Tân thư thời thuộc địa (1)

Cảm ơn anh Dương về phần thuyết trình. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc đọc Rousseau của Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh, mặc dù đang bị nhiều thế lực lợi dụng vào những mục đích không vô tư, với tôi, là nhân vật quan trọng để người đời sau, với khoảng cách 100 năm, nhìn về quá khứ thời thuộc địa.

Trước hết, từ bài nói chuyện của anh Trần Đăng Dương về sự đọc Rousseau của Phan Châu Trinh, tôi nghĩ một câu hỏi xứng đáng được đặt ra: Tại sao các trí thức Việt Nam thời thuộc địa tìm đọc các tác phẩm của phương Tây (thường gọi là “tân thư”).

Nhiều học giả, như Trịnh Văn Thảo, đã đề cập hai nguồn tân thư chính thời thuộc địa, tức cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX: (1) Các tác phẩm phương Tây nguyên bản Pháp ngữ hoặc được dịch sang tiếng Pháp và (2) Các bản dịch chữ Hán được truyền vào Việt Nam từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc.

Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, với đại diện là Pháp, các trí thức Việt Nam tìm đọc tân thư vì nhu cầu muốn hiểu kẻ xâm lược. Kẻ xâm lược rút cuộc là ai? Hồ Chí Minh, trong thời gian ở hải ngoại, cũng có mục đích khi đọc tân thư là hiểu sâu sắc kẻ xâm lược, một nước tư bản.

Bên cạnh đó, các trí thức thuộc địa còn một mục đích khác khi tiếp cận nguồn tân thư. Họ dường như tìm thấy trong những tác phẩm phương Tây những luận điểm phù hợp với mục đích của bản thân và có thể đem áp dụng trong trường hợp Việt Nam.

Trong tiểu luận Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của cuộc cách tân thuộc địa ở Việt Nam, Christopher Goscha đã nhắc lại mục đích dịch các tác phẩm phương Tây như ngụ ngôn La Fontaine hay hài kịch Moliere của Nguyễn Văn Vĩnh: (1) đả phá chế độ quân chủ vẫn còn tồn tại ở Việt Nam và (2) thể hiện tinh thần phản kháng của dân Việt Nam trước sự đàn áp của người Pháp.

Một số trí thức đấu tranh chính trị công khai như Nguyễn An Ninh, trong khoảng thời gian làm báo tại Sài Gòn những năm 1920s, đã trích dẫn, trích dịch những tác phẩm phương Tây như Dân ước của Rousseau. Ông còn cùng Phan Văn Tường đã đăng báo bản dịch toàn văn Tuyên ngôn Cộng Sản của Marx và Engels. [Đọc: Philippe Peycam (Trần Đức Tài dịch), Làng báo Sài Gòn 1916 – 1930, (TP.HCM) NXB Trẻ, 2015; tham khảo bản gốc: Peycam Philippe, The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon 1916-1930,  (New York, Chichester & West Sussex) Columbia University Press, 2012.]

Từ những phần đã trình bày, tôi không coi hai luận điểm trên [Luận điểm 1: các trí thức Việt Nam đọc tân thư để hiểu phương Tây. Luận điểm 2: các trí thức Việt Nam thời thuộc địa đọc tân thư vì họ, dường như tìm thấy trong những tác phẩm phương Tây những luận điểm phù hợp với mục đích của bản thân và cả thể đem áp dụng vào trường hợp Việt Nam.] là hai hành động, hai mục đích riêng biệt khi tìm đọc tân thư của các trí thức thời thuộc địa.

Tôi sẽ trình bày một sơ đồ mục đích đọc tân thư của các trí thức thời thuộc địa. Sơ đồ này gồm ba chặng. Chặng đầu tiên là hiểu Việt Nam tức hiểu bản thân. Chặng thứ hai là hiểu phương Tây tức hiểu kẻ khác.

Từ sự hiểu bản thân và hiểu kẻ khác, các trí thức thời thuộc địa sẽ tiến đến chặng cuối cùng: Hiểu lại bản thân tức hiểu lại Việt Nam.

Với tôi, sự hiểu Việt Nam không thể chỉ dừng lại bằng việc chấp nhận thân phận của mình như một người bản địa. Bởi vì chúng ta, những người bản địa, không thể nhìn thấy nhiều thứ nếu không có đủ khoảng cách [với đối tượng].

Trong trường hợp không giữ được khoảng cách, chúng ta phải tự tạo ra khoảng cách. Các trí thức thời thuộc địa đã tìm ra cách để tự tạo khoảng cách [với đối tượng] là đọc tân thư.

Các trí thức thời thuộc địa đang giải một câu hỏi, một câu hỏi từ các triết gia cổ đại tới hiện nay vẫn tìm kiếm câu trả lời: Tôi là ai?

Phương pháp của các triết gia cổ đại là thâm nhập bản thân để tự hiểu bản thân mình, từ đó trả lời được câu hỏi. Còn phương pháp của các trí thức thuộc địa được sử dụng là: Tôi có thể hiểu được bản thân bằng cách hiểu kẻ khác.

Tôi xin nhấn mạnh: việc hiểu kẻ khác là một điều rất khó và chỉ từ hành động đó [hiểu kẻ khác] thì chúng ta mới có thể hiểu lại chính mình.

Tôi nghĩ, ba chặng trong sơ đồ không quá khác so với hành động lìa hồn khỏi xác. Hồn ta, sau khi lìa khỏi xác, sẽ nhìn lại bản thân mình từ một khoảng cách.

Sau khi đã trình bày một sơ đồ, tôi sẽ nói đến nguồn cảm hứng [để từ đó tôi trình bày sơ đồ. Tôi không trình bày sơ đồ trước rồi sau đó mới khuông ép các trường hợp trong thực tại; quá trình diễn ra ngược lại.] là Nguyễn Văn Huyên. Nguyễn Văn Huyên là một thiên tài trong các thế hệ trí thức thời thuộc địa, là người tôi dành rất nhiều sự ngưỡng mộ.

 

[Bài nói này trích từ phần trình bày của tôi tại buổi Agora lần 23 do HopeLab tổ chức, 18h30 ngày 17 tháng Ba 2018 tại Tổ Chim Xanh]

Ảnh minh họa: Các hương chức trong một làng gần Hà Nội khoảng những năm 1920s – Ảnh:  Leon Busy.

 

Làm gì?

Có qua có lại, mới toại lòng nhau – Luận về biếu tặng của Marcel Mauss và tiếng vọng Nguyễn Văn Huyên

Tứ Ly viết (1)

Đọc “In ấn và quyền lực” của Shawn F. McHale

Nguyễn Văn Huyên

Phan Châu Trinh, Rousseau và Kant

Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh và Nhất Linh

Hồ Hữu Tường đã trở lại

Mọi cái tên

Nguyễn Giang năm 1951

Hoàng Ngọc Phách, độc giả của Durkheim

Lê Đình Chữ

Những kẻ phản kháng

Người đời trước

Một ảo tưởng

Đọc lại Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội

Nguyễn Văn Vĩnh và thiết chế làng xã

Câu chuyện về đội bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam

Theo dấu thợ ảnh Lai Xá từ thời thuộc địa tới Hà Nội bị chiếm đóng

 

Bình luận về bài viết này