Vô thần

Liệu sự tồn tại của một người thực sự có một ý nghĩa nào đó không? Tôi trố mắt lên trước những kẻ tìm thấy ý nghĩa ở mọi thứ trên đời này, thậm chí ở cả những mẩu truyền đơn lời lẽ tăm tối hay chuyện ba xu về mọi vấn đề trên facebook của các vị trí thức phản biện xã hội. Có thể, có thể rất nhiều điều tồn tại chỉ có duy nhất một ý nghĩa: có ngu mới đi quan tâm mấy chuyện này.

Nhưng con người tự nhận mình là vô thần kia (xem sự xuất hiện của anh ta ở kiaở kia), cái sự tồn tại của anh ta có một ý nghĩa đối với cá nhân tôi. Đặc biệt hơn nữa, khi vị ấy lên tiếng nói về sự văn minh, về tiến bộ, về lý tính  của con người hiện đại.

Vị ấy quả là có đức tin.

Đức tin sâu sắc vào sự tiến bộ của xã hội, đức tin sâu sắc vào cái xã hội hội ngày hôm nay – thường nó tự gọi mình là xã hội đang trên đà tiến bộ, cứ như thể nó độc đáo lắm vậy, nó nhổ toẹt và thè lưỡi nhạo báng quá khứ, cứ thích uốn éo để tự đối lập với xã hội trong quá khứ – sẽ lên cao nữa, lên cao mãi.

Vị ấy còn viết văn và đọc sách triết của Nietzsche, lại là diễn giả của một chương trình về Kafka. Nhưng tại sao một con người có đức tin về sự tiến bộ xã hội lại đọc được Kafka, lại trở thành một độc giả của Kafka được?

Trong khi vị ấy, chắc chắn, sẽ thuyết trình về tiểu thuyết phi lý của Kafka, thì điều phi lý nhất chẳng hề là sự viết của Kafka mà là tại sao vị ấy có thể trở thành một độc giả của Kafka được. Đó mới thực phi lý. Kafka, trong châm ngôn thứ 48 của loạt châm ngôn Zurau, chẳng phải đã viết rất giấy trắng mực đen: “Đức tin vào quá trình phát triển, tiến bộ tức là không tin vào bất cứ quá trình phát triển, tiến bộ nào mới vừa được diễn ra. Nhưng đấy đâu phải một đức tin.”

Có lẽ người ta đâu cần phải đọc Kafka để xiển dương cho Kafka?

Phạm Quỳnh xưa kia dường như đâu cần phải đọc hết các triết gia để có thể viết về họ đăng trên tờ tạp chí – tự bản thân nó nhận mình là cơ quan tư tưởng văn chương, muốn truyền bá kiến thức và nhất là nhấn mạnh sự phục vụ của nó đối với xã hội, đâu có khác gì tay tư bản láu cá xuất hiện trên báo chí, thuyết trình về những nỗ lực chấp nhận thua thiệt để phục vụ xã hội của mình.

Nhưng chúng ta làm sao hiểu nổi đầu óc cao siêu của nhân vật có đức tin sâu sắc như thế.

Đức tin mãnh liệt vào sự tiến bộ xã hội được đền đáp bằng điều tốt đẹp mà vị ấy đã liệt kê ra như văn minh hay lý tính của con người (hay là vị ấy muốn nói đến lý trí chăng?) đâu khác gì các con chiên ngoan đạo vái lạy sùi sụt trước sự hiển linh của Chúa hay đức tin sâu sắc của một nhà tư bản sẽ lấy ra được phần giá trị thặng dư sau khi đã bỏ vốn đầu tư.

Đức tin của vị ấy càng mạnh mẽ hơn khi chứng kiến những phần thưởng sau chót – ai là người thưởng cho vị ấy? – cho đức tin của mình.

Dường như, điều Dostoyevsky nói ra chính là đây. Kẻ đứng trên đỉnh cao là kẻ đang ở vực thẳm. Trong đánh bạc, kẻ sắp sạt nghiệp chính là kẻ có nhiều khả năng nhất trở thành kẻ thắng rất rất lớn. Điều tốt đẹp nhất cũng tức là điều tồi tệ nhất.

Và kẻ vô thần nhất chính là con chiên ngoan đạo nhất.

Tại sao các cha xứ Kito giáo lại gay gắt chỉ trích những người vô thần như vị nhà văn của chúng ta? Đừng quá quan tâm đến biểu hiện ra bên ngoài của vị linh mục vì ẩn sau là nụ cười mỉm bên trong. Họ biết rõ lắm chính vị vô thần của chúng ta mới đang phục vụ đắc lực cho giáo hội của họ. Dù có phi lý đến đâu nhưng chuyện là vậy.

Nếu có chết quá sớm – vì tại sao phải sống quá lâu và hơn nữa, tại sao cứ phải tỏ ra kính trọng những vị cao niên? – tôi vẫn có dục vọng được xem những năm tháng cuối đời của vị nhà văn, tự nhận mình là vô thần kia.

Vị ấy sẽ kiên cường như những nhà phản biện xã hội giữ vững đức tin vô thần của mình ư?

Không đâu!

Con người khi xưa có đức tin sâu sắc vào sự tiến bộ của xã hội, giờ đây nói chuyện triết lý về chân lý ở đời, hạnh phúc đích thực, chữ duyên, về sự vô thường, siêng năng đi chùa, tụng kinh tại gia, rưng rức nghe mấy bài hát của Trịnh Công Sơn “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” ngậm ngùi nghĩ Văn Điển đâu còn xa.

Hoặc giả, vào những phút cuối trước khi lâm trung, con người có đức tin sâu sắc của chúng ta sẽ cho con cháu đi gọi linh mục để rửa tội. Linh mục, con người đạo đức giả ngày trước, sẽ vui vẻ nhận lời và làm lễ và động viên vị ấy trước những tràng khóc nốc, nước mắt ngắn nước mắt dài. Đây là một cảnh Dostoyevsky đã viết trong The friend of the family. Tôi cũng không hiểu nổi mình, phải nói đúng hơn là sự viết của bản thân, nó hoàn toàn độc lập so với ý thức của tôi, như một dạng của cầu cơ, thường diễn ra ban đêm. Và tại sao, hoàn toàn không chủ đích, tôi lại liên tục nhắc tới Dostoyevsky? Tôi ý thức cao độ phải thoát khỏi việc bị ông ta ám nhưng dường như tôi không thoát được.

Lễ rửa tội chỉ là hình thức thôi, vì cả linh mục lẫn Chúa của ông ta đều hiểu rõ vị nhà văn của chúng ta suốt đời có đức tin hơn bất cứ con chiên ngoan đạo nào hết. Chúa chẳng bao giờ thiếu khoan dung với những con người có đức tin sâu sắc như anh ta.

 

Bình luận về bài viết này