Theo dấu thợ ảnh Lai Xá từ thời thuộc địa tới Hà Nội bị chiếm đóng

    Nói chính xác, tôi đã tiện bút mà viết đề tài này. Một chuỗi những sự tình cờ. Vài tháng trước, tôi tình cờ được một người bạn rủ tham gia một dự án truyền thông cho bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Qua trao đổi, tôi tình cờ nhớ ra mình có một số tư liệu về những cửa hàng ảnh thời thuộc địa. Rồi sau đó tình cờ viết. Viết xong lại tình cờ sử dụng cho một việc bắt buộc. 

    Cũng muốn noi gương vài cây bút khảo cứu mình ngưỡng mộ dựng lại phần nào cái xã hội thuộc địa cách đây mấy chục năm trời. Ấy là mong ước cao vọng của gã thanh niên chứ sản phẩm làm ra không phải đống giấy lộn rác rưởi đã vô cùng hoan hỉ rồi. 

——————

Mất một lúc lâu dò hỏi, tôi đã đến được nhà ông Phạm Văn Nên (Sinh năm 1928), cháu gọi ông tổ nhiếp ảnh Khánh Ký là ông họ, từng hành nghề trong những năm cuối thời kỳ thuộc địa và giai đoạn Hà Nội bị người Pháp chiếm đóng.

Phải thành thực, sự xuất hiện của tôi là đường đột lạ lùng. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, mọi người trong nhà đều lấy lòng hiếu khách mà tiếp đón. Con trai ông Nên, Phạm Thành, từng là phóng viên ảnh của nhật báo Tiền Phong nay đã nghỉ hưu, dẫn tôi vào phòng khách.

Trong lúc đợi ông Nên pha nước chè, tôi nhanh chóng mở sổ và bút; máy ghi âm đã sẵn sàng cho cuộc nói chuyện mà tôi quả quyết phải thực hiện ngay. Giới ngôn luận đã viết quá nhiều về làng Lai Xá nhưng câu chuyện của mỗi con người từng hành nghề ảnh chưa được viết ra.

Tôi quan tâm tới ông Nên vì đây là nhân chứng gần như duy nhất từng hành nghề nhiếp ảnh dưới bốn chế độ: Thời kỳ thuộc địa (1884 – 1945), Đế Quốc Việt Nam (1945), Quốc gia Việt Nam (1949-1955) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1945 – ).

Những người già, cuộc sống không tính bằng năm rộng tháng dài mà phải là ngày. Lần đầu gặp mặt biết đâu lại là lần cuối.

Anh thợ ảnh học việc thời thuộc địa

Gia đình ông có truyền thống bốn đời làm nghề ảnh bắt đầu từ người bố Phạm Văn Giai, cháu gọi Khánh Ký là ông chú bên ngoại, thế hệ đầu tiên của làng ảnh Lai Xá.

Người Lai Xá trung thành với bộ môn nhiếp ảnh cửa hiệu; chủ yếu là chụp chân dung.

Ông chỉ cho tôi bức ảnh thờ chụp toàn thân cụ Phạm Văn Giai mặc đồ Tây lịch sự trên ban thờ gia tiên. Vì lý do kiêng kị nên ông Nên không cho phép tôi chụp lại.

Tôi đưa ông một bức chụp cụ Khánh Ký và học trò trước cửa hiệu tại đường Bonna, Sài Gòn năm 1924. Bức ảnh này tôi có được từ Trung tá quân đội Đặng Văn Tích, người đã dành 44 năm nguyên cứu nhiếp ảnh làng Lai Xá. Mắt đã kém nhưng ông Nén nhận ngay ra cha mình: Người đứng thứ mười từ trái sang.

ảnh 2
Khánh Ký (người ở chính giữa, hàng trên) và thế hệ đầu tiên của nhiếp ảnh Lai Xá năm tại hiệu Khánh Ký, Sài Gòn năm 1924. Sau khi ông đi Nhật, tiệm ảnh nằm dưới sự quản lý của con rể Phí Đức Môn – Ảnh: Đặng Văn Tích.

I như Khánh Ký, ông Phạm Văn Nên bước chân vào nghề ảnh rất sớm.

Năm 16 tuổi, Khánh Ký được ông chú Nguyễn Văn Tạo đưa lên Hà Nội giúp việc cho hiệu ảnh người Khách tên Yu Chéong (Dụ Chương). Năm 1923 khi Nguyễn Bá Chính, quản lý tờ Trung hòa Nhật báo, viết cuốn Hà Nội chỉ nam, tiệm có địa chỉ tại số 27 phố Pipes, bây giờ là Hàng Điếu.

Năm 1943, cậu chàng 15 tuổi Phạm Văn Nên làm bước di thê tận Hải Phòng, nhượng địa của người Pháp, bắt đầu sự nghiệp tại hiệu ảnh Phúc Lai của Nguyễn Văn Đính – học trò Khánh Ký – với tư cách thợ học việc.

7984958925_83df3f34c0_o.jpg
26 Tháng Chín 1940. Quân đội Pháp rút khỏi Hải Phòng nhường quyền kiểm soát hải cảng và thành phố cho quân đội Nhật. Sự kiện này nằm trong thỏa ước giữa chính quyền Vichy và Nhật Bản – Ảnh: Associated Press

Những năm 40s, thành phố cảng chỉ có hai tiệm ảnh của người Lai Xá. Một là tiệm ông Nên đang học việc. Hai là hiệu Luminor Photo được ông Nguyễn Văn Chành thành lập năm 1926 ở phố Tây. Nguyễn Văn Đính và Nguyễn Văn Chành là hai anh em cùng chi họ.

Mất một lúc lâu với nhiều lần nhắc lại, một cách từ tốn và rõ ràng hết sức, ông Nên mới nghe được câu hỏi của tôi về giá mỗi tấm ảnh chân dung thời đó.

“Nói thật với cậu, hồi đó kinh tế lại khó khăn”, ông bắt đầu như vậy.

Nửa đầu thập niên 40s là những năm thê thảm của xứ thuộc địa này. Mẫu quốc Pháp chính thức bị Đức chiếm đóng, kinh tế Annam khủng hoảng. Chính quyền thân Phát-xít Vichy được thành lập tại Pháp và quản lý Đông Dương. Người Nhật cũng tiến vào với dã tâm. Một loạt trí thức đấu tranh chính trị bị bắt như nhà văn Khái Hưng, họa sĩ Nguyễn Gia Trí hay nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ.

ảnh 3
Tiệm ảnh Phúc Lai nơi ông Phạm Văn Nên học việc năm 1943 – Ảnh: Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Do ông không còn nhớ được giá cả thời đó, tôi, thông qua fanpage Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã tham khảo ý kiến của quản lý trang này, PGS.TS Dân tộc học Nguyễn Văn Huy, con trai học giả Nguyễn Văn Huyên, cũng người Lai Xá.

Nửa đầu thập niên 40s tại Hải Phòng, tiệm Luminor Photo lấy giá rất đắt: 30 đồng cho một bức chân dung. Nam Cao trong Sống mòn (1943) có đề cập tới lương tháng chỉ 20 đồng của những trí thức dạy trường tư tại đô thị. Có nghĩa, nếu anh giáo Thứ muốn chụp một tấm ảnh chân dung – ta hãy coi như để kỷ niệm quãng đời trai trẻ – thì phải nhịn không tiêu xài trong vòng một tháng rưỡi.

lx.png
Bức ảnh sau khi tô màu của ông chủ hiệu ảnh Luminor Photo cuối thập niên 1930s – Ảnh: Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Huy, lý do của mức giá trên giời xuất phát từ thương hiệu Luminor lừng danh xứ Bắc Kỳ với chuỗi bốn cơ sở tại Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai và Lạng Sơn. Đồng thời, chất lượng ảnh miễn chê và khách hàng chụp xong muốn lấy ảnh ở chi nhánh nào cũng được. Vậy nên, khách hàng của tiệm là chủ yếu là quan lại Pháp giàu có.

luminor photo
Trước khi khét tiếng với thương hiệu Luminor Photo, giữa thập niên 1920s, ông Chành đã start-up thất bại với một tiệm ảnh cũng ở Hải Phòng góp vốn với ông Nguyễn Văn Đính – sau này là chủ tiệm Phúc Lai. Quán lỗ nặng. Ông Chành vẫn rất máu kinh doanh, vay tiền ngân hàng, mua lại cổ phần lập nên tiệm Luminor Photo – Ảnh: Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Còn tại tiệm ảnh Phúc Lai nơi ông Phạm Văn Nên học việc năm 1943, giá mỗi bức chân dung rẻ hơn Luminor tới mười lần. Hiệu của ông chủ yếu phục vụ cho quần chúng lao động muốn làm việc ở đồn điền cao su hay mỏ than Hòn Gai. Thậm chí, tới cả công việc bốc vác ở hải cảng, người chủ cũng yêu cầu phải chụp ảnh.

Chủ tiệm Nguyễn Văn Đính và cậu học việc Phạm Văn Nên cùng quê Lai Xá. Vì vậy, ông Nên được ưu ái: Học nghề miễn phí và bao ăn bao ở, mặc dù chỉ là cơm không. Nhưng nếu không là người làng Lai Xá thì rất khó xin học nghề, đồng thời, hàng tháng phải đem tiền đem gạo đến mới có cơm ăn chỗ nghỉ.

 

Thời gian gần đây, Liam Kelly tức blogger Lê Minh Khải đã phục dựng phần nhạc quốc ca Annam thời chính quyền Vichy thân Phát-xít ở Pháp quản lý.

 

Tuy vậy, ông Nên không kìm được những lời than thở: “Ngày đầu học việc khổ lắm”.

Suốt một năm trời, ông học việc không có lương. Hàng tháng, gia đình từ Lai Xá phải gửi khoảng 5 hào tiền tiêu ra Hải Phòng.

Tôi thẩm tính, 5 hào một tháng chỉ đủ tiền mua một số báo Trung Bắc Chủ nhật giá 4 hào mà Sở Bảo Doãn Kế Thiện và Quán Chi Đào Trinh Nhất viết. Còn muốn chụp một tấm ảnh giá 3 đồng tại tiệm Phúc Lai thì ông Nên phải nhịn ăn nhịn tiêu nửa năm.

tbcn.png
Tôi vô cùng sửng sốt khi biết Trung tá Đặng Văn Tích, người giúp tôi tư liệu về các tiệm ảnh Hà Nội thời 1947-1954 lại là chỗ quen biết với ông Võ An Ninh. Sau 1954, ông Ninh không di cư vào Nam mà ở lại Hà Nội, rất lâu. – Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tôi ngay lập tức hỏi thêm: “Ông có thể làm được gì chỉ với 5 hào?”.

Ông đáp: “Nhiều việc lắm: Cắt tóc và ăn quà. Sáng ăn xôi đậu xanh chỉ một xu, ăn khoai luộc hay ăn ngô chỉ một chinh bằng nửa xu. Một tháng ăn quà chỉ mất hai, ba hào thôi”.

“Khó khăn như vậy. Nông thôn, nhà nào có dăm bảy hào, một đồng là hiếm lắm, quý lắm”.

Pierre Gourou cũng từng đề cập tới thu nhập ít ỏi của người nông dân Bắc Kỳ. Nhưng phải qua lời kể của ông Nên, tôi mới hoảng hốt hiểu được tiền tiêu vài hào của ông Nên ít ỏi ra sao.

Trải qua năm 1945, với những cú lộn nhào chính trị, ông Nên vẫn sống bằng nghề ảnh tại Hải Phòng.

Hành nghề tại Hà Nội bị chiếm đóng

Ông ở lại Hải Phòng tới cuối năm 1946. Với lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Nên trở về làng Lai Xá vài tháng rồi tản cư lên Vĩnh Yên, sau đó là Thái Nguyên.

cứu quốc 19-12-1945.png
Số báo Cứu quốc của Việt Minh ngày 19 tháng Mười Hai 1946. Trong số này, Ban thường trực Quốc hội gửi điếu văn tới ông Nguyễn Sơn Hà, đại biểu dân quốc Hải Phòng. Nguyên nhân cái chết của ông Hà, theo báo Cứu Quốc là để “bảo vệ chủ quyền cho nước nhà”. – Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

“Mình nghĩ bây giờ chiến tranh, nghề ảnh không sống được, đó là sai lầm”, ông hài hước. Tại vùng sơ tán của Việt Minh, ông vẫn có việc thường xuyên: Chụp ảnh kỷ niệm mỗi khi thành lập một đội du kích, dân quân hay đội thiếu nhi.

Tuy nhiên, giá ảnh thời sơ tán rẻ mạt so với thời ở Hải Phòng: 3 hào một kiểu 4×6. “Làm nghề để kiếm gạo là chính”, ông cười. “Lúc đó, không phải riêng mình mà ai cũng khổ”.

Sau sáu năm ở vùng sơ tán, năm 1952, ông Nên cùng người em rể về lại Hà Nội – thành phố lúc đó thực quyền về tay chính quyền Quốc gia Việt Nam, Quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại, Đỗ Quang Giai làm thị trưởng. Thị dân bắt đầu hồi cư từ tháng Ba 1947.

Tới năm 1952, dân số Hà Nội được Nguyễn Bắc, Việt Minh nằm vùng từ năm 1951-54, ghi nhận trong hồi ký Giữa thành phố bị chiếm (NXB Hà Nội ; 1994) là trên 40 vạn người.

4472361582_5101a0f570_o.jpg
Nữ sinh Đại học Đông Dương, Hà Nội năm 1952 – Lưu trữ: manhhai

Ông Nên làm việc tại tiệm Mỹ Lai của người chú tên Phạm Văn Cầm. Hiệu ảnh này thành lập năm 1949 đặt tại 58 Hàng Lọng, bây giờ là Lê Duẩn. Đây là con phố tập trung nhiều tiệm ảnh của người Lai Xá, có lẽ, số lượng chỉ kém Hàng Bông.

Ông Phạm Văn Nên, hào hứng, nhấn mạnh cho tôi: Đây mới là thời kỳ hoàng kim của nhiếp ảnh làng Lai Xá.

Nhiều người viết về Lai Xá nhưng khi hỏi tới họ mù mờ chỉ nhai lại thông tin về ông tổ Khánh Ký; như vậy là chẳng hiểu biết chút nào mà chỉ là vờ vịt.

Qua tài liệu tôi nhận được trước đó của Trung tá Đặng Văn Tích, người Lai Xá đã mở ít nhất 33 cửa tiệm trong khoảng thời gian đó.

Trong quá trình tìm tư liệu để viết phóng sự này, không may mắn, tôi chưa tìm thấy dấu vết của tiệm ảnh Mỹ Lai của ông Nên nhưng cũng thấy vài tiệm ảnh khác như Xuân Dung Photo.

ảnh 6.png
Tiệm Xuân Dung liên tục đăng quảng cáo trên Tiểu thuyết thứ bảy tục bản từ số 04 (Ra ngày 10 tháng Tư 1948) – Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Đó là thời điểm tháng Tư 1949, hiệu Xuân Dung Photo mới mở cửa chạy quảng cáo trên tờ báo uy tín Tiểu thuyết thứ bảy tục bản – nơi đăng tác phẩm của nhiều văn sĩ mà quốc dân đồng bào hiện đã quen tên như Ngọc Giao, Hoàng Cầm, Vũ Đình Long, TchyA Đái Đức Tuấn…

Năm 1952, tiền Đông Dương trượt giá thê thảm, không còn tính bằng hào nữa mà lên tới hàng chục đồng. Những tờ nhật báo như Tia Sáng (Báo quán tại 38 đại lộ Gia Long, bây giờ là phố Bà Triệu) bốn trang đột giá lên tận 1 đồng.

báo tia sáng.png
Trang nhất nhật báo Tia sáng năm 1952 – Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tiệm ảnh Mỹ Lai của ông Nên lấy mỗi tấm 4×6 50 đồng.

Phạm Văn Nên kể tiếp: “Đi làm lương luôn hơn 1.000 đồng”. Lương tháng của ông là 1.600 đồng. Nếu dè sẻn thì tiền ăn mỗi người mất 400 đồng/tháng. Giá gạo Hà Nội, theo trí nhớ ông Nên, 100 đồng cho 15 cân.

Tôi, sẵn tính tò mò đa nghi nên đã kiếm tài liệu để đối chứng. Đó là một hồi ký của một Việt Minh nằm vùng Giữa thành phố bị chiếm. Tác giả Nguyễn Bắc quan sát: 1 tạ gạo giá bằng một chỉ vàng tức 3.000 đồng. Tức 450 đồng mới được 15 cân gạo, đã có sự khác biệt lớn so với lời kể của ông Nên.

gạo.png
Gạo thực sự trở thành vấn đề của những người dân hồi cư về Hà Nội. Trên Tiểu thuyết thứ Bảy tục bản (1949-1950), Vũ Bằng đã triển khai loại truyện thời sự. Đây là nguồn quan trọng để hiểu về khoảng thời gian này. – Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Đối tượng phục vụ chủ yếu của tiệm Mỹ Lai là những công dân Quốc gia Việt Nam đến chụp ảnh làm chứng minh thư và ảnh kỷ niệm của binh lính.

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, Pháp nhận được chi viện từ Hoa Kỳ nên lương tháng của binh linh tăng vọt. Hà Nội thời đó còn một Sở Quản lý Viện trợ Mỹ.

Nhưng những người lính xứng đáng với số tiền phải trả giá bằng mạng sống. Ông Nên kể: Có những nhóm lính ngày mai phải đi chiến dịch, số phận rất chênh vênh, nên rủ nhau chụp ảnh để lại cho vợ con hoặc bạn gái.

sĩ quan pháp.jpg
1950. Sĩ quan Pháp ngồi chật kín quán cafe đối diện bờ hồ Gươm. Philippe Papin gọi Hà Nội thời điểm này là một Châu Âu thu nhỏ – Ảnh: Harrison Forman

Rất nhanh, ông nhìn tôi, thành thực i như tự thú: Gần hai năm ở Hà Nội, phục vụ những đối tượng này nên “cũng kiếm được ít nhiều”.

Tôi bạo dạn hỏi thêm một câu: “Ông đã từng chụp ảnh nhân vật nổi tiếng nào ở Hà Nội trong khoảng thời gian thành phố bị chiếm?”

ảnh 5.JPG
Thật tiếc là ông chưa trả lời câu tôi muốn nghe nhất – Ảnh: Đăng Thành

Những người ở lại Hà Nội khoảng thời gian 1947-54 đều có “vấn đề” khi chính quyền Việt Minh tiếp quản sau ngày 10 tháng Mười 1954. Trần Dần, trong Những ngã tư và những cột đèn, đã viết không thể rõ ràng hơn.

Có lẽ biết mục đích câu hỏi tôi, ông Phạm Văn Nên không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi mà vòng vèo một lúc.

Câu cuối cùng ông nói với một giọng nhiều ẩn ý: “Nói thực với cậu, tôi chỉ vì cuộc sống, gia đình, tận tụy với nghề. Đứng vào giai đoạn nào mình cũng làm ăn cho đúng lương tâm, trách nhiệm với ngành nghề dịch vụ”.

Vài dật sự nhà nghề

Lúc câu chuyện sắp tàn, ông vui vẻ kể tôi vài dật sự trong nghề.

Thời hoàng kim của nhiếp ảnh Lai Xá những năm Hà Nội bị chiếm đóng chỉ được một số người nhìn nhận dựa vào số lượng đông đảo của hiệu ảnh và thợ ảnh. Nhưng vẫn hoàn toàn chưa đề cập tới vấn đề chất lượng.

Tôi nghĩ ngợi băn khoăn, liệu tiệm Xuân Dung Photo có chất lượng i như những lời quảng cáo trên: “Dù người khó tính đến đâu cũng phải công nhận nhà ảnh Xuân-Dung Photo (Số 60 Hàng Bông Hanoi) có nhiều sáng-kiến đặc-điểm về mỹ-thuật hơn cả”.

Trong lúc đang vẩn vơ, tôi xém chút nữa không kịp cầm bút tốc ký tiếp những điều ông Nên rút ra từ chặng đời đó.

Có nhiều người Lai Xá, tuy không có chuyên môn nhưng mượn danh của làng của cụ Khánh Ký cùng lưng vốn hàng triệu, để mở tiệm mướn người làm. Ông Nên cười: “Dốt lắm, có biết nghề đâu”. I như trường hợp của tiệm ảnh Khánh Ký ở Sài Gòn tôi được nghe Trung tá Đặng Văn Tích kể lại.

ảnh 7.png
Tuần báo Phụ nữ Tân văn, bán chạy nhất Đông Dương năm 1929-30 với cây bút chính
Phan Khôi và chủ bút Đào Trinh Nhất, mời độc giả đặt báo dài hạn để đổi lấy một bức ảnh của
tiệm “chụp hình thiệt khéo nhứt” Khánh Ký – Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Sau khi cụ Khánh Ký xuất dương giữa thập niên 20s để lại cửa tiệm cho ông con rể tên Phí Đức Ngôn. Dù uy tín, tiếng thơm từ bố vợ vẫn còn, quan hệ vẫn rất tốt với giới ngôn luận, đặc biệt với tờ Phụ nữ Tân văn, song không thể bù lấp được khoảng trống của chuyên môn và tài quản lý. Năm 1930, Phí Đức Ngôn thôi quản lý tiệm ảnh Khánh Ký và chạy ngược lên Bắc Kỳ mở một hiệu riêng tại Uông Bí (Quảng Ninh).

Bức ảnh ở trên là một quảng cáo tôi tìm được trên Phụ nữ Tân văn năm 1929 – Phan Khôi khi ra Hà Nội làm chủ bút tuần báo Phụ nữ Thời đàm đã kể thời kỳ này báo in 12.000 tờ cũng không đủ để bán – vượt xa Phong hóa của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vài năm sau đó.

Còn ông Phạm Văn Nên ở lại Hà Nội tới cuối năm 1953, không rõ lý do rời đi, để trở lại Thái Nguyên rồi đi kinh tế mới.

Kinh tế tập trung bao cấp của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xỏa sổ những tiệm ảnh tư nhân và dồn tất cả vào những hợp tác xã nhiếp ảnh.

Những người lạc quan nhìn nhận mạch dài hưng thịnh nghề ảnh Lai Xá được nối tiếp với những phóng viên ảnh nổi tiếng như Vũ Đình Hồng – người thuộc Văn phòng Phủ Chủ tịch có nhiệm vụ chụp ảnh Hồ Chí Minh từ năm 1964-69 hay một loạt ký giả chiến trường của Việt Nam Thông Tấn Xã và nhật báo Nhân Dân.

Nhưng kỳ thực, cái thời cực thịnh của nhiếp ảnh Lai Xá đã chấm dứt một cách đột ngột, bất ngờ. Mối đứt gẫy mãi mãi không thể nối lại. Viết xong những dòng cuối cùng, tôi cũng vẫn căng thẳng và hy vọng, một cách tự tin thái quá, tôi sẽ kịp đưa phóng sự này tặng ông Phạm Văn Nên, người rồi sẽ ra đi, mang theo quá khứ của một thời đã qua.

Đăng Thành

Những kẻ phản kháng

Câu chuyện về đội bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam

8 bình luận về “Theo dấu thợ ảnh Lai Xá từ thời thuộc địa tới Hà Nội bị chiếm đóng

  1. “Theo dấu thợ ảnh Lai Xá” là một tác phẩm súc tích, viết công phu và do đó mà có giá trị lâu dài. Cách đây vài tháng, với tư cách một người con làng Lai Xá và một nhà xã hội học, tôi có xin phép gợi ý là Bảo tàng nhiếp ảnh nên khuyến khích viết những hồi ức hoặc bút ký về sự kiện, con người hoặc tiệm ảnh đặc sắc gốc Lai Xá ở khắp nơi trong nước. Quy tụ lại thành sách quý của Bảo tàng. “Theo dấu…” là phát pháo lệnh mở đầu chăng?

    Thích

  2. Con trai ông Nên từng là phóng viên ảnh chuẩn nhật báo Tiền Phong tên là Yên (Phạm Yên) chứ không phải Phạm Thành. Ông Phạm Thành là “Vua buồng tối” vừa qui tiên hôm 5/6/2019, hưởng thọ 88 tuổi…

    Thích

  3. Kính gửi ông Đăng Thành.
    Xin tự giới thiệu : Tôi là Phí Đức Quang,là nhà báo đã nghỉ hưu,nhưng ở đây tôi chỉ nói ở góc độ tôi là cháu ngoại cụ Khánh Ký,cháu đích tôn cụ Phí Đức Môn( chứ không phải là Ngôn – như trong bài viết của ông).
    Tôi muốn viết những dòng này trước tiên để cảm ơn ông về sự quan tâm của ông với nghề ảnh Lai xá và ông tổ nghề của làng.Dù hơi muộn nhưng hôm nay vô tình tôi đã được đọc bài viết của ông.Cũng nhân tiện xin đính chính một vài chi tiết trong bài viết :
    1- Ông Phạm Văn Thành trong bài viết không phải là con ông Phạm văn Nên mà là em ruột ông Nên.Con ông Nên làm phóng viên ở báo Tiền phong là anh Phạm Yên.Anh Yên cũng đã nghỉ hưu.
    2- Con rể cụ Khánh Ký là ông Phí đức Môn chứ không phải là cụ Ngôn.
    Còn một số vấn đề nữa không tiện nói ở đây.Tôi hiện nay sinh sống tại Hà nội.Nếu có thể được rất mong được gặp ông trực tiếp.
    Xin cảm ơn

    Thích

  4. Cảm ơn ông Phạm Cường và Phí Đức Quang đã đính chính hai thông tin không đúng.
    Ông có thể để lại thông tin liên lạc ở phần bình luận. Tôi sẽ không cho hiện lên phần bình luận mà ai cũng nhìn thấy.

    Thích

  5. Tôi là con trai út của cụ Phạm Văn Uyển, người thợ ảnh có thâm niên 64 (1924-1988) năm làm ảnh liên tục ở Hải Phòng và Hà Nội. Bố tôi là bậc cha chú của ông Nên (ông Nên gọi là chú xưng cháu). Từ cuối thập niên 1920 đầu thập niên 1930, bố tôi đã là thợ cả (trong đội hình 13 người thợ) ở tiệm Phúc Lai Hải Phòng trên đường Bonnal (trước cửa nhà hát lớn Hải Phòng). Bố tôi xưa được giới làng nghề trong nước tôn xưng danh hiệu “Nhất Bắc Kỳ, nhì Đông Dương” về Buồng sáng (chụp Salông và chấm sửa ảnh). Hôm vừa rồi tôi có thảo luận bài viết của tác giả Dang Thanh với anh Phạm Sơn Mỹ (con trai đầu của cụ Phạm Văn Tám- cụ Tám cũng là bậc cha chú của ông Nên, người thợ ảnh gắn bó cả đời với tiệm Phúc Lai Hải Phòng). Anh Mỹ còn là con mày của vợ chồng cụ Phúc Lai. Anh Mỹ cho biết thông tin trong bài viết về chuyện đẳng cấp tiệm Phúc Lai thấp hơn tiệm Luminor là không chính xác. Vì khách quen độc quyền của tiệm Phúc Lai Hải Phòng gồm rất nhiều thương gia Hoa Kiều và các công chức người Pháp giàu có bậc nhất ở Hải Phòng nên tiệm Luminor của cụ Hai Chành (tức Nguyễn Văn Chành) không cạnh tranh được và đành phải dẹp tiệm ở Hải Phòng để về Hải Dương và Lạng Sơn mở tiệm. Cụ Hai Chành và cụ Tư Đính (cụ Phúc Lai Hải Phòng- Nguyễn Văn Đính) là anh em con chú con bác ruột nhưng trong cạnh tranh tư bản thì sòng phẳng chứ không ai nhường ai…
    Bố tôi sau khi làm thợ cả ở tiệm Phúc Lai Hải Phòng đúng 10 năm thì chuyển lên làm ở Hanoi Central Photo ở 22 Tràng Thi Hà Nội (cũng là tiệm cụ Phúc Lai Hải Phòng có góp cổ phần) cho tới 1954. Sau 1954, cụ Uyển vào công nhân bậc 7 ở Công ty Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Hà Nội (tiệm 11 Hàng Khay) cho tới khi nghỉ hưu (1970). Sau đó làm hợp đồng dài hạn cho Phòng ảnh Báo của Tổng cục Hậu cần QĐNDVN ở 18 Cửa Đông Hà Nội cho tới 1988 mới nghỉ hẳn khi không còn bất cứ cỡ kính lúp nào thích hợp để soi chấm ảnh nữa. Cụ mất 3 năm sau đó (1991). Khi thay áo quan (bốc mộ) sương sống của cụ dính liền nhau như chiếc ba toong do sinh thời cụ có thâm niên ngồi chấm ảnh đạt kỷ lục Guiness của VN và thế giới…
    Tôi không theo được nghề của cụ mà chỉ học đủ biết về nghề ảnh để làm nghề quay phim và đạo diễn Điện ảnh phim Tài Liệu. Năm nay tôi 68 tuổi. Còn anh Phạm Sơn Mỹ năm nay 73 tuổi, anh theo nghề của bố (cụ Tám) cho tới khi nghỉ hưu ở Hải Phòng. Hiện anh sang định cư ở Hoa Kỳ theo bảo lãnh của con trai…

    Thích

  6. PS: Tôi đã tốt nghiệp khoa Quay phim ở Trường ĐAVN và Khoa đạo diễn ở ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Tôi đã là tác giả của 30 bộ phim ở Hãng phim Tài Liệu & Khoa học TW với chức danh quay phim , đạo diễn và biên kịch.
    Hiện nay tôi đang định cư tại CHLB Đức.

    Thích

  7. Cảm ơn bác Phạm Cường. Cháu chưa đọc được mẩu quảng cáo trên báo cũ về giá ảnh hai tiệm Phúc Lai và Luminor, cho nên thông tin ấy cháu lấy từ nguồn thứ cấp từ page Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, không phải từ ông Phạm Văn Nên. Quãng ông Phạm Văn Nên làm ở tiệm Phúc Lai, từ 1943 đến 1946, cũng là quãng khủng hoảng kinh tế, vật giá rất biến động (người hồi đó lấy tiêu chuẩn để định giá là giá gạo, như cháu đọc báo), cho nên không rõ tương quan thương hiệu giữa hai tiệm đó thời ông Phạm Văn Nên làm có khác so với thời bác đã nói? Thông tin này năm 2017 cháu phỏng vấn ông Phạm Văn Nên đã quên chưa hỏi.

    Thích

Bình luận về bài viết này