phạm vi bài này] đã biến mất trong nhiều mẩu huyền thoại còn sót lại ngày nay – vốn thuộc một khối huyền thoại nguyên vẹn. Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp mong tìm lại cái đã mất: “thâm tâm, tôi vẫn ước mong nhìn thấy con trâu”.

(còn tiếp)

 

 

 

Bình luận về bài viết này