Nguyễn Văn Huyên (3)

Đặt vấn đề giống Hoàng Đạo Thúy. Sau khi đọc lại Nguyễn Văn Huyên, tôi sẽ làm gì? Tôi không nhìn thấy Nguyễn Văn Huyên nhưng đang cố để hiểu ông.

Tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ lặp lại thao tác Nguyễn Văn Huyên để đánh giá chính Nguyễn Văn Huyên. Trong các công trình nghiên cứu, tất tần tật kể cả luận văn cho đến bài tiểu luận chục trang hay thông báo buổi thuyết trình, Nguyễn Văn Huyên đã làm gì? Nguyễn Văn Huyên tìm những mối quan hệ giữa cái này và cái kia, mối quan hệ giữa cái này và tổng thể. Nguyễn Văn Huyên trước nhất là người dựng những mô hình, cấu trúc thể hiện thực tại. (xem thêm ở kia)

Khái niệm sự kiện xã hội toàn bộ của Mauss là một cách để Nguyễn Văn Huyên thực hiện thao tác của mình. Nguyễn Văn Huyên đặt hoạt động hát đối vào trung tâm của mô hình, cấu trúc giả định để tìm những mối quan hệ giữa hoạt động hát đối và thơ ca, ma thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, luật pháp, hôn nhân,…

Để trả lời câu hỏi lớn “Nguyễn Văn Huyên là ai”,  tôi tự đặt ra những câu hỏi nhỏ hơn, và có thể đặt những câu hỏi nhỏ hơn nữa.

Thứ nhất: Nguyễn Văn Huyên, ít nhất là trước khi toàn tập được xuất bản năm 1995, 1996, có vị trí như thế nào trong các bộ môn nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam?

Thứ hai: Mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Huyên và những trí thức cùng thế hệ trong thời thuộc địa.

Cụ thể hơn, mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Huyên và Tự Lực văn đoàn. Nguyễn Văn Huyên và Nhất Linh là bạn thân từ những ngày ở Pháp. Hôm đến bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, tôi đã hỏi ông Nguyễn Văn Huy về chuyện tình duy trắc trở của Nguyễn Văn Huyên và Vi Kim Ngọc. Dù cách biệt hơn chục tuổi và sự phản đối của gia đình, bà Vi Kim Ngọc vẫn kiên quyết lấy Nguyễn Văn Huyên. Một chi tiết khiến tôi rất chú ý là Vi Kim Ngọc là độc giả của Tự Lực văn đoàn. Điều này không quá bất ngờ; cả một thế hệ trưởng thành những năm 30s, 40s của thế kỷ trước đều đọc Tự Lực văn đoàn. Nhưng điều quá dễ nhìn thấy lại vô cùng khó để hiểu. Tự Lực văn đoàn là gì?

Nguyễn Văn Huyên đã xuất hiện trên những tờ báo phổ thông như Tri tân (rất dễ hiểu vì mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Tố, trụ cột của Tri tân) và Thanh nghị. Vậy Nguyễn Văn Huyên đã từng xuất hiện trên cơ quan ngôn luận của Tự Lực văn đoàn chưa?

Nguyễn Văn Huyên đã từng xuất hiện trên Ngày nay kỷ nguyên mới 1945. Nhân sự của Ngày nay kỷ nguyên mới, tuy vẫn còn hai yếu nhân của Tự Lực văn đoàn là Khái Hưng và Tứ Ly, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long hay vài thành viên khác như Thế Lữ, Tú Mỡ, nhưng không còn Thạch Lam (chết năm 1942) và thủ lĩnh Nhất Linh. Tự Lực văn đoàn sau khi Nhất Linh tham gia cách mạng và khi Khái Hưng, Nguyễn Tường Long bị đi tù rất rất khác Tự Lực văn đoàn những năm đầu.

 

1945-nvh-tre1baa3-le1bb9di-phe1bb8fng-ve1baa5n.jpg

 

Không chỉ mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Huyên – Tự Lực văn đoàn, tôi cần biết thêm mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Huyên và các trí thức thời kỳ bấy giờ. Thiên tài Nguyễn Văn Huyên có được nhận ra bởi các trí thức thời thực địa hay không? Quả là một đề tài quá lớn.

Tại sao những năm 1930s, ở Việt Nam lại xảy ra nhiều sự kiện như vậy: (1) Phan Khôi ở miền Nam là nhà lý thuyết phê bình Nho giáo (sau một trăm năm, những gì một người Việt Nam bình thường nghĩ tới Nho giáo hầu hết đều là lặp lại lời Phan Khôi; Phan Khôi định hình ý thức chung về Nho giáo), (2) Tự Lực văn đoàn xuất hiện, mặc dù chúng ta cần phải chú ý đến những bài luận của Tứ Ly hay Khái Hưng, Nhất Linh nhưng nổi bật nhất phải là tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn: Khái Hưng, Nhất Linh và Tứ Ly Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long sau này mới xuất hiện, (3) Nguyễn Văn Huyên xuất hiện.

Nguyễn Văn Huyên xuất hiện để nói điều gì?

Bình luận về bài viết này