Nguyễn Văn Huyên (2)

Mối quan hệ giữa tôi và Nguyễn Văn Huyên, nói đúng hơn là những cuốn sách của Nguyễn Văn Huyên, là không hề dễ dàng. Đáng lẽ, tôi phải nhận ra Nguyễn Văn Huyên từ sớm, ít nhất là bốn năm trước.

Lần đầu tiên tôi đọc Nguyễn Văn Huyên, chỉ là một đoạn trích:

 

chiến tranh chống Liễu Hạnh

 

Nó nằm trong cuốn sách này:

 

đạo Mẫu Việt Nam

 

Đây là cuốn sách tôi thích nhất hồi học năm nhất; kể từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ đọc lại. Chắc hôm nào đó phải đọc lại.

Cũng là năm nhất, tôi không chỉ bỏ qua Nguyễn Văn Huyên mà còn ngu ngốc bỏ qua một nhân vật nữa là Karl Marx. Thay vào đó, tôi nghe và đọc những thứ gì? Toàn những thứ đáng vứt vào sọt rác; những tác giả hùng hổ chế giễu, phê phán Marx và những nhà Marxist. Phải mãi gần đây, tôi mới có thể bắt đầu đọc Marx; dù sao muộn vẫn còn hơn không.

Nguyễn Văn Huyên cũng như vậy. Tôi không bắt dầu đọc Nguyễn Văn Huyên cho đến năm ba và đầu năm tư. Đó là những ngày ngồi lì ở thư viện trường và những cuộc đọc đứt đoạn. Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy, dường như mình chưa đọc Nguyễn Văn Huyên. Dù đã tổ chức một buổi nói về Nguyễn Văn Huyên (xem ở kia) nhưng dường như tôi chưa thực sự đọc Nguyễn Văn Huyên.

Phải đến những ngày gần đây, tôi mới đọc lại được Nguyễn Văn Huyên.

 

complete works NVH.jpg

 

Cuộc đọc lại làm những gì tôi đánh giá về Nguyễn Văn Huyên phải được điều chỉnh. Rất dễ thấy bài nói Có qua có lại mới toại lòng nhau: Luận về biếu tặng của Marcel Mauss và Nguyễn Văn Huyên chỉ là cách xử lý dễ nhất (và cũng có thể là cẩu thả nhất) để đánh giá Nguyễn Văn Huyên.

Tại sao? Vì tôi lúc ấy chưa biết phải làm gì.

Tôi từ chối chộp bắt những ý tưởng về sự ảnh hưởng của lý thuyết Levy-Bruhl lên Nguyễn Văn Huyên chỉ vì Nguyễn Văn Huyên đã viết một tiểu luận ngay sau khi Levy-Bruhl mất. Ảnh hưởng là tự vị tôi rất ngại và luôn cố gắng tránh. Tại sao lại thế? Vì sự ảnh hưởng rất dễ thấy và nó có thể làm người viết lâm vào ảo tưởng. Ở riêng trường hợp mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Huyên và Levy-Bruhl, một điều nữa khiến tôi cố tránh nắm bắt nhanh những ý tưởng – mà tôi biết đây là cách rất thuận tiện nhưng cửa lớn chỉ dẫn đến địa ngục thôi, tôi không nhớ đoạn này nằm trong Phúc âm của ai trong số bốn ông thánh Thiên Chúa giáo – là vì, ngoài một cuốn sách được dịch ra tiếng Việt, tôi chưa hề đọc Levy-Bruhl. Thậm chí, tôi còn không để ông trong danh sách những người tôi cần đọc hết kiệt. Làm sao một cuốn sách có thể thể hiện đầy đủ kích cỡ một con người. Thà không đọc gì hết còn hơn là rơi đúng vào kiểu đọc lệch lạc.

Tôi đang cố để hiểu Nguyễn Văn Huyên.

Tôi không hề phản đối những đánh giá của người khác về Nguyễn Văn Huyên. Tôi đã đọc và từ chối những cách đánh giá đó. Tôi từ chối cả những bình luận gần thời gian gần đây, nhiều người đánh giá Nguyễn Văn Huyên ở khía cạnh liên ngành trong nghiên cứu. Không, Nguyễn Văn Huyên không phải như vậy.

Một người bạn hỏi tôi tại sao lại chọn trình bày về Nguyễn Văn Huyên, – một người đã được viên mãn: không bị trù dập hay lãng quên như nhiều trí thức khác, thậm chí còn giữ chức bổ trưởng, được đặt tên đường ở Hà Nội, hậu duệ (con trai) cũng giữ chức vụ cao trong giới khoa học. Đây thực ra là một câu hỏi rất dễ trả lời.

Bình luận Nguyễn Văn Huyên cũng như bình luận Kiều. Khẳng định Kiều là kiệt tác hay Nguyễn Văn Huyên là nhân vật lớn rất dễ. Bao nhiêu thế hệ suốt hai trăm năm, dưới nhiều hình thức khác nhau, đã bình luận Kiều nhưng chỉ vài người chỉ ra tường minh lý do Kiều là kiệt tác. Nhưng ở trường hợp Nguyễn Văn Huyên, ngay cả Hà Văn Tấn – một người cực kỳ may mắn được đứng tên chủ biên toàn tập Nguyễn Văn Huyên, một vinh dự lớn lao; chắc chắn, Hà Văn Tấn sẽ còn được tiếng thơm nhiều đời vì công việc này – cũng không nhìn thấy Nguyễn Văn Huyên.

 

Bình luận về bài viết này