Những kẻ phản kháng

Tôi rất thích những nhân vật phản kháng/chống đối cuộc đời/xã hội.

Mấy nhà luân lý tự phong cao giọng mà phán rằng: Đời là thế, sống tiếp đi. Rồi một lũ nhao nhao nhại lại mấy câu rởm đời, mất dạy kiểu vậy. Những kẻ như trên hoặc sợ những thế lực nào tới thủ tiêu không chỉ bản thân; sợ bị tai họa ập tới. Có lẽ họ sợ chết hoặc sợ nhìn thẳng vào cái chết.

Những kẻ phản kháng kia, phần nhiều là vô danh. Họ không chấp nhận thỏa hiệp, ương bướng mà thi gan với đời và đôi khi, sẵn sàng chết cho lý tưởng.

Tôi bị thu hút bởi những người phụ nữ tân thời Hà Nội thập niên 20s và 30s. Cái chế độ gia đình thủ lậu, những luân lý chỉ có lợi cho bọn đàn ông mà khinh rẻ, chà đạp phụ nữ đã gây ra tất cả.

Giở báo thời đó ra xem, liên tục là tin những vụ tự sát ở Hồ Gươm; khoảng ba vụ trong một tuần lễ theo quan sát của báo Phụ nữ Tân văn năm 1929 [1]

Bọn có học mất dạy đổ tội việc tự sát của phụ nữ cho sự suy thoái của giới trẻ và tiểu thuyết ái tình.

Tôi nghe được những câu như vậy nhiều lần rồi, từ nhiều thế hệ; họ, tỏ vẻ trăn trở và đau đáu, cứ như đang suy nghĩ để giải cứu lớp trẻ trong khi bản thân hoàn toàn vô can. Không, họ chính là những người trực tiếp nhúng tay vào những sự việc đó; cái xã hội hiện hành là sự nối tiếp của nhiều những thế hệ trước đó.

Phan Khôi, trong giai đoạn tung hoành trong làng báo Sài Gòn, đã viết trên tuần báo Phụ nữ Tân văn như này: “Sát nhân thì kẻ giết chịu lấy trách nhiệm, còn tự sát thì xã hội phải chịu trách nhiệm và phải tìm phương cứu chữa”. [2]

Ông luận rằng không có sự tự sát nào vô giá trị. Vụ tự sát của Nguyễn Tri Phương hay Phan Thanh Giản có giá trị của nó thì việc những phụ nữ tự sát cũng có giá trị của nó.

Phan quân luận tiếp: “Chỉ kể một cái ý chí của người tự tử đã làm cho chúng ta phải khâm phục. Vì họ có một là cái lòng bạo dạn ; hai là cái lòng quả quyết.”

Vì phàm là con người, ai chẳng muốn sống và không muốn chết; nhưng vì đời họ hẩm quá bất công quá mà họ không chấp nhận thỏa hiệp.

Phan Khôi kết luận: “Sự tự sát là đáng quý đáng trọng ; những phụ nữ tự sát là đáng cho ta thương xót và kính phục”.

Những người phụ nữ tự sát kia, chỉ là một trong số rất rất nhiều nhân vật phản kháng. Những người chết gây phiền toái rất nhiều cho người sống.

Tôi luôn thích giao tiếp với những cái xác chết. Có những người tôi đặc biệt hạnh phúc mà lần giở đời họ, để làm quen rồi thông cảm và có thể, thấu hiểu.

Bằng chính cuộc đời mình, họ tự chứng minh tâm thế khẳng khái của mình, vào những thời điểm kinh khủng nhất cũng nhất quyết không chọn phe.

Làm người, tức là luôn luôn phải lựa chọn: buông xuôi để trôi theo cái xã hội đang hiện hành hay ưng ngạnh phản kháng.

 


[1] [2] Phan Khôi. “Luận về phụ nữ tự sát”. Phụ nữ tân văn số 22 (26 tháng Chín 1929). Hiện tại, quý độc giả có thể tìm đọc bài viết trên qua cuốn sách Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1929 (NXB Đà Nẵng. Lại Nguyên Ân biên soạn. 2004).

Ảnh đầu bài: Lemur Cát Tường. “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Phong hóa số 97 (11 tháng Năm 1934). Trang 13

 

Câu chuyện về đội bóng đá nữ đầu tiên tại Việt Nam

 

Bình luận về bài viết này