Đọc “In ấn và quyền lực” của Shawn F. McHale

Quá trình đọc Print and power: Confucianism, Communism and Buddhism in the making of modern Vietnam (In ấn và quyền lực: Khổng giáo, Chủ nghĩa Cộng Sản và Phật giáo trong sự hình thành Việt Nam hiện đại) gây cho tôi một cảm hứng lớn.

Cách đây ba tháng, tôi đã đọc nó cùng lúc với hai cuốn nữa, một của Trịnh Văn Thảo, một của học giả Mỹ tên Philippe M.F.Peycam, không phải vì vô ý.

Trước khi đi vào phần chính, tôi muốn viết thêm: Mc Hale buộc tôi phải nhìn lại một nhân vật mà trước đây tôi chưa từng tìm ra lý do nào phải đọc lại: Đào Duy Anh, cụ thể Việt Nam văn hóa sử cương (1938 ; Quan hải tùng thư). Cuốn này tôi mua cách đây 3 năm, mở ra đọc qua vài lần rồi bỏ đấy; ông bạn thân mượn, sau chừng đấy năm tôi mới mò tới lấy lại, sách tả tơi, không nhận ra nổi. Bạn xin lỗi vì một khoảng thời gian không ngắn toàn dứt túi mang theo bên mình như bảo bối phòng thân. Sách tả tới nghĩa là gì? Nghĩa là bây giờ mới là thời điểm lúc phù hợp đọc lại Đào Duy Anh, thời điểm nhờ sách quá nát, tôi mới dám triển khai và note lại, nháp liên tục vào sách, một cách thoải mái xen lẫn thích thú, i như một đứa con trai nghịch ngợm thứ đồ chơi cũ, đã tưởng mất, nay mới tìm lại.

Ở lần đọc lại, có hai điều tôi được McHale chỉ ra: Thứ nhất, cái nỗ lực vươn lên rất cao cũng như giới hạn của Đào Duy Anh. Thứ hai, lần đầu tiên, một tri thức bản địa đã biết sử dụng lý thuyết để khuôn ép, buộc lịch sử phải có cái hình thù như ông muốn. Hiển nhiên, ai cũng tự ý thức được, lịch sử luôn được sử dụng như một công cụ, cho nhiều mục đích khác nhau.

Đào Duy Anh có một góc nhìn mới, vào thời điểm cuối 30s mà ta nhận thấy ngay, không đâu khác, ở tựa sách: Một đề cương lịch sử của văn hóa Việt Nam. Cả cuốn sách là một nỗ lực rất lớn, nhưng cần công tâm, Đào Duy Anh không chỉ ra tiến trình phát triển liên tục của văn hóa Việt Nam, mà phần nhiều là phong hóa thời thuộc địa.

Trước Đào Duy Anh, trí thức An Nam thời thuộc địa đã viết những bộ lịch sử, đáng kể nhất là Việt Nam sử lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim; hai người khác là Hoàng Cao Khải và Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Đào Duy Anh soạn Việt Nam Văn hóa sử cương, tất nhiên dành một chỗ cho Trần Trọng Kim, trong khi đó, gạt Hoàng Cao Khải ra, mà chọn dẫn Cours d’histoire annamite, cuốn giáo trình hai tập Lịch sử An Nam dành cho học sinh Nam Kỳ (tập 1 ra năm 1885, tập 2 xuất bản sau đó hai năm) của Trương Vĩnh Ký.

Một câu hỏi: Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký. là người như thế nào, đã viết gì và chuyên môn là gì?

Người đầu tiên nói cho tôi về Petrus Ký là thầy giáo lịch sử báo chí, một tiến sĩ; người mà tôi nhận thấy rất chú ý tới Trần Huy Liệu. Philippe Peycam trong The birth of Vietnamese political journalism: Saigon, 1916 – 1930 (Sự ra đời của báo chí chính trị Việt Nam: Sài Gòn 1916 – 1930) cũng bị lôi cuối bởi con người có tiểu sử quá hấp dẫn như thế.

Tôi không thể kiềm chế mình tự đặt ra câu hỏi: Bộ tứ làng báo Sài Gòn gồm Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, Peycam để ở đâu nếu như chỉ nhìn thấy Nguyễn An Ninh và Trần Huy Liệu.

Cái nhìn của Peycam làm ta buộc phải nhìn lại cách xếp kinh điển trước đó và mở ra hai trường hợp: Bộ tứ này là đúng đắn; thứ hai là khả năng bộ tứ đó là sai, cần được xếp lại. Nhưng nếu sai thì sai ở điểm nào. Cần nhìn cẩn thận, trước hết là các trước tác của sáu người này. Và nếu cách xếp trên là đúng, thì đúng như nào? Hiện tại, một nhân vật trong sáu người là Phan Khôi đã trở lại, xứng với cái tầm vóc lớn. Bây giờ chỉ còn ba người kia là đáng ngờ, có thể bị văng ra nếu chứng minh, hoặc Trần Huy Liệu hoặc Nguyễn An Ninh là cá nhân xuất chúng để chen vào. Trong trường hợp đó, Trần Huy Liệu có xứng đáng để được lịch sử nhấc vào bộ tứ?

Một câu hỏi khó mà tôi dành cho mình, một thằng con giai Hà Nội nhìn xuống phía Nam (Đào Trinh Nhất có một giai đoạn hoạt động ở Hà Nội từ 1940 – 1945 tôi đã trông thấy; nhưng Đào Trinh Nhất trước 1940 ở miền Nam mới là câu chuyện ở đây ta quan tâm).

Nhìn xuống phương Nam nghĩa là gì nếu không phải từ bỏ vị trí trung tâm, vị trí của kẻ đắc thẳng phương Bắc để đi xuống một “Việt Nam khác” (Li Tana).

Trước đó nhiều chục năm, tại Nam Kỳ, Petrus Ký có ba ông học trò nổi tiếng là Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản và Diệp Văn Cương. Diệp Văn Cương là bố của Diệp Văn Kỳ, một trong đệ tứ làng báo Sài Gòn, quản lý của nhật báo Thần Chung, nơi Phan Khôi, Đào Trinh Nhất và Bùi Thế Mỹ chung lưng góp sức.

Petrus Ký rút cuộc là người như nào là câu hỏi quan trọng. Tri nhận một nhân vật đặc biệt của thế hệ tri thức năm 1862 là cần thiết để nhìn ra các thế hệ trí thức ở Nam Kỳ tiếp theo là như thế nào. Báo chí và sách vở Nam Kỳ thời thuộc địa là như thế nào phụ thuộc nhiều vào lời giải đáp cho câu hỏi trên.

Tôi chỉ mới đặt câu hỏi này khi đọc lại Đào Duy Anh. Trước đó, tôi mới chỉ nghe thầy dạy lịch sử báo chí xếp Trương Vĩnh Ký vào hàng vĩ nhân, bậc đại trí thức, người biết cả chục thứ tiếng và soạn trăm đầu sách. Hồi đó, tôi nghe rất sướng tai và rất nể ngài.

Bây giờ, tôi lại nghi ngờ cái cảm giác quá dễ dãi của mình.

Petrus Ký biết cả chục thứ tiếng, vậy ông đã làm gì với nó, hay ông chỉ biết để đó? Chất lượng những đầu sách của ông ra sao? Chuyên môn của ông là gì?

Với sự đọc ít ỏi và những thiếu vắng kỹ năng khủng khiếp, tôi chưa thể xếp Trương Vĩnh Ký vào đâu. Nhưng có một điểm tôi cảm thấy, cái nhìn của ông về tôn giáo, tín ngưỡng là quá dễ dãi: “Người An Nam ít quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Đa số họ chu toàn phận sự tôn giáo vào những hành xử rắc rối mà họ không hiểu ý nghĩa gì”.

Tôi từng tự biện minh lý do bởi thân phận một con chiên ngoan đạo của Trương Vĩnh Ký; nhưng Léopold Cadière, cũng người Công Giáo, nhưng đâu dễ dãi như Trương Vĩnh Ký. Một học giả lớn không phải một bách khoa toàn thư uyên thâm kim cổ, họ có những lãnh vực chuyên môn nhưng đâu thể đụng tới vấn đề gì cũng nên bàn nên viết. Trương Vĩnh Ký, nếu hoàn toàn đúng với tư cách một học giả lớn như thầy giáo tôi đã xếp, thì ít nhất, trong một trường hợp nên trên, không được xử lý một cách cảm tính như vậy; và chi tiết nhỏ này làm tôi nghi ngờ cái công nghiên cứu của ông.

Petrus Ký.jpg

—————————-

 

Viết tiếp ngày 24 tháng Bảy 207

Trí thức thế hệ 1907, theo cách chia của Trịnh Văn Thảo, tiêu biểu là ông chủ báo Nam Phong, Phạm Quỳnh chủ trương một đường lối dung hòa tư tưởng Thái Tây hiện đại và bản địa truyền thống. Tuy nhiên, thế hệ trí thức 1925 tiếp nối họ Phạm đã không chọn con đường này. Họ – tiêu biểu là Tự Lực Văn Đoàn – đã “lạnh lùng” mà “đoạn tuyệt” (Nhất Linh) cái cũ để đi “con đường sáng” (Hoàng Đạo): “Theo mới”. Vì thế, đối tượng họ muốn chôn nhất, không ai khác là Phạm Quỳnh, đại diện thành công nhất; sau này Phạm Quỳnh còn được làm Thượng Thư Bộ Học của triều đình nhà Nguyễn. Nói rộng ra, tôi không đơn giản tin chỉ Tự Lực Văn Đoàn muốn chôn Phạm Quỳnh mà cả thế hệ tri thức 1925 đều muốn làm điều tương tự. Phan Văn Hùm từng viết một bài báo đầy ác ý mỉa mai thói ưu dùng chữ Hán của Phạm Quỳnh mà Hồ Hữu Tường – thuở nhỏ là độc giả trung thành của tờ tạp chí chán ngắt này – kể rất rõ trong 41 năm làm báo (Trí Đăng, 1972). Đặng Thai Mai, sau này ở miền Bắc, là người chỉ trích Phạm Quỳnh nặng nề nhất.

Những bước chạy nhanh khủng khiếp hướng tới cái mới của Tự Lực Văn Đoàn – không khác mấy nhịp đốc quân thần tốc của Quang Trung ra Bắc – kéo theo cái xã hội Bắc Kỳ ì trệ và đầy băn khoăn mới-cũ, trong thập niên 1930s có thể được nhìn như nào? Và quan trọng hơn hết, hành động này có thể kéo dài được bao lâu?

Chúng ta sẽ có lời hồi đáp, từ một học giả ở Huế năm 1938 về tình hình, ngay ở lời tựa Việt Nam văn hóa sử cương “Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai ngàn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt của xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm. Song cái văn hóa thích hợp cho sự sinh trưởng của một xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông, thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ với những mới lạ của văn hóa Tây phương”.

Câu chuyện đâu chỉ dừng ở những xung đột như Đào Duy Anh viết. Tự Lực Văn Đoàn đã thể hiện sự đắc thắng tuyệt đối của cái mới. Nhưng vấn đề là ở đây là tiếp sau cuộc cách mạng với những hung thần đắc thắng đương khát máu là cái gì? Sau sự lụi tàn của văn hóa cũ là gì?

Đào Duy Anh nhận rõ thấy cái mối nguy khủng khiếp đang tới; Việt Nam Văn hóa sử cương là một hành động bình tĩnh của kẻ sĩ trong thời loạn: Phải bình tâm mà xem xét văn hóa cũ và cũng nghiên cứu kỹ văn hóa mới.

Nhưng mối nguy khủng khiếp mà Đào Duy Anh nhận thấy cụ thể là gì? Người nắm giữ câu trả lời là một thành viên chủ chốt của Tự Lực Văn Đoàn: Khái Hưng thông qua hai tiểu thuyết Đẹp (Đời nay, 1941) và Băn khoăn (Đời nay, 1943).

Đẹp là tiểu thuyết Khái Hưng viết đăng phơi-ơ-tông trên Ngày Nay năm 1939 – cái năm Nhất Linh đã sáng lập đảng chính trị.

Trong bữa tiệc bạn bè thân mật trước ngày cưới của họa sĩ Nam và Lan, một cuộc nói chuyện đã diễn ra; Nguyên, người được Nam ngợi ca là một tiểu thuyết gia đại tài dù chưa viết được chữ nào trong tác phẩm để đời của mình, sẽ trình bày cái ý tưởng – dù trong đám bạn thân kẻ nào cũng được nghe tới thuộc lòng:

“Tuy đó là một truyện về thanh niên, nhưng tôi cũng bắt đầu từ thế hệ trước, cái thế hệ nho tàn. […] Cả một thế hệ bị sụp đổ, bị nhổ bật rễ lên. […]”

Ta nhìn thấy ở đó hình ảnh Khái Hưng đang băn khoăn cho một cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Nhưng trích dẫn dưới đây mới là phần ta quan tâm: Cái cũ bị “nhổ bật rễ lên” thì sao?

“Thế giới ấy (thế hệ cũ) đổ sụp, tiêu tán đi để nhường chỗ cho một thế giới mới, bỡ ngỡ, non nớt, bấp bênh, lung lay trước gió”.

Nhịp chạy nhanh khủng khiếp mà Tự Lực Văn Đoàn dẫn lối xã hội Bắc Kỳ đi theo không đưa đến “những ngày vui” (Hoàng Đạo) mà là sự “bấp bênh”, một điềm báo rất rõ cho sự sụp đổ.

Khái Hưng đã dự định từ đó viết Tội lỗi, nhưng năm 1943 xuất bản, sách có tên Thanh Đức, sau này Nhất Linh di cư vào Sài Gòn tái bản mới đặt lại tên là Băn khoăn.

Băn khoăn, tác phẩm chứa đựng sự sự băn khoăn của Khái Hưng, được khoác lên mình lớp vỏ của ái tình tiểu thuyết; tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn không thể đơn giản nhìn nhận là tiểu thuyết tình yêu.

Cảnh, một trong nhiều bọn thanh niên thời bấy giờ, sống một cuộc đời không tương lai, không mục đích cho tới khi gặp vị hôn phụ, Lan Hương một cô gái truyền thống. “Tội lỗi” xuất hiện khi hai cha con Cảnh và Thanh Đức cùng yêu một người con gái tân thời là Hảo, con của một người phụ nữ giàu sang nay đã góa chồng – thực ra sự góa chồng mới là thứ khiến bà trở thành một bà góa giàu sang, phù phiếm. Mọi thứ sụp đổ. Lan Hương sẽ nói, nơi Khái Hưng để lộ cho người đọc manh mối của sự sụp đổ:

“- Dạ tôi biết hết. Tôi ra mời anh Cảnh vô nghỉ Sầm Sơn ít bữa. Cô ạ, anh Cảnh không thể ở xa chị em mình được; ở gần cô, tôi được yên lòng. Ở xa gia đình, nghĩa là xa cô, tôi lo cho anh Cảnh lắm, không khéo sẽ…

“Lan Hương ngập ngừng mãi mới nói tiếp được hai tiếng chót:

“- Trụy lạc.”

Thanh niên trụy lạc nếu ở xa những nối kết bản thân với các giá trị cũ. Một xã hội đã bị nhổ bật khỏi văn hóa cũ vốn bền chặt và nhanh chóng thế chỗ bằng thứ văn hóa mới mẻ sẽ sụp đổ. Không thể khác được!

Trong tình trạng này, một lối đi cho dân tộc Việt Nam là điều cần thiết. Lương Đức Thiệp, năm 1944, liên tục nhấn mạnh “Việt Nam tính”. Mãi tới năm 1946, Hồ Hữu Tường mới soạn ra được một đề cương văn hóa tương lai cho dân tộc. Đào Duy Anh cũng dự kiến xuất bản một cuốn sách dẫn lối văn hóa nước nhà cùng năm với Hồ Hữu Tường nhưng cuộc biến loạn ngăn cản tất cả; thành thử, năm 1950 tại Hà Nội, cuốn sách mới được ra mắt.

Trước năm 1945, Trường Chinh đã viết đề cương văn hóa Việt Nam, in ấn và phổ biến nội bộ private sphere. Đối nghịch với Trường Chinh, không gian công cộng public sphere là nơi năm 1943 thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Hoàng Đạo Thúy xuất bản cuốn sách mỏng Trai nước nam làm gì?; sách bán chạy khủng khiếp tới mức liên tục được tái bản năm 1944 và 1945 mặc cho tình hình kinh tế xã hội bất ổn với những cuộc dội bom của quân đồng minh và sự đắt đỏ của các ấn phẩm do ngành in gặp nạn khan giấy.

 

———–

Viết tiếp ngày 25 tháng Bảy 2017

Trong cuộc biến động từ năm 1925 – 1945, hành động ngoái lại phía sau để nhìn nhận cẩn trọng vốn văn hóa cũ không chỉ diễn ra ở trường hợp Đào Duy Anh.

McHale trong Print and Power đặt vấn về những chuyển đổi trong cách diễn giải quá khứ của trí thức Việt Nam, đều sinh ra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, hiển thị qua những nguyên cứu dày dặn chứ không phải các bài báo lẻ của Lệ Thần Trần Trọng Kim (Nho giáo hai tập), Vệ Thạch Đào Duy Anh (Việt Nam văn hóa sử cương & Khổng giáo phê bình tiểu luận) và Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa (Kinh thi Việt Nam).

 

(Còn tiếp)

 

Những kẻ phản kháng

Câu chuyện về đội bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam

Theo dấu thợ ảnh Lai Xá từ thời thuộc địa tới Hà Nội bị chiếm đóng

 

 

 

4 bình luận về “Đọc “In ấn và quyền lực” của Shawn F. McHale

  1. -“dễ dãng” (hai lần), là sao?
    -Trường hợp Trương Vĩnh Ký, có thể nên đọc cuốn gần đây. Một số người, thông qua kênh giảng trên giảng đường, thường đi theo lối phong thanh bằng cách phong thánh cho một số người khác. Phần lớn họ chẳng đọc cụ thể cái gì bao giờ.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Em cảm ơn thầy ạ. Em đã sửa lại lỗi chính tả rồi ạ.

    Xưa kia, chỉ nhà vua mới được cấp sắc phong thần. Còn bây giờ, khi “Không có vua”, người ta tưởng mình cũng có quyền để cấp sắc phong.

    Em có đọc Trương Vĩnh Ký do Nguyễn Đình Đầu soạn ạ. Nhưng em không biết Pháp ngữ nên sự đọc Trương Vĩnh Ký vẫn dở dang và em không có khả năng đặt Trương Vĩnh Ký ở đâu.

    Với em, Đào Văn Hội trong “Nam kỳ danh nhân” viết về Trương Vĩnh Ký có nhiều gợi mở ạ: “Pétrus Ký là một học giả giữ kỷ luật chín chắn. Phàm học gì hay là đi đến đâu, thấy gì, ngài cũng biên kỹ, để sau làm tài liệu cho việc tra cứu trước tác. Ngài cho “cái gì cũng nên học”, bởi “cái gì học cũng có ích cho mình cả”.”

    Thích

  3. Chào bạn,

    Bạn có file PDF của cuốn sách Print and Power không ạ ? Nếu có thì có thể cho tôi xin file gửi qua email được không ? Rất cảm ơn bạn.

    Thích

Bình luận về bài viết này