Dịch Rousseau thời thuộc địa

[Xem phần trước của bài nói chuyên Tân thư thời thuộc địa (1)(2). Xem bài nói chuyện Phan Châu Trinh, Rousseau và Kant của anh Trần Đăng Dương.]

 

Sau khi đã trình bày sơ lược về tân thư thời thuộc địa, tôi sẽ trình bày sự hiện diện của Rousseau thời thuộc địa.

Trong tiểu luận Sự chuyển biến tri thức và tinh thần người Annam kể từ khi Pháp thiết lập nền bảo hộ (1938), Phạm Quỳnh đã nhận định các trí thức thuộc địa khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tân thư vì người Pháp đã nhận thấy sự nguy hiểm của tân thư.

Vậy nên, các trí thức thuộc địa thế hệ Phan Châu Trinh chỉ có thể tiếp cận tác phẩm của Rousseau, bằng nguyên bản Pháp ngữ hay bản dịch chữ Hán, một cách hạn chế.

Tôi xin trích vài dòng trong hồi ký của Huỳnh Thúc Kháng. Ông đã viết về kinh nghiệm đọc tân thư, có thể bao gồm cả Rousseau chăng?, của các trí thức thế hệ Phan Châu Trinh. [Đọc: Huỳnh Thúc Kháng (Anh Minh dịch từ chữ Hán), Tự truyện, (Huế) Anh Minh tự xuất bản, 1963, trang 26; trích dẫn lấy từ cuốn Ba thế hệ trí thức người Việt của Trịnh Văn Thảo]

Những cuốn sách, đúng như Marcel Mauss đã viết, là những đồ vật có linh hồn. Không phải con người tìm sách mà dường như chính những cuốn sách tìm đến con người, tùy theo khả năng của mỗi người. (Về Marcel Mauss & đồ vật, xem ở kia)

Tôi xin đọc đoạn trích:

“Thời kỳ này, tại Trung Quốc, ngày hôm sau của chính biến Mậu Tuất (100 ngày Tân Khổng giáo tiếp sau vụ trấn áp của Từ Hy Thái Hậu năm 1898) và sự kiện chiến tranh của quân Đồng Minh chống lại phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (1900), những nho sĩ nước ta hơi xúc động.

“Phong trào theo học phương Tây khuấy động toàn đất nước, những tác phẩm chữ Hán của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (những người đứng đầu phái Duy Tân) vào trong nước ngày càng ít, những tin tức từ cuộc chiến tranh Nga – Nhật truyền về, tất cả diễn ra không còn nghiêm túc như thời kỳ biệt lập thời xưa nữa.

“Năm trước đã chứng kiến Binh Bộ Thượng Thư Thân Trọng Huề (du học từ Pháp trở về) đề xuất bãi bỏ các cuộc thi Tam Kỳ.

“Đào Nguyên Phổ [cha của Đào Trinh Nhất] mang về những quyển sách mới như Chính biến Mậu Tuất, Linh hồn Trung Quốc, Lịch sử hiện đại hóa Nhật Bản, Tạp chí Tân Dân cũng như rất nhiều tác phẩm phương Tây dịch bằng tiếng Pháp đã thu hút Phan Châu Trinh, lúc này là quan nhỏ Bộ Lễ.

“Không kiểu cách cũng không bận tâm thi cử, tôi cùng Phan Tây Hồ về trú ngụ tại nhà Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ để ngấu nghiến đọc tất cả những cuốn sách mới đó, nhờ vậy chúng tôi đã bắt đầu khám phá ra những thay đổi trên thế giới.”

Bây giờ, tôi sẽ nói quá trình Rousseau hiện diện tại Việt Nam thời thuộc địa với ba nhân vật chính là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và Nguyễn An Ninh.

 

Nguyễn Văn Vĩnh & Rousseau

Trong lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9, tối ngày 24 tháng Ba 2016, Nguyên Ngọc – chủ tịch Hội đồng Khoa học Quỹ Phan Châu Trinh – đã đọc bài diễn văn bế mạc, vinh danh Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Nguyên Ngọc nhấn mạnh vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên dịch Rousseau. [Đọc: Nguyên Ngọc, Trích đoạn Diễn văn bế mạc buổi lễ trao giải Văn hoá Phan Châu Trinh, Trang mạng Tân Nam Tử (do cháu nội Nguyễn Văn Vĩnh là Nguyễn Lân Bình chủ chương), 28 tháng Ba 2016. Link: tannamtu.com/?p=2336.]

[Cùng với nhận định của Nguyên Ngọc], tôi đã kiểm tra lại, trong khả năng có thể của mình, những tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Bên cạnh đó, trong tiểu luận của Nguyễn Văn Tố về Nguyễn Văn Vĩnh năm 1936, Nguyễn Văn Tố đã viết: trong năm 1913 [thời gian đầu của Đông Dương tạp chí], Nguyễn Văn Vĩnh đã mở những mục như “Cổ kim văn hợp thái” và “Pháp văn tạp thái”. Nội dung của các bài viết trong mục này là những bài giảng, trích dẫn hay trích dịch các nhà tư tưởng phương Tây như Rousseau hay Voltaire.

Tuy nhiên, do sự hạn chế từ việc tiếp cận nguồn tư liệu gốc, tôi chưa thể khảo được những số tạp chí trên nên chưa có câu trả lời Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch tác phẩm nào của Rousseau trước tiên. Bài trình bày của tôi chắc chắn sẽ phải bổ sung rất nhiều.

Điều làm tôi thích thú là cách bình luận Rousseau của Nguyễn Văn Vĩnh. Rousseau hiện diện thời thuộc địa – thậm chí những trí thức thế hệ Phan Châu Trinh còn tôn Rousseau là Thầy Lư Thoa bên cạnh Montesquieu là Mạnh Đức Thư Cưu, thầy Mạnh – chủ yếu với tư cách tác giả của Khế ước xã hội.

[Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Châu Trinh thuộc cùng thế hệ trí thức trưởng thành trong cột mốc 1907, theo cách chia của Trịnh Văn Thảo]

Tôi cho rằng cách Nguyễn Văn Vĩnh bình luận về Rousseau hơn rất nhiều Phạm Quỳnh. [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, “Mặt trời mọc”, Đông Dương tạp chí số 28 (20 tháng Mười một 1913)] Tôi xin đọc đoạn trích:

“Tôi phân biệt ở Rousseau hai con người, một con người thật, vô cùng độc lập và vô chính phủ, và một con người kia là kẻ thật lòng muốn làm một tên chuyên chế tuy rằng gương mặt này không phải lúc nào cũng lộ ra.

“Vì vậy mà, tác phẩm Khế ước xã hội chỉ là một tác phẩm viết vào lúc còn trẻ, tác phẩm Emile là một ý kiến được đề xuất bất ngờ như lời nhận xét của Faguet.

“Hiển nhiên, Rousseau thường tự mâu thuẫn với chính mình, nhưng hai con người ấy vẫn hòa làm một.

“Một kẻ vô chính phủ, một kẻ chuyên chế; phá hủy một ngôi nhà chẳng phải là một cung cách và là cung cách tồi tệ nhất để thực hành luật đó sao?”

 

Phạm Quỳnh & Rousseau

Sau Nguyễn Văn Vĩnh, hai trí thức thời thuộc địa tiếp tục công việc dịch Rousseau là Phạm Quỳnh và Nguyễn An Ninh. Trước hết, tôi sẽ trình bày việc dịch Rousseau của Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh từng là những người bạn rất thân với nhau nhưng sau này, vì bất đồng quan điểm, đã tách ra.

13 năm sau những bài giảng, trích dẫn và trích dịch Rousseau trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, lần đầu tiên một người tiếp tục công việc dịch Rousseau ra chữ quốc ngữ là Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh giới thiệu và dịch Rousseau trên Nam Phong tạp chí, số 104 (Tháng Tư 1926).

 

Phạm Quỳnh Rousseau

 

Nam Phong số 104 là một số tạp chí đặc biệt, xuất bản năm 1926 – cái năm diễn ra loạt sự kiện cái chết của Phan Châu Trinh làm chao đảo cái xứ thuộc địa này. Nhà cầm quyền nhận thấy khó khăn trong việc kiểm soát những trí thức, đặc biệt là thế hệ trẻ, thể hiện quan điểm trực tiếp trên báo chí.

Chính trong hoàn cảnh này, Nam Phong tạp chí số 104, xuất bản tháng Tư năm 1926 tức chỉ ít ngày sau cái chết của Phan Châu Trinh, xuất hiện với chuyên đề Rousseau. Số tạp chí này có dung lượng 110 trang. Phần giới thiệu và phần dịch Rousseau của Phạm Quỳnh đã chiếm tới 33 trang, tức gần 1/3 tổng số trang.

Với khoảng cách 100 năm, chúng ta có thể hình dung nơi từng là tòa soạn Nam Phong tạp chí nay là khu vực nhà Thủy Tạ, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Chúng ta chỉ cần, từ tòa soạn báo Nhân Dân, đi dọc phố Hàng Trống là tới nơi. (Về mối quan hệ giữa Nam Phong và báo Nhân Dân, xem ở kia)

 

Khánh Ký hình kỷ niệm đám tang Phan Châu Trinh

 

[Note: Tôi sẽ còn trở lại đám tang Phan Châu Trinh. Năm ngoái, tôi đã viết về làng Lai Xá. Đối với cái chết Phan Châu Trinh, những hình ảnh của công ty Khánh Ký tại Saigon do các thợ ảnh Lai Xá chụp cần được theo dõi cẩn thận.]

 

Bài viết của Phạm Quỳnh có nhan đề Lịch sử và học thuyết của Rousseau (Lư Thoa). Bài báo có cấu trúc hai phần với dung lượng khá cân đối. Phần đầu tiên, Phạm Quỳnh biên dịch một tài liệu, không ghi rõ nguồn tài liệu gốc, giới thiệu tiểu sử và học thuyết của Rousseau. Phần thứ hai, Phạm Quỳnh trích dịch ba tác phẩm của Rousseau.

Đây là một phần rất quan trọng vì các trí thức thời thuộc địa quá nhấn mạnh Rousseau với tư cách tác giả của Khế ước xã hội. Nhưng trước đó, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh đã tỉnh táo nhận ra độ rộng của Rousseau. Rousseau không chỉ viết Khế ước ước xã hội. Bình luận của Nguyễn Văn Vĩnh năm 1913 và phần giới thiệu, trích dịch của Phạm Quỳnh năm 1926 đã đóng góp vào sự hiện diện của Rousseau ở Việt Nam: các trí thức Việt Nam không thể nào nhìn nhận đơn giản Rousseau chỉ với Khế ước xã hội.

Phạm Quỳnh đã trích dịch ba tác phẩm của Rousseau bao gồm: (1) Luận về khoa học và mỹ thuật, (2) Luận về nguyên nhân sự bất bình đẳng trong con người và (3) Bức thư cho ông d’Alembert luận về tuồng hát.

Phạm Quỳnh có một quy tắc trích dịch chung cho cả ba tác phẩm. Tôi sẽ chỉ trình bày, lấy một ví dụ là tác phẩm Luận về khoa học và mỹ thuật. Sau khi tôi nói, chắc quý anh chị sẽ nắm được quy tắc dịch ba tác phẩm Rousseau của Phạm Quỳnh.

Tiểu luận của Rousseau có cấu trúc hai phần. Phần 1: Lịch sử nghiên cứu vấn đề. Phần 2: Nội dung chính. Trên Nam Phong số 104, Phạm Quỳnh trích dịch mỗi phần một đoạn tượng trưng. Dung lượng mỗi bài trích dịch khoảng 3 trang báo khổ nhỏ.

Tôi xin dừng lại lâu hơn trường hợp Phạm Quỳnh dịch Rousseau. Tôi muốn nói thêm về hai cuốn sách: một cuốn do Trịnh Bá Đĩnh biên soạn là Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết học và cuốn còn lại của Trần Viết Nghĩa là Phạm Quỳnh – Chính trị và văn hóa.

Tại sao tôi lại đặt hai cuốn sách cạnh nhau? Dường như Trần Viết Nghĩa đã nhận ra đặc tính nhiều bài viết của Phạm Quỳnh về triết học. Trịnh Bá Đĩnh đặt nhan đề sách là Phạm Quỳnh – Luận giải triết học và văn học.

 

Trần Viết Nghĩa.jpg
Rất cảm ơn Mai Anh Quân đã cho mượn tài liệu.

 

Sau khi đọc văn bản, tôi cho rằng cái viết của Phạm Quỳnh về triết học chưa đủ đủ chạm tới sự luận. [Đọc: Nguyễn Khắc Xuyên, Thư mục Nam Phong, (Saigon) Trung tâm Học liệu Quốc gia & Viện Khảo cổ, 1968 & Trần Viết Nghĩa, Phạm Quỳnh – Chính trị và văn hóa, (Hà Nội) NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015] Trần Viết Nghĩa thận trọng khi đánh giá hành động của Phạm Quỳnh là “truyền bá là luận giải triết học phương Tây”. Tôi đánh giá cao nhận định thận trọng của Trần Viết Nghĩa.

Với tôi, Phạm Quỳnh viết về triết học rất mù mờ, cái viết không chạm tới đâu cả. Khi tôi đã đánh giả Phạm Quỳnh, tôi cần phải nói rõ với cá nhân tôi, triết học là gì. Với tôi, triết học là tạo ra các khái niệm.

Tôi xin trích đọc cho quý vị Phạm Quỳnh hiểu triết học là gì.

“Thoạt nghĩ tới triết học là đã thấy sự nghiêm trang, cao kỳ, huyền bí, bàn tới những ý nghĩa cao xa, xét đến những lý lẽ thâm thúy nên phải là những người có trình độ mới đủ khả năng tiếp thu. […] Chính vì sự hiểu sai lầm đó mà triết học trở nên xa lạ, viển vông và xa rời thực tiễn. Những nhà triết học bị coi là lý thuyết suông, chỉ biết mơ màng trong cõi lý tưởng.

“Cần phải hiểu triết học và phương pháp triết học là gì?

“Nói đến triết học là cần nghĩ ngay đến những nghĩa lý ở đời, những nghĩa lý chung nhất, những điều đại khái và đại thể. […] Cái gốc để hiểu triết học một cách đơn giản là những nghĩa lý chung trong thiên hạ”.

 

Nguyễn An Ninh & Rousseau

Nguyễn An Ninh sẽ phỏng dịch năm chương đầu tiên cuốn Khế ước xã hội của Rousseau, theo Hoàng Thanh Đạm, đăng lần đầu tiên năm 1923 trên báo.

Chúng ta dừng lại ở năm 1926 với loạt sự kiện cái chết của Phan Châu Trinh và số tạp chí Nam Phong chuyên đề Rousseau của Phạm Quỳnh. Cũng trong năm 1926, phần Nguyễn An Ninh dịch Rousseau sẽ được tập hợp lại và lần đầu tiên in thành sách.

Hoàng Thanh Đạm, dịch giả Khế ước xã hội sau này, nhận định Nguyễn An Ninh là người đầu tiên dịch tác phẩm này của Rousseau sang chữ quốc ngữ. Tôi không quá bất đồng với Hoàng Thanh Đạm; tuy nhiên câu chuyện dịch Rousseau thời thuộc địa dường như phức tạp hơn nhiều.

Trong tiểu luận Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của cuộc cách tân thuộc địa ở Việt Nam, tác giả Goscha đã trích dẫn một tài liệu mật của Vayrac, giám đốc phòng xuất bản bản xứ, một người thân cận với Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi xin đọc phần trích dịch tài liệu mật ngày 17 tháng Hai năm 1937 – tức một năm sau khi Nguyễn Văn Vĩnh qua đời.

“Ngay từ đầu, tôi đã được kết giao với nhiều người Annam nổi tiếng, cụ thể là ông Nguyễn Văn Vĩnh. […]

“Ông đã dịch những sách triết học Pháp, những sách chuẩn bị cho cuộc cách mạng. Tôi đếm được ông đã dịch được sáu hay bảy cuốn Khế ước xã hội. Bản thân ông không giấu tôi dịch những sách đấy. […]

“Chúng tôi cũng phải kể đến việc ông thực hiện sáu hay bảy bản dịch liên tục của Khế ước xã hội, được lưu hành ngầm.”

Qua ghi chép của Vayrac, Nguyễn An Ninh dường như không phải là người đầu tiên dịch Khế ước xã hội. Tuy nhiên, những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh chỉ được lưu hành trong private sphere, nên chúng ta không còn cơ hội tìm được văn bản gốc.

Vậy nên, tôi vẫn đồng tình với quan điểm của Hoàng Thanh Đạm rằng Nguyễn An Ninh là người đầu tiên dịch Khế ước xã hội ra chữ quốc ngữ. Mở ngoặc, bản dịch của Nguyễn An Ninh được in ấn và lưu hành trong không gian công cộng public sphere đối lập với bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh in và lưu hành trong private sphere. 

Tôi đặt giả thiết một số người bạn thân của Nguyễn Văn Vĩnh đã được tiếp cận bản dịch này, trong đó có Nguyễn Văn Tố. Trong tiểu luận về người bạn thân quá cố, Nguyễn Văn Tố quá hiểu sự cầu kỳ, thận trọng, muốn dùng chữ quốc ngữ theo sát cấu trúc câu phức tạp và rối rắm của tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh trong quá trình dịch Rousseau.

Chưa hết, bản dịch của Nguyễn An Ninh còn thu hút tôi ở mục đích của ông khi phỏng dịch Rousseau. Mục đích được thể hiện ngay ở chính nhan đề bản dịch Cái cao vọng của bọn thanh niên Annam – Dân ước . Như đã trình bày ở trên, những trí thức thời thuộc địa như Nguyễn An Ninh dường như đã tìm thấy ở nguồn tân thư những luận điểm phù hợp với mục đích bản thân.

Nguyễn An Ninh đã tìm thấy ở tác phẩm Rousseau mục đích hoạt động chính trị rất rõ ràng. Học giả Philippe Peycam đã bình luận về hành động của Nguyễn An Ninh. Ông Ninh, du học sinh Pháp, đã học được những chiêu trò để làm một tờ báo đấu tranh chính trị công khai trở nên hấp dẫn và bán chạy bằng cách giới thiệu, trích dẫn hoặc trích dịch những tác phẩm phương Tây.

Nguyễn An Ninh thực sự làm rất tốt công việc điều hành tờ báo, bằng chứng là tờ La Cloche Felee (Quả chuông rè) bán rất chạy. Theo thông tin từ sở Mật Thám, khoảng bảy vị quan triều Nguyễn, trong đó có Thân Trọng Huề – thượng thư Bộ Binh – cũng đặt mua dài hạn tờ báo đấu tranh chống Pháp công khai này. [Thân Trọng Huề rất liên quan đến một nhân vật quan trọng của cái thời Saigon một thuở, Ngô Đình Diệm. Về Ngô Đình Diệm, xem ở kia] [Đọc: Philippe Peycam (Trần Đức Tài dịch), Làng báo Sài Gòn 1916 – 1930, (TP.HCM) NXB Trẻ, 2015]

Năm 1926 khi cuốn sách ra đời, bên cạnh cái chết của Phan Châu Trinh, ở Việt Nam cũng diễn ra một sự kiện khác, thu hút sự quan tâm của giới trí thức là Nguyễn An Ninh – một trí thức rất được hâm mộ – bị người Pháp bắt. Dường như, chính Nguyễn An Ninh được hưởng lợi vì vụ bắt bớ diễn ra cùng thời điểm với cái chết của Phan Châu Trinh – một sự kiện rất lớn thời bấy giờ.

Philippe Peycam cũng xử lý nguồn tư liệu từ Sở Mật Thám: người Pháp, muốn kìm hãm tầm ảnh hưởng từ cái chết của Phan Châu Trinh, đã nghiêm cấm các cơ quan báo chí được đăng tin Nguyễn An Ninh – một trí thức phản kháng công khai và rất được người bản địa hâm mộ – bị bắt giam. Tuy nhiên, thông tin này vẫn ngầm được lan truyền trong tầng lớp thị dân.

Cuốn sách Cái cao vọng của bọn thanh niên Annam – Dân ước được in năm 1926 tại nhà in Xưa & Nay của Nguyễn Háo Vĩnh. Nguyễn Háo Vĩnh là một nhân vật rất quan trọng. Tôi không nghĩ có thể không nói về Nguyễn Háo Vĩnh trong câu chuyện về tân thư thời thuộc địa. Nguyễn Háo Vĩnh là một trong những nhân vật phản kháng nổi tiếng tại Saigon. Ông còn đặc biệt hơn ở vai trò tín đồ đạo Cao Đài. Nguyễn Háo Vĩnh dường như nhìn thấy có thể sử dụng bản dịch Rousseau phục vụ những mục đích riêng.

 

Cao Đài.jpg
Tín đồ Cao Đài tại Tây Ninh, năm 1930. – Ảnh: Walter Bosshard

 

Kết luận

Từ phần trình bày trên, tôi xin tạm kết luận sự hiện diện của Rousseau qua những bản dịch tại thời thuộc địa.

Chưa một tác phẩm nào của Rousseau được dịch hoàn chỉnh trong khoảng thời gian thuộc địa. Tôi thấy vô cùng mỉa mai: không hiểu tại sao không có lấy một vị trí thức nào dịch hoàn chỉnh một tác phẩm của Rousseau, người được thế hệ trí thức Phan Châu Trinh tôn là thầy Lư Thoa.

Khế ước xã hội gồm 4 cuốn với tổng cộng 48 chương. Nguyễn An Ninh phỏng dịch 5 chương đầu, gần hết cuốn đầu tiên. Còn phần dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, theo tài liệu của Emile Vayrac, một người thân cận với Nguyễn Văn Vĩnh, ông chỉ dịch được 6 tới 7 chương trong tổng số 48 chương cuốn Khế ước xã hội.

 

Phần phụ

Qua phần trình bày sự hiện diện của những bản dịch Rousseau thời thuộc địa, quý vị có thể hiểu nhầm tôi đang mỉa mai công việc dịch thuật thời thuộc địa. Nhưng hoàn toàn không phải. Tôi vô cùng trân trọng công việc dịch thuật. Bên cạnh đó, ngoài công việc dịch Rousseau, các trí thức thuộc địa cho ra mắt những bản dịch đột xuất.

Ví dụ, nhân vật chúng ta vừa nhắc tới, Nguyễn Háo Vĩnh là người đầu tiên dịch Shakespeare. Nguyễn Háo Vĩnh nhìn ra phương Tây không phải chỉ có Pháp mà còn một đại diện rất ưu tú, không phải ở lục địa mà hải đảo, Anh Quốc. Sau này, công việc dịch Shakespeare thời thuộc địa sẽ được Nguyễn Giang, con trai Nguyễn Văn Vĩnh tiếp tục.

Một trong những người tôi chịu ơn nhất, trong việc đọc, là những người dịch giả. Họ, dù nhận nhiều thiệt thòi, lần hồi suốt từ cuối thế kỷ XIX tới ngày nay, trải qua nhiều thế hệ, luôn cố gắng đem lại cho người đọc những bản dịch quan trọng nhất của từng tác giả thế giới.

Trên đây là phần trình bày của tôi. Với sự đọc ít ỏi, phần trình bày còn nhiều thiếu sót. Tôi rất hy vọng sự trao đổi của quý anh chị góp phần hoàn thiện hơn phần trình bày này. Xin cảm ơn.

 

————–

Ghi chép của tôi chuẩn bị cho buổi nói.

Đống ghi chép này có vài chỗ sai, sau đó tôi đã tự điều chỉnh lại.

 

ảnh 1

ảnh 2

ảnh 3

ảnh 4

ảnh 5

ảnh 1

ảnh 2

ảnh 3

ảnh 4

ảnh 5

ảnh 1

ảnh 2

 

Ghi chép của tôi khi nghe bài thuyết trình của anh Trần Đăng Dương (góc bên phải là số người đến tham dự buổi nói chuyện; trong lúc ngồi nghe, đôi lúc vẩn vơ, tôi đếm một hai ba người). Tôi đặc biệt quan tâm đến cách Phan Châu Trinh tách đạo đứcluân lý. Đạo đức và luân lý có trùng nhau không?

Tôi sẽ tìm hiểu thêm.

ảnh 3

 

 

Làm gì?

Có qua có lại, mới toại lòng nhau – Luận về biếu tặng của Marcel Mauss và tiếng vọng Nguyễn Văn Huyên

Tứ Ly viết (1)

Đọc “In ấn và quyền lực” của Shawn F. McHale

Nguyễn Văn Huyên

Phan Châu Trinh, Rousseau và Kant

Tân thư thời thuộc địa (1)

Tân thư thời thuộc địa (2)

Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh và Nhất Linh

Hồ Hữu Tường đã trở lại

Mọi cái tên

Nguyễn Giang năm 1951

Hoàng Ngọc Phách, độc giả của Durkheim

Lê Đình Chữ

Những kẻ phản kháng

Người đời trước

Một ảo tưởng

Đọc lại Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội

Nguyễn Văn Vĩnh và thiết chế làng xã

Câu chuyện về đội bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam

Theo dấu thợ ảnh Lai Xá từ thời thuộc địa tới Hà Nội bị chiếm đóng

 

Bình luận về bài viết này