Lịch sử là những phủ định liên tục

[Đọc lướt Plutarch (Ian Scott-Kilvert biên soạn, Bùi Thanh Châu dịch), Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens, Hà Nội: Omega+ & NXB Thế giới, 416 trang, khổ 16 x 24cm, 199.000 đồng]

“Sự thế như dòng nước trôi đi, sóng thúc vào nhau sinh ra như vậy. Có gì mà lạ.”

Tư Mã Thiên

 

Plutarch xét lịch sử từ những cá nhân kiệt xuất, vì mục đích của bộ Những cuộc đời song hành là nêu gương đức hạnh và suy đồi của những chính khách. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông không hiểu được vai trò của quần chúng trong lịch sử.

 

1.

Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens được Ian Soctt-Silvert biên soạn và dịch sang tiếng Anh từ bộ sử vĩ đại của Plutarch (khoảng 46 – 120), Những cuộc đời song hành. Trong nguyên bản, Plutarch viết tiểu sử về 46 cặp anh hùng Hy Lạp và La Mã. Còn Ian Soctt-Silvert soạn tiểu sử về tám nhân vật từ buổi đầu Athens thành lập tới khi bị Sparta đánh bại năm 404 TCN.

Từ những ghi chép chi tiết trứ danh của Plutarch, quy luật của sự vận động lịch sử hiện ra: lịch sử là những phủ định liên tục. Với lịch sử của thành Athens, hai động lực của quy luật này là 1) mâu thuẫn giữa quý tộc – người nghèo và 2) mâu thuẫn giữa hai nền chính trị của Athens – Sparta. Trong thế kỉ V TCN khi Athens hết chiến tranh với Ba Tư (490 TCN – 479 TCN) lại chống Sparta (431 TCN – 404 TCN) thì hai mâu thuẫn trên biểu hiện ở sự xuất hiện và bị phế truất liên tục của sáu thống chế kiệt xuất.

 

2.

Động lực chủ yếu chi phối quy luật của sự vận động lịch sử Athens là mâu thuẫn quyền lợi giữa quý tộc và người nghèo. Trong những thời đại mà giao thông và tư liệu sản xuất còn thấp kém thì con người quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên. Thành Athens hướng mặt ra biển, tức được thiên nhiên trao cho một hệ thống giao thông đường biển do đó lựa chọn thương nghiệp. Mặt hàng xuất cảng chủ yếu là dầu oliu, rượu nho và đồ thủ công. Tình trạng này tất yếu dẫn đến việc của cải rơi vào tay thiểu số, còn đa số công dân không được hưởng lợi. Những công dân giàu có nhất thành lập tầng lớp quý tộc, sống dưới đồng bằng màu mỡ, ra sức chiếm lấy ruộng đất tư nhân để độc canh cây oliu và nho. Họ muốn một chế độ quý tộc để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngược lại, những công dân nghèo chỉ sở hữu những phần đất nhỏ, xấu và bị phân tán trên đồi núi nên sản xuất ít, sống rất vất vả. Những người này thì đòi phân phối lại ruộng đất, vì vậy muốn một chính phủ dân chủ trực tiếp. Đến thế kỷ VI TCN, Quan Chấp chính Solon (640/635 TCN – 560 TCN) không đứng hẳn về quyền lợi của một phe mà thực hiện một số cải cách để xoa dịu mâu thuẫn. Cả quý tộc lẫn người nghèo đều bất mãn với sự trung dung của ông này.

Tuy nhiên, từ thế kỷ VI TCN đến thế kỷ V TCN luật pháp Athens tăng dần quyền lực của công dân trong những thiết chế dân chủ. Bằng chứng là thiết chế đại diện cho quyền lợi của quý tộc, Hội đồng Nguyên lão chỉ quản lý đền thờ và xét những vụ án giết người. Ngược lại, Đại hội Quốc dân gồm 6.000 thành viên có nhiệm kỳ một năm nắm trong tay hầu hết quyền lực của lập pháp, tư pháp và hành pháp. Điều này đưa đến một “nền bạo chúa của đám đông” như Alexis de Tocqueville hẳn sẽ nói. Mâu thuẫn giữa người nghèo và quý tộc không những không được giải quyết mà còn gia tăng.

Động lực thứ hai – không phải từ nội bộ mà đến từ bên ngoài – là mâu thuẫn với thể chế quân chủ kết hợp thiểu số quý tộc của Sparta. Đối lập với Athens hướng ra biển, Sparta bị kẹt trong đất liền nên lựa chọn một kinh tế thời chiến. Nhờ vậy nó hùng mạnh nhất thế giới Hy Lạp. Nhưng sau chiến tranh Ba Tư năm 479 TCN, Athens trở thành một đế chế, bắt những thành bang trong Liên minh Delos làm thuộc địa. Mà cả Sparta lẫn Athens đều muốn làm bá chủ vùng Địa Trung Hải, lo ngại kẻ địch sẽ lật đổ thể chế chính trị của mình từ bên trong nên đã tiến hành cuộc chiến tranh Pelopennese (431 TCN – 404 TCN).

Để chiến thắng Sparta, thành bang Athens đứng trước hai lựa chọn. Một là tổ chức lại thể chế theo mô hình quý tộc của Sparta. Việc chiến tranh sẽ do thiểu số sáng suốt quyết định một cách nhất quán. Lựa chọn thứ hai phủ định lựa chọn thứ nhất, tức là vẫn giữ nền dân chủ. Những người ủng hộ lựa chọn này cho rằng không thể bảo vệ một nền dân chủ bằng cách phá hủy nó. Chính trị của Athens, vốn lệ thuộc vào số đông, chao đảo giữa hai lựa chọn này suốt những năm chiến tranh.

 

3.

Mọi vị trí trong bộ máy nhà nước của Athens đều được chọn bằng việc bốc thăm, chỉ trừ vị trí thống chế. Hội đồng Quốc dân sẽ tổ chức để công dân lựa chọn hoặc phế truất một thống chế. Suốt thế kỷ V TCN vị trí này lần lượt trao cho những người ủng hộ chế độ quý tộc và dân chủ.

Hai thống chế trong thời gian chiến tranh chống Ba Tư lần lượt là Aristides (525 TCN – 460 TCN) và Themistocles (520 TCN – 468 TCN). Aristides đại diện cho tầng lớp quý tộc. Ông xuất thân trong gia đình thượng lưu, ngưỡng mộ chế độ chính trị của thành bang Sparta và nổi tiếng khắp Hy Lạp vì sự công minh. Đối lập với những người đại diện ủng hộ chế độ dân chủ luôn đặt quyền lợi của số đông công dân lên hàng đầu, Aristides chủ trương đặt lợi ích của thành bang lên cao nhất. Themistocles thì đại diện cho những người nghèo, xuất thân thấp hèn nhưng ít ai trên đời nhiều tham vọng bằng. Chính Themistocles đã đẩy Arisides lưu đày 10 năm khi tố cáo ông này mưu đồ lật đổ nền dân chủ. Nhưng năm 472 TCN, sau cuộc chiến 7 năm, chính Themistocles cũng bị vu cáo nên phải chịu lưu đày.

Trong quãng thời gian gần nửa thế kỷ giữa hai cuộc đại chiến, hai vị thống chế của Athens là Cimon và Pericles. Nhận được sự hậu thuẫn của người đi trước Aristides, Cimon lên thay Themistocles. Ông cũng đại diện cho những quý tộc nên đã hạn chế những nỗ lực tập trung quyền lực của công dân nghèo, đồng thời bảo vệ những đặc quyền của những người giàu. Do đó những công dân nghèo vô cùng bất mãn và chỉ chờ dịp là lật đổ ông. Trong lần Cimon rời Athens năm 462 TCN, dân chúng được “tháo cũi”. Pericles (khoảng 495 TCN – 429 TCN) là một quý tộc nhưng ủng hộ dân chủ, đã lãnh đạo dân chúng, biến thành bang trở thành một nền dân chủ triệt để. Lúc Cimon trở về thì bị phe dân chủ tố cáo tội phản quốc, phải chịu lưu đày. Pericles lên thay. Dù trao cho công dân uy quyền rất lớn, ông không bao giờ nhượng bộ những cơn bốc đồng của người Athens. Sử gia Thucydides, đối thủ chính trị của Pericles mô tả chính quyền của ông chỉ “dân chủ trên danh nghĩa, nhưng thực tế được điều hành bởi những công dân hàng đầu”.

Sau giai đoạn trị vì gần 30 năm của Pericles, Athens bước vào cuộc chiến tranh với Sparta dưới thời thống chế Nicias (470 TCN – 413 TCN). Ông giàu có, nhiều lần nói ngược lại ý kiến của số đông công dân và đại diện cho quý tộc. Nhưng vốn sợ quyền lực của số đông, Nicias luôn thận trọng và giữ khoảng cách đến mức không tham gia bất cứ bữa tiệc hay buổi lễ nào. Suốt mười năm chiến tranh khắp Hy Lạp (431 TCN – 422 TCN), thành bang này chịu nhiều thất bại nặng nề do đó cử thống chế Nicias đến thương thảo với kẻ thù. Người Sparta  vô cùng ngưỡng mộ tài quân sự của Nicias nên đồng ý ký  hiệp ước hòa bình 50 năm, chấm dứt 10 năm chiến tranh khắp lãnh thổ Hy Lạp (431 TCN – 422 TCN). Lúc bấy giờ lãnh tụ phe dân chủ, Alcibiades (450 TCN – 404 TCN) đố kỵ với những thành công của Nicias. Hắn ta nhồi sọ người dân rằng thành Sparta tráo trở, không thực hiện đúng hòa ước. Dân chúng vì vậy căm thù và phế truất Nicias. Sau khi lên nắm quyền, Alcibiades tuyên truyền để Athens cướp bóp đảo Sicily để có tiền tham chiến. Kết quả, khỏi phải nói, Athens thua thảm. Thành bang này chìm trong những thất bại liên tục. Đến năm 404 TCN thì chính thức trở thành thuộc địa của Sparta.

 

4.

Trong lần hiếm hoi tổng kết lịch sử Hy Lạp, sử gia Plutarch viết: “Hy Lạp đã chiến đấu mọi trận chiến chống lại [sự nô dịch của ngoại bang] và sự tự nô dịch chính mình. Nó dựng lên tất cả các đài tưởng niệm về nỗi ô nhục và bất hạnh của chính mình và hầu như mọi tội lỗi cùng tham vọng ở những con người vĩ đại của nó đã đưa nó tới cảnh đổ nát suy vong”. Ông luôn xét lịch sử từ những cá nhân kiệt xuất, vì mục đích của bộ Những cuộc đời song hành là nêu gương đức hạnh và suy đồi của những nhân vật trong lịch sử. Plutarch cho rằng một chính khách cần dùng lý trí để giữ đức hạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng không có nghĩa là ông không hiểu vai trò của quần chúng trong lịch sử. Thực vậy, những nhân vật của Plutarch luôn ở trong những quan hệ xã hội tất yếu của nền dân chủ Athens, và đại diện cho ý chí của một phe nhất định (Solon là người trung dung duy nhất).

Chính nền dân chủ đồng thời đưa đến sự vinh quang lẫn suy tàn cho thành bang này. Plutarch hiểu rằng một chế độ hoàn hảo tuyệt đối không tồn tại. Bởi vì con người có một nhu cầu bất biến  là khắc phục tất cả mọi mâu thuẫn, do đó chế độ cũ sụp đổ và chế độ mới xuất hiện với tư cách sự phủ dịnh của cái cũ. Chính quá trình phát triển và tiêu vong không ngừng đó là lịch sử của xã hội loài người.

Tháng Mười 2019

[Cảm hứng của tiểu luận này là một cuốn sách nhỏ của Engels về Feuerbach, tiểu luận Văn hóa Hy Lạp của Phan Ngọc (tại sao cần chú ý đến thành bang nhỏ này? vì nó là một mẫu để xét xã hội Châu Âu; nó chỉ khác xã hội tư bản chủ nghĩa ở việc không tồn tại lao động tự do) (tôi quên mất chưa liệt kê hai cuốn nữa của Plekhanov 1) Những vấn đề của chủ nghĩa Marx [đây là một thứ Tạ Thu Thâu chỉ cho Trần Văn Giàu đọc, xét rộng ra thì trí thức Việt Nam thời thuộc địa phần nhiều đọc Marx qua trung gian là Engels, Lenin, Plekhanov và Stalin, Đặng Thai Mai hấp dẫn tôi vì đó là một ngoại lệ] 2) Sự phát triển của quan niệm nhất nguyên về lịch sử – cuốn thứ hai làm tôi mất ngủ một đêm) và một cú đọc rất bất ngờ:

IMG_6149.JPG

Trước đây cứ coi thường đồng chí Mao. Không ngờ đồng chí viết hấp dẫn vậy (điều Alain Badiou viết về Mao Trạch Đông, tôi không nắm bắt trực tiếp mà trải qua trung gian là câu nói của Tư Mã Thiên – hai câu cuối trong Bình chuẩn thư). Nhưng tại sao một người học trò của Lenin lại rơi vào lý tưởng luận? Tôi sẽ thử tìm cách trả lời.]

3 bình luận về “Lịch sử là những phủ định liên tục

  1. Đọc bài này, tôi tự hỏi nếu Nicias không bị phế truất, thì lịch sử Athens sẽ như thế nào? Thế nên tôi không nghĩ lịch sử chỉ là các quy luật của phát triển và tiêu vong. Nó luôn dựa vào sự bất định của những cá nhân cụ thể, và trong ý thức của xã hội cụ thể

    Thích

  2. Bài báo này tôi kết hợp siêu hình học của Engels lúc cuối đời với cấu trúc luận, nhằm chỉ ra 1) “tính đảng” xuyên suốt lịch sử con người 2) mâu thuẫn xã hội ấy nằm ở cấp độ rất sâu của cấu trúc xã hội con người. Thành phố Athens quả thật chỉ là một tiêu bản để tôi chứng minh trực giác của mình.

    Thật thế, tôi chưa yêu sự thật cho bằng muốn chứng minh trực giác của mình. Làm sao triết lý khi không yêu sự thật? Tôi đang cố gắng để không chạy trốn sự thật, dù rất khó và rất đau. Tôi không thể làm được nếu không có tình yêu.

    Thích

Bình luận về bài viết này