Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải: Chúng tôi viết đơn “đi bê” nhưng không bao giờ được nhận

    Có thể viết về chiến tranh Việt Nam như thế nào? Những vinh quang đỉnh cao hay những lời ca phản chiến da vàng của ông nhạc sĩ họ Trịnh nọ đều không phải chiến tranh. 

    Hơn nửa thế kỷ, cuộc chiến tranh ở xứ sở này luôn tạo cảm hứng cho những học giả, bền bỉ và liên tục, tìm cách diễn giải. Quá trình Hiểu Việt Nam, với nhận thức còn hạn hẹp của tôi, không thể bỏ qua giai đoạn này, tuy rằng đây không phải mối quan tâm của tôi.

    …

    Dưới đây là bài phỏng vấn cựu danh thủ đội bóng Thể Công, Vũ Mạnh Hải, người đã tròn 20 năm 1969, khoảng thời gian ác liệt nhất của chiến tranh Việt Nam. Nhưng với ông và các đồng đội cùng lứa, chiến tranh không phải là ra trận, đổ máu và nuôi mộng trở thành anh hùng thời đại.

    Phải mười năm sau, năm 1979, dù tiếng súng đã ngưng bặt, họ mới được trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam, chỉ trong một ngày. 

    Trước khi vào bài, xem ở đây, ở đâyở kia

————————-

Đăng Thành: Thưa ông, trong những năm chiến tranh, ông và những đồng đội tại Thể Công đã theo dõi tin tức như nào thế?

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải: Hồi đấy, chúng tôi chủ yếu có hai nguồn thông tin chính. Một là báo gấy: Nhân dânQuân đội Nhân dân. Còn một nguồn nữa là đài. Thời điểm đó không có những phương tiện như điện thoại. Điện thoại chỉ phục vụ chiến đấu. Ví dụ, chúng tôi sơ tán về làng Đại Tự thì có điện thoại để liên lạc với cấp trên gồm trưởng đoàn, phó đoàn và các cấp sĩ quan chỉ huy. Nếu là thông tin cho gia đình thì viết thư. Mình có địa chỉ hòm thư quân đội; họ chuyển thư theo dạng đấy. Còn những thông tin quốc tế, bóng đá như bây giờ hoàn toàn không có mà chỉ thông qua Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN). Thời chiến tranh, mọi thông tin đều qua bộ lọc TTXVN rồi mới phát trên báo đài. Chưa có tờ Thể thao & Văn hóa mà chỉ có Bản tin Thông tấn. Những thông tin bóng đá nước ngoài hiếm hoi lắm, mình chỉ biết qua những người đi công tác về. Đoàn Thể Công có một số đồng chí lớn được tham gia thi đấu đội tuyển quốc gia (ĐTQG) về kể lại. Thế thôi. Chỉ có một nguồn tin chính thống từ nhà nước.

Sau khi đọc xong cuốn Tôi là cầu thủ Thể Công (Vũ Mạnh Hải ; NXB Thể dục Thể thao ; 2014), tôi không thấy ông đề cập tới những trận đấu của Thể Công tại vùng sơ tán. Ông có thể kể rõ hơn về giai đoạn này.

– Những dịp đi thi đấu bóng đá thường tổ chức ở những vùng nông thôn phục vụ bà con chứ không ở những thành phố lớn. Sân Hàng Đẫy (Hà Nội) thôi không tổ chức. Năm 1967, đội đi tập huấn ở Triều Tiên. Những năm 1966-67 các giải đấu tổ chức tại nông thôn. Nơi nào có những vòng đường đất rộng thì người ta làm sân vận động. Ví dụ như Phù Lưu Tế (Nay thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội) rồi Trung tâm Thể dục Thể thao Quốc gia Nhổn và ở các thành phố nhỏ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên – những vùng ít người nhưng rất hâm mộ thể thao. Có những dịp chúng tôi đi phục vụ nhiệm vụ chính trị như lần thi đấu ở trong Sư đoàn 35C chuẩn bị đi miền Nam.

Ông viết rất kĩ về thế hệ Thể Công năm 1964, thời điểm có kế hoạch giải thể đội bóng. 100% thành viên đã viết đơn “đi bê”. Nhưng tại sao ông không đề cập tới tinh thần ra trận thế hệ trưởng thành mình, những người đã tròn 20 vào năm 1969 (Thời điểm chiến tranh Việt Nam diễn ra khốc liệt).

– Thể Công thành lập năm 1954. Tháng 10 năm đó, đội gồm những thanh niên ngoài 20. Đó là thế hệ không do Thể Công đào tạo mà là tập hợp những thanh niên yêu nước có năng khiếu thể thao thông qua hệ thống tuyển chọn từ các đơn vị quân đội. Nòng cốt là Trường Sĩ quan Lục quân đóng tại Trung Quốc. Thể Công ban đầu chọn ra 23 người gồm: 11 cầu thủ bóng đá, 6 cầu thủ bóng chuyền. Cầu thủ môn nọ dự bị cho môn kia để đi thi đấu phục vụ nhiệm vụ. Hồi đó chưa có đào tạo gì cả. Từ năm 1960, Thể Công mới có lớp đào tạo bóng đá bài bản. Lớp thứ hai năm 1964. Lớp chúng tôi là khóa ba. Khóa hai “hỏng” vì tuyển chọn không tốt nên chúng tôi đó chỉ ở trong một năm rồi giải tán.

Vậy các cầu thủ Thể Công năm 1964 đi vào Nam chiến đấu vì chất lượng chuyên môn không đảm bảo?

– Năm 1964, chiến tranh mở rộng nên hạn chế hoạt động thể thao và tiến tới giải tán Thể Công. Lúc đó, rất nhiều người xin đi chiến đấu, đặc biệt là những cán bộ miền Nam tập kết đá bóng. Vậy nên năm 1956-58, có rất nhiều cầu thủ dù vẫn có khả năng thi đấu nhưng vì yêu nước, nhớ nhà cũng viết đơn đi vào miền Nam chiến đấu. Giai đoạn lịch sử là như thế. Ông Nguyễn Thành Út, khi đó đã lớn tuổi và một người nổi tiếng nữa, Nguyễn Thành Đô đều xung phong. Bây giờ ông Đô vẫn sống, đã hơn 90 tuổi. Còn ông Nguyễn Văn Tiền đi vào miền Nam đồng thời xem người có tố chất thể thao ở vùng giải phóng để đưa ra. Ở Thể Công hồi đấy, có những người viết đơn tham gia chiến đấu và đã trở thành anh hùng như Phạm Ngọc Khánh. Ông Khánh cùng lớp với Nguyễn Sỹ Hiển, khóa 1 đội trẻ Thể Công. Trước đây, ông là quân nhân quốc phòng nhưng có năng khiếu đặc biệt trong đội bóng nhà máy. Ông đá trung phong rất hay. Năm 1964-65, Phạm Ngọc Khánh phát hiện bệnh khớp không thể thi đấu được và lập tức viết đơn xin vào chiến trường: “Không đá bóng được thì cho tôi đi chiến đấu”. Sau đó, ông hy sinh ở Khe Sanh năm 1968. Đây là một người rất đặc biệt. Ông được phong làm anh hùng lực lượng vũ trang. Hà Hiển, người Nghệ An và Nguyễn Thành Út nghe nói cũng hy sinh trong Nam. Hồi đấy, khí thế đánh Mỹ mạnh mẽ. Dân tộc mình nếu bị động đến lòng tự trọng sẽ vươn lên rất mạnh mẽ. Mỹ lúc đó đã xâm lược Việt Nam, gây nhiều tội ác tại miền Nam. Bộ máy tuyên truyền rất tốt nên chỉ có một dòng tuyên truyền là căm thù Mỹ. Nếu đã là con người sống trong thời đại đó thì chỉ có ra chiến trường. Không nghĩ việc gì khác. Thanh niên suy nghĩ đơn giản thế thôi. Chúng tôi vào đá bóng chỉ suy nghĩ nếu không thi đấu được thì ra chiến trường. Không có suy nghĩ gì khác.

BLĐ Thể Công có sự động viên, bảo vệ nhân tài không?

– Có! BLĐ rất động viên, giữ gìn để những người đó phát triển. Vì tài năng thể thao hiếm lắm, không phải cứ tập là thành tài. Có những người rất đặc biệt như Ba “đẻn” (cựu danh thủ Nguyễn Thế Anh). Về tinh thần, ta phải đánh Mỹ nhưng cũng cần động viên, khuyến khích những tài năng thể thao. Còn nếu ra chiến trường chiến đấu cũng không vấn đề. Hồi đó, hai nhiệm vụ là như nhau. Anh nào lùi lại đằng sau bị cho là hèn nhát, không coi ra gì. Dùng từ “xả thân” chống Mỹ là chính xác. Không bao giờ nghĩ đến cá nhân. Hồi đó, cơ quan tuyên truyền không bao giờ nói đến tài năng cá nhân mà luôn phải gắn liều với tập thể. Người đá bóng giỏi hay dở đều lương như nhau. Hồi xưa, cả lớp của chúng tôi, dù có người đá chính và dự bị, nhưng vẫn trả trả lương theo quân hàm chứ không phải tài năng. Về thể thao là thế.

Thưa ông, trong thế hệ Thể công trưởng thành năm 1969 khi chiến tranh leo thang, các cầu thủ có viết đơn xung phung đi chiến đấu không?

– Hồi đấy, 100% anh em viết đơn.

Vậy ông cũng đã viết đơn?

– Tôi viết đơn. Mọi người đều viết đơn. Lúc thời gian chiến tranh căng thẳng, cả đội đều như vậy.

BLĐ đã chấp nhận đơn của những ai?

– Thường những lãnh đạo trên Tổng tham mưu không lấy mà coi hành động đó như một sự rèn luyện, để xem tinh thần người lính là như thế nào. Hồi đó, trong công tác chính trị, tuyên truyền đã rất tốt. Chúng tôi hiểu mình viết đơn nhưng không bao giờ được chấp nhận cả. Hành động viết đơn là biểu hiện tinh thần yêu nước.

Một chi tiết tôi chú ý trong cuốn Tôi và cầu thủ Thể Công: Năm 1975, thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh và sự kiện quan trọng kết thúc chiến tranh Việt Nam ngày 30 tháng Tư, ông được kết nạp Đảng. Tại sao một người lính cụ Hồ, đã là binh nhì từ năm 15 tuổi, phải phấn đấu lâu dài 11 năm để trở thành Đảng viên?

– Hồi đó, tôi muốn vào Đảng phải phấn đấu kiên trì không những mục tiêu vài tháng hay một, hai năm mà cả đời. Tôi xuất thân từ một gia đình bộ đội nghèo nên rất ngoan, không biết chơi bời ngoài tập luyện chuyên môn. Ai cũng như tôi cả. Tuy nhiên, có những người “mải chơi” hơn như Ba “đẻn”. Tính tình ông ấy không được như mình. Nhưng tôi và một số người như Mỵ (Phan Văn Mỵ), Dũng (Trần Tiến Dũng) và Giáp (Nguyễn Trọng Giáp) là đầu tàu của khóa 3 phấn đấu vào Đảng trong ngần ấy năm. Kết nạp vào Đoàn Thanh niên đã là một thử thách rất lớn. Người ta phải thấy tư cách đạo đức của anh trong công việc nhiều năm để nhận xét anh đúng là người tốt, người trung kiên, trung thành với Đảng. Sau đó, những người phụ trách sẽ cử cán bộ về tận địa phương để xác minh gia đình như thế nào, bố mẹ làm nghề gì, họ hàng làng xóm có “vấn đề” không. Tại đơn vị, nhiệm vụ anh có làm tròn không? Lý tưởng phấn đấu của anh là thế nào? Tất cả những cái đó cộng dồn lại mới ra được một người Đảng viên. Bọn tôi thực sự phấn đấu và giữ gìn. Sáng 5h30 dậy, tự vệ sinh và tự tập thể dục. 6h30 xếp hàng ăn sáng. Ra muộn hôm nào, trừ đểm hôm đấy. Tập luyện không hết giáo án hay lười để HLV phải nhắc nhở, phàn nàn cũng bị mất điểm. Trong sinh hoạt, anh có nghiêm túc không, có hay ra ngoài quá giờ hoặc đi chơi với con gái ở làng xóm có giữ được danh dự đội bóng không? Nhiều ông đi chơi các cô không tử tế bị vỡ lở; BLĐ kỷ luật. Tất cả những chuyện đấy, nó có thật. Chúng tôi hết sức giữ gìn để xứng đáng với tư cách một Đảng viên.

Ông kết nạp Đảng trước hay sau ngày 30 tháng Tư 1975?

– Tôi được kết nạp Đảng đầu tháng Tư 1975, trước khi đi tập huấn ở Đức.

Bốn năm sau khi ông vào Đảng, Thể Công lần đầu đá với đội bóng ở miền Nam. Trước ngày thống nhất đất nước, ông đã có thông tin về bóng đá miền Nam từ nguồn nào?

– Chúng tôi cũng có thông tin, dù không nhiều. Tôi rất khâm phục và kính nể những cầu thủ miền Nam vì thông tin được truyền ra bởi những người đã ở đó như Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Minh Cảnh, Trương Tấn Bửu. Chúng tôi biết cầu thủ trong đó tham dự và đạt nhiều giải quốc tế. Họ thậm chí đá với những đội Nam Mỹ (Brazin) hay Châu Âu. Tất cả đều từ lời kể của những người cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Tôi rất kính nể và coi họ giỏi hơn mình. Lúc đầu, chúng tôi luôn nghĩ vậy. Vì cầu thủ trong đó đạt nhiều cúp như Vô địch Đông Nam Á. Trong khi đó, miền Bắc không có chức vô địch vì chỉ có giao hữu quốc tế, biển diễn và không tham gia giải chính thức. Chính vì tâm lý trên, cán bộ miền Nam tập kết đá ở Thể Công luôn được kính nể. Ví dụ như bố con ông Trương Tấn Nghĩa – Trương Tấn Bửu, “mười” Tiền, Nguyễn Minh Cảnh, Nguyễn Thành Đô toàn những cầu thủ xuất sắc.

Về trận đấu lịch sử năm 1979 giữa Thể Công và Cảng Sài Gòn, ông đã viết một mục tên “4 năm, cuộc chiến vẫn như thế”. Đó là cuộc chiến gì? Chính ông cũng viết: “Đây là trận đấu không được phép thua. […] Chúng ta đã sẵn sàng cho một cuộc thi đấu không đơn thuần chỉ là thể thao mà nó còn có ý nghĩa như một cuộc chiến thầm lặng bảo vệ chế độ!” Ông có thể giải thích thêm? Và Cảng Sài Gòn đã chơi 100% sức chưa?

– Bối cảnh lịch sử là thế này. Năm 1975, đất nước đã giải phóng. Văn hóa, thể thao là nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và nhà nước đối với đồng bào trong đấy. Năm 1975-76, tất cả đội bóng đá giỏi ở miền Bắc đều vào niềm Nam thi đấu trừ Thể Công. Vì chỉ Thể Công thi đấu, bà con mới nghĩ đội tuyển đại diện miền Bắc. Những đội trước, đồng bào không cho là chính thức. Thể Công, có thành tích quá tốt, được coi như đại diện cho đội tuyển miền Bắc. 1975, đội Đường Sắt vào đầu tiên, sau đó là các đội bóng quân khu: Quân khu 3 hay Quân khu Thủ đô rồi năm 1976 là Công an Hà Nội. Những cuộc thi đấu diễn ra trong tình trong miền Nam chưa thực sự yên ổn, cũng còn những vấn đề về an ninh. Người ta rất sợ cuộc đá bóng có Thể Công, sẽ vỡ sân ngay và xảy ra biến cố đổ máu. BLĐ tính toán mãi, tới năm 1979, an ninh đã rất tốt, mới dám cử Thể Công vào. Những người có trách nhiệm tính toán vậy và chúng tôi cũng hiểu. Cho nên, năm 1979, tôi mới viết: “Cuộc chiến vẫn thế”. Chúng tôi vào, đồng báo miền Nam mới coi Thể Công là đội bóng đại diện miền Bắc. Vậy nên, trận đấu giữa Thể Công và Cảng Sài Gòn coi như trận đấu bảo vệ chế độ ưu việt của mình. Mặc dù, lúc đó, chính quyền TP.HCM đã về với cách mạng nhưng phong trào bóng đá vẫn dựa vào con người của thế hệ cũ. Cảng Sài Gòn là nổi tiếng nhất với những danh thủ của ĐTQG VNCH như Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Ngôn. Cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử. Đồng bào miền Nam tuy thuộc về chế độ mới nhưng vẫn thích đội bóng của mình thắng. Và cả những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nay trở lại cũng muốn có thành tích tốt. Và tính đại diện của chế độ cũ còn nhiều lắm thông qua các gương mặt danh thủ. Bà con miền Nam rất muốn trận đấu này Cảng Sài Gòn thắng. Còn mình khi cử Thể Công vào thì xác định phải thắng. Trước khi vào Nam, bốn cầu thủ xuất sắc nhất được vào trước để “thám thính” từ năm 1977-78. Họ gồm Nguyễn Trọng Giáp, Trần Văn Khánh, Phan Văn Mỵ và Nguyễn Thế Anh. Bốn người xuất sắc nhất xem những trận đấu tại miền Nam để biết đồng bào ở trong đá như thế nào để trao đổi với đội bóng. Chuẩn bị trận đấu lịch sử cũng không đơn giản, kéo dài bốn năm. Và đồng thời, không khí trận chiến vẫn còn. Chúng tôi khao khát vào năm 1975 vì vừa tập huấn ở Đức về rất sung sức. Thể Công đá với Công an Hà Nội ở Hàng Đẫy thắng 4-1, đội bạn hiệp hai không chạy nổi, chỉ có đi bộ. Thắng như trẻ che để trước khi đi tập huấn được tin miền Nam giải phóng. 4 tháng ở Đức tập luyện phấn đấu mục tiêu thi đấu tại Sài Gòn. Chúng tôi tập rất chăm chỉ, tốt lắm và đang độ sung sức, tuổi 26, độ chín phong độ. Năm 1975, nếu Thể Công vào thì hay hơn nhiều, hồi đó đội rất mạnh. Chứ năm 1979, đội hình thay đổi nhiều và cũng đỡ lớn tuổi. Tôi (Vũ Mạnh Hải) 30 rồi, Giáp (Nguyễn Trọng Giáp), Ba “đẻn” cũng 30 hết rồi. Những người có thẩm quyền tính toán an toàn mới cho mình vào Nam. Nhưng đôi khi, sự an toàn khá hỏng chuyên môn. Cho nên, trận đó không hay vì chuyên môn vì lo sợ bị thua. Trong thể thao, nói không được phép thua là cả sự căng cứng tâm lý lẫn tinh thần. Con người không phát huy được khả năng của mình. Làm sao có thể chơi bóng sáng tạo được? Vậy nên đá chỉ có hai tuyến. (1) Ngăn chặn không cho vào khu 16m50, hết sức an toàn. (2) Được bóng, chúng tôi phá lên cho Ba “đẻn” và Cao Cường “đua”, phá sức đội bạn. Chơi kiểu đó thôi, không đá đẹp như thường khi. Đánh mất hẳn sở trường. Nhưng vì ý nghĩa chính trị nên phải đá như vậy. Sau trận đấu (Thể Công thắng Cảng Sài Gòn 2-1), cả đội đêm không ngủ, chưa kể những đêm trước đã không ngủ. Tôi nghĩ đây không phải thể thao mà là cuộc chiến thực sự, bằng cơ bắp và tâm lý. Trận đấu không hay mà chỉ căng thẳng. Khán giả trên sân cũng vậy, chỉ sợ đội mình thua. Thực ra mà nói, trong sân Thống Nhất ba vạn chỗ, có nhiều bộ đội của mình và người mình vào, đồng thời cũng biết phân phối vé nhưng dân miền Nam và bộ đội tập kết trở về cũng muốn Cảng Sài Gòn thắng chứ. Cả cuộc đời tôi ao ước thế hệ tiếp theo đừng bao giờ trải qua một trận đấu như thế. Vì đó không phải là thể thao.

Sau khi trải qua trận đấu lịch sử, mối quan hệ giữ cầu thủ hai đội bóng nói riêng và cầu thủ Nam-Bắc ra sao?

– Còn các cầu thủ Nam – Bắc cùng chung một suy nghĩ thôi: Tôn trọng tài năng của nhau. Trong trận đấu với Cảng Sài Gòn, dù căng thẳng nhưng không hề có chuyện phạm lỗi thô bạo và những hành vi không đúng với tinh thần thể thao. Tất cả mọi người đều giữ gìn. Rất quý ở chỗ đó. Sau này, chúng tôi gặp nhau và kết bạn thân tình. Bây giờ, đã già nhưng vẫn đá bóng vui vẻ. Tôi làm bạn với Ba Thà (Nguyễn Văn Thà) trước đây đá cánh phải ở ĐTQG VNCH hay Nguyễn Văn Can (Đội bóng đá Hải quan). Trong đội Cảng Sài Gòn, vẫn có nhiều người tôi tới giờ vẫn gặp gỡ. Vẫn thân tình hữu hảo, quý mến tài năng và tôn trọng lẫn nhau.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Đăng Thành

Bình luận về bài viết này